[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 5. Kinh Vinh Danh và Lời Tổng Nguyện

13-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2925 lượt xem

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa,
chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa,
chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ chúa vì vinh quang cao cả Chúa,
lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
là Chúa Cha toàn năng…”


 

Âm điệu phụng vụ bây giờ chuyển từ thống hối buồn sầu sang tán tụng hân hoan khi chúng ta bước vào kinh nguyện được gọi là kinh Vinh danh. Kinh nguyện này thường được hát, nhưng không như một bài thánh ca thông thường. Câu mở đầu của kinh Vinh danh được lấy từ những lời ca của các thiên thần trên cánh đồng Bêlem, loan báo cho những người chăn chiên Tin Mừng Chúa Kitô giáng sinh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Thật là thích hợp khi chúng ta hát những lời này lúc bắt đầu phụng vụ Thánh lễ Chúa nhật (trừ Mùa Vọng và Mùa Chay), bởi vì điều này có một ý nghĩa, theo đó mọi Thánh lễ đều làm cho mầu nhiệm giáng sinh lại được hiện diện. Như Thiên Chúa đã được biểu lộ nơi Hài Nhi Giêsu hơn 2000 năm về trước, ngày nay, Người cũng được làm cho hiện diện một cách bí tích trên bàn thờ lúc truyền phép trong mọi Thánh lễ. Vì thế, chúng ta chuẩn bị bản thân để chào đón Chúa Giêsu bằng cách lặp lại cùng những lời ca tụng mà các thiên thần đã sử dụng để đưa tin Chúa Kitô ngự đến Bêlem.

1. Một Tấm khảm Kinh Thánh

Phần còn lại của kinh Vinh danh tiếp tục thấm đẫm những lời rút ra từ Kinh Thánh. Thực vậy, kinh nguyện này, một kinh nguyện từ thời Kitô giáo sơ khai, có thể được mô tả như một tấm khảm đầy các tước hiệu Kinh Thánh dành cho Thiên Chúa và các thành ngữ ngợi khen phổ biến trong Kinh Thánh. Người Kitô hữu nào đã chiêm niệm Kinh Thánh, thì cũng sẽ lắng nghe được những vang dội lời của Kinh Thánh trong mỗi bước của kinh nguyện này. Thực vậy, khi hát kinh Vinh danh, các Kitô hữu hợp đoàn với những vĩ nhân, cả nam và nữ, suốt dòng lịch sử cứu độ – và thậm chí cả các thiên thần và các thánh trên trời – trong lời ca tụng Thiên Chúa vì công trình cứu độ và vinh quang của Người.

Kinh nguyện này theo một mô hình Ba Ngôi, bắt đầu với lời ca tụng Chúa Cha, Đấng được gọi là “Thiên Chúa, Cha Toàn năng” và “Vua trên trời” – là hai tước hiệu dành cho Thiên Chúa phổ biến trong Kinh Thánh. Người thường được gọi là “Thiên Chúa Toàn Năng” (St 17,1; Xh 6,3) hoặc “Đức Chúa Toàn Năng” (Br 3,1; 2 Cr 6,18) hoặc chỉ đơn giản là “Đấng Toàn Năng” (Tv 68,14; 91,1). Trong sách Khải huyền, các thiên thần và các thánh trên trời nhiều lần ca tụng Người là “Thiên Chúa Toàn Năng” (Kh 4,8; 11,17; 15,3; 19,6).

Tương tự, kinh Vinh danh ca tụng Thiên Chúa là Vua trên trời. Điều này cũng cho thấy Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Khắp nơi trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được mô tả như là vua (Tv 98,6; 99,4; Is 43,15), và là Vua của Ítraen (Is 44,6), Vua vinh quang (Tv 24,7-10), thậm chí là Đại vương trổi vượt chư thần (Tv 95,3). Khi gọi Thiên Chúa là Vua trên trời trong kinh Vinh danh, chúng ta nhìn nhận Người là “Vua các vua” và biểu lộ sự chấp thuận vương quyền Người trong cuộc đời chúng ta.

2. Khởi đầu là Cha

Bằng cách gọi Thiên Chúa là “Đấng Toàn Năng” và “Vua trên trời” trong kinh Vinh danh, chúng ta ca tụng Thiên Chúa vì uy quyền tối cao của Người trên trời dưới đất. Nhưng, như sách Giáo lý giải thích, sự toàn năng của Thiên Chúa phải được nhìn trong bối cảnh tình phụ tử – đây chính là điều chúng ta thể hiện trong kinh Vinh danh. Chúng ta thưa với Người: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng”. Chúng ta không chỉ nói về sức mạnh và vương quyền của Thiên Chúa. Chúng ta luôn ca tụng Người là Cha trên trời của chúng ta. Nếu Thiên Chúa chỉ là vị vua đầy sức mạnh, có lẽ chúng ta có cảm tưởng rằng Người có thể giống như một nhà độc tài, tùy ý sử dụng quyền lực để làm bất cứ điều gì Người muốn. Nhưng Thiên Chúa có điều mà sách Giáo lý gọi là “sự toàn năng đầy tình cha”.1 Như người cha tốt lành muốn điều tốt nhất cho con cái mình, quyền năng của Thiên Chúa, vốn hoàn toàn hài hoà với tình yêu của Người, sẽ luôn tìm kiếm thiện ích và đáp ứng cho chúng ta mọi nhu cầu.2

Vì nhận ra Thiên Chúa chúng ta tốt lành dường bao – khi biết rằng Người là Cha yêu thương, mặc dù toàn năng, nhưng lại tự do chọn cách chia sẻ sự tốt lành của mình với chúng ta – chúng ta không thể không thờ phượng, tạ ơn và ca tụng Người. Giống như những người đang yêu nói đi nói lại với nhau bằng nhiều cách khác nhau: “Anh yêu em” (em yêu anh), chúng ta cũng diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa khi nói: “Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”. Điều thú vị nhất nằm ở câu cuối cùng. Câu này cho biết chúng ta ca tụng Thiên Chúa vì vinh quang của Người. Đây là cách diễn tả một lời chúc tụng thuần túy, – Chúng ta yêu mến Thiên Chúa không chỉ vì những điều Người làm cho chúng ta, nhưng vì chính Người, tức là vì tình yêu và sự tốt lành rực rỡ của Người.

3. Một câu chuyện trong ba hành động

Phần tiếp theo của kinh Vinh danh, theo nghĩa nào đó, kể lại một câu chuyện – câu chuyện về Chúa Kitô. Giống như vở kịch ba hồi, kinh Vinh danh cũng tóm tắt câu chuyện về công trình cứu chuộc của Chúa Kitô lần lượt từ 1) xuống thế làm người 2) chịu chết để cứu chuộc nhân loại, rồi 3) sống lại khải hoàn và lên trời vinh hiển.

“Lạy Con một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa là Thiên Chúa,
là Chiên Thiên Chúa,
là Con Ðức Chúa Cha,
Chúa xoá tội trần gian,
xin thương xót chúng con,
Chúa xoá tội trần gian,
xin nhậm lời chúng con cầu khấn.
Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha,
xin thương xót chúng con.”

Trong “hồi thứ nhất” Chúa Giêsu được gọi là “Con Đức Chúa Cha” và “Con Một Thiên Chúa”. Điều này gợi lại rất nhiều bản văn Tân Ước cho thấy tư cách làm Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu (chẳng hạn Ga 5,17-18; 10,30-38; 2Cr 1,19; Cl 1,13; Hr 1,1-2). Đặc biệt nhất là, các tước hiệu này vọng lại một nét đầy ấn tượng tự ngôn của Tin Mừng thứ tư, hướng chúng ta vào mầu nhiệm Nhập thể – mầu nhiệm Con Thiên Chúa trở nên người phàm. Thánh Gioan bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng suy tư tuyệt đẹp và đầy thi vị về Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng là Thiên Chúa, và đã ở cùng Chúa Cha từ trước muôn đời, và nhờ Người muôn vật được tạo thành (Ga 1,1-4). Ở đỉnh điểm suy tư này, thánh Gioan loan báo cách đầy ngạc nhiên rằng Ngôi Lời Thiên Chúa vĩnh cửu “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga1,14). Thiên Chúa của vũ trụ thực sự đã mặc lấy bản tính nhân loại! Như một chứng nhân về cuộc đời Chúa Kitô, thánh Gioan tiếp tục nói về Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, rằng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Vì thế, khi gọi Chúa Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” trong kinh Vinh danh, chúng ta nhận ra Người không chỉ là một thầy dạy, một sứ giả, hoặc một ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ thần học phong phú của thánh Gioan, và cùng với ngài, chúng ta ca tụng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

4. Là Chiên Thiên Chúa và là Vua

Trong “hồi thứ hai”, kinh Vinh danh ám chỉ Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” hướng câu chuyện tới sứ vụ cứu độ của Chúa Kitô. Điều này gợi lại chủ đề về chiến thắng của Con Chiên trên tội lỗi và ma quỷ trong sách Khải huyền (Kh 5,6-14; 12,11; 17,14) và việc các thiên thần cùng các thánh trên trời thờ phượng Con Chiên (Kh 5,8,12-13; 7,9-10; 14:1-3). Qua việc gọi Chúa Giêsu bằng tước hiệu này trong kinh Vinh danh, chúng ta nhập đoàn với những người thờ phượng Con Chiên ở trên trời như được mạc khải trong sách Khải huyền.

Kinh Vinh danh cũng gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Trong câu này, chúng ta lặp lại những lời tiên tri của thánh Gioan Tẩy Giả khi lần đầu tiên ngài thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, đã được Tin Mừng Gioan thuật lại (Ga 1,29, x. số 23 về Agnus Dei). Những lời này mạc khải Chúa Giêsu như Chiên Vượt qua mới, dâng hiến mạng sống trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Như con chiên bị sát tế trong đêm Vượt qua đầu tiên trên đất Ai Cập để miễn cho dân Ítraen khỏi phải chết, cũng thế, Chúa Giêsu là Chiên Vượt qua mới, sẽ bị sát tế trên đồi Canvê để cứu tất cả loài người khỏi lời nguyền rủa của cái chết do tội lỗi gây ra.

Cuối cùng, vào “hồi thứ ba” kinh Vinh danh trang trọng dẫn dắt chúng ta đến ca tụng Chúa Giêsu trong địa vị quyền năng vô song Người hiện đang có trên trời: “Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Câu này gợi lại trình thuật của Tin Mừng Máccô về việc Chúa Giêsu lên trời, nơi “Người ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Trong Kinh Thánh, bên hữu là vị trí quyền năng (x. Tv 110,1; Hr 1,13). Trong kinh Vinh danh, chúng ta làm chứng cho vương quyền của Chúa Kitô trên trời, dưới đất và trong vương quốc của Người, một vương quyền sẽ vô cùng vô tận (Đn 7,4). Rồi chúng ta khiêm tốn xin Người nhận lời “chúng ta cầu nguyện” và “thương xót chúng ta”.

Chú ý rằng toàn bộ sứ vụ của Chúa Giêsu được tóm tắt trong phần này của kinh Vinh danh. Chúng ta lướt qua từ cuộc nhập thể của Chúa Con đến mầu nhiệm Vượt qua, rồi đến cuộc vinh thăng của Người trên trời. Chúng ta chuyển từ việc ca tụng Chúa Giêsu là “Con Một Chúa Cha”, Đấng đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đến việc thờ phượng Người là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng nhờ hy tế của mình đã xoá bỏ tội trần gian, rồi tới việc ca tụng Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết khi Người “ngự bên hữu Chúa Cha”. Thật vậy, đỉnh điểm của lịch sử cứu độ có thể được tóm tắt trong kinh Vinh danh.




(Kinh vinh danh bình ca tiếng Latin)

5. Từ kinh Thương xót tới kinh Vinh danh

Pius Parsch, nhà thần học phụng vụ từ giữa thế kỷ XX, đã gọi kinh Vinh danh là “lời đáp hân hoan cho việc nài xin trong kinh Thương xót”. Qua kinh Thương xót, chúng ta diễn tả sự cần thiết đối với ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong kinh Vinh danh, chúng ta vui mừng bày tỏ lòng biết ơn vì đã nhận được ơn cứu độ từ Chúa Kitô. Theo nghĩa này, kinh Thương xót cho phép chúng ta bước vào mầu nhiệm trông đợi (Mùa Vọng) khi diễn tả lòng khao khát Đấng cứu độ, còn kinh Vinh danh diễn tả niềm vui Giáng sinh, khi chúng ta tạ ơn Chúa đã sai Con Một của Người đến cứu độ chúng ta.

Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta ý thức hai điều: Đó là chúng ta rất cần ơn cứu độ và chúng ta thực sự được cứu độ. Khi nghĩ về điều thứ nhất, tôi nhận ra mình rất tầm thường; khi hiểu rõ chân lý thứ hai, tôi cảm nhận sức mạnh của tôi; trong điều thứ nhất, tôi thấy mình yếu đuối và hoàn toàn khốn cùng, trong điều thứ hai, tôi thấy mình mạnh mẽ và vĩ đại. Chúng ta hãy đặt lòng khát khao được cứu độ vào kinh Thương xót đầy tha thiết. Trong kinh Vinh danh hân hoan, chúng ta hãy tự tin hát mừng ơn cứu độ. Vì thế, chúng ta cử hành trong mọi Thánh lễ gồm cả Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.3

Thánh Anbêtô Cả cũng nhận ra điểm tương tự về kinh Vinh danh như là lời đáp cho kinh Thương xót: “Dường như Thiên Chúa đang nói: “Ta chắc chắn sẽ đáp lời kêu than của con và trong Bí tích Thánh Thể, Ta sẽ gửi tới con Đấng mà Ta đã sai xuống thế gian cho tổ tiên con, để con có thể dự phần với Người, đồng thời con được kéo ra khỏi vũng bùn tội lỗi, và được tràn đầy mọi sự tốt lành.”4

6. Lời nguyện ngược với nền văn hoá

Trong phần đáp lại trình thuật về sứ vụ của Chúa Kitô, bây giờ kinh Vinh danh ca tụng Chúa Giêsu bằng ba tước hiệu Kinh Thánh: Đấng Thánh, Chúa và Đấng Tối Cao.

“Vì lạy Chúa Giêsu Kitô,
chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa,
chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,
cùng Ðức Chúa Thánh Thần
trong vinh quang Ðức Chúa Cha.
Amen.”

Việc gọi Chúa Giêsu là “Đấng Tối Cao” gợi lại một tước hiệu Kinh Thánh dành cho Thiên Chúa, là hữu thể tối cao vượt trên hết thảy “chư thần” (St 14,18; Tv 7,17).

Tương tự như vậy, Cựu Ước thường gọi Thiên Chúa là “Đấng Thánh của Ítraen”, một đàng cho thấy bản tính của Thiên Chúa là thánh – hoàn toàn khác – đàng khác, diễn tả mối tương quan độc nhất và mật thiết của Ítraen với Thiên Chúa hoàn toàn riêng biệt và rất thánh này (Tv 71,22; Cn 9,10; Is 1,4; Hs 11,9-11). Tân Ước mặc khải Chúa Giêsu là Đấng Thánh. Chúa Giêsu quy chiếu về chính Người với tước hiệu thần linh này trong Kh 3,7 và một thiên thần dâng cho Người cùng tước hiệu đó trong Kh 16,5. Khi nhiều môn đệ rời bỏ Chúa Giêsu vì giáo huấn của Người về Thánh Thể, ông Phêrô vẫn trung thành với Người và nhìn nhận Người là “Đấng Thánh” (Ga 6,69). Ngay cả ma quỷ cũng nhận biết Chúa Giêsu là “Đấng Thánh” (Mc 1,24; Lc 4,34).

Có lẽ, đáng chú ý nhất là câu “chỉ có Chúa là Chúa”. Tước hiệu Chúa (kyrios) trong Kinh Thánh là tước hiệu dành cho Thiên Chúa. Nhưng trong thế giới Rôma cổ đại, “Chúa” cũng là danh hiệu dành cho hoàng đế nữa. Vì thế, khi gọi Chúa Giêsu là “Chúa” trong sự nối kết với Thiên Chúa (1Cr 8,6; Pl 2,11), tước hiệu này cũng hoàn toàn trái ngược với tước hiệu dành cho hoàng đế. Tân Ước tuyên bố rằng Chúa Giêsu là Chúa, chứ không phải là Xêda! Khi một số người trong thế giới Rôma cổ đại nói rằng chỉ Chúa Giêsu là Chúa, thì họ bị xem như kẻ thù của hoàng đế Rôma. Thực vậy, nhiều Kitô hữu trong Giáo hội sơ khai đã phải chết vì niềm tin này, khi từ chối thờ kính hoàng đế hoặc các thần khác của dân Rôma. Câu trích này từ kinh Vinh danh ngày nay đòi hỏi chúng ta trung thành với Chúa Giêsu Kitô và các điều răn của Người hơn bất kể điều gì khác trên thế gian này, cho dù là công việc, tài sản, an ninh tài chính, uy thế hoặc gia đình. “Chỉ có Chúa là Chúa”.

Kinh Vinh danh kết thúc bằng cách nhắc đến Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi: Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu Kitô được ca tụng “cùng Đức Chúa Thánh Thần, trong vinh quang Đức Chúa Cha”. Vì thế, thánh ca này đạt đỉnh điểm một cách cô đọng bằng việc tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh.

Sau kinh Vinh danh, linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn cầu nguyện bằng một lời nguyện được gọi là lời Tổng nguyện. Lời nguyện này tập trung mọi ý nguyện của những người đang tham dự Thánh lễ và kết thúc Nghi thức mở đầu.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com