[Thánh Giaxintô: Bước Chân Tin Mừng] Chương 11: Những Đám Mây Vần Vũ

30-10-2017
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1349 lượt xem

Chỉ trong một vài phút, toàn bộ cung điện đã náo động cả lên. Đám người phục dịch, các vệ binh và ngay cả hoàng gia đều chạy ngược chạy xuôi, ai nấy đều thốt lên những lời lẽ đầy phấn khích: tiểu công chúa Anna đã nhìn thấy lại rồi!

 “Con chắc chắn rằng vị linh mục mới đến này đã làm điều đó,” cô bé vừa đưa tay chỉ cha Giaxintô vừa reo lên trong niềm vui. “Con nghe ngài cầu nguyện cho con và rồi tối tăm đã biến mất.”

Không ngượng ngùng với dòng lệ tuôn rơi trên gò má, Thái tử Vladimir ôm chặt cô con gái bé nhỏ vào lòng. Ôi, vui sướng biết bao! Ôi, niềm vui tuyệt diệu và không thể tưởng nổi! Nhưng ngay cả khi những dòng nước mắt hạnh phúc đang tuôn chảy, tâm trí của thái tử vẫn còn rối bời. Ông có thể đền đáp vị tu sĩ Balan, người đã làm nên niềm hạnh phúc này, như thế nào đây? Tại sao thế, vì chỉ trong vài phút trước đây chính ông đã lệnh cho vị linh mục này rời khỏi hoàng cung và thậm chí là rời khỏi Kiev!

 “Thưa cha, xin tha thứ cho ta,” ông nói thầm với lòng khiêm tốn. “Cha sẽ nhận phần thưởng gì cho phép lạ này?”

Cha Giaxintô lắc đầu. “Phần thưởng ư? Tại sao tôi nên nhận phần thưởng, tâu Điện hạ? Hay lòng biết ơn ư? Ngài không biết rằng Thiên Chúa đã thực hiện điều kỳ diệu này để ngài có thể đến gần Người sao?”

Thái tử Vladimir ngập ngừng nói: “Vâng, ta biết, thưa cha. Nhưng giả như cha thích được tưởng thưởng gì đó thì cũng chẳng thiệt hại chi. Cha chỉ cần cho biết đó là thứ gì?”

Lại một lần nữa, cha Giaxintô lắc đầu. Cha không đòi phần thưởng chi cả. Khi cha tiếp tục mỉm cười một cách thân thiện với quốc vương nước Nga, tính kiêu hãnh của nhà vua đột nhiên tan biến. Có thể nào là người nước ngoài này đã tuyên xưng đức tin chân thực, và ông không thuộc hàng giáo sĩ Kiev? Phải chăng những người Công giáo Tây phương này đã đúng hơn những người đang tỏ lòng kính trọng Đức Thượng phụ thành Constantinople?

“Thưa cha, có thứ gì đó đang xảy đến trong ta. Và ta không biết điều đó là gì nữa?” Ông nói thầm với giọng khàn khàn.

Nhanh chóng, cha Giaxintô chìa tay ra để trấn an ông. Cha biết rõ điều gì đang xảy ra. Quỷ dữ đang thực hiện nỗ lực cuối cùng để giữ linh hồn thái tử Vladimir trong bóng tối lạc giáo. Nhưng chắc chắn nó đã không thể thành công. Bằng bất cứ giá nào, ba anh em tu sĩ giảng thuyết đã sẵn sàng để thực hiện đòi hỏi của công lý Thiên Chúa. Hậu thuẫn cho họ là những linh mục, các anh em tu huynh và các nữ đan sĩ trong khắp Châu Âu, là những thành viên của Dòng Giảng Thuyết. Khi tuyên khấn phục vụ Thiên Chúa, họ biến việc cứu độ các linh hồn thành công việc thường nhật. Có những anh chị em huynh đoàn giúp đỡ. Họ là những người liên kết với Dòng nhưng lại sống giữa trần thế. Chao ôi, có một đạo quân thực sự sẵn sàng để hỗ trợ thái tử Vladimir trong giờ phút cần thiết! Trong giây phút quan trọng này, rất nhiều linh hồn ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Balan…đang cầu nguyện và chịu đau khổ cho ông.

Trong lúc thái tử Vladimir vẫn khẩn thiết nhìn vào mắt cha Giaxintô thì cuộc chiến đấu nội tâm dữ dội của ông biến mất. Niềm bình an kỳ lạ len vào lòng ông và đột nhiên ông quỳ xuống. Ông thì thầm: “Thưa cha, con xin thú nhận lỗi lầm của con. Từ nay trở đi, con sẽ nhận Đức Giáo hoàng Gregorio là người đứng đầu Giáo hội chân thực. Con sẽ làm mọi thứ cần thiết để được kể như một trong số những con cái trung thành của Đức Giáo hoàng.”

Cha Giaxintô mỉm cười. Những công trình của ân sủng thật kỳ diệu làm sao! Mới tức thì đây, thái tử Vladimir còn là một con người cao ngạo và ngoan cố thì bây giờ ông lại quỳ gối như một người nông dân chân chất để xin được chỉ dẫn về đời sống thiêng liêng. Nhưng cái giá cho sự hoán cải này là gì? Hay thậm chí cái giá để có thêm một linh hồn nữa trong nước Nga
là gì?

“Thiên Chúa sẽ cho chúng ta biết sau,” cha Giaxintô nghĩ thế. “Chắc chắn sẽ có những đau khổ mới, và tất nhiên cũng có ân sủng để chấp nhận những đau khổ đó.”

Ít ngày sau, dân chúng Kiev ngạc nhiên khi biết rằng thái tử không còn theo Công giáo Đông phương sai lạc nữa, và hoàng thân của ông đã từ bỏ Constantinople để quy phục Rôma. Nhưng họ càng ngạc nhiên hơn khi biết lý do chính cho sự hoán cải này, là vì công chúa Anna bé nhỏ bây giờ đã được sáng mắt, nhờ một vị linh mục Công giáo Tây phương cầu nguyện cho cô.

“Vị linh mục này là ai?,” một người đàn ông hỏi với thái độ hiếu kỳ.

 “Phải, ông ta đến từ đâu vậy?,” người khác hỏi.

“Chắc hẳn là một vị thánh, ngay cả khi ông ta là một người Công giáo Tây phương,” người thứ ba thêm vào.

Chẳng mấy chốc, một câu chuyện thú vị được hình thành. Cha Giaxintô là một thành viên của gia đình Balan nổi tiếng ở vùng Odrowatz. Ngài sinh năm 1185 trong lâu đài cổ gần Breslau, thủ đô của Silesia. Cha có người anh tên là Ceslao, hơn cha một tuổi. Từ thưở nhỏ, hai anh em đã tỏ ra quan tâm tới những vấn đề thiêng liêng và cuối cùng, việc giáo dục hai anh em được ủy thác cho ông bác linh mục, cha Ivo Odrowatz, kinh sĩ của Vương cung Thánh đường Cracow. Ông bác tốt lành đón hai đứa cháu đến Balan để dạy dỗ cả vấn đề đời lẫn đạo. Rồi ông gởi họ đến trường đại học Prague và Bologna để được học cao hơn.

Sau đó, ông bác vui mừng khi biết rằng hai đứa cháu mong muốn trở thành linh mục. Do đó, sau khi tốt nghiệp và được thụ phong, hai cha Giaxintô và Ceslao trở thành những trợ tá cho cha bác. Năm 1220, khi cha Ivo lên kế vị Đức cha Vincent Kadlubek thánh thiện làm Giám mục Cracow, hai vị linh mục trẻ tháp tùng bác mình đến Rôma. Tại đây, họ gặp cha Đa Minh Guzman, Đấng sáng lập Dòng Anh em Giảng thuyết và đã gia nhập vào Dòng này. Từ đó trở đi, ngoại trừ thời gian dành cho năm tập ngắn ngủi, họ liên tục giảng dạy cho dân chúng ở Áo, Moravia, Bohemia và Balan. Trước đó ít lâu, cha Giaxintô đã từng nổi danh ở vùng Pomerania, và đã có kế hoạch sớm truyền giáo cho Phổ.

“Tại sao cha Giaxintô lại thay đổi ý kiến?” Các đan sĩ người Nga khó chịu hỏi nhau: “Tại sao cha lại đến vùng Kiev này?”

Đúng thế, hàng giáo sĩ địa phương tỏ ra khó chịu trước sự hiện diện của cha Giaxintô trong thành phố, nhất là từ lúc thái tử công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thường xuyên giao thiệp với những tu sĩ này. Thậm chí ông còn ra lệnh xây một Tu viện khang trang bằng kinh phí của hoàng gia! Ông cũng cấp phép cho các tu sĩ được giảng dạy.

 “Công cuộc này rồi sẽ chẳng đi đến đâu,” những linh mục Nga lẩm bẩm ghen tị. “Cứ chờ mà xem, rồi sẽ có lắm chuyện rắc rối xảy ra ở thành phố Kiev này.”

Nhiều ngày trôi qua, cha Giaxintô nhận ra rằng cha và những người bạn đồng hành trẻ thực sự bị những nhà lãnh đạo Công giáo Đông phương này ganh ghét. Nếu không nhờ quân lính của thái tử bảo vệ, tính mạng của các tu sĩ có thể lâm nguy.

Vào một buổi sáng, thầy Florian nói: “Thưa cha, những linh mục Nga này hết sức ghen tị. Họ không chấp nhận sự thật là Thiên Chúa đã ban cho cha quyền cứu chữa cô công chúa, và từ đó đón nhận được lòng ưu ái của thái tử, và sau cùng là có được một Tu viện mới khang trang…”

Thầy Godinus gật đầu: “Đó quả là một đòn nặng giáng vào tính kiêu căng của họ. Từ đó, cha có thể lường trước được phản ứng của họ sẽ ra sao nếu chúng ta tìm được nhiều ơn gọi tu trì. Việc này chắc chắn sẽ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, phải không ạ?”

Cha Giaxintô mỉm cười. “Chắc là thế, con ạ. Nhưng đó chỉ mới là bước đầu thôi. Trong hai năm tới, chúng ta sẽ trao tu phục cho nhiều bạn trẻ. Hơn thế nữa, rất nhiều những linh mục Nga cũng xin nhập Dòng.”

Hai anh Godinus và Florian tròn mắt nhìn nhau. Đây là điều không thể tin nổi. Làm sao những vị linh mục lạc giáo ở Kiev lại nhìn nhận lỗi lầm, gạt bỏ mọi địa vị và bổng lộc để xin được một chỗ khiêm tốn trong Tu viện các tu sĩ Tây phương?

Cha Giaxintô xác quyết: “Nội trong hai năm nữa, điều này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không cần lo nghĩ về điều đó nữa. Chúng ta cũng chẳng cần quá ồn ào trong việc hoán cải những người Công giáo Đông phương này hay các nhà lãnh đạo của họ. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung cho một nhóm người khác. Anh Florian này, anh có biết họ là ai không?”

Anh Florian nhanh chóng đáp lại: “Thưa cha, những anh em lương dân. Nhiều người đang sống trong thành phố này.”

Đúng rồi. Trong nước Nga, các Kitô hữu theo lạc giáo đã tăng lên rất nhiều, nhưng vẫn có hàng ngàn người tôn sùng những ngẫu tượng. Họ thường xuyên đến để tham dự những nghi lễ ngoại giáo, dâng lễ vật cho những tượng sắt, tượng đá. Thông thường, họ tập họp ở những nơi hẻo lánh. Và khi cha Giaxintô nhận ra rằng một trong số những nơi họ thích lui tới là một hòn đảo có nhiều cây cối ở Dnieper, không xa vùng Kiev mấy, cha quyết định đi đến đấy. Nếu Thiên Chúa muốn, cha có thể mang đức tin chân thật cho những linh hồn lầm đường lạc lối này.

Vào một buổi sáng sớm, cha Giaxintô bắt đầu lên đường thi hành sứ vụ. Đầu tiên, cha nghĩ sẽ đi một mình, nên nói với hai anh Florian và Godinus phải cầu nguyện trước Thánh Thể trong khi cha đi vắng. Nhưng sau đó, cha đã đổi ý. Phải, cha muốn một người bạn đồng hành. Anh Martin, người mới chuyển từ Tu viện ở Sandomierz đến đây, có thể tháp tùng cha. Trên đoạn đường đến bờ sông, cha Giaxintô đã yêu cầu anh kể lại tất cả những điều đã xảy ra ở Balan từ khi cha ra đi sáu tháng trước đó.

Người tu sĩ trẻ tránh không thắc mắc về yêu cầu đó, mặc dù hồi tuần rồi, khi anh vừa đến Sandomierz, anh đã tường trình đầy đủ ở nhà.

“Thưa cha, khó khăn thực sự đang xảy đến ở nước Balan,” anh bắt đầu nói với giọng tha thiết. “Công tước Swientopelk miền Pomerania đã sát hại công tước Leszek. Người vợ goá của ông, bà Grzymyslava và đứa con trai nhỏ của họ đã phải xin được lánh nạn ở Breslau dưới quyền công tước Henry và nữ công tước Hedwig. Vì thế, ngai vàng bị bỏ trống. Điều này tương tự như cuộc chiến tranh giữa ba dòng họ Swientopelk, Henry và công tước Conrad vùng Masovia.”

“Công tước Conrad ư? Tại sao ông ta chống lại một người đã cho vợ con của anh mình ẩn náu?”

Chính bởi vì công tước Conrad mà bà Grzymyslava và đứa con trai nhỏ hai tuổi Boleslaus phải trốn sang Breslau, thưa cha. Cha biết đấy, công tước Conrad muốn giành ngai vàng vùng Cracow cho chính mình”.

Cha Giaxintô thở dài và thầm dâng một kinh cầu cho công tước Leszek, người bạn già và ân nhân của cha. Chiến tranh quả là chuyện khủng khiếp, dù cho đó là một cuộc chiến chính nghĩa đi nữa mà nội chiến, phát sinh do sự ghen tương nhỏ nhen trong cùng một quốc gia…từ những con người đầy tham vọng đang tâm sát hại cả họ hàng ruột thịt của mình nhằm đạt được thêm quyền lực…

Cha Giaxintô nghĩ: “Chúng ta cần những thánh nhân để tiêu diệt những ác tà: những phụ nữ thánh thiện như nữ công tước Hedwig và những bậc anh hùng như Đức Giám mục Stanislao.” Nhờ đó, hoạ may mới làm nguôi được đức công bình của Thiên Chúa và hoà bình, hiệp nhất sẽ ngự trị trong nước Balan.”

Sau vài phút thinh lặng, anh Martin ý thức được những suy tư sâu xa của cha Giaxintô. Đột nhiên cha Giaxintô trở lại thực tại. Cha thôi thúc: “Xin cho cha biết thêm. Còn người Phổ thì sao? Anh Bênêđíctô liệu có giúp gì được cho họ không?”

Ngay lập tức anh Martin bắt đầu kể lại những điều kiện khó khăn ở vùng phương Bắc xa xôi. Không, cộng đoàn nhỏ ở Gedan có quá ít người nên không thể truyền giáo được. Tuy nhiên, cũng có những bước đầu để thuyết phục, nếu không thể hoán cải những người Phổ hiếu chiến. Công tước Conrad người Masovia, kẻ xâm lược Silesia nhằm truy đuổi bà Grzymyslava và đứa con trai nhỏ của bà, cũng hoạt động tích cực ở vùng Baltic. Mới đây, ông đã mời các hiệp sĩ Thánh giá đến địa hạt của mình để chuẩn bị một cuộc thập tự chinh ở Phổ. Ngài Herman von Salza, thủ lãnh các hiệp sĩ (gốc người Đức, vừa là những chiến binh, đồng thời cũng là những tu sĩ), đã đồng ý. Ông và thuộc hạ đã lập căn cứ trong những thị trấn quan trọng của Masovia và dồn hết tâm lực để vãn hồi kỷ luật và trật tự ở phương Bắc.

 “Có nhiều người đặt vấn đề về biện pháp này,” anh Martin nói. “Họ bảo rằng thật điên rồ khi rước bọn người Đức vào Balan, ngay cả vì lý do tôn giáo đi nữa. Bọn chúng là những kẻ đầy tham vọng cho dù đã khoác áo hiệp sĩ Thánh giá nên sớm muộn gì chúng cũng đòi được cai trị Phổ một khi đã tiêu diệt hết dân ngoại giáo. Có người thậm chí còn nghĩ rằng Phổ sẽ trở thành một tỉnh của nước Đức chỉ trong vài ngày. Và tất cả những điều này nếu xảy ra là do hành động của công tước Conrad.”

Cha Giaxintô không trả lời và cũng không hỏi thêm những tin tức về quê hương nữa. Thay vào đó, cha bước đi trong thinh lặng tiến về phía ngoại ô của thành phố với cặp mắt nhìn xuống và đôi môi thì thầm cầu nguyện. Sau nửa giờ rảo bước, cha mới nhớ mình có một người đồng hành bên cạnh. Cha tạm dừng, vỗ nhẹ lên vai anh Martin và chỉ thẳng về phía trước. “Có một con sông, con ạ. Và hòn đảo này là nơi tập họp của dân ngoại.”

Anh Martin ngước lên. Cuối cùng họ cũng đến vùng ngoại ô của Kiev và lúc đó họ đang đứng trên một sườn đồi phủ đầy cỏ nhìn ra con sông Dnieper hùng vĩ. Bình minh vừa ló dạng vài phút, những mảng màu tím, vàng và đỏ thẫm phản chiếu trên dòng nước yên bình tựa như những dãi màu sắc rực rỡ. Những hàng gỗ thông trên hòn đảo nhỏ này cũng in bóng giữa dòng sông.

Ngắm nhìn khung cảnh thanh bình này, anh Martin thốt lên: “Đẹp quá! Ôi, cám ơn cha đã đưa con đến đây!”

Trong chốc lát, tất cả mọi sự đều im lặng khi cha Giaxintô quan sát kỹ lưỡng hòn đảo này. Sau đó, đột nhiên đôi bàn tay cha nắm chặt lại. Cha thấy một vài con thuyền nhỏ ở phía bên kia hòn đảo. Ở trung tâm, giữa những rừng cây rậm rạp, một cột khói nhỏ bốc lên.

Cha nói thầm: “Dân ngoại đấy! Họ đang tế thần.”

Phải rồi, bình minh là lúc thích hợp để dân ngoại ca ngợi những ngẫu tượng. Với lòng biết ơn, cha Giaxintô nhận thấy rằng kế hoạch của cha đang tiến triển tốt. Có lẽ hơn một trăm người ở trên đảo, quỳ gối trong một lùm cây bí mật trước hình tượng xấu xí mà họ coi là một vị thần. Chẳng mấy chốc, buổi tế lễ kết thúc và những người ngoại giáo xuống thuyền trở về ở Kiev.

Cha nói một cách kiên quyết: “Cha không lãng phí thời gian nữa. Anh Martin này, hãy quỳ xuống và cầu cho cha làm được điều thực sự có ích hầu giúp những con người khốn khổ này.” Trước khi người tu sĩ trẻ kịp nhận ra điều gì đang xảy đến, cha Giaxintô quay lại và bắt đầu đi xuống triền dốc phủ đầy cỏ dẫn đến bờ sông. Áo choàng đen của cha như cánh buồm phất phới trước anh Martin, và lúc đó anh quỳ xuống như một người đang mơ – quên mất lệnh phải cầu nguyện. Vị Bề trên yêu quý của anh đang di chuyển quá nhanh. Tại sao ư, dường như cha đang bay xuống dưới ngọn đồi! Lúc đó, chàng tu sĩ trẻ thực sự cảm thấy yếu ớt; vì đột nhiên thầy nhận ra mình đang chứng kiến một điều thật kỳ diệu. Giờ đây, cha Giaxintô đã đến sông Dnieper và đang bắt đầu băng qua hòn đảo. Nhưng, ở đây chẳng có chiếc thuyền nào. À, phải rồi, cha Giaxintô đang đi trên mặt nước như thể đi trên đất liền vậy!

“Đức Bà ôi,” anh Martin thốt lên. “Mình nghe nói cha từng làm như vậy ở Vishogrod… trên sông Vistula! Còn đây? Trước mắt mình? Thật quá sức tưởng tượng!”

Chẳng mấy chốc cha Giaxintô đã đặt chân an toàn lên hòn đảo, sau đó biến mất trong rừng rậm. Mặc dù căng mắt nhìn hồi lâu, anh Martin cũng không còn nhìn thấy cha nữa. Anh không nghe bất cứ âm thanh nào ngoài tiếng kêu đinh tai nhức óc của những những chú cò trắng đang bay nhảy trên dòng sông để tìm thức ăn.

Khi đang nhìn và hồi hộp lắng nghe, người tu sĩ trẻ này cố gắng siết chặt đôi tay đang run rẩy để cầu nguyện. Ôi, điều gì đang xảy ra vậy? Phải chăng cha Giaxintô đang tìm những người ngoại giáo? Phải chăng cha sẽ làm cho những kẻ ngoại đạo này ngừng việc tế lễ?

 “Điều này có lẽ rất nguy hiểm” anh Martin nghĩ. “Thậm chí tôi biết rằng những người ngoại giáo Nga này còn thô bạo hơn cả những người man di.”

Đột nhiên có một tiếng thét vang lên từ xa, thoạt đầu thì nhỏ nhưng sau đó lớn dần, anh Martin giật mình nhận ra rằng những người ngoại này đang bị khích động. Họ đang từ cánh rừng tuốn ra với những tiếng la hét và kêu thét. Nhưng, anh cũng thấy họ không tấn công cha Giaxintô. Thậm chí họ không tiến ra chỗ những chiếc thuyền. Hơn nữa, họ quỳ xuống bất động vì sợ. Tại sao như thế? Bởi vì một tu sĩ mặc áo trắng đen đang sải bước vượt qua cánh rừng để xua đuổi một sinh vật ghê rợn nửa người nửa thú với những tia lửa khạc ra từ miệng
và mắt.

Anh Martin đờ người ra khi nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp này. Có phải đây là một quỷ dữ? Phải chăng chính những lời cầu nguyện của cha Giaxintô đã buộc nó phải rời khỏi ngẫu tượng và xuất hiện trước mặt những người dân ngoại trong hình hài ghê tởm này?

“Ồ, giá mà có một vài linh mục Nga ở đây, có lẽ điều
này sẽ dạy họ đừng nói xấu người tôi tớ đích thực này của Thiên Chúa,” anh Martin thì thầm trong khi hai hàm răng đang lập cập.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com