[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 4: Bắt Đầu Sứ Vụ Giảng Thuyết

16-12-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1546 lượt xem

Trong thời gian cư ngụ ở Barcelona – từ năm 1372 đến 1375 – thánh Vinh Sơn bắt đầu giảng thuyết công khai cho mọi người. Khi đó, ngài mới chỉ là phó tế. Vì lòng nhiệt tâm, sự dịu dàng và sức thuyết phục thể hiện qua các bài giảng, khiến nhiều người cảm động sâu xa. Nhiều cuộc hoán cải đánh dấu chiến công đầu tiên của ngài trong cuộc chiến tông đồ. Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe ngài giảng, không chỉ từ các thành lân cận, nhưng còn từ các thành xa hơn hàng chục dặm xung quanh. Các nhà thờ lớn nhất cũng không đủ chỗ chứa đoàn dân đông đảo như thế; và để thỏa mãn lòng đạo đức của họ, thánh Vinh Sơn buộc phải giảng tại các quảng trường công cộng.

Một sự việc đáng chú ý xảy ra có ảnh hưởng lớn trong việc tạo nên uy tín của ngài giữa lòng dân chúng. Suốt một năm, Barcelona bị nạn đói khủng khiếp tàn phá: thiếu lúa gạo, nhiều cố gắng từ mọi phía để bù đắp sự thiếu hụt này, nhưng đều vô ích. Dân chúng trông cậy vào kinh nguyện và những cuộc rước công khai để xin Thiên Chúa cứu họ khỏi tai họa.

Một ngày đầu mùa xuân 1375, một đoàn rước lớn đến một quảng trường của thành phố, và thánh Vinh Sơn đã diễn thuyết trước đám đông bằng những lời tha thiết khích lệ họ sám hối. Ngài cho họ biết sự lãng quên lề luật Chúa đã mang đến cho dân Kitô giáo tai họa đói kém khủng khiếp như thế nào. Sau đó, ngài khích lệ họ tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không để con cái Người chết trong tai họa Người gửi xuống nhằm sửa dạy và thánh hóa họ. Tiếp đó, ngài đột nhiên thốt lên: “Hỡi anh chị em, hãy can đảm và hân hoan, vì ngay đêm nay, hai chiếc tàu lớn chở đầy lúa mì sẽ cập bến, cung cấp dồi dào lương thực cho anh chị em”.

Nhưng trong ngày đặc biệt đó, và nhiều ngày trước, biển động dữ dội đến nỗi dường như chẳng tàu thuyền nào có thể tồn tại trong cơn cuồng phong như thế. Chỉ ít thính giả tin vào lời tiên tri, số đông hơn rì rầm chống lại nhà giảng thuyết, chê trách ngài thiếu khôn ngoan, khoác lác và tự dương tự đắc. Lời than phiền đến tai anh em ngài, họ cảnh báo ngài cần phải thận trọng trong các bài giảng sau này. Thánh Vinh Sơn đã khiêm tốn chân thành đón nhận lời khuyên. Sau đó, để không làm mất sự bình an trong tâm hồn, ngài đã dành hết thời giờ còn lại của ngày hôm ấy dưới chân bàn thờ, cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân chúng thiếu đức tin và đừng từ chối trợ giúp họ như Người muốn. Những kẻ bực tức với lời thánh nhân đã hết sức kinh ngạc khi vào lúc xế chiều hai chiếc tàu chở đầy lúa mì đi vào cảng Barcelona; và ít ngày sau, 20 chiếc tàu khác mang hàng hóa tương tự xuất phát từ các cảng Flanders cũng cập bến. Khi thấy việc tiếp tế lương thực dồi dào như thế, họ công nhận sự thật về lời tiên tri, hối hận vì đã càm ràm chống lại ngài, đồng thời quyết chí sửa chữa những xúc phạm đến ngài, bằng cách từ nay về sau hoàn toàn ngoan ngoãn lắng nghe ngài khuyên dạy.

Theo những nhà viết tiểu sử thánh nhân, ở Paris năm 1379, người của Thiên Chúa không chỉ tận tuỵ với nhiệm vụ đào tạo các tu sĩ trẻ, mà còn nhiệt thành loan báo Lời Chúa cho mọi người. Việc giảng thuyết của ngài ở thủ đô nước Pháp cũng mang lại hoa trái kỳ diệu như ở Tây Ban Nha. Người ta không chỉ khi lắng nghe ngài hùng biện với lòng với cảm phục mãnh liệt, mà còn với cõi lòng thống hối và nước mắt ăn năn. Nhiều cuộc hoán cải theo sau mỗi bài giảng.

Tuy nhiên, nguyên quán Valencia mới là nơi chính diễn ra sự thành công trong giai đoạn này của cuộc đời thánh nhân. Đám đông háo hức xúm quanh tòa giảng, và ngài đã làm những điều kỳ diệu về ân sủng và sự thánh hóa nơi các linh hồn. Khi ngài được phong chức linh mục, sự thành công còn tăng hơn nữa. Ngay sau đó, cha được phép sử dụng năng quyền giải tội, rồi khi bắt đầu nghe thú tội, cha thu hoạch được phần lớn hoa trái của hạt giống Tin Mừng cha đã gieo trong thời gian dài bằng việc giảng thuyết. Với thừa tác vụ hữu ích này, cha củng cố cách tuyệt diệu thiện ích lớn lao cha đã bắt đầu khi giảng thuyết công cộng. Tuy nhiên, cư dân Valencia không bằng lòng xem cha là một người hướng dẫn rực sáng trên con đường hoàn thiện Kitô giáo, một thầy thuốc tài năng của các linh hồn; nhưng muốn xem cha như nhà cố vấn vạn năng và nơi ẩn náu của mọi kẻ ưu phiền. Tất cả các tầng lớp dân chúng cần nhờ đến cha. Tầng lớp bình dân cũng như quý tộc tham vấn cha như một vị thánh, và ngoan ngoãn vâng theo những quyết định đầy khéo léo và đúng đắn của cha.

Sau đó, vì ghen tị với những thành công cha đạt được, Hỏa Ngục đã bịa ra nhiều chuyện xấu chống lại thánh nhân, cho đến lúc này chúng tôi còn chưa tiết lộ, nhưng sẽ kể ngay sau đây.

Đêm nọ, một ông già tội lỗi đi tới nhà người phụ nữ trắc nết. Ông này cải trang trong chiếc áo choàng đen của các Anh Em Giảng Thuyết. Ông hứa với người phụ nữ ấy nhiều điều và thêm rằng tên ông là Vinh Sơn Phêriê, nhưng cô ta không bao giờ thấy ông trở lại nữa. Sau đó, cô kiện lên thống đốc thành phố. Tình cờ năm ấy vị này lại là Bôniphát Phêriê, anh trai thánh nhân. Khi nghe cô than phiền, vị thống đốc nghi ngờ đó là tội ngụy tạo vô căn cứ, do người khác xúi giục vì thù ghét hoặc ghen tị. Các tu sĩ Đa Minh phải đi rước ngang qua một phần thành phố. Chính Bôniphát, được một số nhân chứng tháp tùng, đã cùng với nguyên đơn dừng lại tại một ngôi nhà, nơi họ có thể quan sát tất cả anh em đi qua. Sau đó, ông yêu cầu cô chỉ cho ông kẻ cô kiện tụng. Cô đã không thể phân biệt được. Ông chỉ vào chính em trai mình và nói: “Hắn ta đó phải không?” Cô ta la lên: “Ôi, cha ấy là một vị thánh, thỉnh thoảng tôi có nghe cha ấy giảng”. Ông nói: “Vị thánh này là Vinh Sơn Phêriê, và tôi là anh trai của ngài. Cô đã bị lừa gạt, để vu khống ngài”.

Tuy nhiên, Bôniphát không tìm thấy ai khác cho tới khi ông khám phá ra kẻ phạm tội. Sau đó, ông gọi kẻ ấy đến trước mặt một số thẩm phán và buộc hắn xin lỗi thánh nhân. Đây là ông già đã được nhắc đến ở cuốn Hướng dẫn tâm linh trong ngày thứ năm của tuần chín ngày.

Thánh Vinh Sơn đã là Tôn sư Thần học được hai năm và đang giảng thuyết cho cư dân thành Valencia cùng các thành phố khác miền Aragon, khi Hồng y Phêrô Luna đi qua thành này. Vị giáo sĩ cao cấp này là kinh sĩ và niên trưởng hội giáo sĩ nhà thờ chính tòa. Lúc này, Giáo hội đang bị chia rẽ thảm hại giữa những người theo Giáo hoàng ở Avignon và những người theo Rôma. Phêrô Luna tới Tây Ban Nha trong vai trò Đặc phái viên Tông tòa, để thúc đẩy nước này chấp nhận quyền của Đức Clêmentê VII, bấy giờ đang là Giáo hoàng ở Avignon. Vị này đã nghe người ta nói về cha Vinh Sơn và chẳng ngạc nhiên khi thấy cư dân nước này đồng lòng ca ngợi cha. Chính Phêrô Luna có dịp đánh giá xem vị thánh xứng đáng với lòng quý mến cao như thế nào, và ngài đã kiên quyết lôi kéo cha Vinh Sơn về phía mình trong suốt thời gian làm Đặc phái viên ở Tây Ban Nha và sau đó giới thiệu thánh nhân tại cung điện Giáo hoàng Clêmentê VII, tại Avignon. Vì tôn kính vị Đặc sứ tòa thánh, cha Vinh Sơn đã bằng lòng tháp tùng Hồng y và theo ngài tới Salamanca, nơi vua Castile đang cư ngụ.

Trên đường đi, lòng nhiệt thành không để cho cha thinh lặng, và cha đã giảng thuyết trong nhiều thành khác nhau nơi cha đi qua. Điều này không phải là không mang lại kết quả, bởi vì trong thành phố Valladolid, cha đã làm cho một rápbi Do Thái trở thành Kitô hữu, rồi được phong linh mục, về sau trở thành Giám mục giáo phận Carthagena. Cha cũng đem nhiều người Do Thái, nhiều kẻ vô tín và các tín hữu Công giáo nguội lạnh về với Đức Tin hoặc sửa đổi đời sống. Khi kết thúc nhiệm vụ Đặc phái viên, Hồng y Phêrô Luna mời cha Vinh Sơn đi cùng ngài trở về cung điện Giáo hoàng Clêmentê VII; nhưng vì không chấp nhận những ước muốn của Hồng y Luna và nhận thấy có thể thực hiện những thiện ích lớn hơn cho các linh hồn, thánh nhân đã muốn tiếp tục giảng thuyết ở Castile.

Khi trở lại Valencia, mặc dù không muốn, cha được chỉ định làm cha giải tội cho Violante, hoàng hậu nước Aragon và là phu nhân vua Gioan I. Với sự khôn ngoan, cha đã hướng dẫn bà hoàng này. Bà là người phụ nữ có tính khí sắc sảo và nhiều tài năng, nhưng độc đoán, tham quyền và ước muốn toàn thể nhân loại quy phục bà. Bà đã thống trị cả nhà vua, chồng bà. Bởi vì, mọi việc trị vì đều theo ý kiến của bà. Nhưng bà đã ngoan ngoãn tuân theo lời chỉ dẫn của thánh Vinh Sơn, người đã cố gắng làm cho bà coi thường thế gian và yêu mến những sự trên trời. Lòng tôn kính mà bà dành cho vị linh hướng thánh thiện chắc chắn là phương tiện Đấng Quan Phòng sử dụng để làm cho bà hoàn thiện. Cha Vinh Sơn không phải là kẻ xu nịnh hèn nhát và không luôn dễ dàng nhắm mắt trước những khuyết điểm của hối nhân. Một ví dụ được kể lại ở cuốn Hướng dẫn tâm linh trong ngày thứ Sáu tuần thứ bảy trước lễ kính thánh nhân rằng cha biết cách quở trách hoàng hậu khi bà đáng bị khiển trách.

Vào ngày 1 tháng Sáu năm 1391, nhiều hoàn cảnh kỳ lạ đã dẫn những người Do Thái trong thành Valencia đến xin được chỉ dạy đức tin Kitô giáo. Đức Giám mục của thành này chỉ định cha Vinh Sơn hướng dẫn họ. Phần lớn những người này trở thành Kitô hữu, và hội đường của họ chuyển thành nhà thờ dâng kính thánh Christopher.

Chẳng bao lâu sau mùa gặt các linh hồn này, cha Vinh Sơn trở lại triều đình vua Gioan I. Nhà vua đã cư ngụ trong tỉnh này được một thời gian. Cha được phong làm Ủy viên Hội đồng Quốc gia và Đại giáo sĩ của vua nước Aragon, đồng thời vẫn là cha giải tội của hoàng hậu. Cha vẫn ở lại triều đình cho đến khi nhà vua qua đời vào năm 1396. Những vinh dự mới này không cản trở nhiệt huyết tông đồ của thánh nhân. Cha giảng thuyết hằng ngày và cũng thành công tại nhiều miền khác nhau, kể cả Cordova, nơi cư dân có lòng tôn kính cha cách mãnh liệt, đến nỗi họ cắt áo choàng của cha thành từng mảnh và chia cho nhau như là thánh tích.

Thế nhưng, khi cha đang hăng hái giảng thuyết ở Aragon, Đức Clêmentê VII băng hà. Phêrô Luna được các Hồng y ở Avignon bầu làm Giáo hoàng và mang tước hiệu là Bênêđictô XIII. Hai năm sau cuộc bầu cử, Đức Bênêđictô đã bổ nhiệm cha giải tội của ngài là cha Giêrônimô Ochoa, Dòng Cát Minh, làm Giám mục giáo phận Elne ở Roussillon; đồng thời chọn cha Vinh Sơn thay thế Giêrônimô làm cha giải tội cho Đức Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng phái các sứ giả mang thư yêu cầu cha đến Avignon ngay. Vì không thể nào từ chối một mệnh lệnh chính thức như thế, thánh nhân vâng lời và vội vã tới gặp Đức Bênêđictô, người được xem như là Giáo hoàng. Trên đường đi, cha không ngừng giảng thuyết cho dân chúng trong các thành, nơi cha buộc phải ở lại.

Đến cung điện Avignon (năm 1396), thánh Vinh Sơn được bao quanh bằng nhiều danh hiệu cao quý. Vì muốn gắn bó thánh nhân với mình bằng những tước hiệu khác ngoài tước hiệu cha giải tội, Đức Bênêđictô đã chỉ định cha làm Nghiêm sư Thánh điện, Linh mục chánh tòa tòa xá giải và tuyên úy riêng của Đức Giáo hoàng. Giữa những vinh dự cao quý ấy, người tu sĩ khiêm nhường không ngừng làm việc đạo đức theo thói quen, cần mẫn nghiên cứu Kinh Thánh và giảng thuyết cho mọi người. Đời sống gương mẫu của cha càng làm cho lời giảng thêm thuyết phục. Sống giữa cung điện Giáo hoàng xa hoa lộng lẫy, cha vẫn thực hành những khổ chế như khi ở trong tu viện bình thường – giữ chay, kéo dài giờ kinh và canh

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com