Ba năm sau, nhà giảng thuyết nổi tiếng của Cracow tiến đến giai đoạn thứ hai trong sứ vụ của mình: đó là công cuộc Kitô hoá miền Bắc Âu. Ngay khi Tu viện Chúa Ba Ngôi được thiết lập, cha Giaxintô quyết định đặt cha Giêrado phụ trách Tu viện. Là một người có năng lực, cha Giêrado sẽ trở thành một Bề trên tốt lành cho Tu viện mới này. Cha Giaxintô cũng sẽ được chứng kiến các phụ xá tại Sandomierz và Tropeau phát triển.
Cha Giaxintô thốt lên với tâm tình biết ơn: “Đối với chúng ta, ngay bây giờ, chúng ta có thể an tâm đến với mảnh đất Phổ. Các con không hài lòng sao, hỡi các con của ta?”
Các anh Florian, anh Godius và anh Bênêđíctô, những tu sĩ trẻ đã được cha Giaxintô chọn làm bạn đồng hành, vội gật đầu và đồng thanh đáp lại: “Vâng thưa cha… Cảm ơn cha đã cho chúng con được tháp tùng cha.”
Thế nhưng, khi tiến bước hướng về phía Bắc, thỉnh thoảng ba vị tu sĩ trẻ cũng nhận ra là hành trình của họ chẳng dễ dàng chút nào. Mặc dù chưa từng đến Phổ, nhưng họ không hề lạ lẫm với những hiểm nguy mà những vị khách phương xa sẽ phải đối diện khi đến với mảnh đất này. Chẳng hạn như đất nước này nằm dọc theo biển Baltic, giữa hai con sông Vistula và Memel, mảnh đất Phổ này hầu như bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bởi những khu rừng rậm rạp và những đầm lầy ảm đạm. Ở đó, các bộ tộc ngoại giáo sống nhờ vào việc săn bắn và đánh cá. Không hề có một thành thị hay nền văn minh thực sự nào ở đây, vì người dân Phổ không làm nông nghiệp và chẳng bao giờ họ sống lâu một chỗ. Có lẽ, họ không chí thú với việc khai hoang, cày bừa, gieo trồng, và cũng chẳng vui thú gì với việc chờ đợi ngày mùa, bởi lẽ do hạn hán, giông bão, mưa đá và băng giá nên mùa màng chẳng bao giờ đến. Quên đi cái nghề nông đó! Đời sống du mục có biết bao nhiêu điều thú vị như săn bắn lợn rừng, hươu nai xuyên qua các thung lũng và những khu rừng.
Một sáng nọ, anh Florian tiết lộ với anh Bênêđíctô: “Người Phổ là những chiến binh chai lì bậc nhất. Họ đã giết những nhà truyền giáo có ý định thay đổi nếp sống của họ; chẳng hạn như cha Adalbert, và cha Bruno Querfurt…”
Anh Bênêđíctô rùng mình thốt lên: “Khi còn nhỏ, tôi đã từng được đọc về hạnh thánh Adalbert. Tôi còn nhớ ngài trở thành Tổng Giám mục Gniezno, phục vụ người Phổ nhiều năm và chịu tử đạo trong tay họ.”
Anh Florian gật đầu: “Đúng thế, người Phổ đã hạ sát Đức cha Adalbert năm 997, sau đó vua Boleslaus đệ nhất đã chuộc lại thi thể của ngài với số vàng tương đương với trọng lượng cơ thể của ngài. Nhưng đó là điều đã xảy ra 200 năm về trước rồi anh Bênêđíctô à! Chẳng lẽ anh không nghĩ rằng tình hình hiện nay đã khá hơn nhiều.”
Anh Bênêđíctô lắc đầu đáp lại: “Theo cha Giaxintô thì hiện nay người Phổ vẫn còn là dân ngoại đạo và hết sức tàn ác. Phải rất khó khăn mới có thể hoán cải được họ.”
Vì thế, để giúp cho các anh em trẻ thêm can đảm cho hành trình đầy mạo hiểm này, cha Giaxintô cuối cùng đã kể cho họ nghe cuộc viếng thăm của Đức Mẹ và lời Mẹ hứa sẽ đồng hành với cha trong tất cả mọi nỗ lực truyền giáo.
Cha Giaxintô vui vẻ hỏi: “Chẳng lẽ chúng con không thấy là chúng ta sẽ thành công hay sao? Xét cho cùng, trong cuộc hành trình này, chúng ta không nên quá bận tâm về người Phổ. Các con có ý kiến gì cho chuyến viếng thăm đầu tiên ở Pomerania này không?”
Ánh mắt của anh Godinus lộ ra vẻ bán tín bán nghi, bởi vì việc tận mắt chứng kiến người Phổ hạ sát một vị tử đạo vẫn còn in khắc trong tâm trí anh. “Thưa cha Giaxintô, đất nước Pormerania đâu phải là vùng đất ngoại giáo, bởi vì hàng trăm năm trước, Đức cha Otto, Giáo phận Bamberg đã cải đạo họ rồi.”
Anh Florian nói thêm: “Vâng thưa cha, chúng ta sẽ làm gì ở đó?”
Cha Giaxintô cười và nói: “Cha biết phần lớn Pomerania đã đón nhận đức tin rồi, nhưng cha thấy nếu củng cố được mối thân tình với công tước Swientopelk thì đó sẽ là một điều thuận lợi cho chúng ta. Các con biết đấy, ông ấy là thủ lãnh vùng Pomerania, vì thế, nếu ông ta cho phép chúng ta xây dựng Tu viện ở vùng Pomerania, thì chúng ta sẽ dễ dàng truyền giảng đức tin đến với người Phổ. Hơn nữa, người Phổ chính là láng giềng của người Pormerania – bờ Đông bên kia sông Vistula.”
Mặc dù những tu sĩ trẻ biết rằng ý kiến của họ chẳng đóng góp được bao nhiêu, vì họ còn thiếu kinh nghiệm, nhưng họ cũng biết rằng cha Giaxintô muốn họ đáp lại câu gợi ý của ngài. Vì thế anh Bênêđíctô lên tiếng trước, sau đó đến anh Florian và anh Godinus. Tất cả đều nghiêm túc tán thành là trước hết đi đến Pormerania rồi sau đó sẽ đến Phổ.
Cha Giaxintô nói tiếp: “Đây là điều chúng ta sẽ phải thực hiện. Sau khi đến chào công tước Swientopelk, chúng ta sẽ ghé thăm đan viện Xitô ở Oliva và gặp gỡ Đức Viện phụ và các đan sĩ. Những đan sĩ này đã tích cực phục vụ cho người dân ở phương Bắc và họ sẽ vui lòng để cầu nguyện và hướng dẫn chúng ta.”
Nhờ những lời khích lệ như thế, các chàng trai trẻ lấy lại can đảm. Ngày ngày trôi qua, các tu sĩ trẻ say sưa tiến về phương Bắc, băng qua những khu rừng và những đầm lầy dẫn về Pomerania. Mặc dầu được cha Bề trên khích lệ, nhưng nhiều lần cả ba tu sĩ trẻ nhìn lên bầu trời cách tuyệt vọng. Mưa! Trời đã mưa liên tục trong mấy tuần đến nỗi những con suối nhỏ cũng trở thành những dòng thác kinh hoàng. Vì thế, họ còn đâu hy vọng băng qua sông Vistula để đến quê quán của công tước Swientopelk. Sau những cơn mưa tầm tã như thế thì họ không thể nào vượt qua được dòng sông quá rộng lớn đó.
Đúng là như thế. Khi nhóm các vị truyền giáo đặt chân đến sông Vistula tại thị trấn Vishogrod, quê quán của công tước Conrad miền Masovia, họ không tìm thấy một người lái đò nào có thể đưa họ qua dòng sông chảy xiết đó, bởi dòng nước xoáy quá nguy hiểm.
Cha Giaxintô than thở: “Chúng ta không thể nán lại vùng Masovia này được. Chắc phải có ai đó có thể giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình chứ?”
Những người Vishogrod lắc đầu. Có lẽ phải đến mai mới thu xếp được chuyến đi chứ không thể ngay hôm nay. Rồi họ tiến đến đứng quanh bốn vị tu sĩ Đa Minh và tròn mắt kinh ngạc vì chưa bao giờ họ nhìn thấy một cảnh tượng kỳ thú như thế, hình ảnh những nhà giảng thuyết mặc tấm áo hai màu đen trắng, những người khấn khó nghèo, đã từng cuốc bộ 170 dặm (khoảng 270 km) từ Cracow đến như hầu hết các nông dân nghèo khổ.
“Các vị không có nhà cửa gì sao?” một người đàn ông lộ vẻ nghi ngờ, khẽ hỏi.
Một người khác ngăn anh ta lại: “Suỵt. Cha Giaxintô vừa nói là các thầy có Tu viện chứ sao không. Thế nhưng hầu như lúc nào họ cũng lo đi gặp gỡ và giảng dạy cho người nghèo.”
Sau khi trao đổi thêm với dân chúng vùng Vishogrod, hầu hết là những người ngoại giáo, cha Giaxintô thấy chẳng còn cách nào để tìm ra một chiếc thuyền. Cha nói: “Cha nghĩ chúng ta sẽ phải cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta băng qua sông. Nào các con, chúng ta không nên trì hoãn nữa.”
Lập tức sự hiếu kỳ của dân chúng rộn lên, họ xôn xao bàn tán: “Đức Mẹ ư? Thế ra, có một phụ nữ sắp giúp cho những người ngoại quốc này băng qua dòng sông chảy xiết này sao? Nhưng làm gì có chuyện đó? Trong cả xứ Vishogrod này lại không có lấy một người đàn ông đủ sức vượt sông hay sao mà lại đi nhờ vả một người đàn bà!”
Mặc cho những người bàng quan hỏi nhau như vậy, cha Giaxintô và các tu sĩ của cha tiến đến bờ sông. Khoảng nửa dặm ở bờ bên kia là nơi họ muốn đến, sừng sững lâu đài của vị công tước Conrad miền Masovia.
“Chúng ta không thể đến đó được đâu,” anh Godius thì thầm với anh Florian. “Nhìn kìa, sóng to quá!”
Do những trận mưa lớn gần đây, dòng sông Vistula giờ đây đã trở thành một khối nước xám xịt, giận dữ với đầy những cơn sóng bạc đầu, vì thế mà không một người lái đò nào dám băng qua sông. Nhưng vì một lí do nào đó, anh Florian vẫn còn hy vọng, như lời cha Giaxintô từng nói, một khi Đức Mẹ hứa giúp họ thì Mẹ sẽ giữ lời. Có lẽ lúc này Đức Mẹ đang soi sáng cho một người lái đò còn nhát sợ nào đó cho họ mượn thuyền. Chắc chỉ một vài phút nữa thôi.
Bất ngờ một cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt anh Florian khiến anh kêu lên một tiếng hoảng hốt. Anh thấy cha Giaxintô, nãy giờ vẫn quỳ xuống thinh lặng và cầu nguyện bên bờ sông, đã đứng lên làm dấu thánh giá trên dòng nước cuồn cuộn chảy, và cha bước xuống sông. Nhưng mặc cho anh Florian la lên, cha Giaxintô vẫn kiên quyết bước trên những ngọn sóng thét gào như thể đang đi trên đất liền. Chẳng mấy chốc, cha đang băng qua sông được một quãng xa và tiến tới bên kia bờ sông.
“Ôi! Không, không,” chàng tu sĩ trẻ la lên cách yếu ớt: “Mình đang mơ.”
Nhưng đây đâu phải là giấc mơ bởi vì anh Bênêđíctô, anh Godious và toàn bộ dân chúng ở vùng Vishogrod cũng đều chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ ấy. Mặt ai cũng tái nhợt đi nhưng lòng họ thì lại đầy háo hức. Họ được tận mắt chứng kiến không chỉ là chuyện một người đang đi trên mặt nước mà còn là cảnh tượng dòng sông trở nên lặng lẽ như nước hồ, chỉ khẽ dao động như có bước chân ai rảo qua.
Một bé gái bỗng nhiên thốt lên: “Cha Giaxintô cũng muốn các thầy đi trên mặt nước kìa. Các thầy không thấy cha đang vẫy tay sao?”
Vâng. Có lẽ cha Giaxintô lấy làm ngạc nhiên khi các môn đệ không đi theo mình. Lúc này, cha đang đứng giữa dòng sông và ráo riết thúc giục. Dù vẫn quen vâng lời cha Bề trên trong mọi vấn đề, nhưng lần này thì lại là chuyện khác. Ba tu sĩ trẻ không thể nhích được một li về phía dòng sông. Dường như tứ chi của họ trở nên bất động, lúc này họ chỉ biết đứng trố mắt nhìn cái bóng đơn độc khoác bộ tu phục đen trắng xa xa trên dòng nước.
Cảm thương cho những đồ đệ trẻ của mình, cha Giaxintô quay lại bờ khích lệ họ. Ngài mỉm cười trách yêu họ: “Chẳng lẽ đó lại là cách mà chúng con tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của Đức Mẹ sao? Này, nếu như các con cảm thấy quá sợ hãi để có thể băng qua dòng sông, thì ta sẽ tìm một cách khác dễ dàng hơn.”
Trước khi nhóm đồ đệ ngơ ngác của cha kịp hoàn hồn, cha Giaxintô cởi tấm áo choàng và thận trọng trải xuống mặt nước, ngài nói: “Cẩn thận, chỉ cần bước xuống tấm áo choàng này thì mọi chuyện sẽ ổn cả.”
Ba chàng thanh niên nhìn nhau kinh ngạc và chậm rãi tiến tới bờ sông. Nhưng vì quá sợ, không một ai trong bọn họ có thể tin là mình cứ bước xuống tấm áo choàng đó là sẽ không bị chết đuối. Anh Florian lưỡng lự đặt một chân xuống. Trên cả tuyệt vời, tấm áo choàng vẫn giữ anh nổi trên mặt nước, hoàn toàn khô ráo. Ngay sau đó, cả hai anh Bênêđíctô và Godious cũng cùng nhận ra điều lạ lùng như thế. Chẳng những không bị lảo đảo, không bị ướt sũng và không bị chìm xuống, mà tấm áo choàng vẫn tiếp tục nổi trên mặt nước dù phải chuyên chở sức nặng của ba con người. Cha Giaxintô phất tay, lập tức tấm áo choàng nhẹ nhàng lướt sóng theo sau cha hướng về phía bờ bên kia. Tất nhiên, thầy trò đã bỏ đám dân Vishogrod lại phía sau và những người này kháo nhau: “Mấy ông ngoại quốc kia là ai vậy? Chắc chắn Đấng Thiên Chúa họ thờ là Thiên Chúa chân thật.”
Một ngư phủ bất thần kêu lên: “Tôi sẽ chèo thuyền đuổi theo họ? Có ai muốn đi cùng không?”
Ngay lập tức, người ta chen lấn nhau xuống thuyền đến nỗi khung cảnh an bình nơi dòng sông Vistula giờ đây trở nên vô cùng hỗn loạn. Gần một nửa dân chúng vùng Vishogrod đã trèo lên thuyền để vượt sông. Trăm con mắt đều chăm chú theo dõi bốn vị tu sĩ đang thách thức quy luật thiên nhiên một cách ngoạn mục.
Ta có thể suy đoán, cuộc vượt sông kỳ diệu này còn được chứng kiến bởi một đám đông người bên bờ đối diện. Khi cha Giaxintô và các tu sĩ của cha bước lên bờ, một đám đông vừa háo hức vừa sợ hãi chào đón họ. Trong số đó nhiều người vừa đón nhận đức tin được vài năm thì không còn giữ đạo nữa. Giờ đây, họ quì xuống sám hối tội lỗi. Quả tình không có giới răn nào mà họ không vi phạm, kể cả giết người và thờ ngẫu tượng.
Họ van xin tha thiết: “Cha ơi! tha thứ cho chúng con. Xin chúc phúc cho chúng con để chúng con cố gắng tránh xa tội lỗi.”
“Vâng, xin cha đừng bỏ Visgogrod,” một người khác khẩn khoản van nài. Đám đông vây quanh cha Giaxintô và bám chặt lấy áo dòng của ngài. “Nếu cha đồng ý ở lại dạy dỗ cho con cái của chúng con, thì chúng con sẽ xây dựng cho cha một Tu viện thật đẹp.”
Nghe lời tha thiết van xin của những người bạn mới này, cha Giaxintô cảm thấy xiêu lòng. Tất nhiên, cha biết vùng Masovia và phía Bắc Hà Lan đang thiếu linh mục, nhưng chí ít ở đó cũng không bi đát cho bằng vùng Phổn ngoại đạo. Do đó, dù rất muốn giúp cho dân Masovia, nhưng cha biết mình có sứ vụ ở một vùng xa hơn nữa ở phương Bắc. Cha phải đi Pomerania và kết thân với công tước Swienopelk, rồi xây một Tu viện không quá xa biên giới Phổ. Sau đó, các tu sĩ của cha sẽ truyền giảng đức tin chân thật tại miền đất hoang sơ và nguy hiểm này.
Như vậy, đó chỉ là một cuộc dừng chân ngắn ở Vishogrod và bốn vị tông đồ lại tiếp tục cuộc hành trình. Khoảng hơn kém một tuần sau, họ đã đến được vùng Pomerania và xin được bệ kiến công tước Swientopelk. Vốn biết công tước Swientopelkt là một người bộc trực và nóng tính, các tu sĩ ngạc nhiên thích thú khi chẳng những được ông tiếp kiến cách thân tình mà còn được ông chấp thuận cấp nhà, cấp đất.
Ông công tước lập tức tuyên bố: “Tất nhiên, quý vị sẽ có đất, lại còn có tiền để xây Tu viện mới nữa. Thưa cha Giaxintô, chỉ cần cha cho biết cha muốn xây Tu viện ở đâu. Dưới thung lũng hay trên đỉnh núi này?”
Cha Giaxintô chỉ ra biển và lòng đầy hy vọng đáp lời: “Thưa ngài, nếu đẹp ý ngài, ngài cho xin hòn đảo Gedan kia.”
Vị công tước trợn mắt. Đảo Gedan sao? Hòn đảo đó vừa nhỏ hẹp vừa chẳng có người ở trong vòng độ một dặm quanh biển Baltic. Rõ ràng cha Giaxintô không phải là người mặc cả chuyên nghiệp nên mới chọn mảnh đất vừa vô dụng vừa xa xôi như thế thay vì nguyên cả vùng thung lũng hay cả một quả núi.
Cha Giaxintô mỉm cười khi đọc được suy nghĩ của vị công tước nhưng vẫn không thay đổi ý kiến. Hẳn ngài đã linh cảm được rằng đảo Gedan là một trong những địa điểm quan trọng nhất của vùng Pomerania. Tuy hiện nay nó còn biệt lập với đất liền và còn hoang sơ, nhưng một ngày không xa, nước biển Baltic sẽ hoàn toàn chuyển dòng. Lúc bấy giờ, hàng tấn cát sẽ được thuỷ triều dồn đến khiến cho khoảng cách giữa đất liền và đảo Gedan sẽ càng ngày càng hẹp lại. Thế là, chỉ một vài năm sau, hòn đảo sẽ không còn là hòn đảo nữa. Một mặt của hòn đảo sẽ được thiên nhiên nối liền với lục địa và do đó sẽ tạo nên một vùng vịnh tuyệt đẹp.
“Khi điều đó xảy ra, Gedan sẽ trở thành một trung tâm thương mại lớn,” cha Giaxintô thầm nghĩ. “Từ khắp mọi nơi trên thế giới, tàu bè sẽ lũ lượt cập bến. Sẽ vẫn còn có người gọi địa điểm này là đảo Gedan, người khác thì gọi là Sdansk, nhưng hầu hết mọi người sẽ gọi là Danzig. Nếu Chúa muốn thì các tu sĩ của chúng ta góp phần biến Danzig trở nên một thành phố Kitô giáo thực thụ.”