__Máctinô Lê Minh Thành__
“Những câu chuyện về cuộc đời các thánh có thể gợi mở cho những người trẻ khám phá ơn gọi riêng của mình, đặc biệt những câu chuyện của Tin Mừng về ơn gọi của các tông đồ.”
“Tôi chỉ ước trông một điều đêm ngày tôi khấn xin,
là cho tôi được vui sống trong nhà Chúa trọn đời” (x. Tv 26,4).
Sống trên đời ai chẳng có ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Có người muốn trở thành một bác sĩ tài giỏi, người khác thì ước mong mình trở thành một ca sĩ tỏa sáng trên sân khấu và được sống mãi trong lòng khán giả, cũng có người ước mơ trở thành một kiến trúc sư để xây lên các công trình vĩ đại… Dường như ai cũng ước mơ rằng mình được sống hạnh phúc, được làm những việc mà mình thích, và cháy hết mình với ước mơ của mình. Tuy nhiên, có một số người lại có những ước mơ thật đặc biệt: ước mơ sống đời phục vụ tha nhân, ước muốn đi theo tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Họ ước mang Chúa đến khắp nơi, để mọi người nhận biết và dâng lời ca tán tụng Chúa suốt ngày đêm. Họ muốn giảng dạy về Chúa bằng lời và bằng chính đời sống phục vụ những người nghèo khổ, những người cần được giúp đỡ.
Trong cuộc đời, người trẻ là những người năng động, nhiều đam mê, nhiều hoài bão, dễ đón nhận điều mới lạ, không ngại dấn thân…, nhưng họ cũng gặp không ít những quyến rũ của thế giới ảo, cuộc sống hưởng thụ, danh vọng, địa vị, tiền tài… Để phân định và chọn lựa hành động trong từng hoàn cảnh, từng sự việc, các bạn trẻ Kitô được mời gọi đặt tất cả trong cái nhìn đức tin, ý thức ơn gọi của mình đến từ Thiên Chúa, cầu nguyện để Thánh Thần Chúa soi sáng, tin tưởng thực hiện dựa trên nền tảng Tin Mừng yêu thương, phục vụ, dù có phải trải qua hy sinh, thử thách, chông gai, v.v..
Những người trẻ thường thắc mắc: làm sao để biết tôi có ơn gọi đi tu? Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã trả lời như thế này:
Ơn gọi là chuyện riêng tư, vì là chuyện Chúa gọi, nên chuyện chúng ta đang nói liên hệ với nhau về ơn thánh. Bạn đang đi trên một con đường rất đẹp. Nơi nào có ơn thánh, nơi nào có tiếng Chúa là nơi ấy có vẻ đẹp. Một khi bạn đang băn khoăn không biết Chúa có gọi mình đi tu không, tức là ít nhiều bạn đã hay đang nghe thấy tiếng Chúa rồi, ít nhiều bạn đang đi con đường đẹp đó rồi.[1]
Như thế, những người trẻ không có lý do gì để nghĩ rằng lời mời gọi dâng đời sống của mình cho Thiên Chúa lại không dành cho mình, bởi vì không ai bị gạt bỏ ra khỏi lời mời gọi được sống gắn kết mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích những người trẻ can đảm ra khỏi chính mình, mạnh mẽ tiến về phía trước và dám thực hiện ước mơ. Ngài viết trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 55 như sau:
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ khám phá ra tiếng gọi đặc biệt và cá nhân mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta nếu chúng ta cứ khép kín vào mình, như chúng ta vẫn thường làm, với sự thờ ơ của những kẻ lãng phí cuộc đời trong thế giới nhỏ bé của riêng mình. Chúng ta sẽ đánh mất cơ hội ước mơ lớn lao và đóng vai trò của mình trong câu chuyện riêng tư và độc đáo mà Thiên Chúa muốn cùng chúng ta viết nên.
Những câu chuyện về cuộc đời các thánh có thể gợi mở cho những người trẻ khám phá ơn gọi riêng của mình, đặc biệt những câu chuyện của Tin Mừng về ơn gọi của các tông đồ. Chúa gọi Thánh Mátthêu khi ông là một người thu thuế (x. Mc 2,14), Phêrô và anh ông là Anrê là những ngư phủ (x. 4,18-19), Simon nhiệt thành thuộc nhóm quá khích chống lại đế quốc Rôma (x. Mt 3,18),… Tiếng gọi của Chúa thật bất ngờ và nhiệm mầu. Chúa Giêsu không tuyển chọn những người “hoàn hảo”: các luật sĩ, pharisêu làm tông đồ, mà lại kêu gọi những người quê mùa, kém học, quá khích, v.v.. Tôi nhớ đã đọc câu chuyện kể về cuộc đời của nữ tu Anna Nobili. Trước khi gặp Chúa và trở thành nữ tu, Anna Nobili là vũ nữ khỏa thân. Cô nhảy trong các hộp đêm ở thành phố Milan, nước Ý. Nhờ lời cầu nguyện của mẹ mình và những người bạn của mẹ, cô đã gặp được Chúa Giêsu khi cô tham dự một khóa tĩnh tâm ở Átxidi theo lời đề nghị từ một người bạn của mẹ cô. Sau khóa tĩnh tâm cô đã quyết định thay đổi bản thân. Sáu năm sau, cô nghe theo tiếng gọi của Chúa và trở thành nữ tu Dòng Các Nữ Tu Nhà Nadarét. Cô cảm nghiệm được rằng Chúa vẫn yêu thương mình dù cô có nhiều lỗi lầm và không xứng đáng.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy tiếng gọi của Thiên Chúa thật bất ngờ và huyền nhiệm. Điều này đòi buộc chúng ta phải luôn sẵn sàng, tỉnh thức khi Người đến mời gọi chúng ta vào giờ Người muốn. Muốn gặp gỡ được Chúa, lắng nghe được tiếng của Người cách rõ ràng thì cần có một đời sống cầu nguyện mật thiết hơn. Cầu nguyện chính là chìa khóa của cánh cửa ơn gọi. Điều này được thấy rõ qua dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại: năm cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Tân lang vì đã biết trữ dầu đầy bình – dầu đây tượng trưng cho những lời cầu nguyện (x. Mt 25,10).
“Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4,40). Lời khiển trách này dành các môn đệ khi các ông sợ hãi trước bão tố và đã không đặt trọn vẹn niềm tin vào quyền năng của Thầy. “Sao nhát thế?” Đây cũng là lời Đức Giêsu hỏi những người trẻ, khi mà ta cảm nhận được chính tiếng Chúa đang thổn thức trong lòng, nhưng lại không dám lên đường theo tiếng gọi ấy. Hẳn là Chúa Giêsu cũng muốn ngỏ với những người trẻ hôm nay là: Hỡi các bạn trẻ, hãy can đảm đến và gõ cửa các dòng tu, đại chủng viện, đan viện, hãy cho mình cảm nghiệm rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người dám can đảm bước theo tiếng Chúa với một lòng tin vững vàng!
Tuy nhiên, cũng nên biết rằng bước vào hành trình dâng hiến là phải lội ngược dòng đời, phải “qua cửa hẹp mà vào” (x. Mt 7,6. 12-14). Cánh cửa ấy thế gian không nhiều người chọn vì ngày nay con người đang sống trong văn minh tiến bộ của khoa học kĩ thuật và của những tiện nghi. Nhiều khi, chính những điều ấy làm cho người trẻ khó đáp trả lời kêu gọi của Chúa.
Giữa dòng đời nhân thế nhiều đổi thay, xin nguyện một lòng theo Chúa như một dấu chỉ của niềm vui Tin Mừng. Xin nguyện trở nên men, nên muối ướp mặn đời, xin nguyện trở nên ánh sáng chiếu soi mọi nơi. Dẫu biết rằng, nhiều khi“ niềm vui” ấy là sự đau khổ theo cái nhìn của thế gian. Nhưng trong Chúa, với Chúa và cùng Chúa, tôi sẽ bước đi. Những lời thơ của một người anh em cùng chung chí hướng gửi tặng như dệt thêm cho những tâm tình ấy:
Con thấu hiểu cuộc đời con vương nợ
Bụi gian trần còn vương phủ đôi vai
Có khi nao đôi chân con mệt nhoài
Thôi lê bước trên dương trần tấp nập
Quay trở về xin CHA tha va vấp
Tạ ơn CHA vì muôn ơn sâu thẳm
Rót cho con cạn chén nồng say đắm
Trong đê mê cõi tình thiêng ngây ngất.[2]
[1] X. Nguyễn Tầm Thường, “Thưa cha làm sao cha biết con có ơn gọi đi tu,” Truy cập 24-11-2018.
[2] Nguyễn Xuân Hà, S.C.J., Hồng Ân Cảm Tạ.