“Cám ơn Em vì đã dành tặng cho chúng tôi những món quà đặc biệt qua những cái ôm thật chặt, qua những tiếng khóc mếu máo. Tôi tự hỏi không biết Em có học được nơi chúng tôi bài học gì không? Nhưng chắc chắn chúng tôi học được nơi Em rất nhiều…”
Rờ Kơi, ngày 29 tháng 7 năm 2019
Đến với Tây Nguyên, người ta tìm trên một cao nguyên đầy nắng gió này vị thơm của cà phê lẩn khuất trong những làn gió, tìm hàng cao su bạt ngàn xanh vút, tìm nụ cười hiền từ của những già làng móm mém ngồi bên hiên nhà rông, tìm những âm điệu của tiếng cồng chiêng trầm ấm như một bản hùng ca, cho đến những điệu múa xoan uyển chuyển… tất cả đưa ta đến những cảm xúc rất riêng. Còn tôi, trong cõi riêng của mình, tôi tìm được cho mình những cảm xúc đẹp nơi sự mộc mạc nhưng được in dấu đậm sâu. Tôi đã từng có vài dịp được đến với Tây Nguyên, và chỉ là những dịp thoáng qua, nhưng sứ vụ hè mà tôi vừa trải qua mới thật sự được gọi là đến với Tây Nguyên, đến để được hòa mình và chung sống với những con người mang trong mình dòng máu đã thấm đỏ vào từng tấc đất bazan, đã tưới xanh những chiếc lá ngọn cỏ.
Háo hức và chờ đợi, tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của anh em chúng tôi khi đặt chân đến miền đất truyền giáo Tây Nguyên trong dịp sứ vụ hè của mình, nơi đa số những người đồng bào với nhiều sắc tộc khác nhau sinh sống. Cũng trên mảnh đất rộng lớn này, các tu sĩ Đa Minh đã sớm đặt chân đến và gieo vào lòng đất nơi đây hạt giống Lời Chúa. Những hạt giống Lời Chúa nhỏ bé ấy đến nay đã trổ sinh hoa trái đức tin mạnh mẽ tựa như những rừng cây cao su vút ngàn nơi những ngọn đồi. Người đồng hành cùng tôi trong đợt sứ vụ hè này là anh Phêrô Trần Hùng chắc hẳn cũng mang trong mình cảm xúc đó, mặc dù đây là sứ vụ hè thứ hai của anh, và đặc biệt hơn nữa anh cũng là một người con của núi rừng Cao Nguyên nên anh hiểu và có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Còn tôi thì thật sự mong đợi và háo hức để được gặp gỡ những con người nơi đây, không phải để thỏa mãn tính hiếu kì về cuộc sống hàng ngày của họ mà để gần gũi, để cho đi và để nhận lại đức tin từ chính họ.
Đến để sống với…
Trong cái không khí se lạnh của vùng Cao Nguyên, tôi vươn vai hít một hơi thật dài để lồng ngực căng đầy cái mát mẻ, dễ chịu của một buổi sớm trong lành. Mảnh đất mà hai anh em tôi được sai đến là giáo xứ Rờ Kơi, thuộc giáo phận Kontum, một giáo xứ giáp ranh biên giới Việt – Campuchia, được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn và trùng điệp. Hành trang mà anh em chúng tôi mang theo trong sứ vụ của mình là nhiệt huyết của tuổi trẻ, là khát khao được dấn thân và phục vụ, là hình ảnh của người Tông đồ vui tươi và hạnh phúc khi được sai đi. Dĩ nhiên, sự nhiệt huyết và khao khát đó dễ dàng bị thách đố khi chúng tôi gặp khó khăn và được đòi hỏi phải hi sinh. Đó là những điều mà anh em tôi cảm nghiệm được trước khi đến với giáo xứ. Mỗi buổi sáng, cộng đoàn sum họp trong căn nhà nguyện ấm cúng như một buổi sum họp gia đình, chúng tôi được chào đón trong cái bắt tay ấm áp của quý Cha và cộng đoàn. Sự lo lắng, hồi hộp nhanh chóng được xua tan bởi những nụ cười và ánh mắt thân thương. Rồi đây chúng tôi sẽ có những trải nghiệm rất riêng với những con người thân thiện này.
Mặc dù còn lạ lẫm và khác biệt về ngôn ngữ khi chúng tôi không thể dùng tiếng bản địa để giao tiếp với cộng đoàn nhưng chúng tôi có thứ ngôn ngữ chung mà mọi người đều có thể hiều, mà chẳng cần một cấu trúc hay ngữ pháp phức tạp. Đó là ngôn ngữ của tình yêu. Tôi tin rằng, ngôn ngữ của tình yêu sẽ đưa chúng tôi lại gần nhau hơn với những công thức đơn giản như nụ cười, hay ánh nhìn,… Người Tông đồ là vậy, được sai đến với muôn dân, với mọi thành phần, mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ. Đến để sống! Tuy có khác biệt nhưng cùng chung một mối dây liên kết là chính Đức Kitô. Và trong tình yêu ấy, tôi gặp được Em.
Gửi Em!
“Nhà Em ở lưng đồi,
nơi chim rừng thánh thót,
bầu trời xanh dịu ngọt.
Nhà Em giữa nắng vàng.
Con suối tràn bờ đá.
Hương rừng thơm mùa hạ.
Đường chiều về quanh co…”
Những lời thơ rất êm đềm, mang đậm sắc màu núi rừng của nhạc sĩ Lê Tự Minh làm tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của Em, người con mang vẻ đẹp của núi rừng, vẻ đẹp mộc mạc nhưng lôi cuốn. Em tên gì? Nhà Em ở đâu? Em ngượng ngùng chẳng dám nhìn tôi, nhưng Em mỉm cười để tự trấn an mình. Chẳng kịp hỏi lần thứ hai, Em đã vội chạy khỏi màn “tra vấn” rồi cười giòn tan với lũ bạn, tay quơ quơ cây roi dẫn đàn bò qua suối. Tôi chưa kịp biết tên Em, cũng chưa kịp biết nhà Em ở đâu, chỉ thấy Em đi về phía ngọn đồi đầy cỏ non và thấp thoáng bóng dáng căn nhà nhỏ. Dù sao Em cũng kịp tặng cho tôi một tiếng cười gợi nhớ.
Em như những mầm non mơn mởn của núi rừng, là nguồn sống của vùng Cao Nguyên, là vẻ đẹp trong lành nơi những con suối. Em là mầm non đức tin sống động của giáo xứ. Em là hiện thân của một Đức Kitô nghèo khó nhưng vui tươi và hạnh phúc. Mầm non ấy rồi sẽ vươn lên lớn mạnh thành những cây cao bóng lớn, rồi Em sẽ trở thành biểu tượng của núi rừng. Nhưng sao tôi muốn Em cứ nhỏ bé mãi, vì trong Em có một vẻ đẹp bí ẩn, lại thêm vẻ quyến rũ mà tôi chỉ nhận ra khi Em vô tư và hồn nhiên như thế này thôi. Là sự trộn lẫn giữa vẻ mộc mạc và hoang dại, dịu dàng nhưng vẫn có chút gì đó mạnh mẽ của núi rừng hùng vĩ vốn đã ngấm vào màu da, mái tóc. Có phải vị của nắng, hương của gió và màu của đất đã làm nên vẻ đẹp của Em chăng?
Em đưa tôi đến với Chúa, tôi thầm tạ ơn Chúa vì Em siêng năng đến với Ngài. Tôi thấy tuổi thơ của tôi trong bóng hình của Em, Em được mẹ địu trên lưng, được cha nắm tay dẫn đi chậm chậm, và tự Em đi trên chính đôi chân của mình để đến với Chúa. Tôi đã chờ đợi để gặp Em và tôi rất muốn được gần Em để trò chuyện, để hiểu Em. Em gọi tôi là thầy, xưng con. Nhưng tôi lại thích được gọi Em là Em. Như thế sẽ giúp Em đỡ xa ngại, và có lẽ cũng giúp tôi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với nhà thờ qua các Thánh Lễ hay giờ kinh cộng đoàn như Em, cũng có chuyện chơi chuyện học, nhưng chắc chắn tuổi thơ của tôi không vất vả và chịu khó khăn nhiều như Em. Nhưng biết bao nhiêu khó khăn là thế, tôi vẫn thấy Em vui cười mỗi ngày.
Em đưa tôi đến những con suối ngọn thác, nơi ủ ấp tuổi thơ của Em và là mạch sống của buôn làng. Đôi chân của Em sải bước mềm mại trên mặt sỏi đá gập ghềnh, dường như Em thân thuộc từng viên đá hòn sỏi, đến những cành khô nằm ngổn ngang trên bờ suối. Tôi thì phải dò dẫm mới dám bước đi từng bước. Tôi ước gì mình có thể hiểu được ngôn ngữ của núi rừng, của con suối này, của ngọn thác kia để chúng có thể nói cho tôi biết Em đã chinh phục và hiểu chúng như thế nào. Em đưa tôi đi trên những con đường làng quanh co đầy nắng vàng, tôi nhìn Em vui chơi chạy nhảy mà ước mình được trẻ lại như Em để dễ hòa vào cuộc chơi với Em cùng chúng bạn của Em hơn.
Mỗi ngày, tôi đưa Em đến lớp. Những giờ lên lớp là niềm vui trong sứ vụ hè của tôi. Lần đầu tiên tay tôi cầm phấn thay vì cầm bút, lần đầu tiên tôi đứng để giảng bài thay vì ngồi lắng nghe. Tôi nhanh chóng quen Em và bước vào bài giảng nhưng không biết Em có quen và có hiểu những gì tôi truyền đạt không? Tôi biết tuổi thơ của Em gắn liền với đồng cỏ, với nương rẫy, tay em quen với những cây gậy để dẫn đường hơn là những chiếc bút, và lưng em quen với những giỏ gùi đầy măng hơn là chiếc cặp bên trong đầy những sách, vì thế Em không quen với việc học. Những buổi tan học, Em lại nhanh chân về nhà để phụ giúp công việc gia đình nên Em cũng không có thời gian để ôn bài. Những nét chữ nguệch ngoạc, những con số méo mó trong vở và những phép tính cộng trừ đơn giản cũng đủ làm Em thấy hoang mang. Tôi ước gì mình có thể giúp được cho Em nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi động viên Em yêu mến việc học để Em có cơ hội phát triển và có những bước đi dễ dàng hơn trong cuộc sống. Em đáp lại bằng ánh mắt xa xăm và mỉm cười cho qua. Với bất kỳ câu hỏi nào tôi đưa ra, Em đều có chung một đáp án là nụ cười duyên dáng, kèm cái lắc đầu “Không biết!”. Tuyệt thật, với Em, nụ cười giải quyết tất cả.
Cho những trải nghiệm đã qua…
Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, ngồi ngắm từng giọt cà phê quyện đặc nhỏ xuống tận đáy của sự lắng đọng, tôi dành cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi sau buổi chia tay để nhìn lại một tháng sứ vụ ngắn ngủi. Mới cùng trao cho nhau câu chào nay đã vội nói câu tạm biệt, mới kịp quen nay đã vội xa. Nhưng trên hết là cảm giác hạnh phúc cho một cuộc dấn thân vào sứ vụ của Dòng, là đến với người đồng bào nơi cái nghèo cái đói còn là vấn đề của từng ngày. Tôi cảm nghiệm được việc mình cho đi chẳng là mấy nhưng cái mình nhận lại thì thật nhiều, việc mình dạy chẳng là chi so với những bài học mình được dạy từ chính cuộc sống của những con người chất phác nơi đây. Tháng sứ vụ hè khép lại, có những thứ khi nhìn lại sao thấy nuối tiếc vì mình chưa dấn thân cho đủ, chưa phục vụ cho đủ…
Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng tôi được gặp gỡ những con người tuyệt vời nơi đây. Chính Đấng ấy đã dạy chúng tôi tinh thần phục vụ quên mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ.” (Mt 22,28). Chúng tôi luôn biết ơn quý Cha, quý Thầy, quý Sơ là những tu sĩ Đa Minh đang phục vụ hết mình trên cánh đồng truyền giáo vốn đòi hỏi đầy hi sinh và thử thách. Là những thế hệ đến trước, tinh thần phục vụ của các tu sĩ Đa Minh tại mảnh đất truyền giáo này đã khơi dậy nơi anh em chúng tôi khao khát được dấn thân và phục vụ. Chiếc áo dòng các ngài mang trên mình giờ đã nhuốm màu đất của núi rừng, nắng gió đã kịp làm sờn những gấu áo nhưng tâm hồn của các ngài đã kịp đượm lên mình mùi ấm áp của đoàn chiên lam lũ vất vả.
Và dành tặng cho Em một cảm xúc đặc biệt trong hành trình của chúng tôi. Cám ơn Em vì đã dành tặng cho chúng tôi những món quà đặc biệt qua những cái ôm thật chặt, qua những tiếng khóc mếu máo. Tôi tự hỏi không biết Em có học được nơi chúng tôi bài học gì không? Nhưng chắc chắn chúng tôi học được nơi Em rất nhiều. Mong Em luôn mạnh mẽ như cái chất vốn có của con người nơi đây, mong Em luôn giữ được nụ cười hồn nhiên và thơ ngây đó, như cây rừng bén rễ sâu vào lòng đất mẹ thế nào thì mong Em hãy bám mình sâu vào lòng Giáo hội như thế để Em cũng trở nên tông đồ của Nước Trời, của niềm vui Tin Mừng.
“… Nhà Em ở nơi đó, chập chờn những giấc mơ,
nơi dâng trào thương nhớ, Em về với lưng đồi.”
Gửi Em, những nụ cười thương nhớ!
Giuse Cai Tả Vũ Văn Tính