[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 7: Những Bạn Đồng Hành Nhiệt Tâm

26-12-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3479 lượt xem

Bị lôi cuốn bởi những phép lạ và khao khát lắng nghe giáo huấn của Chúa Giêsu, đám đông dân chúng đã theo Người băng qua miền Giuđê và Samari, nơi Người giảng về Nước Thiên Chúa. Chúng ta có cảm giác tương tự nơi đám đông vây quanh thánh Vinh Sơn Phêriê, hạnh phúc bước đi dưới sự dẫn dắt của ngài trên con đường cứu độ. Thánh nhân nhận thấy trách nhiệm của ngài là để chính những người này tham gia sứ vụ tông đồ. Số thành viên không ngừng tăng dần, đến nỗi chỉ một thời gian ngắn, có đến cả ngàn người lữ hành sốt sắng, cùng đi với ngài trên những hành trình tông đồ.

Cũng giống như tất cả những kẻ làm nên đoàn người theo Chúa Giêsu trong thời gian Người hoạt động công khai gắn bó với Người ở các mức độ khác nhau (trước hết, đó là nhóm các Tông Đồ gồm 12 thành viên; sau đó là các môn đệ với con số bảy mươi hai; cùng với những người phụ nữ thánh thiện, những người không kém nhiệt thành với Con Thiên Chúa, và cuối cùng là đám đông những người còn lại), những người theo thánh Vinh Sơn gồm có ba nhóm chính: trước tiên là các tu sĩ Đa Minh, ít khi dưới mười hai người; tiếp đến là các thành viên Dòng Ba, cũng thuộc Dòng Đa Minh; và sau cùng là những hối nhân mà đôi khi con số vượt trên chục ngàn người.

 Nhóm đầu tiên, họa lại một cách chính xác đoàn Tông đồ, là một kiểu tu viện di động với vị thầy thánh thiện đứng đầu. Hẳn là, các tu sĩ này tạo thành một hệ thống các vì sao thiêng liêng có người đứng đầu làm trung tâm, như các vì sao xoay quanh trái đất, tỏa ra luồng ánh sáng và hơi ấm, làm cho những kẻ đi theo trổ hoa và kết trái trong đời sống vĩnh cửu. Nhóm này cũng có thêm nhiều tu sĩ thuộc các Dòng khác, được các Bề trên của họ và của Tòa thánh cho phép đồng hành với thánh nhân. Trong số đó cũng có các giáo sĩ triều. Tất cả chừng khoảng năm mươi người cộng tác, mà kiến thức và các nhân đức vững mạnh của họ rất hữu ích cho ơn cứu độ các linh hồn. Các linh mục và tu sĩ này thay thế thánh nhân trên bục giảng và tòa giải tội khi ngài đau bệnh. Họ cũng giúp ngài ban bí tích Hòa Giải cho những người trở lại. Tuy nhiên, mỗi người đều được giao một công việc thích hợp. Người thì viết thư, người khác dạy giáo lý; người chịu trách nhiệm hòa giải giữa các kẻ thù, người khác hướng dẫn khách hành hương. Thủ quỹ cũng được chỉ định để nhận của dâng cúng và cung cấp theo nhu cầu của những người đồng hành, phần còn lại thì phân phát cho người nghèo.

Nhóm thứ hai bao gồm phần lớn những người, cả nam lẫn nữ, mặc tu phục của Dòng Ba Đa Minh – được Tòa thánh và các vị Bề trên của Dòng chấp thuận – tương tự như nhóm bảy mươi hai môn đệ của Chúa xưa kia và những phụ nữ thánh thiện. Nhóm thứ ba gồm các tín hữu nam nữ khác, đại diện cho đám đông theo Chúa. Như những người hành hương thời bấy giờ, tất cả họ đều mặc trang phục màu thẫm như dấu chỉ của lòng hoán cải và sự khiêm nhường. Họ được xếp vào hai nhóm riêng biệt, nam và nữ, và giữ trật tự này mọi lúc, cả trong lúc thi hành sứ vụ hay trên đường đi. Họ đi chân đất và chống gậy. Ảnh Chuộc Tội dẫn đầu những người đàn ông, còn phụ nữ theo sau cờ mang hình ảnh Rất Thánh Trinh Nữ. Các tu sĩ và giáo sĩ triều, tách khỏi giáo dân và tập trung quanh thánh nhân. Tiếng chuông reo thông báo lộ trình của họ, giống như dấu hiệu khi thánh nhân làm phép lạ. Thánh Vinh Sơn cũng dẫn theo các công chứng viên làm nhiệm vụ ghi chép những văn bản thỏa thuận giữa các bên thù địch mà ngài hòa giải.

Ngay khi vào thành phố, những người chịu trách nhiệm cung cấp nhu cầu vật chất cho đoàn đồng hành, tìm các gia đình sẵn lòng nhận một hay nhiều khách lữ hành. Sau đó, họ dẫn các nhóm đến gia đình, nơi họ sẽ được đón tiếp. Họ chỉ áp dụng điều này đối với những phụ nữ có tính tình đạo hạnh. Nói chung, những người hướng dẫn đoàn lữ hành, khi tìm kiếm chỗ trọ thường lúng túng bởi nhiều chọn lựa: người ta tranh nhau cung cấp chỗ trọ cho họ, vì đời sống tốt lành của họ dường như mang lại phúc lành cho ngôi nhà họ đến. Khách lữ hành phải trả tất cả phí tổn, nhưng thường thì các chủ nhà từ chối nhận bất cứ thứ gì, vì cho rằng mình đã được trả công bội hậu từ gương lành và cuộc trò chuyện thánh thiện với những người lữ hành.

Thật vậy, các nhân đức anh hùng do đoàn lữ hành nhiệt tình thực hành tạo nên một hình ảnh sống động thuyết phục dân chúng tựa như những bài giảng của thánh nhân rót vào tai họ, vì việc ấy bao gồm cả lệnh truyền và mẫu gương của lòng đạo đức Kitô giáo. Con số những người sống chung quanh thánh Vinh Sơn làm tăng thêm phong trào đạo đức nơi những người được thánh nhân khai mở. Một số hướng dẫn những kẻ mê muội, những người khác đặc biệt trao cho nhau lời khuyên mà thánh Vinh Sơn thường gửi đến mọi người. Họ khuyến khích mọi người mau mắn noi gương họ và thổi vào các việc đạo đức vẻ đẹp và lòng hăng hái. Những điều này dần thu phục lòng người nhờ những cuộc tiếp xúc bổ ích.

Nhóm người đông đảo này, khoảng mười ngàn người tất cả, bao gồm đủ mọi hạng người: quý tộc, bình dân, học thức, ngu dốt, linh mục, những người khác nhau về quốc tịch, sở thích, tính tình. Điều bao trùm lên họ là sự bình an và đức ái hoàn hảo đến nỗi họ phô bày cho thế giới bức tranh của Giáo hội nguyên thủy. Có thể nói rằng họ sống chỉ với một lòng một ý. Gương mẫu của thánh Vinh Sơn nối kết tình huynh đệ lớn lao này. Người lớn chịu đựng kẻ nhỏ với lòng kiên trì đáng khâm phục, trong khi kẻ nhỏ đáp lại sự khiêm nhường ấy bằng lòng kính trọng sâu thẳm. Những người lãnh đạo của các nhóm nhỏ trong cộng đoàn gạt bỏ sở thích cá nhân của mình và chỉ khao khát một điều là: tất cả mọi người trở nên tốt lành.

Lời giảng kỳ diệu của thánh nhân sinh hoa kết quả dồi dào trên thế giới, cả trong những người tốt lẫn giữa những kẻ xấu. Có người trở nên thánh thiện hơn, người khác thì được ơn hoán cải. Khi thánh Vinh Sơn qua đời, tình trạng của nhiều linh hồn trong Giáo hội đã thay đổi hoàn toàn.

Trong số những tâm hồn đạo đức được thánh nhân dẫn dắt đến đỉnh điểm của sự hoàn hảo, chúng tôi có thể kể đến trước hết là những người đồng hành và cộng tác trong sứ vụ tông đồ của ngài. Họ là:

  1. Chân phước Antôn Fuster, tu sĩ Dòng Đa Minh. Vị này có tài năng đặc biệt trong việc khuyên giải các kẻ thù. Thánh Vinh Sơn, sau khi giảng thuyết ở Vich, miền Catalonia, cho dân cư vốn bị xé nát bởi bọn phiến quân, đã để lại cha Antôn ở đấy, và cha hoàn thành tốt đẹp công việc mà thánh Vinh Sơn đã khởi sự. Chân phước Antôn thúc ép dân thành từ bỏ những kế hoạch báo thù của họ, và ngài làm cho những kẻ bị phân tán do hiềm thù hiệp nhất với nhau trong tình mến. Một thời gian ngắn sau cuộc hòa giải ấy, ngài được đưa về trời đón nhận phần thưởng vì công việc tông đồ của mình.
  2. Chân phước Geoffrey of Blanes, cũng thuộc dòng Đa Minh. Vị linh mục thánh thiện này rất có tài hùng biện. Để lôi cuốn các tín hữu đến nghe những bài giảng hữu ích, nhiều Giám mục và Tổng Giám mục, đã ban nhiều ân xá cho những ai đến nghe ngài giảng hay tham dự thánh lễ ngài cử hành. Lịch sử cho biết ngài đặc biệt có lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, Đấng thường xuyên hiện ra với ngài. Khi còn sống cũng như lúc đã qua đời, ngài làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời ở Barcelona vào năm 1414.
  3. Chân phước Phêrô Cerdan, cũng thuộc Dòng Giảng Thuyết. Khi gia nhập cộng đoàn đồng hành của thánh Vinh Sơn, ngài là một thường dân mù chữ. Nhưng khi vị thầy tinh thần qua đời, dường như ngài đã thừa hưởng tài hùng biện của thánh Vinh Sơn. Ngài giảng thuyết với tài năng và lòng nhiệt tình đến nỗi làm cho những kẻ quen biết ngài đều kinh ngạc. Ngài qua đời năm 1422 ở thành phố Graus, thuộc Catalonia. Khi ngài hấp hối trên giường bệnh được làm từ những cành nho như chiếc giường ngài vẫn thường nằm, những hồi chuông vang lên và ánh sáng từ trời bao quanh thi hài thánh thiện của ngài. Thi hài ấy được cất giữ cẩn thận và được di dời cách trang trọng một vài lần. Ngài luôn được tôn kính tại nhà thờ của Dòng; nhiều bệnh nhân được chữa lành nhờ sự can thiệp của ngài.
  4. Chân phước Blase Auvergne, người sẵn lòng từ bỏ tài sản kếch sù của mình để gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Ngài tiến triển trên con đường nhân đức dưới sự hướng dẫn của thánh Vinh Sơn. Thiên Chúa còn ưu ái ban cho ngài nhiều phép lạ cao cả. Ngài qua đời sau khi vị thầy của ngài được phong thánh. Thánh tích của ngài được lưu giữ tại tu viện Sisteron, ở Provence, nơi người ta tôn kính ngài như một vị thánh.
  5. Chân phước Phêrô Queralt, một tu sĩ Đa Minh khác. Ngài chiếu tỏa vinh quang trong cộng đoàn đồng hành của thánh Vinh Sơn. Ngài sống đến năm 1462. Sau khi qua đời, ngài được chôn cất tại tu viện Lerida, nước Tây Ban Nha. Thi thể ngài vẫn nguyên vẹn cho đến chiến tranh năm 1708, khi bị quân lính cắt thành từng mảnh.
  6. Chân phước Gioan Alcoy và Phêrô Maya, cũng thuộc Dòng Đa Minh. Các ngài là những người đầu tiên tham gia vào nhóm người đồng hành của thánh Vinh Sơn Phêriê. Vì thế, các ngài là những môn đệ thân tín nhất của thánh nhân, thay thế thánh Vinh Sơn khi ngài đau bệnh. Các ngài thấm nhuần tinh thần của thầy mình, trổi vượt về việc giảng thuyết và tiến xa trên con đường thánh thiện.
  7. Đấng đáng kính Gioan Gentilpre. Năm 1417, khi đang theo học ở Toulouse, Gioan bị thuyết phục bởi lời giảng của thánh Vinh Sơn, đã cùng với hai anh em khác nhận tu phục Dòng Anh Em Giảng Thuyết và gia nhập vào nhóm những đồng hành của thánh Vinh Sơn. Mỗi ngày, ngài cầu xin Chúa đặc ân giảng thuyết và chết vì giảng thuyết. Vào ngày ngài qua đời, ngài dùng hết sức để nói cho các tu sĩ và một số linh mục triều đang vây quanh giường ngài về Nước Thiên Chúa, và qua đời đang khi nói những lời khích lệ cuối cùng ấy.
  8. Đấng đáng kính Máctinô Vasgas, đan sĩ Dòng Xitô, nhà cải cách tu viện Pietra, và hầu hết các tu viện trong Dòng của ngài ở Tây Ban Nha.
  9. Chân phước Gioan Gilabert, tu sĩ Dòng Thương Xót. Vâng theo lệnh truyền của thánh Vinh Sơn, ngài rời nhóm người đồng hành. Vừa đến cổng tu viện nơi ngài được bổ nhiệm thì ngài trút linh hồn. Người ta báo cho thánh Vinh Sơn biết ngài đã qua đời và thánh nhân dâng lễ cầu nguyện và ca tụng những đức tính của ngài.

Điều quan tâm đặc biệt ở đây chính là rất đông người đạo đức đi theo thánh nhân trên hành trình tông đồ đã gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết hoặc các Dòng khác. Nhờ từ bỏ thế gian và của cải vật chất vì tình yêu Thiên Chúa, họ làm cho những đan viện, cả nam lẫn nữ thêm đông. Các trường học và gia đình bị ảnh hưởng vì việc gia tăng ơn gọi này. Sự thúc đẩy đó phổ biến đến nỗi mọi người khát khao được bước vào con đường tu trì.

Thánh Vinh Sơn luôn nhớ đến những cộng đoàn tu sĩ trong hành trình tông đồ. Sau khi giảng cho công chúng, ngài tiếp tục giảng cho các tu sĩ trong các đan viện. Không thể nào mô tả hết lòng nhiệt tình của thánh nhân đối với việc tuân giữ kỷ luật tu trì và đời sống hoàn hảo của hàng ngũ các tu sĩ. Chẳng hạn, mỗi khi trở lại Valencia, ngài luôn viếng thăm cộng đoàn các chị em Đa Minh, nơi ngài có nhiều con cái thiêng liêng, và qua những cuộc trò chuyện, ngài khích lệ họ tăng thêm nhiệt huyết phục vụ Chúa.

Chúng ta sẽ làm nổi bật chương này với danh tánh bốn nhân vật nổi tiếng, những người được thánh Vinh Sơn Phêriê gợi hứng, đã khinh chê thế gian, và nhờ tình thương Chúa, họ theo đuổi con đường hoàn thiện tu trì và được nên thánh. Trước hết là Chân phước Bôniphát Phêriê, bào huynh của thánh nhân, người mà sau khi góa vợ, gia nhập nhập Dòng Chartreux nhờ lời khuyên của ngài. Bôniphát nổi tiếng vì các nhân đức, được chọn làm Tổng quyền Dòng và được kính trọng như một vị thánh. Tiếp đến là thánh Bênađinô Xiêna, trong một lần tiếp chuyện, được thánh nhân khuyên vào Dòng Phanxicô và sẽ thành công với các linh hồn như thánh Vinh Sơn công khai tiên đoán. Vị thứ ba là chân phước Magarita, công tước xứ Xavoa, là người đã được thánh nhân nhận vào Dòng Ba Đa Minh và sự thánh thiện của chị đã được Giáo hội công nhận. Cuối cùng là chân phước Anê Mocada, một người bán hoa nghèo, theo lời giảng của thánh Vinh Sơn, đã khấn giữ đồng trinh trọn đời và theo cảm hứng đặc biệt như thánh Mađalêna, đã ẩn mình trong một hang động hoang vắng. Ở nơi đây, khi bà qua đời, Chúa đã cho thấy sự thánh thiện của bà qua những việc kỳ diệu.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com