“Sứ Vụ” Trên Giường Bệnh

25-07-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1167 lượt xem

“Cho dù căn bệnh có thể cầm giữ thân xác tôi nhưng nó không thể giữ được tinh thần cầu nguyện trong tôi. Bởi căn bệnh có thể là sự khó mà Chúa gửi đến tôi, nhưng nó cũng có thể là khí cụ giúp tôi cầu nguyện và hiệp thông cách mạnh mẽ hơn với sứ vụ truyền giáo mà anh em tôi đang thi hành.”

Sự gặp gỡ trong tinh thần cộng đoàn cầu nguyện

 Vào hè, thời tiết dần trở nên oi nồng hơn. Nhưng những khó chịu của thời tiết có thể được xua đi phần nào nhờ những cuộc gặp gỡ của mấy người bạn phương xa, hoặc những chuyến vui chơi với gia đình. Mùa Hè, một dịp tuyệt vời cho  những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình, bè bạn. Và mùa Hè năm nay cũng là những tháng ngày tôi sẽ không bao giờ quên. Một buổi sáng đầu tháng Sáu, ánh nắng dịu nhẹ len lỏi qua các tán cây sa la, sưởi ấm mái hiên nhà Thỉnh viện Đa Minh, Tam Hà. Hít thở một hơi dài nở cả mũi, mắt khoan khoái nhìn ra sân vườn trung tâm của Tu viên, tôi tự nhủ: anh em tôi, người thì đi sứ vụ, kẻ thì đã về hè, ta chuẩn bị tiến hành công tác xịt thuốc muỗi cho Thỉnh viện và Tu viện rồi trở về nhà tận hưởng những ngày nghỉ hè khoan khoái, vui tươi trước khi bước vào kỳ sứ vụ. Ấy thế, mọi sự lại hơi chệch hướng một chút khi tôi phải nằm viện với căn bệnh viêm trực tràng kết hợp trĩ ngoại. Một căn bệnh nghiệt ngã vừa làm tôi mắc cỡ lại còn đau đớn. Và thế là mọi công việc và dự định đành phải tạm hoãn.

Trước kỳ hè, tôi đã từng nghĩ: Đi sứ vụ chắc sẽ thật tuyệt. Vì đó là lúc tôi được cộng tác mật thiết hơn vào công cuộc “Rao truyền Nước Chúa” cho người nghèo, cho các anh em dân tộc thiểu số tại vùng hẻo lánh. Người ta nói, còn gì vui thú cho bằng khi ta được thi hành những sứ vụ trong chính bậc sống mà Chúa đang mời gọi ta. Ấy thế, trớ trêu thay khi điều ấy lại không đến với kẻ bệnh tật như tôi. Tháng nghỉ hè vừa khởi đầu được ba ngày thì cũng là lúc tôi nằm xuống giường bệnh. Sau hai tuần lễ  điều trị với thuốc kháng viêm và giảm đau, ca phẫu thuật đã được tiến hành và mất thêm gần chục ngày để hồi sức và tái khám mỗi ngày. Ôi chuỗi ngày nghỉ hè cùng thuốc với men. Sáng tôi làm bạn với mấy viên thuốc, chiều thì làm bạn với bác sĩ, tối thì làm bạn với các cơn đau hậu phẫu. Tôi tự hỏi: sao Chúa lại dành cho con biến cố lạ lùng thế này? Sao lại là thời điểm này hả Chúa ơi? Và rồi tôi nghĩ về anh em tôi. Lúc này, họ đang bận bịu với sứ vụ nhà Dòng trao phó. Tuy có vất vả, khó khăn nhưng niềm vui được phục vụ và dâng hiến chắc chắn lớn hơn nhiều. Ấy vậy mà tôi lại phải nằm đây trong căn phòng ngập mùi thuốc sát khuẩn. ôi sao nghe tâm trạng như cái bánh bao chiều. Chúa thật biết cách làm khó con rồi, Chúa ơi!

Bất giác tôi nghĩ về chính mình. Anh em tôi mỗi người mỗi công tác, mỗi phận vụ. Tôi nằm đây mà lại chẳng tham gia hay giúp gì được. Phải chăng tôi đã trở thành kẻ thua thiệt, hoặc tệ hơn là kẻ vô tích sự. Thế nhưng, như để an ủi tôi và giúp tôi thoát khỏi tâm trạng tuyệt vọng ấy, tôi đọc được lời của thánh nữ Catarina Siena nói với cha Raymondo Capua, OP: “Hãy xây dựng một căn phòng trong tâm hồn, và đừng bao giờ bước ra khỏi đó!”

Thoạt đầu, tôi cảm thấy có một điều gì đó sai lầm ở đây chăng? Sao Catarina lại dành một lời khuyên “không nên bước ra ngoài” cho cha Raymondo Capua, một nhà giảng thuyết đang bận rộn và mải mê với bao công việc, một người luôn phải “ra ngoài” để rao giảng và gặp gỡ? Nhưng ngẫm lại, dường như thánh nữ đang muốn nhắc nhớ về ý nghĩa của đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Và rồi những ngày sau đó, tôi tập đối diện với Chúa bằng chính hoàn cảnh của mình. Với một ý nghĩ đơn sơ nhưng cậy dựa vào lòng mến chân thành, tôi ví mình như viên đại đội trưởng trong đoạn Tin Mừng Lc 7,1-10: “Con không xứng đáng để đến gặp Ngài, như chỉ xin ngày phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Cứ như thế, tôi phó thác mọi sự cho Chúa như thể Chúa làm chủ cuộc đời tôi và tôi sẵn sàng đứng dậy nếu Chúa muốn tôi phải làm gì. Tôi dâng cho Chúa chính căn bệnh của mình để cầu nguyện cho anh em tôi, và cũng là để hiệp thông với những hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh mà anh em đang nâng đỡ. Vì vậy, cho dù căn bệnh có thể cầm giữ thân xác tôi nhưng nó không thể giữ được tinh thần cầu nguyện trong tôi. Bởi căn bệnh có thể là sự khó mà Chúa gửi đến tôi, nhưng nó cũng có thể là khí cụ giúp tôi cầu nguyện và hiệp thông cách mạnh mẽ hơn với sứ vụ truyền giáo mà anh em tôi đang thi hành. Như thế, từng dấu chân, từng hành động, hay bất cứ nơi nào mà anh em tôi hiện diện, thì nơi đó đều có sự hiện diện của lời cầu nguyện trong tôi. Với tôi, anh em luôn hiện diện cách vô hình trong từng lời nguyện tắt mỗi ngày.   

Và Thiên Chúa cũng đã đáp lời và không để tôi một mình. Hết lần này đến lần khác, Ngài đã gửi những lời hỏi thăm và động viên qua Cha giáo và các anh em khác đến với tôi. Họ cầu nguyện và chia sẻ cùng tôi. Tất nhiên, trong tình huynh đệ và pha chút tếu táo, vài anh em còn mượn cớ để chọc ghẹo, chế diễu tôi, cám giác vừa tức lại vừa buồn cười. Tôi tạm gọi đó là “Những lời hỏi thăm có hai tầng nghĩa”. Vì trước là chuyện hỏi thăm, nhưng theo sau là sự thừa cơ chọc ghẹo tôi. Chắc tôi hiền quá nên dễ bị bắt nạt chăng? Hay trái lại, tại tôi thường chọc ghẹo họ nên đây là dịp họ trả đũa?  Nhưng nói gì thì nói, qua đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm của cha giáo cùng toàn thể anh em dành cho tôi. Hóa ra họ cũng đồng hành với tôi ngay trong lời cầu nguyện. Hóa ra, tôi không hề cô đơn. Tôi dần cảm thấy tâm hồn mình đỡ tủi thân và mặc cảm hơn. Đó cũng là lúc tôi cảm nhận rõ nét hơn về sự hiệp thông trong cầu nguyện mà đời sống cộng đoàn đem lại cho tôi. Và cứ thế, tôi yên lòng mà dưỡng bệnh cho đến ngày bình phục. 

Sự gặp gỡ trong tinh thần Đa Minh

Sau cơn bệnh, tôi dành vài ngày để đi thăm hỏi gia đình và dã ngoại. Rồi sau đó, tôi quyết định trở về Thỉnh viện theo sự sắp xếp của cha giáo. Cũng coi như là nhận sứ vụ hè tại gia vậy. Trở lại sau hơn một tháng xa cách, cánh cửa Thỉnh viện mở ra và những hình ảnh quen thuộc lại ùa về với tôi. Sau đó vài ngày, chúng tôi lên đường tham dự ngày hội Gia đình Đa Minh được tổ chức tại nhà mẹ Hội dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm. Một sự kiện có nhiều cái lần đầu tiên nhất và cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.

Ngày Gia đình Đa Minh đầu tiên tôi được tham dự. Gần 1200 tham dự viên thuộc 20 đơn vị của Gia đình Đa Minh Việt Nam đã cùng quy tụ về đây để cử hành ngày hội này. Đặc biệt ngày hội còn có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., một người anh lớn của Tỉnh dòng và cũng là vị chủ sự thánh lễ hôm ấy.  Kế đến, nhân sự kiện lần đầu tiên Tổng hội của Dòng được tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi được vinh dự đón tiếp sự hiện diện của cha tân tổng quyền Gerard Francisco Timoner, O.P. cùng các nghị huynh tổng hội lần này.

Cách đặc biệt, điều làm tôi cảm động nhất đó chính là niềm vui và tình thân mà từng tham dự viên trao cho nhau trong suốt buổi họp mặt này. Từ góc hội trường đến sân sinh hoạt chung, từ nhà nguyện đến nhà xe, nơi đâu tôi cũng bắt gặp những nụ cười chân thành. Chúng tôi, những người thuộc “mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9), lại tìm được một điểm chung đó là cùng thuộc về một gia đình dưới hiệu cờ của cha thánh Đa Minh. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình thân, cái ấm nồng mà gia đình ấy đã gầy dựng, đang hiện hữu và sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau.

Với câu khẩu hiệu của ngày hội lần này: One World, One Family, One Mission -như muốn hàm ý: Chúng tôi đến từ “Một thế giới”, và chúng tôi cũng là “Một gia đình”, bởi trong gia đình ấy, chúng tôi có cùng “Một Sứ vụ”. Để rồi từ đây, ngày đó không chỉ là một ngày lễ hội nhưng đúng hơn là ngày gặp gỡ giữa những anh chị em trong cùng một gia đình với nhau, là dịp để chúng tôi được hâm nóng lại một lần nữa ơn gọi và linh đạo mà cha thánh tổ phụ đã nêu gương cho chúng tôi. Trong tinh thần hiệp nhất, chúng tôi cùng dâng thánh lễ tạ ơn và cùng dùng chung một bữa cơm  để thắt chặt tình thân cũng như để ngày hội được trở nên “tròn vị”.

Trên đường về Thỉnh viện giữa trời nắng nóng, tôi cũng không rõ là nắng làm tôi nóng hay tinh thần của bài hát kết lễ vẫn bừng cháy mãi trong tôi.

“Gia tài Người trối lại cho anh em
hành trang đi vào đời là đôi tay trắng,
sống bác ái hiền hòa
và hãy giữ lấy khiêm nhường
để trở nên những người nghèo khó Tin Mừng”.

Quả thật, Chúa đã quyến rũ con, khiến tâm hồn con bồi hồi, khắc khoải với lý tưởng trở thành một người Đa Minh – người mang sứ vụ “giảng thuyết vì ơn cứu độ nhân loại.”

Thỉnh viện Đa Minh, ngày 23/07/2019
Giuse Vũ Hoài Vũ

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com