Mục Lục
__DomMart Nguyễn Ngọc Huy__
“Tôi viết lại những dòng suy tư đứt quãng khi tâm hồn bắt đầu thấy vui, khi tôi bắt đầu cảm nhận mình cũng là một người con thân yêu của Quảng Phú. Nhưng lại thoáng buồn, thoáng tiếc nuối vì đó cũng là lúc chúng tôi phải chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới…”
Nhà chiêm tinh thứ …
Có những điều trùng hợp khiến tôi thấy rằng chuyến đi sứ vụ năm nay mang nhiều ý nghĩa. Đối với tôi, cuộc hạnh ngộ của Mẹ Maria và bà Êlisabét là một cuộc hạnh ngộ kiểu mẫu. Đó là cuộc gặp gỡ có Chúa ở cùng. Mẹ mang Chúa trong lòng, vội vã ra đi. Tôi đã cảm nhận được một phần sự “vội vã” của Maria năm ấy khi lòng mình trộn rộn những niềm vui. Đó là niềm vui được gặp gỡ và được sẻ chia. Nhưng khác với Maria – Mẹ mang Chúa đến. Còn tôi, tôi hình dung mình là một người đi sau những nhà chiêm tinh đến để gặp gỡ Chúa. Tôi không còn được trông thấy Chúa nơi máng cỏ, nhưng gặp được Chúa nơi công việc, với mọi người và trong sứ vụ truyền giáo của Dòng mà tôi mới bắt đầu được cảm nhận.
Chúng tôi đã chọn sống cùng
Năm ngoái, tôi có cơ hội được đến giúp Hòa Nam. Một tháng hè không đủ để nhận ra nhiều thứ; nhưng sơ bộ, tôi cảm nhận được những bước chuyển mình từ giáo họ lên giáo xứ của Hòa Nam không gặp nhiều khó khăn về cơ cấu và tổ chức. Vì cơ bản trước khi là giáo xứ, Hòa Nam đã là một giáo họ “kỳ cựu” đã có đầy đủ ban ngành, đoàn thể. Năm nay chúng tôi có cơ hội được thăm giúp Quảng Phú, một giáo xứ cũng mới được thành lập, và đang được một cha Dòng Đa Minh coi sóc. Nơi đây cách xa trung tâm thành phố khoảng 80 km. Núi đồi trùng điệp. Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất mà vị mục tử phải đối diện. Vấn đề khó khăn của giáo xứ mà tôi cảm nhận trong chuyến đi lần này đó là vấn đề xây dựng đời sống tinh thần.
Tôi vốn yêu mến đời sống cộng đoàn Đa Minh, trân quý những phút giây anh em ngồi lại với nhau trong bữa sáng và bữa tối. Chúng tôi tường thuật lại cho Cha xứ nghe đủ điều, về những thành công nho nhỏ khi quy tụ được một lớp học đông người, về cả những toan tính và lo lắng cho các em ở Thác Tư. Như một người anh đi trước, Cha động viên chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe “nhân tình thế thái” trên hành trình truyền giáo ở vùng cao. Những câu chuyện Cha kể không chỉ là cách truyền tải kinh nghiệm, nhưng còn là cách thức để chúng tôi nhận ra những thông điệp của một người anh đi trước gửi gắm. Vì vậy, tuy rằng một tháng vắn vỏi, nhưng chúng tôi cảm nhận mình được một phần chìm nổi trong sứ vụ truyền giáo của Dòng, cảm nhận được nhịp độ phát triển, dự cảm được những tiềm năng và đường hướng xây dựng của giáo xứ trong một tương lai gần.
Nắng
“Nắng vùng cao đẹp”. Đó chẳng phải là lời nhận xét của một văn hào hay một thi sĩ có trái tim trẻ và tinh tế. Nhưng ai đã từng đặt chân lên mảnh đất vùng cao này cũng đều có chung một cảm nhận như vậy. Cái nắng trên đồi, trên nương. Cái nắng có màu xanh ngắt. Cái nắng trên đường, trong vườn. Cái nắng có màu đỏ của đất. Ôi! Cái nắng vùng cao có màu của hy vọng và màu của sự sống.
Tôi gặp em, trong một ngày đầy nắng. Mái tóc đen chẳng bồng bềnh, soăn tự nhiên và cúp ngang vai. Tôi gọi em là “Nắng”, – cô gái nhỏ người đồng bào có tâm hồn đẹp. Nắng, nước da ngăm đen và nụ cười rạng rỡ. Nắng đến nhà thờ cùng mẹ. Trong nhà thờ, chỉ còn vài hàng ghế trống. Nắng ngồi trước, tôi ngồi sau. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn. Nắng không nhìn lại, nhưng mỉm cười.
Thoáng yêu thương. Tôi gặp Nắng vào Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên. Trong bài giảng chúng tôi được nghe: Đức Kitô là đầu, chúng ta là chi thể trong nhiệm thể là Hội Thánh. Đức Kitô đã trỗi dậy từ cái chết và lên trời. Chúng ta cũng tin tưởng một ngày sẽ được về quê hương nước trời.
Tôi cảm nhận Nắng có một niềm vui lan tỏa trong tâm hồn. Nắng cũng đang mong muốn được chia sẻ niềm vui ấy với mọi người. Tôi phần nào thấy mình thiệt thòi. Tôi thấy tâm hồn mình chẳng còn mấy đơn sơ, đã nhiều lần chẳng mấy xác tín và phó thác. Nắng đã thắp lên trong lòng tôi một tia sáng ấm. Tôi còn thấy lòng bừng lên lửa tin yêu trong bầu khí sốt sắng của cộng đoàn.
Thoáng vui, tôi lại quay qua nhìn Nắng. Nắng vẫn mỉm cười. Tôi đã lẩm bẩm: “Nắng – cô gái khiếm thị, em có biết hôm nay Chúa lên trời trong một ngày có đầy “Nắng” hay không?”
Sống cộng đoàn
Là những người trẻ, chúng tôi dần thích nghi với đời sống chung, mặc lấy tinh thần cộng đoàn Đa Minh. Một tháng được cùng đồng hành với các Cha – những người anh đi trước đang hoạt động ở vùng truyền giáo, tôi có thêm cơ hội để cảm nhận tinh thần đời sống cộng đoàn của Dòng.
Chuyến đi sứ vụ năm nay thật ý nghĩa. Tôi cảm nghiệm được những truân chuyên lao nhọc của những người ở vùng sâu vùng xa. Khi chứng kiến những cảnh đời còn nhiều cơ cực, tự lòng mình cũng sinh thêm nhiều khó khăn. Đó là những khó khăn đi từ việc hòa nhập vào một môi trường ít điều kiện hơn. Đó là những khó khăn khởi đi từ câu hỏi “làm như thế nào để…?” Nhưng qua đó, tôi nhận ra nơi người anh đi trước và người anh em đồng hành vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ và kiến tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho công việc của tôi. Đồng thời, khi nhận ra được những kiến tạo thầm lặng đó, tôi đã cảm thấu được tình cảm thiêng liêng mà anh em dành cho mình. Mà có lẽ, những tình cảm thiêng liêng này chỉ có được khi người ta đã sẵn sàng chung chia và thấm nhuần một lý tưởng. Và rồi, cũng đi từ những kiến tạo thầm lặng đó, tôi cảm nhận được sự hợp nhất đi từ những cái riêng.
Hợp nhất đi từ những cái riêng là điều không hề đơn giản. Chúng tôi đã lên kế hoạch cùng nhau làm việc. Tuy nhiên, còn vài công việc chúng tôi đã trao phó cho Chúa vì chưa kịp thống nhất. Nhưng qua đó, người trẻ chúng tôi học được cách lắng nghe, dần học được cách cho đi mà không nhận lãnh, làm việc mà không cần được công nhận, dần cảm nhận rõ ràng hơn về một dấu ấn mà thánh Âu-tinh đã để lại. Đó là con đường đi từ cá vị đến liên vị. Và đó còn là một cách thức để chính Thiên Chúa được công nhận trong đời sống của mọi người.
Có Chúa chúng tôi ra đi. Hành trình đến với tha nhân là hành trình đến với Chúa. Rồi mỗi sớm mai và lúc chiều về, anh em chúng tôi có cơ hội ngồi lại với nhau trong ngôi thánh đường xung quanh là núi đồi như đôi bàn tay nâng niu, bao bọc. Trong bầu khí cộng đoàn, chúng tôi dâng lên Chúa những tâm tình thiêng liêng, những công việc còn dang dở của ngày hôm trước và xin Chúa luôn đồng hành trên hành trình ơn gọi của đời mình.
Lớp học vùng cao
Hành trang chúng tôi ôm trên vai đến với Quảng Phú chỉ là những cuốn vở và vài chục cái cặp đi học. Một thứ hành trang vô hình khác nặng hơn chúng tôi mang trong lòng, là những hoài bão và hy vọng mà chúng tôi mong muốn được gửi gắm khi cùng sinh hoạt và học tập với các em. Dẫu rằng chúng tôi có kỳ vọng nhiều, nhưng chúng tôi không vội vã. Vì chúng tôi tin rằng nửa con chữ, vài câu chuyện đang kể còn dở dang sẽ là những hạt giống nhỏ. Theo chân các em lên thác xuống đồi, những hạt giống ấy sẽ đơm nở những bông hoa thơm ngát, nhiều sắc màu. Nên vậy, chúng tôi đã chọn cách để đồng hành, để trở thành những người bạn đồng trang lứa; một phần vì tôi cũng mong muốn gieo thêm những hạt giống của thanh xuân mình.
Nắng chưa kịp lên, mặt trời chưa kịp phá tan đám mây mù không rõ là sương hay khói thì chúng tôi đã kịp chuẩn bị mọi thứ cho một ngày ở Thác Tư. Con đường gồ ghề, quanh co 18 cây số đến lớp là con đường đã có những quãng xuống cấp nặng nề. Nhưng chỉ cần nghĩ đến lớp học phía trước, nghĩ đến những khuôn mặt và nụ cười rạng rỡ của các bé là chúng tôi thêm hăm hở và quên đi những mệt nhọc của mình.
Những ngày đầu, chúng tôi chỉ quy tụ được khoảng 25 – 30 em nhỏ. Dần dần, con số này tăng lên và cao nhất có khi đến 65 em. Sáng đến lớp, các em cùng nhau học giáo lý, học kinh và nhân bản. Chiều đến các em được phân làm hai lớp để học văn hóa theo chương trình ở trường. Một ngày trên lớp ở Thác Tư rộn rã tiếng cười nói của các em. Chiều về, khi nhìn lớp học chỉ còn vài em mê chơi ở lại và trên con đường trở về Quảng Phú, tôi chợt nghe tiếng lòng mình thổn thức. Tôi kịp nén một tiếng thờ dài.
Nếu lớp học cứ bình thường diễn ra như vậy thì tôi yên lòng quá rồi. Có những buổi sáng ngồi sau chiếc xe chất đầy đồ, tay khư khư ôm vài chục cái trứng, trên đùi còn kẹp vài thùng mì gói. Tôi thầm thĩ cầu xin Chúa hôm nay cho lớp học đông đủ. Có những buổi sáng khi đến lớp, tôi thấy lòng mình hụt hẫng ghê gớm. Hôm đó lớp học vắng vẻ, chỉ còn hơn một nửa đến sinh hoạt. Xoa đầu một bé trai, tôi vẫn nở một nụ cười thật tươi cùng lớp rồi đưa mắt mình xa xăm bên kia ngọn đồi chè. Hôm qua, tôi mới xắn ống quần cùng các em qua chơi; mà hôm nay, cái nhóm đó nhiều đứa không thấy đi học.
Cùng đồng hành, tôi cảm nhận được những nỗ lực phấn đấu của các em. Tôi hiểu được những ước mơ của các em đã gắm gửi trong những trang giấy trắng. Nhưng đôi lúc tôi còn thấy mình quá xa lạ. Tôi chưa hiểu vì sao có những ngày các em lên lớp với đôi mắt đỏ hoe và mệt mỏi, có những tiết học vài đứa co mình ngủ ngon lành và tôi đã không đánh thức. Tôi trân quý khoảnh khắc được ngồi ở giữa các em, được các em bới cho mái tóc xù, được các em vu vơ hỏi để thật tình trả lời, và được nghe các em kể về mình, kể về bạn cùng lớp để tôi thêm hiểu và cảm thông. Qua vậy tôi biết được, cứ mỗi ngày trên lớp vắng một người là trên rẫy trên nương lại thêm được một người. Có những ngày đến lớp sớm, tôi thấy vài em đi cùng nhau. Chân mang ủng, vai đeo gùi, trong chiếc gùi còn to hơn người các em có vài món đồ lỉnh kỉnh. Các em đi qua lớp học mà ngại nhìn vào. Tôi may mắn đã kịp gọi tên từng đứa:
- “A Chua, Di ơi! Phàng ơi! … trưa đi làm về ghé lớp ăn cơm nha con!”
Có những khó khăn khác tôi chỉ biết dâng lên cho Chúa mà thôi. Lớp học ở vùng truyền giáo là vậy, hơn 60 em mà phân nửa là Tin Lành, và lương dân. Có những buổi sáng tôi kể các em nghe những câu chuyện trong Sáng Thế Ký, đa phần các em nghe như mới. Rồi lớp học lại vang vang lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh. Bên ngoài, vài người lớn chạy qua, tắp lại đứng nhìn rồi đi tiếp. Sáng hôm sau, tôi nhận ra vài em nghỉ. Phụ huynh các em nói: Bên đó, các thầy dạy Đạo.
Tuổi trẻ tôi
Tuổi trẻ tôi chẳng có định nghĩa. Có lẽ, tôi đang để cảm xúc dẫn đường. Tôi thấy mình từ từ được truyền cảm hứng và cháy lẹm trong từng khoảnh khắc của cuộc đời đang tìm kiếm Chúa. Trong nhà nguyện nhỏ chênh vênh ở vùng cao, tôi để tâm hồn mình chạm vào tĩnh lặng. Chẳng đối diện với ai, một góc nhỏ thu lu tôi nghiêng đầu hồi tâm sau những ồn ào náo nhiệt. Tôi thấy tim mình thắm lại. Tuổi trẻ tôi còn nhiều nơi cần đặt chân tới, còn nhiều thứ để tôi cuồng nhiệt và còn nhiều người để tôi quan tâm và yêu thương. Đang tuôn dòng cảm xúc, một tiếng nói trong tâm trí tôi cắt ngang: “Ôi! Thiên Chúa trữ tình”. Tôi ngước mắt nhìn lên. Nếu không phải Chúa trao tôi cơ hội này để tôi nhận ra mình trong sứ vụ được trao, thì tôi cũng không thể nhận ra Chúa một cách rõ ràng hơn qua thanh xuân của mình. Tôi càng không thể nhận ra Ngài cũng đang yêu và còn yêu sôi nổi hơn thế.
Chúng tôi vượt đường dài, vượt núi cao và sông rộng để tìm nhau trong âm thanh và men rượu. Chính Thiên Chúa, Người tìm chúng tôi qua các sự kiện. Tôi ước mong cái chất của thanh xuân tôi, hoài bão của tuổi trẻ tôi sẽ dẫn tôi đến với Chúa. Vì tuổi trẻ tôi chóng qua như mây ngàn gió thoảng. Nếu thanh xuân tôi chẳng có Chúa, đó là một thanh xuân có tình yêu nhưng không trọn vẹn, có niềm vui nhưng không lắng đọng, có điên cuồng, đam mê nhưng không có đích đến.
Tôi còn nghĩ thanh xuân của một người chẳng bị giới hạn bởi những định lượng. Những ai có Chúa là những người còn thanh xuân, và đang sống với cuộc đời viên mãn.
Lạy Chúa, Chúa trao chúng con mùa xuân của tuổi trẻ và chúng con có cơ hội vui chung thanh xuân của nhau. Trong cảm xúc của thanh xuân ấy nhiều cung bậc, Chúa gò nắn thành những nấc thang. Con ước mong đó là con đường dẫn mọi người tới Chúa. Thưa Chúa, qua những cuộc gặp gỡ, chúng con thấy được ở gần Chúa hơn.
Nửa vời…
Những ngày cuối cùng của sứ vụ hè, tôi thấy trong mình có nhiều cảm xúc đan xen. Con đường từ Thác Tư về Quảng Phú dài hơn mọi khi hay vì chúng tôi cố tình chạy chậm lại? Đó cũng là những ngày chúng tôi thấy mình thong thả hơn. Công việc đã bàn giao nhưng tôi thấy lòng mình còn quá “nửa vời. Tôi chợt nghĩ, cuộc đời mình sẽ chẳng được gọi là trọn vẹn nếu thiếu đi những nửa vời ấy.
Thoạt nghe, ai cũng dễ dàng nhận ra nghịch lý của “trọn vẹn” và “nửa vời”. Và trong cuộc sống, chỉ khi chúng ta cảm nhận được những nửa vời, chúng ta mới ước mong đạt đến sự trọn vẹn. Vô hình chung, sự nửa vời tôi đang cảm nhận là một xung lực, một khát vọng mãnh liệt bên trong. Đó là sự thôi thúc để tôi đi tìm cái trọn vẹn. Và nếu, những ngày sống của tôi là một chuỗi những nửa vời kéo dài, tôi sẽ còn cuống quýt, còn vồ vập và còn trân quý nó. Những nửa vời tôi cảm nhận đôi lúc chẳng liên quan đến nhau, chẳng có sự kết dính. Chúng như những viên sỏi đa sắc màu, đa hình thù khiến đôi chân người lữ hành thêm mạnh mẽ để tìm đến và tìm về.
Tôi viết lại những dòng suy tư đứt quãng khi tâm hồn bắt đầu thấy vui, khi tôi bắt đầu cảm nhận mình cũng là một người con thân yêu của Quảng Phú. Nhưng lại thoáng buồn, thoáng tiếc nuối vì đó cũng là lúc chúng tôi phải chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới. Quảng Phú ơi! Lòng tôi còn nửa vời.
Lạy Chúa, con còn nhiều ước nguyện. Con còn nhiều kế hoạch. Mọi thứ còn nửa vời. Con biết rằng, những nửa vời ấy dẫn con đến gần với Chúa – là sự viên mãn và trọn vẹn của đời con. Qua những nửa vời, con cũng cảm nhận được tình yêu Chúa bao la ngàn trùng và gói gọn trong trái tim của thanh xuân. Lạy Chúa, cũng vì còn nhiều lắm những nửa vời nên con đây còn mãi khát khao …
“Tình yêu Chúa muôn phần kỳ lạ,
Làm thỏa lòng thỏa dạ người thân,
Đầy dư mà vẫn chẳng nhàm,
Thỏa niềm khao khát vẫn hoàn khát khao.”
(Thánh thi Lễ Mình Máu Thánh Chúa)