[Tìm Hiểu Thánh Lễ] 16. Kinh Sanctus: “Thánh, Thánh, Thánh”

06-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3113 lượt xem

“Thánh, Thánh, Thánh.
Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.
Trời đất đầy vinh quang Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.
Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”

Kinh nguyện này giúp chúng ta ngắm nhìn với cặp mắt của các thiên thần điều đang thực sự diễn ra trong phụng vụ Thánh Thể. Ngay lập tức, những lời mở đầu “Thánh, Thánh, Thánh…” đưa chúng ta lên trời một cách thiêng liêng. Những lời này lấy từ Is 6,3 kể lại việc vị ngôn sứ nhận được một thị kiến về Đức Vua trên trời, ngự trên ngai uy nghi lộng lẫy, và có cả triều thần thờ lạy.

Ngôn sứ Isaia thuật lại rằng, ông đã “thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ (Is 6,1). Phía trên Đức Chúa, ông thấy các thần sêraphim sáu cánh, tức là “các thần sốt mến”. Tước hiệu độc nhất đó giả thiết rằng các thiên thần này quá gần Thiên Chúa đến nỗi các vị phản chiếu ánh vinh quang của Người. Nhưng ngay cả các thiên thần này cũng sợ hãi trước Thánh Nhan. Các vị đã che mặt, không dám ngắm nhìn trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa (Is 6,2), và mời gọi lẫn nhau hát bài ca chúc tụng ngất ngây: (Is 6,3)

“Thánh, Thánh, Thánh,
Chúa là Thiên Chúa các đạo binh
Cả mặt đất đất rạng ngời vinh quang Chúa.”

Việc lặp lại ba lần cùng một từ “Thánh” ở đây là hình thức so sánh mạnh nhất trong tiếng Do Thái. Do vậy, các thần sêraphim tung hô Chúa là Đấng chí thánh, là Chúa trên hết các chúa. Và bằng cách hát “cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”, các vị ca tụng Thiên Chúa vì vinh quang Người, vinh quang được biểu lộ trên toàn thể thụ tạo (x. Tv 8,1; 19,1-6; 24,1-3).

Bài thánh ca chúc tụng này của các thiên thần có những hiệu quả gây ấn tượng sâu sắc. Khi các ngài hát, nền móng đền thờ rung lắc, và bên trong đầy khói. Ngôn sứ Isaia cảm thấy sợ hãi, và ông có thể hiểu được điều này. Khi nhận ra sự bất xứng của mình để đứng trước nhan Thiên Chúa, ông thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,5).

Hát cùng các thiên thần

Trong Tân Ước, thánh Gioan cũng có kinh nghiệm tương tự. Ông đã xuất thần vào ngày của Đức Chúa (Kh 1,10) và có thị kiến ngây ngất về phụng vụ trên trời. Thánh Gioan thấy Chúa Giêsu, giống như Con Người, trong vinh quang rực rỡ, và như ngôn sứ Isaia, ông sợ hãi thưa lên: “Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy” (Kh 1,17). Lần nữa, như ngôn sứ Isaia, thánh Gioan thấy các con vật có sáu cánh trước ngai Thiên Chúa, các vị cũng hát bài thánh ca chúc tụng tương tự: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!” (Kh 4,8). Gợi lại trình thuật của ngôn sứ Isaia về các thần sêraphim ca tụng Thiên Chúa vì vinh quang của Người được mặc khải trong vũ trụ, thánh Gioan thuật rằng “hai mươi tư vị kỳ mục” phủ phục trước ngai Thiên Chúa, ca tụng Người vì công trình tạo dựng. Các vị hát rằng:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Ngài xứng đáng lãnh nhận
vinh quang, danh dự và uy quyền,
vì Ngài đã dựng nên muôn vật,
và do ý Ngài muốn,
mọi loài liền có và được dựng nên.” (Kh 4,11)

Với nền tảng như thế, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều được đọc trong Thánh lễ có ý nghĩa gì cho chúng ta: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh…” Chúng ta đang đồng thanh với các thiên thần và các thánh trên trời trong bài ca tụng hân hoan của các vị. Và thật là thích hợp khi làm như vậy vào giây phút này trong Thánh lễ! Trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta trở nên giống như ngôn sứ Isaia và thánh Gioan, tức là được tham dự vào phụng vụ thiên quốc.1 Một cách mầu nhiệm, chúng ta đang bước vào nơi đặt ngai trên trời – chính là ngai mà ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy trong thị kiến mặt đất rung chuyển, Đền thờ được phủ đầy khói khi các thiên thần ca hát. Cả vị ngôn sứ và thánh tông đồ đều cảm thấy bất xứng để chiêm ngắm dấu chỉ đáng kinh đáng sợ này, và thậm chí các sêraphim cảm thấy phải che mặt khi bay qua vinh quang Thiên Chúa. Giống như các vị, chúng ta đang chuẩn bị gặp gỡ Vua các vua, Đức Chúa chí thánh, Đấng sẽ hiện diện trên bàn thờ. Bởi vậy, chẳng lạ gì chúng ta quỳ gối tôn kính sau khi hát thánh ca này.

Trong phần thứ hai của kinh nguyện được gọi là kinh Sanctus này (tiếng La Tinh, có nghĩa là Thánh), chúng ta lặp lại những lời mà đám đông tung hô khi chào mừng Chúa Giêsu lúc Người khải hoàn tiến vào thành thánh Giêrusalem: “Hosanna – hoan hô” và “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.” Cả hai câu này đều lấy từ Thánh vịnh 118, vốn là một thánh ca hành hương, được đọc trên đường tiến lên Đền thờ vào các dịp đại lễ. Hosanna được dịch từ một từ trong tiếng Hípri nghĩa là “xin cứu chúng con”, và đã trở nên một thành ngữ tán tụng trong phụng tự. Lời chúc tụng “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” thường được những người hành hương xướng lên trong khi tiến vào Đền thờ. Trong ngày chúng ta gọi là Chúa nhật Lễ Lá, đám đông sử dụng những lời này để chào đón Chúa Giêsu như Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa – nói cách khác, Chúa Giêsu là Đấng đại diện cho Thiên Chúa và hành động nhân danh Người.

Thật thích hợp khi lặp lại những lời như thế vào giây phút này trong Thánh lễ. Như đám đông ở Giêrusalem chào đón Chúa Giêsu tiến vào thành thánh bằng những lời lấy từ Thánh vịnh 118, chúng ta cũng chào đón Chúa Giêsu ngự đến thánh đường của chúng ta, vì Người sắp hiện diện nơi Thánh Thể trên bàn thờ.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com