Thánh Vinh Sơn Liêm – Mẫu gương Trí, Trung, Dũng

14-11-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 199 lượt xem

Bước sang năm 2023, Anh Chị Em trong gia đình Đa Minh Việt Nam cử hành năm thánh mừng 250 năm Thánh Vinh Sơn Liêm đón nhận phúc tử đạo. Đây là dịp để các thành phần trong Gia đình Đa Minh nói chung, và anh em Thỉnh sinh Đa Minh nói riêng đào sâu căn tính và đoàn sủng Đa Minh qua từng sứ vụ và bậc sống cụ thể. Được gợi hứng từ gương sống của Thánh Vinh Sơn Liêm, bài viết khai triển gương “Trí- Trung – Dũng” của thánh nhân theo góc nhìn của một Thỉnh sinh đang chập chững bước theo Chúa trong ơn gọi tu trì.

Rèn “Trí” để phụng sự

Trí năng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tu sĩ. Đây cũng là yếu tố được Thánh Vinh Sơn Liêm lưu tâm khi Ngài còn tại thế. 

Chữ “Trí” ở đây được hiểu là trí tuệ, óc khôn ngoan và sáng suốt, được thể hiện trong chọn lựa và phán đoán. Ngay từ khi còn trẻ, Thánh Vinh Sơn Liêm  dứt khoát với chọn lựa của mình. Năm 12 tuổi, cậu Liêm được Cha Espinosa nhận vào “Nhà Đức Chúa Trời” ở Lục Thủy, học Hán văn, Quốc ngữ, ta văn và nhất là giáo lý.[1] Như vậy, yếu tố đầu tiên thể hiện chữ “Trí” nơi Thánh Vinh Sơn Liêm thể hiện qua cách chọn lựa: ngài chọn phương tiện để thực hiện đức mến trọn lành, theo đuổi ơn Thiên Triệu và gia nhập Dòng Giảng Thuyết.

Bên cạnh một chọn lựa sáng suốt, Thánh Vinh Sơn Liêm còn không ngừng ý thức rèn luyện và chuyên cần học hỏi thánh khoa, điều này giúp ngài trở nên một người nhạy bén, thông tuệ, khúc chiết. Ngài miệt mài đối thoại với Thiên Chúa trong việc nghiên cứu thánh khoa và suy niệm về những chân lý thánh.

Sử sách chép lại tiểu sử Thánh Vinh Sơn Liêm: Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha dòng Đa Minh thời đó đang phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, gởi đi du học Manila (Phi Luật Tân) tại trường Juan de Letran.[2] Sau ba năm học Triết với kết quả xuất sắc, cậu Vinh Sơn Liêm quyết định gia nhập Dòng Đa Minh. Thầy tuyên khấn trọng thể năm 1754 và được thụ phong linh mục năm 1758.[3] Có thể thấy rằng, càng đi sâu vào con đường học vấn, Thánh Vinh Sơn Liêm càng đạt tới đức ái trọn hảo qua việc nhận biết Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Sau khi chịu chức linh mục, Cha Liêm đã xin bề trên trở lại quê hương để phục vụ và loan báo Tin Mừng cứu độ.

Việc mục vụ của Thánh Vinh Sơn Hòa Bình rất đa dạng: đào tạo chủng sinh, coi xứ và đặc biệt là truyền giáo cho lương dân. Chính sự khôn ngoan và tình yêu thương chân thành của ngài đã chinh phục được nhiều linh hồn về cho Chúa. Hành trang ngài mang theo trong sứ vụ là sự nhiệt tâm tông đồ và một tinh thần khiêm tốn. Khi nhìn lại về những việc mình đã làm, cha chia sẻ: “Mình chỉ là dụng cụ của Chúa dùng mà thôi, làm được gì tốt đều là Chúa làm. Không có Chúa, mình làm được gì?” [4] Sự khiêm tốn nơi con người Thánh Vinh Sơn Liêm thể hiện “trí tuệ” hơn người khi Ngài biết đặt các ân ban trong bàn tay và  thánh ý của Thiên Chúa.

Nhìn từ mẫu gương của Thánh Vinh Sơn Liêm, mỗi anh em Thỉnh sinh Đa Minh được mời gọi học nơi ngài chữ “Trí” trong việc chọn lựa và sống ơn gọi, cụ thể hơn trong việc học hành và nghiên cứu thánh khoa. Đi cùng với đó là sự khôn ngoan trong cách đối nhân xử thế, trong phán đoán và đặc biệt là tinh thần khiêm tốn để Chúa lớn lên qua khả năng mà Ngài đã ban.

Sống chữ “Trung” để tận hiến

Nơi Thánh Vinh Sơn Liêm, lòng trung thành được thể hiện qua hai khía cạnh: với ơn gọi và với căn tính Ki-tô hữu.

Trung thành với ơn gọi: Kể từ khi quyết định lựa chọn cho mình con đường trọn hảo là theo Chúa Ki-tô (Sequela Christi), thánh Vinh Sơn Liêm không ngừng nuôi dưỡng lý tưởng kiếm tìm cách thức tốt nhất để phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội. Ngài đón nhận việc học hành như một sứ vụ và trung thành với nó như một bổn phận. Lật giở lại những trang sử về cuộc đời và sứ vụ của ngài, ta thấy nơi thánh nhân rực lên một “khí chất Đa Minh”, ngài đã sống và làm chứng trong ơn gọi Giảng Thuyết đến hơi thở cuối cùng.

Trung thành với căn tính Ki-tô hữu: Là một Ki-tô hữu, một linh mục và nhà Giảng Thuyết, Thánh Vinh Sơn Liêm luôn ý thức  về căn tính và sứ mạng của mình; đó là sống và làm chứng cho Đức Ki-tô ngay giữa trần thế.

Hạ bán niên năm 1973 khi bị bắt vì thi hành sứ vụ tông đồ. Lúc đó chỉ mất một số tiền cũng đủ chuộc lại sự tự do và sinh mạng, nhưng các Ngài đã coi thương sinh mạng để noi gương hiếu trung. [5]

Lòng “Trung” của Thánh Vinh Sơn Liêm là gương sáng cho anh em Thỉnh sinh trong việc sống trung thành với ơn gọi và căn tính của mình. Noi gương thánh nhân, anh em trung thành với việc bổn phận, với việc học và đặc biệt là với lý tưởng sống mà anh em đang theo đuổi.

Dùng chữ “Dũng” để làm chứng

Có thể thấy rằng, “Trí – Trung – Dũng” có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Quả vậy, khởi đi từ một trí năng minh mẫn và thông suốt, Thánh Vinh Sơn Liêm đã nêu cao lòng dũng cảm, bảo vệ cho đồng môn và làm chứng cho Chúa.

Đọc lại cuộc tử đạo của Thánh Vinh Sơn Liêm và Cha Gia, hậu thế không thể quên những lời lẽ khôn ngoan, dũng cảm và đượm tình huynh đệ của ngài: “Thưa quan lớn: Chỉ có một lý do duy nhất  nên xin khép án cả tôi hay tha cho cả Cha Gia. Tôi cũng truyền bá đạo Chúa Ki-tô như người, đạo mà các quan gọi là đạo Hoa lang; tôi cũng là đạo sư như người. Hơn nữa, vì là người bản quốc nên dòng tộc, máu mủ, quyến thuộc, quê quán và trăm nghìn liên hệ khác buộc tôi phải giữ luật lệ quốc gia hơn là cha Gia là người ngoại quốc [6]

Lòng dũng cảm của Thánh Vinh Sơn là lời chứng sống động cho tình yêu của Đức Giêsu: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình[7]; và là dấu chỉ của tình huynh đệ trong đời sống Đa Minh:

“Như tu luật dạy, sỡ dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa.”[8]

Tượng Thánh Vinh Sơn Liêm tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trung Trực – Gò Vấp.

Cuộc tử đạo của Thánh Vinh Sơn Liêm và Cha Gia lưu lại một di sản vô cùng to lớn cho toàn Dòng về gương kiên trung, lòng dũng cảm và sự đồng tâm nhất trí, một lòng một ý trong Thiên Chúa.

Ước mong qua gương sáng của các Thánh nhân, anh em Thỉnh sinh dám sống chứng tá cho Chúa; dũng cảm dám “ngược dòng”, từ bỏ những tính mê nết xấu, những thú vui trần thế để sống trọn vẹn cho Chúa và Dòng qua linh đạo Giảng Thuyết.

Tạm kết

 “Trí” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nối kết ba đặc tính nổi bật nơi con người Thánh Vinh Sơn Liêm: “Trí – Trung – Dũng”. Đọc lại điều này, anh em có dịp ôn lại di sản quý giá mà Cha Anh đã để lại. Đây cũng là lời nhắc nhở anh em về bổn phận tiếp nối sứ vụ của Cha Anh. Năm 2023 cũng ghi dấu ấn đặc biệt trong toàn Dòng, cùng với năm thánh Vinh Sơn Liêm, Dòng cũng long trọng mừng Năm Thánh Tôma Aquinô. Hai mẫu gương thánh thiện trong Dòng đều thể hiện được ba chữ “Trí – Trung – Dũng”. Đây cũng là lời mời gọi đề anh em  suy ngẫm và đào sâu về căn tính và ơn gọi Đa Minh.

Xem thêm: Tu viện Thánh Vinh Sơn Liêm mừng Lễ Bổn mạng

Phêrô Nguyễn Quốc Quỳnh


[1] Bùi Đức Sinh, OP., Chân Phước Vinh – Sơn Liêm 1932 -1973, Tập san Liên Lạc, số đặc biệt 95 -96 tháng 11 và 12 năm 1973, tr.7.

[2] Trần Văn Toàn, “Tựa” cho cuốn sách Hội đồng tứ giáo, xuất bản tại Hoa kỳ năm 2002.

[3] Giuse Phan Tấn Thành, OP., Bài thuyết trình về thánh Vinh Sơn Liêm nhân dịp 250 năm tử vì đạo, <https://hddmvn.net/lm-phan-tan-thanh-op-bai-thuyet-trinh-ve-thanh-vinh-son-liem-nhan-ky-niem-250-nam-tu-vi-dao/>, truy cập ngày 02/3/2023.

[4] Giuse Phan Tấn Thành, OP., nguồn đã dẫn.

[5] Sđd, tr.67.

[6] Sđd, tr.68.

[7] x.  Ga 15,13

[8] x. SHC, 2 § I

Từ khóa: , , , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com