[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 8: Ơn Hoán Cải Cho Người Do Thái Và Người Lạc Giáo

30-12-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1891 lượt xem

Chỉ một mình Thiên Chúa biết con số các linh hồn mà thánh Vinh Sơn đã hoán cải, dẫn đưa từ tội lỗi đến sám hối, qua các bài giảng hằng ngày, kéo dài trong khoảng hơn hai mươi năm. Nhưng nếu xét ở những dấu hiệu bề ngoài, ở mọi nơi ngài hiện diện, chúng ta dễ dàng hình dung ra rằng ít có một ai khi đã diễm phúc nhìn thấy và nghe thánh nhân giảng mà vẫn có thể cưỡng lại công hiệu ảnh hưởng đến tâm hồn.

Làm sao có thể dửng dưng trước sự đụng chạm của thánh nhân? Ngài giảng với nhiệt huyết sôi nổi, hoạt bát và đầy sức sống. Ngài không xuất hiện như một cụ già cao niên hay bệnh tật, nhưng như một sứ giả Tin Mừng trẻ trung, được đốt nóng bằng lòng nhiệt tâm mãnh liệt. Có lẽ những người ở xa cũng có thể nghe tiếng ngài, và dân cư các nước đều hiểu ngài, dù ngài chỉ nói bằng ngôn ngữ địa phương của người Valencia. Ngài biểu lộ nhiệt huyết trong lời giảng như một phép lạ làm thính giả say đắm. Khi rời bục giảng, ngài trở nên yếu đuối, kiệt sức, sắc mặt xanh xao, bước chân chậm chạp và phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Có lẽ không ai nghĩ rằng đây chính là con người ấy, cũng chẳng ai hoài nghi chính Thánh Thần hoạt động nơi ngài khi giảng thuyết, làm cho cơ thể yếu đuối thêm sức sống cũng như gia tăng nơi ngài nguồn năng lực phi thường.

Một lý do khác khiến cho ngài thành công là đặc ân làm phép lạ hiếm có. Phép lạ xảy ra hằng ngày. Đến bất cứ nơi nào, ngài cũng phục hồi sức khỏe cho nhiều bệnh nhân không còn hy vọng được chữa lành. Chúng ta dễ đoán được cảnh tượng tươi vui này thường được lặp lại ở mọi nơi. Ngài nhanh chóng đi từ nơi này sang nơi khác, với lòng tha thiết mãnh liệt loan báo Tin Mừng cho khắp Châu Âu. Những điều ngài thực hiện hằng ngày đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng mọi người. Hơn nữa, các đoàn rước của những người đánh tội cũng có thể làm thay đổi những tâm hồn chai lì nhất. Điều này diễn ra vào lúc hoàng hôn mỗi ngày, dù cho mưa gió, tuyết rơi, thậm chí cả giông tố. Họ thuộc đủ mọi hạng người, quý tộc lẫn dân thường, người lớn hay trẻ nhỏ, thậm chí cả các em bốn năm tuổi, tất cả đều không sợ đau khổ, mong muốn đền bù cho tội lỗi loài người. Họ đi chân đất, từng hai người một, che mặt, mặc áo vải gai và để lộ đôi vai nhằm bày tỏ đức khiêm nhường. Mỗi hối nhân tự đánh mình trong khi vẫn suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa. Máu họ chảy ra mang theo nhiệt tâm mãnh liệt, thậm chí có người còn tự cắt da thịt mình bằng những cú đòn ác nghiệt. Đúng vậy, điều lạ thường có lẽ đã xảy ra, không một ai trong số các hối nhân khổ hạnh bị tổn thương về sức khỏe khi kết thúc việc làm ấy. Chính thánh nhân cũng nói về điều này để cho thấy Chúa vui lòng thế nào khi thấy những hình thức sám hối như thế. Trong khoảng mười hai năm, chẳng ai trong số những người thuộc nhóm đánh tội này bị chết vì làm điều đó.

Một ngày nọ, khi đoàn người đang rảo qua thành phố, những người phụ nữ tai tiếng tụ tập tại một nhà thờ và một người trong nhóm của thánh Vinh Sơn đã giảng cho họ về tội lỗi, sự hoán cải và Hỏa Ngục. Chỉ rất ít trong số những người phụ nữ trắc nết này chống lại những khuyến khích dành cho họ. Vào hôm sau, họ cảm thấy như được thoát khỏi những trói buộc quấn lên mình và xin gia nhập vào đoàn những người thống hối công khai.

Kết quả của những việc này là gì? Ngay khi thánh Vinh Sơn vào thành nào, lập tức thành đó giống như thành Ninivê khi ngôn sứ Giôna kêu gọi hoán cải. Dân chúng khóc lóc khi tham dự thánh lễ do thánh nhân cử hành, nhưng rơi lệ nhiều hơn khi ngài thúc giục hoán cải. Sau đó, nơi ấy tràn ngập những tiếng thở dài, rên rỉ và than khóc. Người ta cho rằng người thì khóc vì cái chết của đứa con đầu lòng, kẻ thì khóc than cho cha hay mẹ mình. Các quảng trường và nhiều nơi tràn ngập thính giả khiến người ta liên tưởng đến ngày Cánh chung. Thật vậy, điều này tựa như cảnh hãi hùng và than khóc trong thời tương lai khi mọi dân tộc trên mặt đất cùng tập trung tại thung lũng Josaphat. Nicholas de Clémangis, người đã chứng kiến tận mắt, nhận xét rằng hầu hết những linh hồn nguội lạnh nhất và những tâm hồn chai đá đều ăn năn thống hối, đau buồn than khóc bằng những lời lẽ thống khổ nhất.

Hơn nữa, chúng ta cũng có thể hình dung đám đông lạ thường này. Thính giả của thánh nhân không chỉ gồm cư dân trong thành phố nơi ngài giảng thuyết, mà còn có hơn năm mươi ngàn người ở các làng quê thường tập trung quanh bục giảng khi ngài giảng ở các ngôi làng nhỏ. Họ náo nức kéo đến nghe giảng dù cách xa nhiều dặm. Khi thánh nhân giảng, tất cả những người thợ, những người buôn bán đều ngưng làm việc. Trong các thành phố nơi có các trường học, các giáo viên cũng tạm ngưng bài giảng của mình. Thời tiết khắc nghiệt, mưa gió cũng không ngăn nổi đám đông dân chúng tập trung ở những quảng trường công cộng để nghe thánh nhân giảng. Những người bệnh, nếu còn đủ sức đi bộ, cũng rời bệnh viện, còn bệnh nhân khác thì được người ta đưa đến; mọi người đều hy vọng thân xác và linh hồn mình được chữa lành, và niềm hy vọng đó thường được đáp ứng.

Từ lòng say mê sám hối mà thánh nhân gợi lên nơi dân chúng, ta có thể nhận xét thế này: bất cứ nơi nào thánh Vinh Sơn đến, các quảng trường và những nơi công cộng tràn ngập những người bán hàng rong bán vải gai, dây xích, áo nhặm và những dụng cụ cho việc hành xác.

Trong quyển Hướng dẫn tâm linh có thuật lại nhiều câu chuyện thú vị về những tội nhân hoán cải. Đối với những kết quả do sứ vụ tông đồ của thánh nhân, chúng ta sẽ trích dẫn từ một tài liệu chính thức, đó là một lá do Công đồng Orihuela gửi Giám mục Carthagena, nước Tây Ban Nha như sau: “Việc cha Vinh Sơn đến làm nảy sinh những điều thiện hảo lớn lao trên đất nước này. Đó là một cơ hội lớn mang lại ơn cứu độ cho mọi tín hữu. Khi cha kết thúc việc giảng thuyết, và nhờ ơn Chúa, thành phố này đã được giải thoát khỏi mọi điều xấu xa và tội lỗi công khai. Không một ai, dù lớn hay nhỏ, dám xúc phạm Danh Chúa, Đức Maria và các thánh, hay thốt ra bất cứ lời xúc phạm nào. Các trò chơi cờ bạc, súc sắc bị hủy bỏ… Không còn ai dám bày trò gọi hồn, xóc quẻ, giải thích các dấu lạ hay lui tới các thầy bói và thầy phù thủy… Mọi trò tiêu khiển ồn ào đều bị loại trừ. Trước đây, dân chúng trong thành chưa bao giờ đi xưng tội thường xuyên như lúc này; thành phố không đủ số linh mục để giải tội và trao Mình Thánh. Vào những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, tất cả đều đi dự lễ với lòng sốt sắng, chẳng ai tin nổi và càng không thể làm chứng được. Trước khi cha Vinh Sơn đến, các nhà thờ rộng thênh thang nhưng giờ thì chật chội… Trong thành phố chẳng còn sự xúc phạm, ghen ghét hay thù địch, nhưng mỗi người tự thâm tâm đều tha thứ cho nhau vì Danh Chúa. Chúng ta có thể đếm hơn một trăm hai mươi ba vụ hòa giải, sáu mươi sáu người chết được hồi sinh, và vô số người què được chữa lành. Giờ đây, ai nấy đều sống trong an bình và hòa thuận. Trong thành phố Toulouse, tất cả các phụ nữ trắc nết đều từ bỏ những thói hư tật xấu của họ”.

Vào thời thánh Vinh Sơn, lạc giáo xuất hiện trên miền núi cao ở Pyrenées và Alpes. Đó là những thành trì của đám người Albi, Vaudois, Cathari và Paterini. Họ là những người bị sức mạnh hiệp nhất của Giáo hội và của các nhà quý tộc thế tục buộc phải rời các thành phố và những vùng đồng bằng, đã trốn vào những nơi xa xôi không ai có thể đến để hưởng sự tự do sai lầm. Lòng nhiệt tình khiến thánh Vinh Sơn băng qua những ngọn núi đó để mang ngọn đuốc đức tin đến cho những người bất hạnh.

Trong tiến trình phong thánh cho cha Vinh Sơn, người ta thuật lại rằng, chỉ sau một bài giảng ở Perpignan, vô số người lạc giáo đã nhận ra Đức Tin Chân Thật. Thật vậy, chỉ riêng điều này đã cho chúng ta thấy mức độ thành công của ngài ở vùng núi Pyrenées. Còn ở vùng núi Alpes, người ta kể rằng ngài đã băng qua những ngọn đồi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn lạ kỳ. Trên những sườn núi phía nước Pháp, ngài hoán cải cư dân ba vùng thung lũng thuộc giáo phận Emburn, nơi bị tàn phá nặng nề bởi lạc giáo và sự băng hoại đạo đức. Cùng với nhóm người đánh tội và những người đồng hành đạo đức, ngài vào những thung lũng ấy, nơi vẫn còn chống lại lời Chúa. Danh tiếng và những phép lạ ngài làm khiến đông đảo những người theo lạc giáo kéo đến nghe ngài giảng. Chỉ một vài ngày cũng đủ làm cho tâm hồn họ thay đổi và khiến họ bớt lòng chai dạ đá. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có nhiều người nhìn vào lòng hăng hái của ngài bằng thái độ cay đắng, ghen tị và tìm cách giết ngài. Ba lần họ mưu toan thực hiện âm mưu xấu xa, thì cả ba lần sự quan phòng nhãn tiền của Thiên Chúa bảo vệ ngài trước ác tâm của họ. Khi biết không thể tránh mặt vị giảng thuyết được nữa, những con người dối trá đó lần lượt đến nghe ngài giảng. Ơn Chúa đã lôi kéo họ. Họ bị đánh động sâu xa hơn hẳn những người khác, và chỉ trong một thời gian ngắn, họ thể hiện lòng hoán cải chân thành. Những phong tục cổ hủ và mê tín cũng sớm biến mất khỏi những thung lũng này. Họ quy phục Đức Tin Chân Thật và hoàn toàn tuân theo kỷ luật của Giáo hội. Họ sửa chữa những điều xấu xa do các tội nặng nề gây ra, đến nỗi vùng ấy không còn được gọi là Valpourrie nữa, mà kể từ đây, chỉ được biết với tên gọi Valpure.

Những người theo lạc giáo cũng sống trong hầu hết các thung lũng trên sườn núi Alpes phía nước Ý, đặc biệt là trong giáo phận Turinô. Thánh Vinh Sơn viếng thăm và giảng dạy họ về đức tin Công giáo, đồng thời bằng nhiệt huyết cháy bỏng, ngài mạnh mẽ chỉ trích những sai lầm của họ. Nhờ lòng nhân từ của Chúa, mỗi người đều đón nhận Lời Chúa với lòng nhiệt thành, đạo hạnh và kính tôn. Các bài giảng, lòng hăng say và phép lạ của thánh nhân làm cho mắt họ mở ra. Ngài nhận ra rằng nguyên nhân chính của tội lỗi và lạc giáo là thiếu người giảng dạy. Ngài quy tụ cư dân của miền đất suốt ba mươi năm chẳng có ai đến rao giảng Lời Chúa, ngoại trừ những người theo phái Vaudois đều đặn một năm hai lần đến với họ. Trong thung lũng Loferio, ngài hoán cải vị Giám mục của đàn chiên lầm lạc nghèo khổ; tại thung lũng Angrogne, ngài phá hủy các ngôi trường đào tạo thừa tác viên lầm lạc. Ở Val du Pont, ngài khiến cho những người theo phái Cathari từ bỏ những thói ghê tởm của họ. Ở Val de Lanz, ngài hoán cải con cháu của những kẻ sát hại thánh Phêrô Vêrôna. Tại giáo phận Genève, ngài nhận thấy có một sự sai lầm lớn đang lan rộng. Theo phong tục hằng năm, sau ngày lễ kính Mình Thánh Chúa, là lễ hội mừng thần Thái dương, và các hội đoàn được thành lập với tước hiệu thần Thái dương. Không một vị giảng thuyết nào dám lên tiếng chống lại điều lầm lạc ghê tởm này. Các tu sĩ và giáo sĩ triều bị đe dọa hoặc sẽ bị giết hoặc bị tịch thu các lễ vật và của bố thí. Nhưng thánh Vinh Sơn không hề sợ hãi điều đó. Ngài công khai lên tiếng chống lại hành động bất lương này và chấm dứt chúng cách hiệu quả. Ngài còn thấy tình trạng thảm hại hơn ở giáo phận Lausanne. Tại đó, tầng lớp nông dân đã quen với việc thờ mặt trời. Ngài hướng dẫn họ tôn thờ Thiên Chúa và từ bỏ những việc làm mê tín này.

Sứ vụ của thánh Vinh Sơn đối với người Do Thái cũng không kém so với những người lạc giáo. Ngài hoán cải vô số người trong họ. Thiên Chúa dường như ban cho ngài ân huệ đặc biệt để hoán cải những người ai cũng biết là thù địch với Kitô giáo. Vào thời kỳ đó, ở Tây Ban Nha, người Do Thái vừa đông lại vừa mạnh. Án phong thánh cho thánh nhân thuật lại rằng trong vòng mười ba tháng, chỉ riêng vùng Castile, ngài hoán cải hai mươi ngàn người; vào năm 1415, chỉ trong vòng sáu tháng, tại Aragon và Catalonia, hơn mười lăm ngàn người trở lại đạo; và trong một dịp khác cũng tại miền này, đã có hơn ba mươi ngàn người chịu phép rửa sau khi ngài giảng thuyết. Ngay cả những sử gia của nhóm lạc giáo cũng chẳng ngần ngại xác nhận những điều này. Trong tác phẩm Juehasin, tác giả ghi lại rằng vào năm 1412, một tu sĩ tên Vinh Sơn, đã giảng thuyết cho người Do Thái, và hơn hai trăm ngàn người tin theo Chúa Kitô.

Thánh nhân tỏ lòng yêu mến tha thiết những kẻ lang thang bất hạnh. Trong các thành phố, nơi ngài gặp họ, ngài luôn dành sẵn chỗ cho họ, và sau khi khuyên dạy, ngài ân cần quan tâm đến họ. Những hành động yêu thương như thế đã chiếm được thiện cảm của họ. Bài giảng của vị giảng thuyết tài ba làm họ thêm lòng tin tưởng và sẵn sàng đón nhận bí tích Thánh Tẩy. Vì vậy, ở Perpignan, có bảy mươi gia đình đón nhận đức tin Kitô giáo. Trong những nơi khác, toàn thể hội đường thề bỏ các sai lầm. Bây giờ hội đường của họ biến thành nhà thờ. Ở Castile, tất cả dân chúng đồng lòng hoán cải đến nỗi không còn sót một ai, và Giám mục thành Palencia nhận thấy mình bị tước đi một mối lợi lớn, do nguồn thuế mà trước đây đã áp đặt cho họ. Trong số những người Do Thái thánh Vinh Sơn mang về cho Đấng Cứu Độ, nhiều người lại trở thành tông đồ cho những người đồng đạo của mình. Bởi vậy, một người trong số họ, sau này được tấn phong Giám mục, vui sướng vì đã làm cho bốn mươi ngàn người đồng hương gia nhập đạo.

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com