[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 22. Nghi Thức Chúc Bình An

18-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2073 lượt xem

Sau khi cầu xin Chúa Cha ban ơn bình an, bây giờ linh mục chủ tế ngỏ lời với Chúa Giêsu, nhắc lại những lời Người đã nói với các Tông đồ trong bữa Tiệc ly: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Trong câu này, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích loại bình an Người ban “không như thế gian ban tặng”.

Nhiều người tìm kiếm sự an toàn và bình an của thế gian này, là loại bình an dựa trên thành công, trên mọi thứ diễn ra tốt đẹp, trên việc tránh rắc rối và đau khổ. Nhưng loại bình an này hoàn toàn bấp bênh và chóng qua. Nó dựa trên hoàn cảnh bề ngoài, có thể dễ dàng thay đổi (sức khỏe, nghề nghiệp, điều kiện tài chính, và cách người khác đánh giá mình). Đặt đời sống mình trên những nền tảng lung lay này sẽ chẳng thể nào đem lại bình an đích thực, mà chỉ tạo ra tình trạng bấp bênh mà thôi.

Tuy nhiên, Chúa Kitô ban cho chúng ta bình an bền vững và sâu sắc hơn – đó là sự bình an thế gian không thể ban tặng. Khi chúng ta để Chúa Giêsu làm nền tảng cho cuộc đời, và sống theo kế hoạch của Người, Người ban cho chúng ta bình an nội tâm và thiêng liêng, nhờ vậy chúng ta có thể chịu đựng nhiều thất vọng, thử thách và đau khổ trong cuộc sống. Đây là loại bình an của tâm hồn, bình an xây dựng sự hiệp nhất đích thực trong hôn nhân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, và quốc gia. Và đây là điều mà linh mục chủ tế cầu xin cho chúng ta tại giây phút này trong phụng vụ. Sau đó, ngài hướng về cộng đoàn, gửi tới họ những lời bình an, gợi lại lời chào bình an của thánh Phaolô, được tìm thấy trong nhiều thư mục vụ1: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”

Chúc bình an

Tiếp theo là chúc bình an. Nghi thức này gợi lại thói quen của các Kitô hữu xưa và những lời khích lệ của thánh Phêrô và thánh Phaolô: “Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện”2 “Nụ hôn thánh thiện” diễn tả tình huynh đệ trong đức ái mà các Kitô hữu sơ khai chia sẻ, và thật thích hợp khi được đưa vào phụng vụ. Ngay từ năm 155, thánh Giúttinô Tử đạo đã đề cập đến việc trao đổi nụ hôn trong Thánh lễ. Giáo phụ Tertullianô, vào khoảng năm 200, đã nói đến nghi thức này như một dấu ấn trong cầu nguyện.

Trong Thánh lễ ngày nay, chúng ta trao đổi một số dấu hiệu diễn tả sự bình an, hiệp thông và đức ái. Dấu hiệu này rất đa dạng, dựa trên phong tục địa phương. Ở một số nơi, đó có thể là bắt tay. Tại nơi khác, có thể là cúi đầu hay một số dấu hiệu khác.

Bất kể là cử chỉ nào, nghi thức chúc bình an có thể được xem như sự kết nối giữa kinh Lạy Cha với việc hiệp lễ sắp diễn ra. Một đàng, đó là một huấn dụ mang tính nghi thức tuyệt đẹp của kinh Lạy Cha, diễn tả sự hiệp nhất của tất cả con cái Thiên Chúa. Chúng ta kêu cầu Thiên Chúa không theo cách cá nhân, tách rời nhau, nhưng cùng nhau như anh chị em trong gia đình giao ước của Thiên Chúa, khi nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Bây giờ, dấu bình an diễn tả sự hiệp nhất này theo nghi thức. Đàng khác, dấu bình an báo trước cách tượng trưng sự hiệp nhất sâu xa mà cộng đoàn chia sẻ cùng nhau khi các tín hữu hiệp lễ.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com