Trích từ : Phan Tấn Thành, Hiểu Để Sống Đức Tin, Tập 1 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 321–326, trước đó đã được phát thanh trên Đài Vatican tiếng Việt, ngày 24-2-2002.
Tháng ba được dành kính thánh Giuse. Có lý do gì gắn liền tháng ba với thánh Giuse?
Trong một năm, lòng đạo đức bình dân thường dành ra vài tháng để kính nhớ một nhân vật nào đó, cụ thể là: tháng 5 kính Đức Mẹ, tháng 6 kính Thánh tâm Chúa, tháng 10 kính Đức Mẹ Mân côi, tháng 11 nhớ các linh hồn đã qua đời.
Nói chung, nguồn gốc của các tháng dâng kính như vậy không có gì khó hiểu. Lúc đầu, người ta mừng lễ kính một vị thánh. Nhằm để chuẩn bị mừng lễ, người ta tổ chức ba ngày hay chín ngày dọn mình; và rồi tính cách long trọng của lễ còn kéo dài ra suốt tuần bát nhật. Vị chi là non 20 ngày rồi, cho nên kéo dài ra thêm một tháng cũng chẳng vất vả gì. Điều này rõ rệt với phụng vụ Đông phương: ngày 15 tháng 8 là Lễ Đức Mẹ Lên Trời; các đan sĩ dành 15 ngày trước đó để chuẩn bị và kéo dài thêm 15 ngày sau đó. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể hiểu được vì sao tháng 3 được dành cho thánh Giuse, bởi vì lễ thánh Giuse được mừng ngày 19 tháng 3. Việc dâng kính tháng 3 cho thánh Giuse được đức giáo hoàng Piô IX chuẩn nhận ngày 27/4/1865.
Tại sao lễ thánh Giuse được mừng vào ngày 19 tháng 3?
Thường lễ các thánh được mừng vào ngày qua đời, được coi như ngày sinh (dies natalis) vào cõi sống trường cửu. Thế nhưng, đối với thánh Giuse cũng như nhiều thánh thời cổ, thì chúng ta không biết ngày qua đời của họ. Vì thế các ngày lễ thường được ấn định dựa theo một truyền thống địa phương nào đó, chẳng hạn như lễ cung hiến một thánh đường nào đó.
Riêng đối với thánh Giuse, chúng ta nên ghi nhận một điểm quan trọng. Trong khi mà lễ kính các thánh tử đạo đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, tiếp đến là các lễ kính Đức Mẹ từ thế kỷ IV và các thánh tu hành, nhưng nói được là trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không nơi nào mừng lễ kính thánh Giuse hết. Quả thật thánh Giuse là một con người thầm lặng, lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời. Đừng kể vài chứng tích lẻ tẻ, phải chờ đến thế kỷ XIV, mới thấy lễ kính thánh Giuse được cử hành trong các Dòng hành khất, chẳng hạn Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (năm 1324), Dòng Phan Sinh (năm 1339). Sang thế kỷ XV, lễ mới được bành trướng. Năm 1467, giáo phận Milano (Italia) ấn định lễ thánh Giuse vào ngày 20 tháng 3, và chuyển sang ngày 19 tháng 3 từ năm 1509. Phải chờ tới cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Trentô do đức Piô V, thì lễ thánh Giuse mới được ghi vào lịch phổ quát của Giáo hội (1568-1570). Lễ được mừng vào ngày 19 tháng 3, và trở thành lễ buộc từ năm 1621, dưới thời đức Grêgôriô XV.
Xin trở lại với câu hỏi, có gì liên hệ giữa ngày 19 tháng 3 với thánh Giuse?
Các sử gia vẫn chưa tìm ra mối liên hệ. Tại vài Giáo hội Hy Lạp, thánh Giuse được mừng sau lễ Giáng sinh (ngày 26 tháng 12), nhưng ngài cùng đứng chung với các tổ phụ từ ông Abraham cho đến thánh Giuse. Bên Ai cập, người ta mừng ngày qua đời của thánh Giuse vào ngày 20 tháng 7, không hiểu dựa trên cơ sở nào. Bên Tây phương, lần đầu tiên tên thánh Giuse được xướng ngày 19 tháng 3 là một cuốn Tử đạo thư của một đan viện Biển đức ở Reichenau (trước đây thuộc tổng Zurigô Thụy sĩ) vào thế kỷ IX, có lẽ dựa theo một Phúc âm ngụy thư thế kỷ IV.
Bên cạnh lễ mừng vào ngày 19 tháng 3, phụng vụ còn dành một lễ nhớ nữa, đó là lễ thánh Giuse lao động, được đức Piô XII thiết lập ngày 1/5/1955, nghĩa là vào lễ lao động. Điều này không có gì khó hiểu. Trước đó, phụng vụ còn mừng lễ thánh Giuse bổn mạng Hội thánh, được Đức Piô IX ấn định (10/9/1847), vào chúa nhật thứ ba sau lễ Phục sinh, nhưng sau đó được Đức Piô X (24/7/1913) dời vào ngày thứ tư trong tuần thứ hai sau lễ Phục sinh. Lễ này bị bãi bỏ năm 1956, khi được thay thế bằng lễ thánh Giuse lao động.
Cũng nên biết là vài nơi, người ta còn mừng lễ đính hôn của Đức Mẹ và thánh Giuse, vào ngày 23 tháng giêng. Nguồn gốc lễ này bắt nguồn từ linh mục Jean Gerson vào thế kỷ XV. Còn lễ Thánh gia (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse) thì mang tính cách phổ quát, được mừng vào Chúa nhật sau lễ Giáng sinh, cũng có thể kể như một lễ kính thánh Giuse, mặc dù không phải 100%. Lễ này được Đức Lêô XIII du nhập vào lịch chung của Giáo hội năm 1893 (hồi đó, mừng vào Chúa nhật thứ ba sau lễ Hiển linh).
Tháng Ba được dành để kính thánh Giuse, nhưng có những việc gì làm để tôn kính Người?
Có lẽ việc tôn kính mà thánh Giuse thích hơn cả là sống theo Phúc Âm, cũng như Người đã cố gắng thi hành, đặc biệt trong việc tuân hành ý Chúa, và trung thành với việc bổn phận. Điều này được nhắc tới nhiều lần trong các văn kiện Toà thánh, gần hơn cả là Tông huấn “Redemptoris Custos” – Người gìn giữ Chúa Cứu Thế, của Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1989.
Khi bàn về các việc đạo đức, thì có nhiều hình thức, chẳng hạn như: Kinh cầu thánh Giuse, Ngắm 7 sự vui buồn thánh Giuse, Kinh cầu cho Hội thánh. Có lẽ trong số này, Kinh cầu thánh Giuse được nhiều người biết đến hơn cả.
Kinh cầu thánh Giuse dựa theo sườn của kinh cầu Đức Bà, và được sử dụng trong vài hiệp hội tại Rôma từ thế kỷ XVI (khoảng năm 1597). Bố cục như sau: Mở đầu là những lời khẩn cầu dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa, và Đức Mẹ Maria. Tiếp theo là những lời cầu cùng thánh Giuse dưới 25 tước hiệu. Các tước hiệu này có thể phân thành 5 nhóm:
- Nhóm đầu tiên nói sự thánh thiện cũng như nguồn gốc của thánh Giuse (dòng dõi vua Đavít, thuộc hàng các tổ phụ).
- Nhóm thứ hai nói đến các chức vụ được ủy thác (bạn Đức Maria, dưỡng phụ Đức Giêsu, Đấng che chở cho đức Kitô và thánh gia).
- Nhóm thứ ba ca ngợi 6 nhân đức của thánh nhân (công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng lời, trung thành).
- Nhóm thứ tư đề cao thánh Giuse như khuôn mẫu cho các nhân đức xã hội (nhẫn nại, thanh bần, cần cù lao động, mẫu gương cho các gia trưởng, các người khiết tịnh cũng như người có đôi bạn, an ủi kẻ âu sầu).
- Nhóm cuối cùng nhắc đến những tước hiệu bổn mạng (của những người lâm tử và của toàn thể Hội thánh).
Còn suy gẫm 7 sự vui buồn thánh Giuse là suy gẫm cái gì?
Kinh này dựa theo việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ do các tu sĩ Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ phổ biến. Việc suy gẫm bảy sự vui buồn thánh Giuse được in thành sách từ thế kỷ XVI, suy gẫm các biến cố vui buồn của thánh Giuse, dựa theo những trình thuật Tin mừng thơ ấu của thánh Mátthêu và thánh Luca. Nên lưu ý là đối với Đức Mẹ thì chỉ nói tới bảy sự đau đớn, còn đối với thánh Giuse, chúng ta vừa suy gẫm bảy sự buồn cùng với bảy sự vui. Nói cách khác, mỗi biến cố đều có mặt buồn của nó và liền đó là mặt vui. Bảy biến cố là:
- Thứ nhất, việc Đức Mẹ mang thai Chúa Giêsu, gây ra nhiều băn khoăn cho thánh Giuse, nhưng sau đó được thiên thần giải thích.
- Thứ hai, khi chứng kiến cảnh khó nghèo của Chúa Giêsu khi sinh ra tại Belem.
- Thứ ba, khi làm phép cắt bì cho Chúa Giêsu.
- Thứ tư, khi cụ Simêon tiên báo những đau khổ của Chúa Giêsu.
- Thứ năm, khi trốn qua Ai cập.
- Thứ sáu, khi trở về Nadarét.
- Thứ bảy khi lạc mất và tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ.
Sau mỗi cảnh suy niệm, đọc một kinh Lạy Cha và Kính mừng, có thể thêm kinh Sáng danh.
Giáo hội chỉ mừng thánh Giuse vào ngày lễ ở tháng ba thôi hay sao?
Như đã nói ở đầu, trong năm phụng vụ có hai ngày kính thánh Giuse: ngày 19 tháng 3 và ngày 1 tháng 5. Còn những cơ hội khác thì để tùy theo lòng đạo đức và tập tục địa phương. Chẳng hạn như nhiều nơi mỗi tuần dành một ngày – thứ Tư, kính thánh Giuse, cũng như thứ Sáu dành kính Thánh tâm Chúa (hoặc cuộc tử nạn) và thứ Bảy kính Đức Mẹ. Có nơi chuẩn bị lễ thánh Giuse không phải với tuần bảy ngày mà là 7 Chúa nhật, nhớ đến 7 sự vui buồn của thánh Giuse. Thế rồi trong tháng 10, tháng Mân côi, đức Lêô XIII đã muốn thêm vào Kinh thánh Giuse: Lạy ơn ông tháng Giuse, chúng tôi chạy đến cùng người…, kinh do người soạn ra và đăng ở cuối thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889).
Tại sao ngày thứ tư mỗi tuần được dành để kính thánh Giuse?
Dưới khía cạnh lịch sử, các học giả không thấy có một mối liên hệ nào hết. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu ăn chay mỗi tuần hai ngày, (thứ tư và thứ sáu), khác với người Do thái cũng ăn chay mỗi tuần hai ngày, nhưng là vào thứ hai và thứ năm. Theo sự giải thích của vài giáo phụ, ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, còn ngày thứ tư tưởng nhớ ngày Chúa bị Giuđa phản bội. Không rõ từ hồi nào người ta dành thứ tư để kính thánh Giuse, và vì lý do gì. Tuy vậy, cũng có người bóp trán để giải thích thế này. Ngày thứ tư là ngày ở giữa tuần lễ, với nhịp độ làm việc cao, khác với nhịp độ uể oải hay cầm chừng của đầu tuần hay cuối tuần. Như vậy đáng để dành cho thánh Giuse, gương mẫu của sự cần cù làm việc. Dù sao, cũng nên biết là đối với người kính mến thánh Giuse, thì họ vẫn nhớ đến tên của ngài mỗi ngày, cùng với việc kêu cầu Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria.
Ngoài ra, tại vài nơi, người ta còn đọc một kinh riêng kính thánh Giuse dưới hình thức bổn mạng của người chết lành. Truyền thống cho rằng thánh Giuse là người có phúc nhất trên đời, bởi vì lúc lâm chung, người có Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng bên cạnh. Từ đó một hiệp hội được thành lập với trụ sở đặt tại Rôma, cầu xin thánh Giuse giúp cho mọi người được chết lành.
Tại Việt Nam, ở nhiều nhà thờ và gia đình, người ta đọc mỗi ngày hai lần kinh nguyện vắn tắt như sau: Lạy ông thánh Giuse, là cha nuôi Đức Chúa Giêsu cùng là bạn thanh sạch rất thánh đồng trinh Đức Bà Maria, xin Người cầu nguyện cho chúng tôi và cho các kẻ mong sinh thì trong ngày (đêm) hôm nay. Amen.