Thánh Đa Minh và Di Sản Của Người

11-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2447 lượt xem

Trích từ Michael Monshau, O.P., Hành Trình Tâm Linh Với Thánh Đa Minh, Phần Dẫn Nhập. Nguyên tác Praying With Dominic (Winona: Saint Mary’s Press, 1986). Học Viện Đa Minh chuyển ngữ và phát hành, 2014.

Cha Đa Minh là ai ?

Trong cuốn The Divine Comedy, khi thi hào Dante muốn phê bình tình trạng hư hoại trong Giáo Hội, ông đã ca tụng cha Đa Minh, người chỉ muốn loan báo Tin Mừng bằng việc giảng thuyết và đời sống khiêm hạ:1

Đa Minh, ôi danh ngài !
là cơ nghiệp, là uy danh đáng kính.
Tôi muốn nói : như người làm vườn nho,
ngài được Đức Kitô tuyển chọn
hầu canh tác trên vườn nho của Người.
Vườn rộng khắp đến tận cùng cõi đất.

 Ngài đã xuất hiện như sứ giả và người phục vụ của Đức Kitô,
tình yêu đầu tiên ngài bày tỏ
lại hướng tới mục tiêu
là lời khuyên đầu tiên của Đức Kitô.
Biết bao lần, người giúp việc thấy ngài
nằm phủ phục trên nền đất giá lạnh
lặng thinh và thức tỉnh
dường như muốn nói lên rằng :
“chính vì sứ vụ này, tôi được gọi vào trần thế”. ….

Ít lâu sau ngài trở thành nhà thông tuệ,
rảo khắp cùng nẻo vườn nho,
vườn rũ tàn, phủ quanh màu úa,
bởi vụng về của bao kẻ làm vườn tồi tệ!

Tại giảng đài mà trước đây
chính là nơi đong đầy sự chăm sóc dịu dàng
cho những người công chính nghèo khó, nay tự nó,
gạt bỏ những người từng ngồi đó ra khỏi hàng.

Vì cám cảnh chiên con tan đàn lạc nhóm,
chẳng màng chi phần thù lao từ người nghèo của Chúa,
chẳng trông chi chốn sang giàu
cùng chức tước vinh quang,
chỉ mong rằng được phép dấn thân tận tâm tận lực
chống sai lầm nhân gian “vấy mực”,
thay vào đó hạt giống tốt lành.

Với phê chuẩn Tông toà, nay vững mạnh
sẵn trong mình đạo lý tinh thông cùng lửa nhiệt thành,
ngài lên đường như thác cao ầm ầm tuôn đổ.
Dòng nước ấy,
tràn vào từng bụi cây lạc giáo
cuốn ào trôi mọi gốc rễ sai lầm.

Rồi dòng thác chia thành muôn vàn dòng suối nhỏ
nước trong lành tưới xanh vườn Giáo hội,
khiến cây cối hồi sinh từ độ ấy!

Thật vậy, ảnh hưởng của cha Đa Minh thật lớn rộng. Tuy nhiên, điều lạ kỳ là rất ít người biết đến con người lừng danh, đầy uy thế này, cũng là con người đã thành lập một cộng đoàn tu trì lớn lao trong Giáo Hội – Dòng Giảng Thuyết hay quen gọi là Dòng Đa Minh. Thánh nhân đã kiên trì thuyết giảng, nhưng hầu như chẳng để lại bút tích nào. Như một người hành khất thực thụ, ngài du hành khắp nơi để loan báo Tin Mừng cho người muốn nghe. Nếu như ngài có viết điều gì, thì cũng rất ít người trong số đám thính giả có thể đọc được. Sau này một số tu sĩ Đa Minh như Albetô Cả hay Tôma Aquinô lại trở thành những đại thụ để lại nhiều tác phẩm; nhưng với cha Đa Minh, ngọn lửa thiêu đốt tâm hồn cha là giảng thuyết. Đó là đặc sủng của ngài.

Khác với một con người cùng thời là Phanxicô Assisi, cha Đa Minh không tạo nên những huyền thoại. Truyện kể ngài như là khởi xướng việc sùng kính kinh Mân Côi; tuy nhiên, truyền tụng này không có căn bản rõ ràng trong cuộc đời của ngài. Nói chung, như truyền tụng quen thuộc thời ấy, rất nhiều câu chuyện trong cuộc đời ngài là tiểu sử, hay một tiểu sử do người khác viết được lý tưởng hoá. Rất nhiều câu chuyện được kể đến trong sách này đã dựa trên bản tiểu sử ấy. Các biến cố đều có nền tảng lịch sử, nhưng cung giọng có thể hơi đạo đức so với cái nhìn của người thời nay.

Trong khi các nhà lãnh đạo vĩ đại lưu lại dấu ấn về con người của mình trên các đồ đệ và trên Giáo hội cách chung, thì cha Đa Minh để lại cho hậu thế chính công việc của ngài – việc giảng thuyết thánh. Giảng thuyết thánh là niềm say mê của ngài, là mục tiêu nhờ đó đem lại sự trợ giúp về đời sống thiêng liêng mà ngài để lại cho các đồ đệ. Nhiệm vụ hấp dẫn này đã xác định và đem lại nét sống động cho toàn bộ đời sống của ngài.

Mặc dù thiếu những tài liệu về cha Đa Minh, nhưng những gì chúng ta biết được về thánh nhân cho thấy một linh đạo phong phú có sức gợi hứng cho khách hành hương thời hiện đại, như đã từng gợi hứng cho các thành viên gia đình Đa Minh như Catarina Siena, Batolomê de las Casas, Rosa Lima, Martino Porret, Meister Eckhart, Henri Suso, Vinh Sơn Phêriê và bao vị khác.

Cuộc đời niên thiếu

Caleruerga, một ngôi làng nằm ở trung bộ miền Bắc Tây Ban Nha, thuộc tỉnh Burgos, là thánh địa của các thành viên gia đình Đa Minh – các anh em, các đan sỹ, các nữ tu, anh chị em huynh đoàn giáo dân –, vì đây là nơi cha Đa Minh chào đời.

Caleruega là một cộng đồng dân cư nhỏ, tĩnh lặng, nằm trên triền đồi giữa vùng đất trồng trọt ; ngôi làng này rõ ràng mang những dấu ấn ảnh hưởng của cha Đa Minh. Những tòa nhà lớn trong làng thuộc về Dòng Đa Minh, gồm cả ngôi nhà của dòng tộc Guzman và tháp Caleruega. Có nhiều câu chuyện về ngọn tháp liên quan đến dòng tộc Guzman, những người giám sát hoàng gia hoặc tiểu quý tộc của Burgos. Ngọn tháp to lớn này nằm trong sân tu viện của Anh em Đa Minh, nơi có nhà tập và trung tâm tu đức.

Đan viện của các nữ đan sĩ nằm kế với tu viện của anh em Đa Minh. Nhà thờ giáo xứ ở cạnh bên tu viện. Tượng đài cha Đa Minh đặt ở trung tâm làng. Dân làng qua lại, thỉnh thoảng ghé viếng thăm các nhà nguyện tu viện hoặc nhà thờ giáo xứ, hoặc mua thực phẩm tại đan viện. Tiêu điểm nổi bật của làng Caleruega là cây thánh giá tọa lạc trên đỉnh đồi.

Cha Đa Minh sinh năm 1170. Có lẽ thánh nhân là người con thứ ba hay thứ tư trong số 5 người con của hai ông bà Felix Guzman và Gioana Ada. Hai người anh, dường như là chủng sinh khi cha Đa Minh chào đời. Theo đa số các sử gia, lên 7 tuổi, cậu Đa Minh đến ở làng Gumiel de Hizan – Theo truyền thuyết, người em của bà Gioana Ada đang là linh mục tại làng này, và Đa Minh theo học với sự trợ giúp của người cậu. Các sử gia cho biết, trong giai đoạn này, Đa Minh học được nhiều đức tính và đây cũng chính là giai đoạn có ảnh hưởng lớn trên toàn bộ cuộc đời của ngài.

Đa Minh dường như ưa thích học hơn là vui chơi như các trẻ đồng trang lứa. Cậu chú tâm vào việc học và nhanh chóng vượt trên các bạn cùng lớp. Chuyện kể rằng, cậu tỏ ra rất thương mến và cảm thông với những người nghèo. Vào thời kỳ này, cậu bắt đầu thực hành các việc đạo đức quen thuộc. Như thi sĩ Dante đã viết :

Biết bao lần, người giúp việc thấy ngài
nằm phủ phục trên nền đất giá lạnh
lặng thinh và thức tỉnh
dường như muốn nói lên rằng :
“chính vì sứ vụ này, tôi được gọi vào trần thế”.

Đến năm 14 tuổi, Đa Minh lại di chuyển lần nữa, lần này đến Palencia, nơi ngài sẽ ở lại 6 năm để theo bậc Đại học. Những môn học khởi đầu có lẽ là luận lý, văn phạm và tu từ học. Sau đó, ngài học thêm toán, khoa học và âm nhạc. Sau thời gian 6 năm này, ngài bắt đầu học thần học, chuẩn bị để trở thành một kinh sĩ như ngài hằng mong muốn.

Trong thời gian theo học, Đa Minh sống đạm bạc, không có tài sản gì nhiều và ăn uống rất ít. Một số người kể rằng ngài không uống rượu trong suốt thời gian này. Ngài xác tín Tin Mừng mời gọi ngài sống nếp sống chứng tá cách triệt để. Hai câu chuyện được kể minh chứng cho điều này. Chuyện thứ nhất là Đa Minh sẵn sàng tự bán mình làm nô lệ để chuộc lại một người bị bắt làm tôi. Chuyện khác là ngài xúc động khi thấy đám đông dân chúng phải sống trong cảnh nghèo túng, và ngài đã quyết định bán đi những quyển sách quý giá của mình để lấy tiền phân phát cho người nghèo. Khi được hỏi, thánh nhân trả lời : “Tôi không thể an tâm học hỏi trên những tấm da chết, đang khi có những người phải sống đói khát và túng thiếu”.2

Những năm sống đời chiêm niệm

Khoảng 25 tuổi, Đa Minh được truyền chức linh mục và bắt đầu sống cuộc đời một kinh sĩ tại thành Osma, Tây Ban Nha. Vào thời cha Đa Minh, chỉ các kinh sĩ mới có phận vụ tại thánh đường. Các giám mục mong muốn sống chung với một vài linh mục trong Toà Giám Mục, thường ở gần nhà thờ chính toà, hay cách chung, nhà thờ của thành phố. Như các đan sĩ, các kinh sĩ đọc trọn vẹn Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Và cũng như các vị này, kinh sĩ sống đơn giản, không thu tích của cải lẫn công việc. Tại một vài nơi, các kinh sĩ sống chung và tách biệt như các đan sĩ, có khác chăng là các đan sĩ sống tại những khu vực hẻo lánh đang khi các kinh sĩ sống tại thành phố. Tại một số nơi khác, các kinh sĩ đảm nhận một số công tác quản trị tại giáo phận và làm một số việc mục vụ cho tín hữu. Các kinh sĩ đảm trách các công tác mục vụ nhiều hay ít tùy theo nơi chốn.

Truyền thống kể lại rằng cha Đa Minh hiếm khi rời nhà trong suốt 10 năm ngài sống ở Kinh sĩ đoàn. Khoảng thời gian này của cha Đa Minh được mô tả như sau :

“Ngài xuất hiện trước các anh em kinh sĩ đoàn như ánh sáng mặt trời, với lòng khiêm nhường thẳm sâu, tràn đầy vẻ thánh thiêng, tỏa ra chung quanh hương thơm của đời sống nhiệt thành, tựa như hương thơm ngọt ngào của gỗ thông trong những ngày hè oi bức. Được thúc đẩy mạnh mẽ như sự tăng trưởng của cây ô liu, cây bách cao ngất, ngài thường ở nhà thờ cả ngày lẫn đêm, chuyên chăm cầu nguyện, nép mình sau bức tường, hầu có thể tự do một mình với Chúa”.3

Những năm tháng sống đời chiêm niệm này để lại nhiều dấu ấn nơi cha Đa Minh; sau này dù bận rất nhiều công việc, hằng ngày ngài vẫn thường xuyên chăm chú cầu nguyện và nhiều khi kéo dài suốt đêm.

Nhà giảng thuyết

Năm 1203, Đức Giám Mục Diego d’Azevedo đã chọn cha Đa Minh cùng đi với ngài trong sứ vụ ngoại giao tại Đan Mạch. Chuyến đi này và chuyến đi thứ hai, cùng tới Đan Mạch, đã chấm dứt giai đoạn đời tu trong khung cảnh khép kín, chiêm niệm của cha Đa Minh.

Trong chuyến du hành, cha thánh và vị Giám mục băng qua miền Nam nước Pháp, nơi bè rối Albi đang hoạt động rất mạnh. Một nhà viết sử về cha Đa Minh mô tả bè rối Albi với những lời mà có lẽ cha Đa Minh đã hiểu :

Mọi thứ vật chất đều là sự dữ ; vì mọi loài sinh ra đều nhơ uế, và đời sống thể lý là một bất hạnh và chỉ là bất hạnh. Bản thân vật chất là sự dữ, và vì thế kéo dài hiện hữu của vật chất là sự dữ và tái tạo ra vật chất lại là một sự dữ lớn hơn. Chỉ có một hành động tốt đẹp là giũ bỏ sự sống. Một nhà tiên tri theo lạc giáo tuyên bố : trong đời sống hôn nhân, không thể nào được cứu độ. Một người khác nói : dòng dõi là một lời nguyền rủa đối với thế giới ; người khác nữa cho rằng : Làm gia tăng con người là gia tăng thảm hoạ ? Phúc Âm của họ là chê bai sự thánh thiện cũng như ý nghĩa của hôn nhân và đề cao nếp sống độc thân, nhưng không hề quý chuộng việc hiến dâng chính mình, mà là bác bỏ hoàn toàn việc sinh sản.

Tương tự, tự tử được xem là hình thức chọn lựa cái chết đáng được cân nhắc, tán dương nhiều nhất… Việc sám hối và đền tội của các nhà theo thuyết thần trí thời trung cổ nay rất hợp thời, sống xa hoa là một tội ác, và bất cứ điều gì làm giảm đi sức mạnh của thân thể lại là một động lực để hiểu biết tinh tường hơn về Thiên Chúa.

Không được ăn thịt, kỷ luật nghiêm khắc, nếp sống khổ hạnh và khuôn mặt gầy yếu là bí tích thực sự của nhóm lạc giáo này, bên ngoài là một tội nhân, nhưng bên trong là ân sủng ; và cả linh hồn cũng phải tuân theo hướng tách biệt hoàn toàn khỏi tinh thần, xa khỏi cuộc sống, đi vào lối sống thoát tục.4

Trong một chuyến du hành như thế, khi lưu lại một quán trọ ở Toulouse, cha Đa Minh đã tranh luận suốt đêm với chủ quán theo phái Albi, nhằm thuyết phục ông trở lại với đạo thật. Đến sáng, cha Đa Minh đã chinh phục được người này. Sự việc trên báo trước cha Đa Minh sẽ dành cả cuộc đời để loan báo Tin Mừng, thôi thúc người khác phải trả lời trước lời mời của Thiên Chúa.

Trong thời gian rao giảng, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh đã đến Rôma. Đức cha Diego muốn xin thôi chức Giám mục để đi rao giảng Tin Mừng cho những người Tartar ở phía Đông. Thay vì chấp nhận việc từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng lại uỷ nhiệm cho Đức cha cộng tác với các đan sĩ Xitô, những người đang giảng dạy chống lại bè rối Albi.

Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh cam kết dùng sứ vụ rao giảng của mình để phục vụ Giáo hội nên hai vị đã thực sự chiếm được cảm tình của Đức Giáo Hoàng. Những người theo phái Albi chê bai phẩm giá con người, không tôn trọng sự sống và gây ra những tai hoạ lớn vào thời Trung Cổ. Cha Đa Minh tràn đầy lòng thương cảm đối với đám dân bị bè rối này đánh lừa, nên ngài xác tín rằng việc giảng thuyết Tin Mừng Kitô giáo sẽ lôi kéo được những người theo phái Albi trở về với đạo lý chân thật trong bình an và đầy vui tươi.

Cha Đa Minh cũng tin rằng các nhà giảng thuyết Kitô giáo phải thay đổi cách thức mới có thể thành công được. Những người giảng thuyết theo phái Albi sống đơn giản, giữ kỷ luật đối với chính mình, và do đó, càng làm nổi rõ sự sa đoạ trong Giáo hội. Ngược lại, nhiều nhà giảng thuyết Kitô giáo sống xa hoa cùng với đông đảo người hầu kẻ hạ. Vì vậy, câu hỏi thường được nêu lên là làm sao những nhà giảng thuyết như thế có thể làm chứng về Đức Kitô nghèo khó.

Để chữa trị tình trạng này, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh chọn lối sống đơn giản, thậm chí nghèo khó. Phản ứng và không bằng lòng với một số vị chức sắc trong Giáo hội, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh chọn đi chân không, sống nhờ vào chút thực phẩm xin được từ dân chúng. Nếp sống giản dị như thế đem lại tính khả tín và sức mạnh cho lời giảng của các ngài về Chúa Giêsu, người tôi tớ khiêm hạ. Cha thánh nhận mình là tu sĩ (anh) Đa Minh, một tên gọi được sử dụng suốt đời.

Cùng hợp tác với phái đoàn do Đức Giáo Hoàng uỷ nhiệm, lại được củng cố nhờ chính cam kết với Đức Kitô cũng như nếp sống giản dị, Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh cùng hoạt động với các tu sĩ Xitô, những người được Đức Giáo Hoàng chỉ định chính thức để giảng dạy chống lại phái Albi tại vùng Languedoc, nước Pháp.

Dòng Giảng Thuyết

Trong suốt một thập niên, cha Đa Minh dành trọn cuộc sống để tranh luận với những người theo phái Albi, đi khắp nơi để rao giảng. Năm 1206, đang khi lưu lại Fanjeaux, miền Nam nước Pháp, ngài cảm thấy rõ ràng là Chúa gọi mình. Mặc dù không có nhiều chi tiết về thị kiến này, nhưng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa củng cố nhiệt tâm giảng thuyết của cha Đa Minh cũng như xác định ý hướng của ngài là thành lập một cộng đoàn nhằm tiếp xúc với những người theo lạc giáo, và điều quan trọng nhất, là hướng dẫn họ về chân lý Công giáo.

Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh hợp tác với các nhóm giảng thuyết trong việc hoán cải những người theo phái Albi, một côngviệc nhiều thất bại hơn là thành công. Năm 1207, Đức Giám mục Diego đột ngột qua đời. Chúng ta không biết rõ phản ứng của cha thánh trước sự ra đi của vị cố vấn dày dạn kinh nghiệm này, nhưng ta thấy rõ cha thánh không nản lòng và tiếp tục sứ vụ của mình.

Cha Đa Minh cũng hướng dẫn cho cộng đoàn các phụ nữ ở Prouille. Chín người phụ nữ ước nguyện tách khỏi nhóm Albi và đã tạo thành một cộng đoàn theo đức tin Công Giáo. Cha Đa Minh nhận làm linh hướng cho họ, lo lắng cho họ về đời sống hằng ngày cũng như việc huấn luyện tâm linh. Có lẽ luật sống của họ cũng do ngài soạn thảo. Việc thành lập này trở thành cái nôi cho Dòng Đa Minh.

Trong khi đó, sự căng thẳng giữa phái đoàn Công giáo và những người theo phái Albi nổ thành chiến tranh. Những người theo phái Albi đã sát hại một sứ giả do Đức Giáo Hoàng sai đến. Đây được coi là khởi điểm cho xung đột tôn giáo bắt đầu liên hệ đến nền chính trị nước Pháp, và tiếp theo đó là cuộc Thập tự chinh. Vua nước Pháp hiểu rõ cần phải chống lại các bè rối, nên cuộc chiến kéo dài đến gần 40 năm, và chỉ kết thúc khi mọi thành trì của nhóm Albi bị phá huỷ cùng với khoảng 200 người bị giết.

Cũng như các thập tự quân, nhóm người giảng thuyết của cha Đa Minh được tổ chức thành cộng đoàn, nhưng không phải được ràng buộc bằng lời khấn. Như quy định của việc tổ chức, nhiều người vẫn được hoàn toàn một mình giảng thuyết tại giáo phận của mình. Năm 1215, một thanh niên tên là Phêrô Sêla (Peter Selhan) gia nhập cộng đoàn cùng với quà tặng là nhà cửa tại Toulouse (nhà và đất đai). Ngôi nhà này trở thành điểm trung tâm của cộng đoàn.

Cùng năm ấy, cha Đa Minh đi Rôma tham dự Công Đồng Laterano. Tại đây, cha đã xin phép thành lập cộng đoàn nữ đan sĩ, và thỉnh cầu này được chấp nhận. Cha Đa Minh mong ước Toà Thánh chính thức công nhận các cộng đoàn của mình vì ngài xác tín rằng việc giảng thuyết Tin Mừng phải hoà hợp với Giáo hội. Cộng đoàn giảng thuyết sẽ đạt được hiệu quả cao nhất nếu thoát khỏi những ràng buộc về chính trị của địa phương. Năm 1216, Đức Giáo Hoàng Honorio III nhìn nhận cộng đoàn của cha Đa Minh như một cộng đoàn tu trì trong Giáo hội. Các cộng đoàn này muốn tuân theo tu luật của thánh Âu Tinh với các khoản Hiến Pháp bổ sung.

Trong thời kỳ này, Dòng Giảng Thuyết bắt đầu được hình thành. Theo truyền thống, chỉ một mình Giám mục có quyền giảng thuyết nhân danh Giáo hội. Nay cha Đa Minh lãnh đạo toàn thể nhóm người lo giảng thuyết. Mặc dù có những ý kiến phản đối, nhưng Đức Giáo Hoàng ý thức rõ rằng một Dòng như thế rất cần thiết cho Giáo hội vì quá nhiều Kitô hữu không biết gì hay biết quá ít về niềm tin của mình.

Cha Đa Minh còn sống tiếp 6 năm sau đó. Trong thời gian này, Dòng phát triển nhanh chóng. Mặc dù thánh nhân rất khao khát có những nhà giảng thuyết được sai đi, nhưng ngài cũng đặc biệt hiểu rằng trước hết, họ cần được chuẩn bị qua việc học hành. Sau khi dời chỗ ở từ Prouille về Toulouse, chính cha Đa Minh dẫn dắt cộng đoàn. Ngài nêu gương và truyền phải có nếp sống học hành. Các tu sĩ Đa Minh đã nhanh chóng theo học và giảng dạy tại Paris hay những trung tâm học vấn khác.

Tầm nhìn của cha Đa Minh về sứ vụ của Dòng vượt ra khỏi miền Nam nước Pháp. Ít lâu sau khi được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn, cha Đa Minh đã sai các anh em sang Ý, Đức và nguyên quán của ngài là Tây Ban Nha. Bất cứ nơi đâu Lời Chúa cần được rao giảng, tại đó cha Đa Minh đều mong muốn gửi anh em đến.

Số các anh em ngày một gia tăng, và các nữ đan sĩ cũng vậy. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng, cha Đa Minh thành lập cộng đoàn nữ đan sĩ tại Rôma. Các tu viện của Dòng được nhanh chóng thành lập tại Madrid, Bologna và các thành phố khác.

Năm 1218, cha Đa Minh coi Bologna là nơi cư trú của mình. Mặc dù cha thánh vẫn thường xuyên đi đây đó, nhưng Bologna là tu viện cha chính thức cư ngụ cho đến khi qua đời.

Kết thúc cuộc đời

Năm 1221, sức khoẻ của cha Đa Minh giảm sút dần. Tháng bảy, cha trở về sau chuyến đi đến Venise, mệt mỏi và kiệt sức. Vì khí hậu vào tháng bảy quá nóng bức, các anh em tại tu viện Bologna đưa cha Đa Minh lên một đan viện trên đồi để dưỡng sức. Biết rằng cha thánh sắp qua đời, bề trên đan viện Biển Đức ước mong chôn cất ngài tại đan viện. Song, cha Đa Minh yêu cầu được chôn cất dưới chân anh em và truyền cho các anh em đưa ngài trở về tu viện.

Trong cơn hấp hối, cha Đa Minh bày tỏ những ước nguyện cuối cùng của mình với cộng đoàn – Qua những lời được lưu truyền suốt 8 thế kỷ, cha thánh nói :“Anh em thân mến, đây là di sản tôi để lại cho anh em: hãy có lòng khiết tịnh, hãy quyết tâm sống khiêm nhường ; hãy tự nguyện giữ đức khó nghèo”.5

Buổi chiều ngày 6 tháng 8 năm 1221, cha Đa Minh qua đời. Vào thời điểm cha thánh lìa thế, có khoảng ba trăm anh em đang giảng thuyết tại tám quốc gia khác nhau, và ba nữ đan viện chuyên lo cầu nguyện tại ba quốc gia.

Linh đạo Cha Đa Minh

Như mọi Kitô hữu đích thực, cha Đa Minh nỗ lực sống đức tin, đức cậy, đức mến. Cha suốt đời gắn bó với Tin Mừng. Nói cách khác, nhờ ân sủng Chúa ban, cha hướng đời mình vào Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng nét riêng biệt nơi mỗi con người nên linh đạo của cha Đa Minh có những nét rất độc đáo.

– Việc cầu nguyện thánh thiêng

Linh đạo Đa Minh nhìn nhận giá trị của mọi chiều kích nơi con người trong việc cầu nguyện. Người cầu nguyện bằng cả thân xác, tâm tình, cảm xúc và lý trí của mình. Cha Đa Minh không nhấn mạnh hình thức nào là tối hảo đối với mọi người, hay hình thức nào phù hợp nhất cho riêng một ai. Cha Đa Minh tin rằng mỗi người có cách thức riêng để kết hợp thể xác và tinh thần của mình trong việc ca tụng Thiên Chúa.

Cho dù cha Đa Minh không để lại một khảo luận nào về cầu nguyện, nhưng khoảng một thế kỷ sau khi thánh nhân qua đời, các anh em đã tổng hợp một tập mang tên “Chín cách cầu nguyện”, gồm :

  1. Cúi mình trước thánh giá. Thái độ cung kính thờ lạy.
  2. Nằm phục dưới đất, xin lòng thương xót của Chúa.
  3. Đánh tội.
  4. Bái gối nhiều lần trước thánh giá.
  5. Kết hợp lời cầu nguyện với những cử chỉ của đôi tay và những cử động thân thể.
  6. Dang rộng hai tay diễn tả tư thế của Chúa trên thập giá.
  7. Duỗi thẳng toàn thân hướng về trời cao.
  8. Gẫm suy về Đấng Chân Thật.
  9. Cầu nguyện lúc đi đường.

Chín cách cầu nguyện cho thấy các môn đệ của cha Đa Minh  có thể cầu nguyện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với cha Đa Minh, cầu nguyện tựa như hít lấy không khí trong lành trên núi cao. Cha thánh đã cầu nguyện khi đi đường, trước khi giảng thuyết, suốt đêm, ban ngày, lúc với người khác, và khi một mình.

– Mặc lấy chân lý

Niềm say mê trong đời cha Đa Minh là sống chân lý. Chân lý chính là Chúa Giêsu Kitô. Với cha Đa Minh, cuộc đời – về cả phương diện chính trị lẫn tôn giáo, sẽ rối loạn một khi chân lý trong Tin Mừng bị cầm giữ dưới bất cứ hình thức nào. Vì thế, cha thánh liên lỉ cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh cũng như thần học nhằm gặp gỡ Chân Lý là Chúa Kitô. Sau đó, cha thánh nỗ lực sống, bằng nhiều cách, trong mối liên hệ với Chân Lý mà ngài đã gặp gỡ khi học hỏi. Cha Đa Minh nhận thức rằng các anh em cũng như chính mình, bao lâu chưa hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu – Chân Lý, và chưa sống dưới sự hướng dẫn của Chân Lý, thì chưa thể thông truyền Chân Lý ấy cho người khác.

– Gặp gỡ với Lời Thiên Chúa

Cuộc đời cha Đa Minh là liên lỉ chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa, không ngừng suy tư về Lời Chúa, đặc biệt được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu và các thư thánh Phaolô. Những thời khắc chiêm niệm của cha Đa Minh, nhờ cắm rễ sâu trong Lời Vĩnh Cửu, nên tràn ngập sự hiện diện và khôn ngoan của Thiên Chúa. Cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa, qua Lời của Người,đã nuôi dưỡng linh hồn cha và thúc đẩy cha gặp gỡ người khác.

Kèm theo đấy, nhà giảng thuyết tràn đầy niềm tin này còn cho thấy một mô hình suy niệm Lời Chúa, đó là Lời Hằng Sống được mở ra và được cử hành qua đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Chính Phụng vụ và Lời Chúa đã nuôi dưỡng, hướng dẫn việc suy niệm hằng ngày của cha Đa Minh.

– Ngợi khen, chúc tụng, giảng thuyết

Được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện, suy niệm và học hỏi Tin Mừng, nên việc giảng thuyết của cha Đa Minh tràn đầy sức sống. Thật vậy, khẩu hiệu của Dòng là “Ngợi khen, chúc tụng, giảng thuyết”. Cha Đa Minh hằng suy niệm trong lòng những lời Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ được thánh Luca ghi lại : Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’” (Lc 10,2-9)

Cha Đa Minh thấu hiểu rằng để tin vào Chân Lý là Chúa Giêsu Kitô, trước hết cần phải được nghe Lời Chúa.

– Tin vào Chúa Quan Phòng và sự thiện nơi con người.

Cách thức qua đó cha Đa Minh thích ứng luật thánh Âu Tinh cho thấy cha thánh tin vào các môn đệ của mình. Đa số các lề luật đều quy định mọi khía cạnh trong nếp sinh hoạt và sứ vụ của các tu sĩ, tức là toàn bộ cuộc sống của họ. Hầu hết các tổ phụ lập dòng đều nghĩ rằng vi phạm luật lệ của Dòng là phạm tội. Cha Đa Minh lại không nghĩ như thế.

Cha Đa Minh mong muốn các anh em cũng như các nữ đan sĩ vâng phục và cam kết chính mình với Thiên Chúa. Thi hành thánh ý Thiên Chúa và chu toàn sứ vụ giảng thuyết có thể cần có vài chuẩn chước về một số quy định. Cha Đa Minh tin rằng, Thiên Chúa Quan Phòng sẽ hướng dẫn anh em và các nữ đan sĩ biết thi hành điều gì đúng và hợp lý.

Ảnh hưởng của Cha Đa Minh ngày nay

Cha Đa Minh, một tu sĩ giản dị, thầy dạy đức tin, nhà giảng thuyết Tin Mừng, con người cầu nguyện, đã dẫn nhiều người cùng thời khỏi lầm lạc và đưa họ về với Đức Kitô. Cũng thế, cha Đa Minh có thể là bạn đồng hành đức tin cho nhiều Kitô hữu ngày nay.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com