[ĐMX 71] Thánh Phaolô Vị Tông Đồ Nhiệt Thành

09-07-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2325 lượt xem

Phaolô Nguyễn Ngọc Trung

“Phaolô là một cây đàn tuyệt diệu mà Đức Kitô đã dùng để làm vang lên mọi âm điệu trong lịch sử Dân Chúa”
_Lm. Emile Osty, P.S.S._

Thật hạnh phúc cho con người, đặc biệt hơn là người Kitô hữu, vì đã được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi làm “dân thánh”. Do đó, theo đuổi đời sống thánh thiện không những là ân huệ, song còn là mục tiêu hàng đầu mà mọi tín hữu luôn hướng đến, theo lời mời gọi: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Thánh” (Lv 11,45).

Đọc lịch sử Giáo hội, chúng ta gặp được những vị chứng nhân. Họ những con người dẫu trải qua bao nhiêu gian truân nhưng vẫn tỏa rạng hương thơm đích thực của một đời sống thánh thiện. Một trong những mẫu gương vượt trội, sâu sắc, chính là thánh Phaolô, vị tông đồ nhiệt thành. Cha Emile Osty, PSS, một học giả chuyên nghiên cứu về thánh Phaolô, đã dùng một hình ảnh vô cùng thi vị khi nói: “Phaolô là một cây đàn tuyệt diệu mà Đức Kitô đã dùng để làm vang lên mọi âm điệu trong lịch sử Dân Chúa”.

Phaolô còn có tên là Saolô, một người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin, sinh cùng thời với Chúa Giêsu, tại Tarsus – miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Từ thời niên thiếu, Saolô đã được gửi đến Giêrusalem để thụ huấn Kinh Thánh và truyền thống tổ tiên qua vị tôn sư lão thành bậc nhất là Rabbi Gamaliel. Saolô là người tinh thông về Lề luật và Kinh Thánh Do Thái. Ông cũng am hiểu nhiều về văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa – Rôma, Hy Lạp và Do Thái. Có thể nói, Saolô được đào tạo để trở thành một Rabbi hoàn hảo. Một lần, khi đang trên đường đến Đamas truy bắt các tín hữu, thì ông được Thiên Chúa gọi cách lạ lùng. Tiếng gọi đó đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Từ đó, ông sống chết với sứ vụ được trao, và trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại, một vị Tông đồ dân ngoại nhiệt thành.

“Ngài kêu gọi tôi, do bởi ân sủng Người” (Gl 1,15)

Ơn gọi của Thiên Chúa dành cho con người thật khôn dò khôn thấu. Người kêu gọi ta trước – “ngay từ trong lòng mẹ Thiên Chúa đã gọi tôi” (Gr 1,5; Is 49,1), song cũng muốn ta tự khám phá và đáp trả cách hoàn toàn tự do. Ơn gọi của Phaolô cũng là quá trình tự do khám phám phá và đáp trả. Khởi đầu, ông được chứng kiến về hình ảnh thánh Têphanô can đảm chịu chết để xưng Danh Thánh Giêsu. Sau đó, khi ông trên đường đến Đamas truy bắt những người Kitô hữu, thì Chúa đã gọi ông, với lời khiển trách: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9,5). Tiếng nói ấy, cùng với ánh sáng từ trời khiến ông bị mù. Một Pharisêu nhiệt thành, đầy kiêu hãnh, giờ đây cần phải có người dắt mới có thể vào thành. Cả thân xác và ý chí bị quật ngã, ông tự hỏi Đấng với tiếng nói đầy quyền năng ấy là ai. Chính trong lúc tâm trí ông rối bời, hoang mang, thì Chúa đã gửi ông một sứ giả tên là Khanania. Người môn đệ này đã chữa lành đôi mắt thể lý và soi sáng cho ông nhận biết Đức Kitô, Đấng Phục Sinh.

Ơn của Chúa đã biến đổi một Saolô cũ thành một Phaolô mới, một Pharisêu quá khích, cậy dựa vào sức mình thành một Tông đồ nhiệt thành, luôn phó thác vào Chúa.

Cuộc hoán cải của Phaolô là một nhắc nhớ cho hành trình sống đức tin của mọi tín hữu. Chắc hẳn, dù muốn hay không, ai trong chúng ta trong đời cũng có lúc bị chao đảo và ngã quỵ. Đó là những lần vấp ngã, những thất bại trong đời sống đức tin, trong những tương quan với tha nhân, cũng như trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Song, trên hết và quan trọng hơn cả, nếu muốn tiếp tục ơn gọi của mình, ta phải ý thức được rằng: vấp ngã không phải là một thất bại, một sự thua cuộc hay một dấu chấm hết mà đó chính là một dịp thuận tiện giúp ta “phản tỉnh”. Nếu dám nhìn nhận sự yếu đuối và bản tính hay sa ngã của mình, khi ấy ta sẽ biết cậy dựa vào Chúa. Khi xưa, Chúa Giêsu đã chỉ Saolô cách thức để tiếp tục hành trình đời ông: “Ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9,6). Ngày nay cũng thế, nếu ta có đủ sự khiêm tốn lắng nghe, Thiên Chúa cũng sẽ hướng dẫn cho ta phải làm gì để đứng dậy và tiếp tục ơn gọi cao cả của mình.

“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16)

Cả cuộc đời còn lại của thánh Phaolô gắn liền với những cuộc hành bôn ba khắp nơi rao rảng Danh Thánh Đức Kitô. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phaolô đã thực hiện ba hành trình truyền giáo: thứ nhất vào những năm 46-48 (Cv 13-14); thứ hai vào những năm 49-52 (Cv 15-18), thứ ba vào những năm 53-58 (Cv 18-21), và hành trình thứ tư, thánh Phaolô bị dẫn giải như một tù nhân, từ Giêrusalem đến Rôma.

Các hành trình truyền giáo của thánh Phalô luôn đầy những thách đố, cam go. Ở mỗi hành trình, chính ngài cũng ý thức những thử thách luôn chờ ngài ở phía trước. Thứ nhất, từng là một người bắt bớ đạo Chúa, thánh Phaolô gặp phải sự nghi ngờ, cảnh giác từ các Kitô hữu, và cả một số tông đồ. Chính ngài lên tiếng thú nhận: “Vì tôi là tông đồ tầm thường nhất trong các tông đồ và thực sự không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi từng bách hại Giáo hội của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Thứ hai, sự thù nghịch đến từ những người Do Thái đồng hương, họ tố cáo Phaolô bội giáo và gây sự phá rối khi Thánh Tông Đồ giảng cho dân ngoại. Cuối cùng, thánh nhân phải gánh chịu những khó khăn, gian truân, hiểm nguy mỗi ngày trên đường lữ hành sứ vụ.

Không chỉ là một nhà giảng thuyết lưu động, thánh Phaolô còn thiết lập nhiều cộng đoàn tín hữu khắp lãnh thổ của đế quốc Rôma. Thánh nhân hiểu rõ rằng, tuy hạt giống Tin Mừng phải được gieo vãi khắp tứ phương, nhưng hơn hết, hạt giống ấy còn cần được bám rễ sâu, được nuôi dưỡng để phát triển mạnh mẽ. Chính các cộng đoàn là một mảnh đất mầu mỡ, một môi trường thuận tiện để nuôi dưỡng đức tin và thúc đẩy các hoạt động truyền giáo tiếp tục được mở rộng. Mối quan tâm của ngài còn đi xa hơn, thánh nhân để lại những hướng dẫn, khuyên nhủ cho các cộng đoàn non trẻ bằng những lá thư đầy tâm huyết và đạo lý vững chắc.

Nhìn lại hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, chúng ta được khích lệ lên đường – “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh” (Cv 18,8). Với lòng nhiệt huyết, chúng ta có thể rao truyền Lời Chúa hằng ngày, dám đương đầu với những khó khăn để hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng người.

“Cha đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7)

Thánh Phaolô đã gắn bó trọn vẹn đời sống của mình với chính nguồn mạch của ơn cứu độ là Đức Kitô – “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Sự hiệp thông ấy luôn mang chiều kích của Thập giá: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,10). Vì thế, dẫu cho bao nhiêu gian truân, thử thách, Ngài vẫn luôn đủ sức mạnh, dồn hết tâm trí, sức lực và hy sinh cả mạng sống để rao truyền Lời Chúa cho mọi người.

Tại thành phố Rôma, một Vương cung thánh đường nguy nga mang tên Thánh Phaolô ngoại thành. Đứng giữa khuôn viên đền thánh là tượng thánh Phaolô với sách Thánh và thanh gươm trên tay – một biểu tượng toát lên cả cuộc đời và sứ vụ của Thánh nhân. Sách Thánh là lợi khí hữu hiệu giúp thánh nhân chinh phục cả thế giới về cho Chúa Kitô và thanh gươm ám chỉ cuộc tử đạo vinh thắng của Ngài.

Ước mong Thánh nhân luôn cầu thay nguyện giúp cho mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn biết sống can đảm với ơn gọi của mình và luôn hăng say đem Lời Chúa đến cho mọi người, đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa.

Từ khóa: , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com