[Thứ Sáu Tuần Thánh] Thánh Giá – Biểu Tượng Của Tình Yêu Cứu Độ

19-04-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4899 lượt xem

Is  52,13 – 53,12; Hr 4,14-16; Ga 18,1 – 19,42

Hằng ngày, Hội thánh cử hành bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc vượt qua của Đức Kitô. Trong Thánh Lễ, hy tế thập giá của Đức Kitô được tái diễn và ân sủng cứu độ được hiện tại hoá dưới hình thức bí tích. Nhưng hôm nay, Hội Thánh tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô một cách long trọng hơn. Hôm nay và ngày mai, sẽ không có Thánh lễ do linh mục cử hành, vì khi Hội thánh cử hành tưởng niệm ngày thứ Sáu Thánh, thì chính Đức Kitô đang thực hiện cuộc hiến tế của Người trên thập giá. Người vừa là Thượng Tế, vừa là Bàn Thờ, và vừa là Lễ Vật hiến dâng. Sự hiến thân chịu chết của Người trên Thập giá đã mang đến ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Hình ảnh “Người Tôi Trung” chịu đau khổ trong bài đọc I trích sách ngôn sứ Isaia loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Ngôn sứ Isaia giải thích ý nghĩa việc “Người Tôi Trung” chịu đau khổ là để thông phần vào những đau khổ của nhân loại, và bằng cách đó Người đã mang lại cho nhân loại sự chữa lành và bình an:

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta…
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Đức Giêsu bị khai trừ, bị làm nhục và chịu chết trên thập giá là vì ơn cứu độ con người. Điều mang lại ý nghĩa cho thập giá không phải là đau khổ, nhưng là tình yêu. Đức Giêsu chấp nhận thập giá bởi vì Người yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người. Người đã tự nguyện vác lấy thập giá và chết trên thập giá để cho con người được sống và sống dồi dào. Bằng tình yêu, Người đã biến thập giá khổ hình trở thành Thánh giá sinh ơn cứu độ.

Do đó, các Kitô hữu tôn vinh thập giá thì không có nghĩa là đề cao đau khổ, nhưng là tán dương tình yêu của Đức Kitô được biểu lộ nơi Thập giá. Thập giá trở thành biểu tượng của Kitô giáo, biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Chúng ta nhìn thấy Thánh giá khắp nơi. Thánh giá được tôn kính trong các thánh đường, trên nóc nhà thờ. Thánh giá được đặt nơi trang trọng trong các gia đình công giáo. Thánh giá được các Kitô hữu làm dấu nhiều lần trên thân thể mỗi ngày. Và nhất là, Thánh giá hiện diện nơi các nghĩa trang, trên các nấm mồ như một lời tuyên xưng cuộc chiến thắng sự chết của Chúa Kitô Phục sinh.

Mang ơn cứu độ đến cho nhân loại qua con đường thập giá, thì không có nghĩa rằng Đức Kitô lập tức cất đi mọi đau khổ cho chúng ta. Nhưng chính qua những đau khổ của kiếp người và chính nơi Thập giá, Người dạy chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong cuộc sống một cách có ý nghĩa, và học nơi Người bài học yêu thương. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com