[Tìm Hiểu Thánh Lễ] Thánh Lễ Là Gì ?

29-03-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 6394 lượt xem

Từ thời các Tông đồ, Thánh lễ đã là hoạt động trung tâm của phụng tự Kitô giáo. Bởi lẽ, Thánh lễ không là gì khác hơn việc cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc ly, khi Người truyền cho các Tông đồ “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. Lc 22,19).

Thật là khó để tóm tắt trong một vài câu tất cả những gì diễn ra trong Thánh lễ, bởi vì toàn thể mầu nhiệm cứu độ được gắn liền với phụng vụ Thánh Thể. Thật vậy, như Đức Gioan Phaolô II viết, mầu nhiệm cứu độ về sự chết và sống lại của Đức Giêsu “như được thu gọn, tiên báo và tập trung vĩnh viễn trong hồng ân Thánh Thể”.1 Ở đây, chúng ta sẽ xem xét vắn tắt ba khía cạnh của Thánh Thể làm nền tảng để bước vào Thánh lễ:

  1. Thánh Thể là việc tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô trên thập giá,
  2. Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu,
  3. Thánh Thể là sự hiệp thông thánh thiêng với Chúa chúng ta.

Thánh lễ là Hy tế

Việc cử hành Thánh Thể thường được gọi là “hy tế Thánh lễ”. Nhưng Thánh lễ là hy tế theo nghĩa nào? Phải thừa nhận rằng điều này không dễ dàng nhận thấy. Xét cho cùng, các tín hữu Công giáo không đến dự lễ như những người Do Thái cổ thời lên đền thờ của họ, đem những con vật tới Thánh điện để các tư tế sát tế, mổ thịt, thiêu cháy và dâng lên Thiên Chúa. Hy tế được cử hành trong Thánh lễ rõ ràng không phải là một loại gia súc, con chiên hay con dê. Tuy nhiên, Thánh lễ nối kết với một hy tế thực sự – Hy tế của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng nhờ sự chết trên thập giá, đã dâng lên Chúa Cha đời sống mình, như một lễ vật toàn vẹn và cứu độ trần gian. Theo giáo huấn Công giáo, Thánh lễ không đơn thuần là nhớ lại hoặc tượng trưng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh lễ hiện tại hoá, một cách bí tích, hy tế cứu độ của Chúa Giêsu trên đồi Canvê, đến nỗi sức mạnh cứu độ của Thánh lễ có thể được áp dụng vào đời sống chúng ta cách đầy đủ hơn. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy: “Vì trong hy tế thần linh được cử hành trong Thánh lễ, chính Đức Kitô Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay cũng được hiến dâng và được sát tế mà không đổ máu, nên hy tế này thật sự có giá trị đền tội”.2 Việc xem xét kỹ lưỡng những lời Đức Giêsu nói trong bữa Tiệc ly có thể soi sáng khía cạnh Thánh lễ như một hy tế.

Trong đêm trước ngày chịu chết, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người, đồng thời là bảo chứng tình yêu. Trong khung cảnh lễ Vượt qua, Người cầm lấy bánh và nói đây là thân mình Người bị trao nộp, Người cũng cầm lấy chén rượu và nói đây là máu Người đổ ra để nhiều người được tha tội. Người kết thúc bữa Tiệc ly bằng cách truyền cho các Tông đồ cử hành bữa ăn này như một tưởng nhớ diễn ra trong phụng vụ: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Một trong những điểm quan trọng là cần xét xem ngôn ngữ Chúa Giêsu sử dụng khi nói về Mình và Máu Người có hàm ý hy tế rõ ràng như thế nào. Người nói rằng thân mình Người sẽ được hiến dâng và máu Người sẽ đổ ra. Như sẽ thấy, ngôn ngữ này gợi lên nghi lễ hiến tế của người Do Thái, trong đó thân xác con vật được hiến dâng và máu nó sẽ đổ ra khi bị sát tế. Vì thế, trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã báo trước hy tế của Người trên thập giá khi ám chỉ mình và máu Người được dâng hiến, tựa như chiên Vượt qua bị sát tế.

Điểm thứ hai là quan niệm của người Do Thái về tưởng nhớ. Trong Kinh Thánh, tưởng nhớ không chỉ là việc nhớ lại một sự kiện đã qua, nhưng là hiện tại hoá sự kiện đó. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, Người truyền cho các Tông đồ hiện tại hoá hy lễ Mình và Máu Người trong bữa Tiệc ly như là việc tưởng nhớ theo Kinh Thánh. Thật vậy, Mình và Máu Chúa Giêsu nói đến trong bữa Tiệc ly chính là Mình và Máu của Người được dâng hiến trên đồi Canvê, và đây là điều được hiện tại hoá cho chúng ta trong Thánh lễ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích: “Đức Giêsu không chỉ khẳng định rằng những gì Người đang trao cho các Tông đồ ăn và uống là mình và máu Người; mà còn diễn tả ý nghĩa hiến tế và hiện tại hoá, về mặt bí tích, hy lễ của Người sắp được hiến dâng trên Thập giá để cứu độ mọi người.”3 Cũng vậy, sách Giáo lý dạy rằng: Thánh lễ “hiện tại hoá hy tế thập giá”.4 Nhờ Thánh Thể, “hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”.5

Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu

Khía cạnh thứ hai của Thánh Thể, đó là Thánh Thể bao hàm sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu. Giáo hội Công giáo dạy rằng, mặc dầu Chúa Kitô hiện diện giữa dân Người theo nhiều cách – trong người nghèo, trong Lời Người, trong các bí tích, trong lời cầu nguyện của hai hay nhiều người họp nhau nhân danh Người, nhưng Người hiện diện trong Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị. Bởi vì, Thánh Thể thực sự chứa đựng Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Đức Giêsu Kitô. Qua Thánh Thể, “Chúa Kitô toàn thể và trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người hiện diện cách chắc chắn.”6

Thánh Thể không chỉ là biểu tượng thánh về Chúa Giêsu. Không phải Chúa Kitô chỉ hiện diện thiêng liêng một cách mơ hồ trong bánh và rượu. Trong bữa Tiệc ly, Người cầm lấy bánh và rượu và nói: “Đây là Mình Thầy… Đây là chén Máu Thầy”. Không giống như các cộng đoàn các Kitô hữu khác quan niệm Thánh Thể đơn thuần chỉ là biểu tượng hoặc “lời nhắc nhở” về Chúa Giêsu, Giáo hội Công giáo khẳng định rằng trong Thánh lễ, khi linh mục đọc những lời của Đức Giêsu lúc truyền phép, bánh và rượu trên bàn thờ được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Thuật ngữ được thần học sử dụng để nói về sự biến đổi này là transubstantiatio – biến đổi bản thể, cho thấy nhờ việc thánh hiến bánh và rượu “đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người”.7

Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là sự thay đổi hoá học. Hình dáng bề ngoài có thể nhận thấy của bánh và rượu vẫn như thế. Bánh thánh vẫn giống như bánh mì, có mùi vị và cảm giác như bánh mì. Và đối với giác quan, chén lễ vẫn chứa đựng vật chất là rượu bình thường. Cấu trúc hoá học của bánh và rượu vẫn không thay đổi. Nhưng dưới hình dáng này, Mình và Máu Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể.

Khi chính Chúa Giêsu giảng về Thánh Thể, Người sử dụng ngôn ngữ có tính hiện thực sâu sắc để diễn tả việc chúng ta sẽ dự phần vào Mình Máu Người như thế nào. Đức Giêsu không chỉ nói về bánh và rượu sẽ là Mình và Máu Người trong bữa Tiệc ly (“Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy”), nhưng khi đưa ra giáo huấn rộng nhất về Thánh Thể, Người nói rằng chúng ta phải ăn thịt và uống Máu Người. Việc dự phần vào Mình và Máu thực sự của Người quá quan trọng đến nỗi Người dạy: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,53-56). Thánh Xyrilô thành Giêrusalem, thần học gia Kitô giáo sơ khai, khuyến khích các tín hữu tín thác vào những lời Chúa Giêsu dạy về Thánh Thể thực sự là Mình và Máu Người: “Anh em đừng xem bánh và rượu chỉ như những yếu tố tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ ràng rằng bánh và rượu là Mình và Máu Người: đức tin bảo đảm cho anh em điều này, mặc dù giác quan đề nghị thể khác”.8

Lạy Đức Emmanuel, xin hãy đến

Một trong các tước hiệu của Chúa Giêsu theo Kinh Thánh là “Emmanuel,” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Và Người ao ước ở gần chúng ta đến nỗi Người ban cho chúng ta quà tặng về sự hiện diện của Người cách bí tích trong Thánh Thể. Thế nên, Người tiếp tục là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – trong mỗi và mọi Thánh lễ được cử hành trên khắp thế giới. Không bao giờ được coi thường món quà này. Sự kiện kinh ngạc nhất trong vũ trụ xảy ra trong mỗi Thánh lễ: Chính Con Thiên Chúa ngự xuống bàn thờ và cư ngụ giữa chúng ta.

Nhưng ước muốn ở lại với chúng ta của Thiên Chúa không dừng lại ở đây. Chúa Kitô tiếp tục hiện diện dưới hình bánh và hình rượu, thậm chí ngoài Thánh lễ, bao lâu bánh thánh còn tồn tại. Đó là lý do giải thích tại sao trong tất cả các nhà thờ Công giáo, Thánh Thể phải được lưu giữ trong một nơi thánh, gọi là Nhà tạm. Chúng ta nên tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể bằng cách bái gối hoặc bằng một số cử chỉ thánh khác nhằm diễn tả lòng tôn thờ Chúa chúng ta đang ngự nơi nhà tạm. Chúng ta cũng nên cố gắng dành thời giờ cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể ngoài Thánh lễ trong nhà thờ hay nhà nguyện. Sự thân mật như thế với Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể có thể đem lại sức mạnh và niềm an ủi lớn lao cho linh hồn. Thánh Anphongxô Ligôri lưu ý đây là một trong những thói quen có tầm quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện: “Trong tất cả các hình thức đạo đức, việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Cực thánh là việc trọng đại nhất sau các bí tích, được Thiên Chúa quý mến nhất, đồng thời cũng hữu ích nhất cho chúng ta”.9 Đức Gioan Phaolô II nói rằng khi chúng ta ở lại trước nhan Chúa nơi Thánh Thể thì cũng giống như người môn đệ Chúa yêu tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly.

Trong tất cả các nhà tạm trên khắp thế giới, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ở đó, trong bí tích Cực thánh, chúng ta gặp gỡ chính Chúa Giêsu, Đấng đã đi lại trên các con đường Paléttin, đã chữa lành kẻ đau ốm, đã kêu gọi mọi người hoán cải và ban ơn tha tội cho họ. Chính Chúa Giêsu vẫn tiếp tục công việc của mình là chữa lành, tha tội, và cứu độ thế gian, chỉ khác là bây giờ Người đến gặp gỡ chúng ta một cách bí tích trong Thánh Thể. Chúa Giêsu mong mỏi chúng ta đến gần Người và Người muốn thực hiện những công việc lớn lao nhất trong cuộc đời chúng ta, như Người đã làm cho Dân Người 2000 năm trước. Nhưng chúng ta phải đến với Người, và phải tin vào Người. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng Chúa Giêsu rất mong mỏi chúng ta viếng thăm Người trong bí tích Thánh Thể: “Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta đến với bí tích tình yêu này. Đừng từ chối đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm với đức tin tràn đầy…Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể.”10

Sự hiệp thông linh thánh

Tân Ước mặc khải Chúa Giêsu như là chiên Vượt qua, bị sát tế trên đồi Canvê vì tội lỗi chúng ta (x.1Cr 5,7-8; 1Pr 1,19; Kh 5,6). Tuy nhiên, trong lễ Vượt qua, cũng như các nghi thức hiến tế khác của người Do Thái, chỉ có động vật bị sát tế thôi thì chưa đủ. Ăn thịt chiên hiến tế là một phần thiết yếu trong việc mừng lễ Vượt qua (x.Xh 12,8-12). Có một bữa ăn hiệp thông theo sau việc hiến tế. Đây là bữa ăn chia sẻ nhằm diễn tả sự gắn bó với giao ước và củng cố mối hiệp thông giữa người tham dự với Thiên Chúa.

Điều này có những hàm ý quan trọng giúp hiểu về Thánh Thể như là sự hiệp thông. Nếu Chúa Giêsu là chiên Vượt qua mới, được hiến tế vì tội lỗi chúng ta, thì dường như hợp lý khi có một bữa ăn hiệp thông theo sau việc hiến tế của Người trên thập giá – một bữa ăn, trong đó chúng ta chia sẻ Chiên hiến tế đích thực của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô. Khi xem xét điều này theo cái nhìn Kinh Thánh, hầu như chúng ta có thể mong đợi ở đó một bữa ăn hiệp thông tuôn trào từ hy lễ của Chúa Kitô. Bữa ăn này sẽ dựa theo khuôn mẫu Kinh Thánh về hy lễ và hiệp thông.

Theo hướng này, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô chỉ ra điều phản chiếu quan niệm của người Do Thái về hy lễ và hiệp thông. Ngài dạy rằng: “Chúa Kitô, chiên Vượt qua của chúng ta, đã bị sát tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ” (1Cr 5,7-8). Cần lưu ý rằng, hy lễ của Chúa Kitô được lĩnh hội để đạt tới đỉnh điểm trong bữa tiệc mừng lễ. Sau đó, thánh Phaolô cho biết bữa tiệc mừng lễ mà ngài nói đến là gì: Đó là tiệc Thánh Thể. Ở chương 11, ngài đưa ra trình thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, và trong chương 10, ngài nói về mối hiệp nhất sâu xa được hình thành qua việc chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Chẳng ngạc nhiên gì khi Giáo hội Công giáo nhận ra rằng hiệp lễ là chóp đỉnh của việc tôn thờ Thánh Thể. Sách Giáo lý giải thích: “Việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự hiệp nhất mật thiết của các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta.”11 Thật vậy, hiệp lễ là sự kết hiệp sâu xa nhất mà chúng ta có thể có được cùng với Thiên Chúa. Thiên Chúa đến với chúng ta một cách bí tích trên bàn thờ trong Thánh lễ, và vẫn hiện diện với chúng ta nơi nhà tạm, ngoài Thánh lễ. Chỉ điều này thôi đã đủ gây kinh hoàng rồi! Nhưng ước muốn của Thiên Chúa là hiệp nhất chính mình với chúng ta thậm chí còn đi xa hơn nữa. Khi hiệp lễ, chính Chúa đi vào trong thân thể chúng ta, kết hiệp chính Người với linh hồn chúng ta cách mật thiết nhất.

Đây là lúc chúng ta hoàn toàn chú tâm vào Chúa, vì Người cư ngụ trong chúng ta sau khi hiệp lễ. Khi trở về chỗ ngồi trong nhà thờ, chúng ta nên bộc lộ lòng mình với Chúa – yêu mến, cảm tạ Người, trình bày với Người những nhu cầu và thỉnh nguyện sâu thẳm nhất. Trong giây phút sau hiệp lễ này, chúng ta trở nên giống Đức Maria, người cưu mang Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người trong cung lòng mình suốt chín tháng. Thật là nhiệm mầu! Đức Maria cưu mang Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu độ trong cung lòng mình! Tuy nhiên, điều diễn ra nơi Đức Maria, theo cấp độ nào đó, cũng diễn ra một cách bí tích nơi chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa.12 Chúng ta cũng trở thành những nhà tạm sống động, đón tiếp chính Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người đến hiện diện. Đây không phải là lúc chúng ta nhìn quanh xem người ta mặc gì, cũng chẳng phải là lúc nghĩ về trận bóng đá vào chiều hôm đó sau Thánh lễ, hoặc làm sao để nhanh chóng lấy xe ra khỏi bãi. Đây là thời gian nghỉ ngơi với Chúa chúng ta, Đấng vì quá yêu thương, đã đến và ở lại nơi chúng ta.

Hiệp lễ thường xuyên có thể có tác động lớn lao trong đời sống chúng ta.13 Hiệp lễ có thể giúp chúng ta Vượt qua yếu đuối và tội lỗi, hướng dẫn chúng ta quyết định, trợ lực trong thử thách và đau khổ, đồng thời làm cho chúng ta có thể lớn lên trên đường thánh thiện. Khi được dưỡng nuôi bằng Mình và Máu Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta dần dần được biến đổi nhờ sự sống của Người cư ngụ trong chúng ta. Theo nghĩa nào đó, như một thành ngữ hiện đại diễn tả, chúng ta trở nên điều chúng ta ăn! Đây là quan điểm mà Đức Lêô Cả trước đây đã đưa ra: “Mục đích của việc chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô chẳng có gì hơn là chúng ta biến đổi thành điều chúng ta đón nhận, và luôn mặc lấy, trong tinh thần và thân xác, Đấng mà nơi Người chúng ta đã chết, đã được mai táng và đã sống lại.”14

Tóm lại, chúng ta đã nhận thấy Thánh lễ là hy lễ, là sự hiện diện thực sự, và là sự hiệp thông linh thánh. Với nền tảng căn bản này, bây giờ chúng ta chuẩn bị bước vào các phần của Thánh lễ, dựa vào Kinh Thánh.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com