Martin Quách Đình Quốc Trọng
“Thiên Chúa là Đấng lãng mạn, không phải bằng những câu từ bay bổng, nhưng bằng sự kiên nhẫn.”
Trong bài viết có nhan đề “The Romance of Lent: How to Give Your Lent a Great Start”[1], tác giả Edward Sri đã chỉ ra sự liên hệ giữa “Mùa Chay” và “Sự lãng mạn”, vốn là hai ý niệm dường như chẳng có liên hệ gì với nhau. Tác giả viết: “Tuy nhiên, xét về bản chất thì mùa Chay lại là thời gian để chỉ nói về Tình yêu. Mùa này tạo thêm nơi trái tim con người những không gian để lắng nghe tiếng Chúa”. Quả thế, chính Giáo hội đã xác định điều này trong các giáo huấn của mình, khi nhấn mạnh một trong những đặc tính của mùa Chay là việc sám hối[2]. Tinh thần sám hối này khởi đi từ lời mời gọi của Đức Giê su: “Anh em hãy sám hối” (Mt 4,17 ; Mc 1,15). Tinh thần sám hối này phải nhắm đến việc xây dựng mối thân tình với Thiên Chúa là Cha. Một khi tương quan này được xây dựng cách chắc chắn thì sự liên đới với tha nhân sẽ được vun đắp như một hệ quả hiển nhiên, vì mến Chúa là yêu người. Như thế, thật chí lí khi tác giả Edward Sri gọi mùa Chay là thời gian của tình yêu lãng mạn. “Lãng mạn” là từ ngữ được dùng để diễn tả cảm xúc bay bổng, thơ mộng, mơ màng, say đắm… “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16), và vì thế, đã là Đấng đắm chìm trong tình yêu thì chắc hẳn Thiên Chúa cũng là Đấng lãng mạn, và Người đã thể hiện sự lãng mạn của mình qua nhiều cách thế khác nhau. Một trong những cách thế đó là… trồng cây.
Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã đi trồng cây
Người không đi trồng cây theo đúng như những gì mà từ này muốn mô tả. Thiên Chúa không cầm cuốc, cầm xẻng ra đồng, ra vườn, nhưng chỉ phán một lời thì mọi loài liền có. Thiên Chúa đã phán và ban tặng đất cùng mọi thứ cây cối như lương thực cho con người[3]. Từ ban đầu, Thiên Chúa đã tỏ lòng ưu ái và thiết lập mọi thứ để phục vụ sự sống con người , khi đã “trồng cây” và dọn sẵn một thửa vườn cho họ[4]. Thửa vườn này có thể được xem như món quà ái tình mà từ ban đầu, Thiên Chúa đã trao tặng cho nhân ngãi của mình là con người. Thiên Chúa cũng ban cho con người quyền “cày cấy” để phục vụ sự sống nơi mình và “canh giữ” để bảo vệ công trình tạo dựng. “Điều này đưa đến sự liên kết hỗ tương giữa con người với thiên nhiên”[5], tức đưa đến trách nhiệm gìn giữ món quà tình yêu của Thiên Chúa.
Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã “trồng cây” vì con người. Là người đi ngỏ lời tình yêu, Thiên Chúa ra như đang cam đoan “dâng hiến” mọi sự cho tình yêu đó, cho tình nhân của mình. Do đó, trong tương quan của đôi nhân tình, và hơn hết là trong tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, con người được mời gọi chăm bón khu vườn của Thiên Chúa, là chăm sóc và bảo vệ công trình tạo dựng. Theo đó, hành vi trồng cây, theo đúng nghĩa mặt chữ, của con người được xem là việc chăm sóc, bảo vệ công trình tạo dựng, cũng như là một hành vi lãng mạn của “tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, trong sự hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh”[6].
Lạy Chúa, này con đến trồng cây với Ngài
Tuy nhiên, vì tội lỗi, con người đã cắt đứt sự thân tình ấy. Con người đã phản bội Người Tình của mình, đã giơ tay phá hủy món quà tình nhân. Hậu quả của sự phản bội mà con người phải gánh lấy là đau khổ và chết chóc. Biết bao lần Thiên Chúa đã than thở về sự bội tín này. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn còn đang than thở và chờ đợi con người quay về với Người trong sự thân tình thiêng liêng ấy. Giờ đây, trong sự lãng mạn của mùa Chay, cả tôi và bạn hãy cùng với dân Do Thái xưa kia để ngỏ lời trìu mến với Đấng Tình Nhân rằng:“
“Lạy Chúa Tể càn khôn,
xin trở lại, tự cõi trời,
xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ”
(Tv 80,15)
Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Phanxicô, khi dẫn lại mẫu gương của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đã kêu gọi thực hiện “bất cứ một cử chỉ nhỏ bé nào tạo bình an và tình bạn”[7]. Theo thiển ý, việc trồng cây chính là kiểu cử chỉ như thế. Mặt khác, việc trồng cây sẽ như một gợi ý về phương cách sống sự lãng mạn của mùa Chay, là nối lại sự thân tình với Thiên Chúa, tha nhân và vạn vật.
Chính trồng cây có thể được xem như một việc bác ái. Thánh Rôsa Lima đã bán số hoa mình trồng được để trợ giúp gia đình anh Flores, người đã ngỏ lời cầu hôn với thánh nữ, khi gia đình anh này gặp cảnh túng quẫn. Bên cạnh đó, ngày nay, việc thiết kế nhà ở, nơi học, nơi làm việc hay cả nơi giải trí, ăn uống, mua sắm vẫn được khuyến khích tạo ra những mảng xanh cây trồng. Màu xanh của cây sẽ làm cho người hiện diện thấy thoải mái hơn. Mảng xanh ấy chẳng nuôi sống được thân xác ta, nhưng nó sẽ ẩn chứa sự trân trọng đối với người hiện diện nơi không gian đó. Sự thoải mái chính là điều con người tìm kiếm trong mọi cuộc giao tiếp ở mọi nơi. Rõ ràng, việc trồng cây có thể tạo được tình bạn và sự bình an.
Chính trồng cây có thể được xem như một việc giữ chay. Giữ chay không đơn giản là việc kiêng khem ăn uống, nhưng còn nằm ở việc kiêng khem các thú vui khác, cũng như làm chủ các hành vi của mình. Thật hay khi thay vì lướt web, hay đếm lượt like, và làm những việc vô bổ khác, ta dành thời gian và tâm trí cho việc trồng cây. Đức Phanxicô khuyến khích việc trở lại với sự đơn sơ, và từ sự đơn sơ đó, ta học được cách sống điều độ và khiêm tốn[8]. Nhờ điều độ và khiêm tốn, ta tìm được niềm vui và sự an bình khi phá vỡ những nhu cầu ít cần thiết. Đức Giáo hoàng cũng đã liệt kê nhiều cách thức trở lại với sự đơn sơ, như gặp gỡ huynh đệ, phục vụ, nghệ thuật, cầu nguyện và liên hệ với thiên nhiên. Như vậy, trồng cây, được xem như cách liên hệ với thiên nhiên, cũng có thể là một việc như thế. Nơi hành động này, ta sẽ dễ dàng nói “không” với những nhu cầu không cần thiết, trở nên đơn sơ hơn, hầu dọn một chỗ xứng đáng cho Thiên Chúa.
Chính trồng cây có thể được xem như một việc cầu nguyện. “Nếu một người kinh ngạc trước sự vĩ đại của một ngọn núi, thì họ không thể tách ngọn núi ra khỏi Thiên Chúa”[9]. Nếu một người kinh ngạc trước sự đơn sơ của một cánh hoa, một chiếc lá hay kinh ngạc trước mùi thơm, hình dáng đặc trưng của chúng, thì họ không thể tách chúng ra khỏi Thiên Chúa. “Bạn hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, hãy hỏi vẻ đẹp của biển khơi, hãy hỏi vẻ đẹp của không khí đang dãn nở và lan tỏa, hãy hỏi vẻ đẹp của bầu trời,… hãy hỏi những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: Này bạn xem, chúng tôi quả là đẹp. Vẻ đẹp của chúng là lời tuyên xưng của chúng. Ai đã làm nên những vẻ đẹp có thể thay đổi đó, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ thay đổi?”[10] Theo nghĩa đó, nhìn ngắm một gốc cây, một chiếc lá, một cánh hoa là nhìn ngắm chính Thiên Chúa. Chỉ riêng việc nhìn ngắm Thiên Chúa cách chăm chú như thế đã là một việc cầu nguyện rồi.
Lời kết
Có một vị Linh mục từng nói với tôi: Chàng trai nào thích cây cỏ cũng đều rất lãng mạn. Tôi không biết vị Linh mục ấy sử dụng từ “lãng mạn” để diễn tả nét nghĩa nào, và tôi cũng không chắc bản thân có thực sự lãng mạn hay không. Điều tôi nhận được khi mỗi ngày đều dành thời gian chăm cây là cảm giác bình an. Cây cối như một người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia mọi vui buồn của tôi. Sự bình an tôi nhận được trở nên mạnh mẽ nhất là vào mỗi khi tôi cứu sống được một gốc cây nào đó. Có những gốc cây tưởng chừng đã chết nhưng nhờ hàng ngày tôi vẫn tưới nước, và thì thầm “mong cứu được”, lại mọc ra lá non, ra nhánh mới. Những gốc cây này dường như đang họa lại cuộc đời tôi. Tôi đã từng có những lúc rơi xuống đáy vực thẳm, và đã tự nhủ: ‘Tiêu rồi! Tương lai chẳng còn gì!’ Tôi đã chẳng chết về mặt thân xác, nhưng tinh thần thì nát bươm. Cuộc sống này lúc đó với tôi chỉ là cô đơn. Nhưng chính trong những khi tôi chới với nhất, Thiên Chúa đã kéo tôi lên cách lạ lùng, theo như cách mà Người đã kéo Phêrô lên khỏi mặt nước vậy[11]. Vì thế, tôi trân trọng từng gốc cây một, như trân trọng từng giây phút cuộc đời mình. Mỗi gốc cây tôi chăm là một lời cầu nguyện với Chúa và cũng là lời thủ thỉ mà Người Tình dành cho tôi. Người Tình nói: “Sao con kém lòng tin thế? Con chỉ cần tin thôi!” Chính Thiên Chúa đã kiên nhẫn với tôi trước, sau là giúp tôi thêm kiên nhẫn, và Người đã cùng tôi kiên nhẫn “trồng cây”.
Tôi và Đấng Tình Nhân của mình đã cùng nhau gìn giữ món quà ái tình như thế đó!
Thiên
Chúa là Đấng lãng mạn, không phải bằng những câu từ bay bổng, nhưng
bằng sự kiên nhẫn. Trong mùa Chay, Giáo hội mời gọi các tín hữu
nhìn nhận mình là thụ tạo thấp hèn sẵn lòng bước ra khỏi “tình
trạng nô lệ và cảnh hư nát để được chung hưởng tự do và vinh quang
của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Thật hay khi trong tâm tình đó, ta chủ
tâm chiêm ngắm sự kiên nhẫn của Người, sự lãng mạn của Người. Trong
sự kiên nhẫn và lãng mạn này, tôi thấy bình an và được tiếp sức để
sống vui và hạnh phúc. Một người anh đã hỏi tôi làm thế nào để anh
có thể thoát khỏi những suy nghĩ nặng nề về chính mình và về
người khác, tôi đã gợi ý với anh một việc làm. Giờ đây, tôi cũng
gợi ý với bạn, người muốn sống trong sự lãng mạn của Thiên Chúa,
rằng: “Bạn thử trồng cây xem!”
[1] http://edwardsri.com/2018/02/10/the-romance-of-lent-give-your-lent-a-great-start/
[2] X. Sacrosanctum Concilium, số 109
[3] X. St 1,28
[4] X. St 2,8
[5] Laudato Si’, số 67
[6] X. GLHTCG, số 374
[7] X. Laudato Si’, số 230
[8] X. Laudato Si’, số 222-224
[9] X. Laudato Si’, số 234
[10] Dẫn lại lời thánh Augustinô trong GLHTCG, số 32
[11] X. Mt 14,22-33