[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 24. Hiệp Lễ

01-11-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2615 lượt xem

Có khi nào bạn nghĩ về Thánh lễ như một tiệc cưới chưa? Khi nghĩ về Thánh lễ, các từ ngữ “phụng vụ”, “hiệp thông”, “sự hiện diện thực sự”, hoặc “hy tế” có thể dể dàng xuất hiện trong đầu bạn. Nhưng một cuộc hôn nhân thì sao? Từ các Giáo phụ cho tới nhà thơ huyền bí Gioan Thánh Giá, rồi đến các tác phẩm thần học của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, truyền thống Công giáo thường mô tả hiệp lễ – tột đỉnh của Thánh lễ – là sự hiệp thông mật thiết với Tân Lang thần linh, là Chúa Giêsu Kitô, trong Thánh Thể.

Chúng ta có thể hiểu rằng Thánh lễ là một lễ cưới bằng cách xem xét những lời linh mục chủ tế đọc ngay trước khi hiệp lễ:

“Ðây Chiên Thiên Chúa,
đây Ðấng xoá tội trần gian,
phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Những lời này được lấy từ đỉnh điểm của sách Khải huyền và thực sự là của toàn bộ Kinh Thánh (Kh 19,9). Để hiểu ý nghĩa trọn vẹn của những lời này, chúng ta cần trở lại và suy xét xem chúng xuất hiện trong bối cảnh rộng lớn hơn ở phần này của sách Khải huyền như thế nào.

“Alleluia”

Trong Khải huyền 19,1-6, chúng ta thấy đoàn người đông đảo trên trời cùng với các thiên thần và các vị kỳ mục hát một bài ca mới mừng Đức Chúa. Bốn lần các ngài tung hô “Alleluia!” trong lời ngợi khen Thiên Chúa. Điều này rất có ý nghĩa, bởi vì từ “Alleluia” là một thuật ngữ phụng vụ quan trọng (có nghĩa là “Chúc tụng Giavê”), trong khi được tìm thấy nhiều lần ở Cựu Ước, từ này chỉ được sử dụng bốn lần trong toàn Tân Ước. Và tất cả bốn trường hợp đều xảy ra ngay đây, liên tiếp dồn dập trong sáu câu này của sách Khải huyền chương 19.

Hợp xướng của các vị hát bài Allleluia trong Kh 19,1-6 làm cho chúng ta nghĩ đến các “Thánh vịnh ca ngợi” nổi tiếng trong Cựu Ước (Tv 113-118). Nhóm Thánh vịnh này được gọi là “ca ngợi” bởi vì nhiều Thánh vịnh trong nhóm mở đầu và kết thúc bằng từ Alleluia, ngợi khen Thiên Chúa vì công trình cứu độ của Người. Điều thú vị ở đây là, các Thánh vịnh ca ngợi này là những bài ca mà người Do Thái hát trong suốt bữa ăn Vượt qua. Họ hát Alleluia để ca ngợi Giavê, Đấng đã giải thoát Ítraen khỏi người Ai Cập trong cuộc xuất hành, và là Đấng cứu chuộc dân Người một lần nữa. Thực vậy, đây chính là những bài ca Chúa Giêsu đã hát trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng của Người, tức là bữa Tiệc ly, khi Người thiết lập Thánh Thể (x. Mt 26,30; Mc 14,26).

Tiệc Cưới Con Chiên

Nền tảng này có lẽ cung cấp một đầu mối quan trọng để hiểu được những điều cuối cùng về bốn lời Alleluia từ câu 6 trong sách Khải huyền chương 19, một bước ngoặt trong phụng vụ thiên quốc, khi đoàn người đông đảo vang lên lời ca tụng Thiên Chúa vì Tiệc Cưới Con Chiên:

Và thiên thần bảo thánh Gioan viết: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên! (Kh 19,9).

Tiệc cưới Con Chiên là gì? Đó là Bữa Tiệc của Chúa, là Thánh Thể. Trước hết, bữa tiệc và Con Chiên gợi lại bữa tiệc Vượt qua, trong đó những người Do Thái sát tế một con chiên và ăn thịt con chiên ấy như món chính của bữa ăn. Hơn nữa, khi chúng ta đọc về Tiệc Cưới Con Chiên trong hợp xướng Thánh vịnh ca ngợi – giống như những lời Alleluia trong các câu 1-6, những ám chỉ về lễ Vượt qua trở nên rõ ràng hơn. Vậy nên, bữa tiệc đỉnh cao này của Con Chiên hiển nhiên là một kiểu bữa ăn Vượt qua nào đó, và dưới ánh sáng của bối cảnh phụng vụ trong sách Khải huyền, bữa tiệc này được hiểu như lễ Vượt qua mới, tức là Thánh Thể.

Nhưng đoạn này cho chúng ta biết một điều gì đó ấn tượng hơn nhiều. Trong Khải huyền 19,6-9, Con Chiên được mặc khải như là Tân Lang! Và điều này cho thấy tiệc Vượt qua này là tiệc cưới. Vị Tân Lang – Con Chiên là Chúa Giêsu, và Tân Nương là chúng ta, tức Giáo hội, là người mà Chúa Giêsu đến để kết hôn với. Thực vậy, đây là tiệc cưới, trong đó Con Chiên hiệp nhất chính mình với Hiền Thê của Người, tượng trưng cho sự viên mãn trong mối hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội (x. Kh 21-22; Ep 5,21-33). Chính trong hôn lễ thiên quốc giữa Chúa Giêsu và Giáo hội mà chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể, ở đây, ngay trên trần gian này như nếm trước sự hiệp thông mà chúng ta hy vọng sẽ có được cùng với Tân Lang thần linh đến muôn thuở muôn đời. Vì thế, khi nói: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”, linh mục chủ tế lặp lại lời các thiên thần mời gọi đến dự tiệc cưới Con Chiên trong sách Khải huyền (Kh 19,9).

Khi bạn nghe những lời này trong Thánh lễ, bạn có nhận thấy rằng mình đang nhận lời mời dự tiệc cưới ? Bạn đang được mời tham dự tiệc cưới của Chúa Giêsu và Giáo hội. Và trên hết, bạn không phải là một vị khách bình thường trong tiệc cưới này. Bạn là tân nương (hiền thê)! Khi bạn tiến lên hiệp lễ, như một thành viên của Giáo hội, bạn đang đến để được hiệp nhất với Tân Lang của bạn là Chúa Giêsu.

Thực vậy, hiệp lễ có chiều kích hôn nhân. Vợ chồng trao hiến cho nhau trong hành vi hôn nhân, hiệp nhất thân thể của họ một cách mật thiết nhất có thể. Tương tự như vậy, Tân lang thần linh đến kết hiệp chính mình với chúng ta theo cách mật thiết nhất, ở đây trên thế gian này, khi ban chính Mình và Máu Người cho chúng ta trong Thánh Thể. Điều này giải thích tại sao, truyền thống tạ ơn sau hiệp lễ lại rất quan trọng. Chúng ta phải ao ước ở lại cùng Chúa chúng ta, thưa chuyện với Người và tạ ơn Người nhiều thời điểm trong cuộc đời, nhưng đặc biệt nhất là lúc này, sau hiệp lễ, khi Người đang ngự trong linh hồn chúng ta. Chẳng người chồng tốt nào lại đi kiểm tra thư điện tử, hoặc cắt cỏ ngay sau khi có “mối quan hệ thân mật” với vợ mình. Và chúng ta đừng nên vội vàng chạy ra bãi xe, nói chuyện với bạn bè, đi uống cà phê hay đi ăn bánh trong khi vị Tân Lang của chúng ta đang cư ngụ cách thân mật trong mình. Đây là thời gian để chúng ta ở lại với Người Yêu, dâng lên Người mối bận tâm và lời tạ ơn dịu dàng, đồng thời diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Người.

Trong ý nghĩa này, Thánh lễ thực sự là tiệc cưới. Giống như tân nương, người mong ước ở cùng tân lang của mình, tâm hồn chúng ta cũng phải tràn đầy khát khao nồng nhiệt được kết hiệp với Tân Lang thần linh của chúng ta, mà chính Thánh Thể Người đi vào thân thể chúng ta một cách bí tích và mật thiết nhất.

Lạy Chúa, con chẳng đáng…

Nhưng làm sao chúng ta, vốn là những con người – và là những con người tội lỗi như vậy – có thể dám tiến đến gần Thiên Chúa cao cả và chí thánh theo cách này? Khi đáp lại lời mời đến dự tiệc Thánh Thể, chúng ta dâng lời cầu xin, một đàng nhìn nhận sự hoàn toàn bất xứng của mình để lãnh nhận Chúa chúng ta; đàng khác, diễn tả niềm xác tín rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, và chúng ta có thể nghe tiếng Người:

“Lạy Chúa,
con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời,
thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

Những lời này phản chiếu lòng khiêm nhường và tin tưởng của ông đại đội trưởng Rôma, kẻ đã xin Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ đang ốm liệt rất đau đớn ở nhà ông. Như một người ngoại ở ngoài giao ước của Thiên Chúa, và với tư cách là sĩ quan Rôma, chỉ huy 100 binh lính là những người đang đàn áp dân Chúa, viên sĩ quan này khiêm tốn nhận ra rằng ông không xứng đáng được Chúa Giêsu đến nhà ông. Nhưng ông biểu lộ một niềm tin lớn lao, hơn nhiều người khác trong các Tin Mừng, thậm chí làm Chúa Giêsu ngạc nhiên: Ông tin Chúa Giêsu có thể chữa lành từ xa, đơn giản qua lời nói của Người: “nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Chúa Giêsu ca ngợi người này vì có niềm tin.

Giống như viên đại đội trưởng, chúng ta nhận ra sự bất xứng của mình để được Chúa Giêsu đi vào “nhà” linh hồn khi hiệp lễ. Nhưng như viên đại đội trưởng đã tin Chúa Giêsu có thể chữa lành tôi tớ ông, chúng ta cũng tin tưởng rằng Người có thể chữa lành chúng ta khi Người trở nên vị khách thân mật nhất của linh hồn chúng ta trong Thánh Thể.

Việc hiệp lễ lần đầu của Đức Maria

Trong suy tư cuối cùng về những giây phút hiệp lễ thánh thiêng, chúng ta hãy trở lại với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là người đã suy tư về những điều tương tự như khi Đức Maria đón nhận Thánh Thể lần đầu tiên.

Đầu tiên, Đức Giáo hoàng chỉ ra một mối liên hệ sâu sắc giữa việc Đức Maria cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng với việc một người hiệp lễ. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta trở nên giống Đức Maria mỗi lần chúng ta đón nhận Thánh Thể. “Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh khiết vẹn toàn của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Suốt chín tháng, Đức Maria cưu mang Mình và Máu Chúa Kitô trong mình. Trong Thánh lễ, chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa chúng ta qua bí tích. “Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu được lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa.”[1]

Thứ hai, Đức Gioan Phaolô II suy tư về việc Đức Maria cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên Mẹ nghe nói về Thánh Thể. Mẹ không hiện diện trong bữa Tiệc ly và có lẽ, Mẹ chỉ biết được điều gì diễn ra tại đó qua các Tông đồ:

Làm sao tưởng tượng được những tâm tình của Đức Maria khi ngài nghe từ miệng của thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê và của các Tông đồ khác, những lời trong bữa Tiệc ly: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (Lc 22,19)? Thân mình được dâng lên làm lễ tế, và được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích, cũng là thân mình của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng.[2]

Sau đó, Đức Gioan Phaolô II đưa ra ý nghĩa tuyệt vời mà việc Hiệp lễ đem lại cho Đức Trinh Nữ: “Nhận lấy Bí Tích Thánh Thể đối với Đức Maria, như là đón nhận một lần nữa trong cung lòng Mẹ quả tim đã đồng nhịp với quả tim của Mẹ…”[3]

Thật là một hiểu biết sâu sắc! Hãy hình dung việc Đức Maria đã chuẩn bị bản thân để được hiệp nhất với Con của Mẹ theo cách này. Hãy nghĩ đến sự chăm chú đầy tình yêu Mẹ dành cho Chúa Giêsu trong mỗi lần hiệp lễ. Đối với Mẹ, thật là một niềm vui khi Con của Mẹ cư ngụ trong Mẹ lần nữa! Có lẽ Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta trong cách chúng lãnh nhận Thánh Thể. Hãy cầu xin để chúng ta có thể hăng hái đón nhận Chúa Giêsu mỗi lần hiệp lễ như Đức Maria đón nhận Con của Mẹ. Nguyện xin Thánh Thể làm cho trái tim chúng ta hoà nhịp hơn nữa với trái tim Chúa Giêsu như trái tim Mẹ hoàn toàn hoà nhịp với trái tim Người.

Sau khi trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu, linh mục chủ tế lau chén, rồi đọc “Lời nguyện Hiệp lễ”, ngài cầu xin cho hoa trái thiêng liêng của Thánh Thể phát sinh hiệu quả trong cuộc sống chúng ta.

[1] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 55.

[2] Ibid., số 56.

[3] Ibid., số 56.

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com