[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 3: Chuyên Chăm Tri Thức Thánh Khoa

12-12-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1932 lượt xem

Nếu như thánh Vinh Sơn qua đời trong năm tập hoặc ngay sau khi tuyên khấn trong Dòng, chắc chắn ngài đáng được tôn kính trên bàn thờ, như Chân phước Phêrô Luxemburg, qua đời lúc mới 18 tuổi, và như các linh mục giải tội trẻ tuổi Alosio Gonzaga và Stanítlao Kostka, vốn là niềm tự hào của Dòng Tên. Nhưng Chúa Quan Phòng lại muốn làm tăng thêm vẻ đẹp nơi triều thiên quang vinh dành cho thánh Vinh Sơn ở một cấp độ cao hơn, qua một cuộc đời kéo dài đầy công trạng. Thánh Vinh Sơn phải mang lấy ách thánh thiêng của đời sống tu trì và tông đồ hơn 50 năm. Trong suốt nửa thế kỷ đó, ngài luôn kết hợp đời sống tu trì khổ hạnh để thi hành sứ vụ cứu rỗi các linh hồn với lòng trung thành toàn vẹn và kiên trì dũng cảm. Vì thế chúng ta có thể nhận ra biết bao công trạng được người thợ dũng cảm này tích lũy, và bao vinh quang ngài đã thu hoạch đến tận cuối đời. Từ lúc nhận ra mình không thể tách rời Dòng Giảng Thuyết, ngài đã quyết tâm dấn thân không ngừng nghỉ vào ba điều: siêng năng cầu nguyện, nghiên cứu thần học và học hỏi Thánh Khoa. Những điều này hình thành nên bổn phận gồm ba yếu tố mà một tu sĩ Giảng Thuyết ao ước sinh ích cho các linh hồn. Vì nếu không có đời sống cầu nguyện, người ta không thể thánh hóa chính mình và thánh hóa người khác được; không chuyên chăm nghiên cứu thần học và Thánh Kinh, người ta sẽ không có đủ kiến thức cần thiết cho công việc đứng trên bục giảng của mình và cho việc hình thành nhân cách.

Trong Dòng có một thói quen tốt lành là các sinh viên, những người có khả năng, được giao cho việc chỉ dẫn người khác ngay khi họ vừa hoàn thành việc học. Việc chỉ dẫn này thậm chí còn cần thiết để giúp họ thăng tiến trên đường học vấn, mà họ không thể có được nếu không hoàn thành điều kiện được đặt ra, dù có được kiểm tra đi nữa. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng một hệ thống như vậy rất phù hợp để huấn luyện những nhà giảng thuyết vững vàng; đối với một sinh viên đã hoàn trọn quãng mười, mười lăm hoặc hai mươi năm để hoặc là nghiên cứu hoặc giảng dạy triết học, thần học và Thánh Kinh, vào cuối chương trình phải được huấn luyện nhằm thích nghi với mọi khó khăn về vấn đề khoa học, và phải được đào tạo đủ để giải thích cho mọi người về các tín điều và giáo huấn luân lý. Thánh Vinh Sơn đã vượt qua tất cả các giai đoạn khó khăn này, đạt được hàm cấp học vấn cao nhất là Tôn sư thần học.

Khi hoàn thành năm tập, Vinh Sơn được các vị bề trên giao cho công việc giảng dạy luận lý và triết học ở ngay tu viện Valencia, và ngài đã dành tâm huyết vào nhiệm vụ đó. Những sinh viên tham dự lớp học của ngài đều cảm thấy mãn nguyện. Nhiều sinh viên từ thành phố cũng ước ao được nói chuyện với ngài, một giáo sư có kiến thức trổi vượt nhờ vào sự thánh thiện.

Ba năm sau đó, Vinh Sơn được sai đến giảng dạy tại Lerida. Trong hai năm giảng dạy tại đây, hoa trái của công việc ngài thực hiện cũng giống như tại Valencia. Khi thấy ngài có đủ khả năng để nắm bắt các vấn đề hóc búa của khoa siêu hình, các bề trên muốn ngài chuyên tâm vào việc nghiên cứu Thánh Kinh, và để thực hiện điều đó năm 1372 ngài được sai đến tu viện Barcelona. Trong ba năm sống tại đây, ngài đã chuyên tâm vào việc nghiên cứu Sách Thánh; và để có thể hiểu Cựu Ước tốt hơn, ngài đã học tiếng Hípri.

Thánh Râymunđô Pênhapho, vị Tổng quyền thứ ba của Dòng, đã thiết lập tại Tây Ban Nha nhiều trường học chuyên về tiếng Hípri nhằm giúp người Do Thái hoán cải; tại Tây Ban Nha kiều bào Do Thái rất đông và để có thể hoán cải được họ thì việc hiểu biết về ngôn ngữ của họ là điều tuyệt đối cần thiết. Vì lòng nhiệt tâm đối với ơn cứu độ các linh hồn, thánh Vinh Sơn đã bước theo đường lối của thánh Râymunđô. Ngài đã đạt được một kiến thức phong phú về tiếng Hípri đến nỗi có thể trích dẫn cho người Do Thái mọi bản văn Cựu Ước, và phi bác những đạo lý sai lầm của sách Talmud và những câu chuyện dối trá được kể trong sách đó. Người ta cho rằng ngài còn biết cả tiếng Hy Lạp và Ả Rập nữa. Thánh nhân đã dành ba năm để chỉ chuyên chăm vào việc nghiên cứu Thánh Kinh, và thêm một năm cho việc giảng dạy vật lý ngay tại tu viện Barcelona. Năm 1376 ngài trở lại Valencia, tại đây qua một cuộc tĩnh tâm, ngài làm mới lại nhiệt tâm của mình. Sau đó năm 1377, ngài được Tỉnh hội sai đến Toulouse, và năm tiếp theo đến Paris. Tại hai thành phố này ngài tiếp tục hoàn thiện chính mình qua việc dấn thân giảng dạy các môn khoa học thánh. Ngài chỉ tạm trú ở Paris một năm, sau đó trở lại Valencia và đảm nhận việc giảng dạy thần học trong sáu năm liên tiếp.

Năm 1388, ngài được gửi tới Lerida để lấy bằng Tiến sĩ Thần học tại trường đại học nổi tiếng của thành phố. Khi được các bề trên giao phó nhiệm vụ này, ngài đã khiêm tốn tuân phục, không phải để thỏa mãn tham vọng hão huyền, nhưng để giúp mình có đủ khả năng thi hành những điều tốt lành hơn cho Giáo hội. Bấy giờ ngài đã ba mươi tám tuổi, và mới chỉ có bảy năm trong đời linh mục. Trong thời gian tại Barcelona, ngài đã viết hai khảo luận, một về Những giả định biện chứng (Dialectical Suppositions), và một về Bản chất của tính phổ quát (Nature of the Universal). Hai tác phẩm này đã được người đương thời ca ngợi rất nhiều, nhưng hiện giờ chúng không còn nữa.

Việc học tập và giảng dạy là những tảng đá, đôi lúc nguy hại đến lòng sốt mến của những ai gắn kết với chúng. Thánh Vinh Sơn biết cách để tránh khỏi những hiểm nguy này. Khi đặt mối quan tâm hàng đầu vào khoa học của sự hoàn hảo, ngài đã không để cho lòng nhiệt thành bừng cháy trong tâm hồn biến thành sự nguội lạnh nơi những lý luận kinh viện. Học tập đối với ngài là một sự tập luyện dấn thân liên tục; không chỉ hướng về Thiên Chúa với ý hướng tinh tuyền, nhưng ngài còn hình dung như đang lắng nghe từ môi miệng của chính Đức Khôn Ngoan mọi điều ngài đang đọc.

Bất cứ khi nào gặp khó khăn, đặc biệt khi gặp những đoạn văn khó hiểu, ngài thường khẩn nài Đức Giêsu, mà ngài coi là vị Tôn Sư từ trời, ban cho ơn thông hiểu và soi sáng điều ngài đang gặp phải. Ngài thường đưa mắt ra khỏi trang sách và với lòng yêu mến, ngắm nhìn những vết thương của Chúa chịu nạn; trong chốc lát ngài rút ra từ nguồn mạch ngọt ngào khó tả đó niềm vui tràn ngập tâm hồn, và ngay sau đó ngài lại trở về với những trang sách. Những khi khác, ngài rời khỏi bàn học, quỳ gối dâng lên Thiên Đàng một lời nguyện nồng cháy bằng những tiếng thở dài và than van, khẩn cần Thiên Chúa đổ vào tâm hồn mình những ngọn lửa yêu mến mới mẻ. Như thế ngài chuyển từ học tập đến cầu nguyện, và từ cầu nguyện đến học tập, và mỗi yếu tố đều làm tăng triển kiến thức và lòng sùng mến.

Ngoài những việc khổ chế thi hành trong phòng riêng, ngài còn dành phần lớn thời gian ban đêm trong nhà thờ để cầu nguyện nữa. Điều đặc biệt ở đây, nhất là tại phòng riêng, nhiều lần ngài được phúc trải qua thị kiến về Thiên Đàng và đón nhận những đặc sủng giữ cho tâm hồn ngài luôn được sốt mến và ngày ngày làm tăng thêm lòng sùng mộ.

Đêm nọ, khi đang cầu nguyện trước tượng chịu nạn và suy niệm về những cực hình của Chúa Giêsu, chiêm niệm về những vết thương nơi tay, chân và cạnh sườn của Chúa, thánh nhân xúc động tràn lệ, và kêu lên những lời đầy cảm thương: “Ôi lạy Chúa, Ngài phải đớn đau trên thập giá!” Tượng chịu nạn, quay đầu về bên trái nơi vị thánh đang cầu nguyện, đáp lại: “Đúng vậy, Vinh Sơn, Ta đã chịu những đớn đau này, và còn chịu thêm nữa.” Tượng chịu nạn nhiệm mầu này, với cái đầu quay về phía trái lúc phát ra những lời đó, vẫn còn được kính cẩn lưu giữ cho đến ngày nay.

Khi vừa bước qua tuổi ba mươi hai, Vinh Sơn được phong chức linh mục. Giáo luật thời xưa đòi buộc hàng giáo sĩ phải đến tuổi đó mới được thụ phong, và vào thời điểm đó khoản luật này cũng được tuân giữ trong Dòng Đa Minh. Thánh nhân đã cử hành thánh lễ mở tay thế nào? Ngài đã chuẩn bị tâm hồn cho biến cố trọng đại này ra sao? Các nhà viết tiểu sử thánh nhân chẳng để lại cho chúng ta thông tin nào. Nhưng chúng ta có thể nhận biết được lòng sốt mến của ngài trong biến cố trọng thể đó qua Hiến Lễ Bàn Thờ đã gợi hứng suốt cuộc đời ngài. Trong một bài giảng ngài nói: “Thánh Lễ là công trình cao cả nhất của việc chiêm niệm.” Ngài không bao giờ cử hành trách nhiệm thánh đó mà không tuôn trào nước mắt sốt mến và niềm vui thánh thiện, đặc biệt lúc khởi đầu kinh nguyện Thánh Thể đến lúc hiệp lễ. Mọi người xem ngài giống như thánh Đa Minh khi người cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Với lòng yêu mến Thiên Chúa, ngài thăng tiến đến mức trọn hảo trong việc tuân giữ nếp sống đan tu. Ngài đặc biệt chú tâm tuân giữ Hiến pháp Dòng; giữ kỹ lưỡng mọi điều khoản nhỏ nhất với tinh thần nội tâm, là điều Hiến pháp đòi buộc người tôi tớ trung thành và đích thực của Thiên Chúa phải có. Để có thể hiểu được tâm tình sốt mến của ngài đối với sự thánh thiêng của nếp sống ngài theo đuổi, những bổn phận trong đời tu, các nhân đức mà linh hồn khát khao, việc từ bỏ thế gian để chỉ sống cho Thiên Chúa và ơn cứu độ của tha nhân; và để thấu triệt được vô số bí mật thánh nhân đã khám phá ra khi làm cho mức độ hoàn thiện cao nhất trở thành những hành vi thông thường nhất trong đời sống, như nghỉ ngơi, ăn uống, trò chuyện và giải trí, chúng ta cần phải đọc Hướng dẫn đời sống tâm linh (Treatise on the Spiritual Life) của ngài, đây là một trong số ít tác phẩm còn được lưu lại.

Trong tập sách này chúng ta sẽ tìm thấy chân dung sống động của thánh nhân. Trong đó thánh Vinh Sơn tự vẽ ra con người mình và rõ ràng đã cho chúng ta một ý tưởng đích thực về sự hoàn hảo của riêng ngài. Tác giả trước hết đã đưa ra một số những quy tắc chung; rồi đi vào từng chi tiết những hoạt động thường ngày làm nên đời sống của một tu sĩ. Tiếp đến ngài liệt kê những động lực khác nhau buộc ngài phải nỗ lực không ngừng để hướng đến sự trọn hảo đích thực. Theo ngài, khó nghèo, thinh lặng và thanh khiết tâm hồn là những nền tảng phải có của đời sống tâm linh. Với sự đơn sơ ngọt ngào, ngài giải thích thêm về điệu bộ cần có của thân xác khi ngồi vào bàn ăn, ở phòng ngủ và trong cung nguyện. Lời khuyên ngài đưa ra nhằm tránh sự nhu nhược và thái quá trong các hoạt động khổ chế, biểu lộ một sự khôn ngoan sâu sắc tuyệt vời. Đối với những người đang học hỏi để có được kiến thức, ngài khuyên phải học tập như là để trở nên những Kitô hữu, tức là phải biến việc học thành lời cầu nguyện. Cũng về việc học hành, ngài khuyên đừng để những mạc khải sai lầm gài bẫy mình. Cuối cùng, thánh Vinh Sơn đưa ra một cách thức giảng thuyết, đặc biệt ngài nói đến lòng đơn sơ, thậm chí là một kiểu ngây ngô mà người giảng thuyết có thể chấp nhận với ý định là để cho thính giả hiểu mình hơn. Tất cả những lời khuyên khác nhau này là hoa trái từ sự chiêm niệm, trải nghiệm và thực hành hằng ngày của thánh Vinh Sơn.

Ma quỷ xúi giục ngài bằng hàng ngàn cách hòng đưa ngài đi vào sai lầm mê dại, hay ít nhất làm cho ngài giảm lòng nhiệt thành với điều thiện hảo. Chúng ta gặp thấy một ghi chép trong tác phẩm Hướng dẫn tâm linh (Spiritual Instruction) nói về hai lần Satan xuất hiện – vào ngày thứ sáu hai tuần trước lễ kính thánh nhân và vào ngày thứ tám trong tuần Cửu nhật kính ngài. Nhưng thánh nhân luôn thoát khỏi mưu đồ của Hỏa Ngục cách vẻ vang.

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com