“Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời,
là làm sáng tỏ lời ban sự sống.” (Pl 2,15-16)
Phêrô Nguyễn Thiện Chí
Hội Thánh Công Giáo đã trải qua hơn hai ngàn năm hiện diện trên trần thế kể từ khi được Chúa Kitô thiết lập dưới chân thập tự giá và chính thức khai sinh vào ngày Lễ Ngũ Tuần sau đó. Giáo hội đã và đang bước đi giữa lòng thế giới, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần – là Đấng Bảo Trợ, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trên đường lữ hành đó, Giáo hội phải trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, đi qua những chặng đường tăm tối đầy thử thách, hiểm nguy. Dù vậy, con thuyền Giáo hội vẫn luôn tiến bước vững vàng giữa biển đời trần gian. Vườn hoa Hội thánh vẫn xanh thắm và nở rộ những bông hoa tươi đẹp, sáng ngời qua từng thế hệ. Những bông hoa đủ màu sắc, đủ hình dáng làm nên một vẻ đẹp phong phú, căng tràn sức sống của Giáo hội theo dòng thời gian. Các ngài là những vị thánh, những bông hoa thơm xinh điểm tô cho đời tươi đẹp. Nhân đức của các ngài tỏa ngát hương thơm cho muôn người. Đời sống các ngài như những vì sao chiếu sáng trong màn đêm tăm tối.
Ngược dòng lịch sử Hội thánh Công Giáo, chúng ta bắt gặp nhiều gương mặt tiêu biểu với những đóng góp lớn lao cho Giáo hội. Họ là thầy dạy và trước hết là những chứng nhân đích thực, sống động, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh Đa Minh – tổ phụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được biết đến như một bông hoa hồng ngọc ngà khiết tịnh, một vì sao sáng của nhân loại. Ngài được mệnh danh “ánh sáng Giáo hội” (O Lumen Ecclesiae), cuộc đời ngài là bó đuốc thiêng luôn rực sáng niềm hi vọng đã giúp nhiều người tìm được niềm tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa trong đêm tối cuộc đời. Chúng ta tự hỏi yếu tố nào nơi con người vị thánh tổ phụ đã giúp ngài làm nên những điều kỳ diệu đó.
Thánh Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, miền Castile cổ, Tây Ban Nha. Một câu chuyện thú vị được Cha Giôđanô Saxonia (Tổng quyền kế vị cha Đa Minh) ghi chép về giấc mơ của bà Gioanna (thân mẫu thánh Đa Minh): Trong giấc mơ, bà đã thấy một con chó nhỏ trong lòng bà, ngậm bó đuốc cháy rực, soi khắp thế gian khi được sinh ra. Giấc mơ kì lạ đó được bà giải thích là chỉ về người con bà sẽ sinh, và tiếng nói của người sẽ được cả thế giới nghe đến. Người chính là Đa Minh, được bà đặt tên theo một vị thánh Dòng Biển Đức[1]. Đó thật là một giấc mơ đẹp tiên báo về sứ mạng của thánh Đa Minh.
Sau khi theo học tại Palencia, năm 1197, ngài được thụ phong linh mục và trở thành Kinh sĩ nhà thờ chính tòa Osma thuộc Castile, sau đó được bổ nhiệm là phó bề trên Kinh sĩ đoàn vào năm 1202.[2] Trong hành trình tới Đan Mạch cùng với Đức Cha Diego để sắp xếp hôn nhân cho hoàng tử Castile, khi đi qua miền nam nước Pháp, ngài đã chứng kiến cảnh hỗn độn do lạc giáo Albigeois gây nên cho Giáo hội. Quả thế, vào cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, Giáo hội gặp nhiều khó khăn, lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng xuất phát từ nhiều phía. Sự gia tăng dân số ở mức cao trào và tiến trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày một rõ rệt trong xã hội Châu Âu. Đời sống xa hoa chạy theo chủ nghĩa vật chất, tham vọng quyền lực và yếu kém tri thức của hàng giáo sĩ khiến họ rời xa Tin Mừng, tạo nên sự xa cách với dân chúng. Cùng với đó là sự nổi dậy của quân Hồi giáo và nhất là sự xuất hiện tràn lan các nhóm lạc giáo, v.v…
Thế giới Kitô giáo đã trải qua nhiều cơn khủng hoảng, nhưng chưa bao giờ Giáo hội lại bị đe dọa một cách ghê gớm do những phong trào lạc giáo xuất hiện như bấy giờ. Bởi nó có mầm mống phát xuất ngay trong thân mình Hội thánh từ những lí thuyết sáo rỗng thiếu thực hành, các ý tưởng trần tục hóa của giáo sĩ và sự thiếu hiểu biết của người dân. Khởi đầu từ một phản ứng hợp pháp chống lại sự giàu có của Giáo hội và đời sống xa hoa, yếu kém của hàng giáo sĩ mà người ta không thể phủ nhận, đưa đến những cuộc tranh luận dựa trên giá trị của Tin Mừng. Và rồi khủng hoảng khi không tìm được giải pháp, tiếng nói chung. Tất cả như những đám mây đen bao phủ Giáo hội, đời sống Kitô hữu mang một màu ảm đạm, tăm tối. Đứng trước những thách đố cam go đó của thời cuộc, cha Đa Minh đã đồng cảm với những khó khăn mà Mẹ Giáo hội đang phải đương đầu và rồi được thôi thúc để dấn thân vào sứ mạng cấp bách đòi hỏi. Với lòng yêu mến Giáo hội tha thiết và lo lắng cho phần rỗi các linh hồn, ngài đã cố gắng tìm về nguồn mạch phong phú của Lời Chúa, mong muốn có thể giúp cho Giáo hội canh tân theo tinh thần mới với một sức sống mới làm nên một khuôn mặt mới giống Chúa Kitô hơn. Cha đã khám phá ra giải pháp cho sự hòa giải, hòa hợp chính là sức mạnh của Lời Chúa. Ngài xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có sức cảm hoá và biến đổi lòng người. Vì thế cha đã nỗ lực hết mình thực hành các giá trị của Tin Mừng, không ngừng dấn thân mạnh mẽ, kiên tâm trong sứ vụ giảng Lời Chúa cho anh em lạc giáo.
Quả vậy, cha Đa Minh trở nên thầy dạy chân lý lỗi lạc, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tầng lớp, nhất là những người nghèo khổ, lạc giáo. Ngài đã đóng góp cho Giáo hội những thành quả lớn lao trong sứ mạng bảo vệ đức tin trước các bè rối, giảng thuyết thu phục các tín hữu lạc giáo. Tuy nhiên, không được như vị thánh cùng thời với ngài là Phanxicô, điều kỳ lạ là rất ít người biết đến con người lừng danh, đầy uy thế này, cũng là người đã thành lập cộng đoàn tu trì rộng lớn trong Giáo hội – Dòng Giảng Thuyết (người ta vẫn quen gọi Dòng Đa Minh). Thánh nữ Catharina Siena đã nói “các ngài là những cột trụ chống đỡ Giáo hội, thánh Phanxico bằng đời sống khó nghèo, thánh Đa Minh bằng tri thức với sự thông thái như điểm riêng biệt”.
Có thể nói thánh Đa Minh là người tiên phong mở lối cho một hình thái tu trì mới trong Giáo hội theo nếp sống vừa chiêm niệm, hành khất và giảng thuyết. Trước đó, chỉ có hình thái ẩn tu và đan tu hoặc được tổ chức theo Kinh sĩ đoàn nhưng vẫn mang tính đan tu. Ý tưởng mới lạ của cha Đa Minh khởi đi từ thực trạng rối ren trong hàng ngũ giáo sĩ, sự hoành hành mà các nhóm lạc giáo lúc gây ra lúc bấy giờ; và được gợi hứng từ sứ vụ giảng thuyết của các Tông Đồ ngày xưa. Hành khất để rao giảng Lời Chúa, thông truyền đức tin Kitô giáo theo khuôn mẫu các Tông Đồ, đó là một sứ mạng!. Từ đó cha Đa Minh hình thành một phương thế mới, xây dựng thành một nếp sống mới mà sau này thánh Tôma Aquinô đã đúc kết trong một câu nói thời danh, được xem như là khẩu hiệu của Dòng: “Chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm – Contemplari et contemplata aliis tradere.”
Chúng ta bắt gặp nơi cha Đa Minh mẫu gương say mê học hỏi, nghiền ngẫm Kinh Thánh và đọc sách các giáo phụ. Sinh ra trong gia đình quý tộc gia giáo, cha Đa Minh được thừa hưởng tinh thần hiếu học, lòng đạo đức và thương cảm người nghèo từ gia đình nhất là từ bà Gioanna Ada, mẹ của ngài. Vì là con nhà quí tộc nên, lên 7 tuổi, Đa Minh được gửi theo học chương trình riêng tại làng Gumiel de Hizan dưới sự trợ giúp của người cậu đang là linh mục tại đây. Giai đoạn này, Đa Minh đã học được nhiều đức tính, góp phần làm nên con người của cha sau này. Đa Minh dường như ưa thích việc học hơn là vui chơi như các bạn bè cùng trang lứa. Ngài chú tâm học và nhanh chóng vượt hẳn các bạn cùng lớp.[3] Sau đó ngài học văn chương, triết học và thần học tại Palencia (1186/1187), trước khi gia nhập Kinh sĩ đoàn của giáo phận Osma sống theo tu luật thánh Augustino. Chính điều này hình thành một nếp sống cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và kỷ luật học tập nơi cha nên ngài đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi, nghiên cứu.
Sau khi cộng đoàn của cha được Đức Giáo Hoàng Honorio III nhìn nhận như là một cộng đoàn tu trì trong Giáo hội theo luật thánh Âutinh với các khoản Hiến Pháp bổ sung, khoảng tháng 8 năm 1217 cha Đa Minh đã gửi một số các anh em đi học tại một số trường ở Châu Âu như Paris, Bologna, Oxford để có được sự hiểu biết chuyên sâu hơn về triết học và thần học, phát triển khả năng học thuật nhằm trở thành khí cụ tốt hơn để Chúa sử dụng trong việc giảng dạy và rao giảng Tin Mừng[4]. Mặc dù cha rất khao khát có những nhà giảng thuyết được sai đi, nhưng cha hiểu rằng trước hết, họ cần được chuẩn bị tri thức và đời sống chiêm niệm qua việc học hành. Bên cạnh những đòi hỏi khó khăn của xã hội hiện thời, đó cũng là cách cha bảo tồn và phát tán những hạt giống tốt nhắm đến một sứ mạng rộng lớn trên khắp thế giới. Điều đó cho thấy ngài có tầm nhìn rộng và sâu sắc phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Với một người say mê học hỏi thì sách là tài sản vô giá, là cuộc sống của họ. Cha Đa Minh cũng là con người như thế nhưng nơi ngài lại có cả một trái tim đôn hậu, nồng nàn tình yêu đối với những người đói khổ, lầm lạc. Chính trái tim đầy lòng trắc ẩn và thương cảm được thụ hưởng từ người mẹ nên cha rất nhạy bén trước những nhu cầu của người nghèo. Ngài đã quyết định bán hết những gì ngài có để mua lương thực cho họ, ngay cả cuốn sách bằng da quý giá ngài cũng bán đi. Khi các bạn can ngăn, cha đã quả quyết:“Tôi sẽ không học trên tấm da chết khi những bộ da sống đang chết vì đói”. Hơn thế nữa, khi không còn gì để bán thì ngài lại quyết định bán thân mình làm nô lệ để chuộc lại một người bị bắt làm tôi.[5] Quả là một con người đặc biệt!
Điểm đáng chú ý khác nơi cha thánh là theo đuổi con đường hiệp nhất với tinh thần bất bạo động. Trong khi hàng giáo sĩ thời bấy giờ, ngay cả Đức Giáo Hoàng có chủ trương đối phó với những nhóm lạc giáo bằng sức mạnh bạo lực, thì thánh Đa Minh lại khởi xướng một cách thế rao giảng chân lí Tin Mừng và hoán cải những người lạc giáo với một đường hướng khác. Cha đã không tham gia hay ủng hộ phong trào “Thập Tự chinh” để thu phục hay chống lại những người theo lạc giáo, nhưng Ngài đã hiện diện giữa những anh em lạc giáo, lắng nghe và thấu cảm nhu cầu của họ, sống khó nghèo theo Tin Mừng như chính những người lạc giáo chủ trương, chia sẻ thức ăn và giảng dạy Lời Chúa cho họ với sự thân thiện đầy lòng yêu thương, dần dần cha Đa Minh đã cảm hóa và thuyết phục họ quay trở lại với đức tin chân chính hiệp thông với Giáo hội mẹ.
Cha Đa Minh đã sống Lời trước khi giảng thuyết Lời cho người khác. Từ thuở thiếu thời, cha vốn yêu thích nghiền ngẫm Kinh Thánh. Theo cách nói của các thánh giáo phụ thì ngài đã “uống sữa Kinh Thánh”, chìm đắm trong Lời Chúa như được mô tả như trong một bức tượng chúng ta thường thấy về ngài. Ngài rất say mê học hỏi, yêu mến Lời Chúa nồng nàn nên luôn mang theo sách Tin Mừng Matthêu và các thư của thánh Phaolô bên mình. Cha Đa Minh đã chọn “Lời Chúa” để làm “Thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt và ghê tởm những chuyện bất công” (Kn 1,5). Là con người của học hỏi nên dường như cha Đa Minh cũng là con người thực tế, nói theo cách nói của người đời: “Nói có sách, mách có chứng”. Cuộc sống ngài không chỉ là giới hạn nơi tòa giảng, trong những trang sách nhưng đã được thể hiện nơi chính cách sống của ngài. Quả vậy, cha Đa Minh đã tin những Lời cha đọc, dạy những điều cha tin và thực hành những điều cha dạy[6] với lòng yêu mến nồng nàn và khiêm tốn học hỏi.
Việc sống giá trị Tin Mừng đã làm cho cha Đa Minh nên giống Chúa Kitô hơn khi gần gũi với tất cả mọi người, chăm lo đặc biệt cho những người tội lỗi, thương cảm với người nghèo khổ. Cuộc đời cha là một bài giảng tuyệt vời đầy thuyết phục bởi chính con người và nhân cách của cha. Cha đã củng cố đức tin và niềm hi vọng vững chắc nơi Thiên Chúa đầy quyền năng và lòng thương xót cho những ai đang đau khổ, lạc mất niềm tin. Cha làm cho các anh chị em gặp ngài đều cảm thấy gần gũi và được nâng đỡ. Ai gặp và trò chuyện với cha đều cảm thấy bị thu hút bởi kiến thức, sự nhiệt tâm của cha. Bằng sự ân cần, nhẹ nhàng cha đã chạm đến trái tim của họ, thức tỉnh tâm hồn họ bởi đời sống rạng ngời nhân đức của cha.
Một điểm đặc biệt nữa đáng mến mộ đã góp phần nòng cốt làm nên sức mạnh và sức thuyết phục của sứ mạng giảng thuyết Lời Chúa nơi cha Đa Minh là ngài có đời sống thiêng liêng sâu sắc. Cha đã sống thân tình với Chúa qua việc cầu nguyện và những việc hãm mình, đánh tội để cầu nguyện cho các tội nhân. Không những thế, cha đã thực hành việc đạo đức vượt quá sự đòi buộc của luật. Ban ngày cha đi giảng thuyết cho người lạc giáo, sống đơn sơ, thân tình giữa mọi người và hết lòng yêu thương, giúp đỡ những người bệnh tật, nghèo đói. Ban đêm cha thức suốt đêm để cầu nguyện cho các tội nhân. Lời cầu nguyện được cha thường đọc để cầu nguyện cho những người tội lỗi: “Lạy Chúa, các tội nhân rồi sẽ ra sao, xin thương xót”. Người ta không thấy cha có một chiếc giường ngủ và phòng riêng cho mình. Cha đã nêu gương cho chúng ta một thực hành thiêng liêng không thể tách rời nơi những người Kitô hữu, đặc biệt với những người giảng thuyết. Đó là sự kết hợp bất khả phân li giữa việc thực hành thuyết giảng và đời sống cầu nguyện như linh mục Henri M.Nouwen đã nhấn mạnh: “Đời sống thiêng liêng nào không có cầu nguyện thì cũng giống như Tin Mừng không có Đức Kitô vậy”. Và việc cầu nguyện cần thiết phải đi cùng với, và trong Lời Chúa như giáo huấn của Hội thánh dạy: “Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh Thánh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Vì chúng ta ngỏ lời với Chúa khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc đọc Thánh Kinh. Vậy ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”[7].
Như vậy, cha đã cảm hóa tâm hồn rất nhiều người lạc giáo Cathar và Albi không chỉ bằng tài thuyết giáo sâu sắc nhưng còn bằng chính tâm hồn và cách sống khó nghèo tự nguyện của ngài. Người ta đã gặp được Chúa nơi cha, được nhận ánh sáng chân lý của Lời Chúa và bình an nơi sự nhiệt tâm cứu giúp các linh hồn của cha. Chính cha cũng cảm nhận sự hiện diện của Đức Kitô nơi mỗi người. Quả vậy, mượn lời của ông Berson, chúng ta có thể nói: “Thánh Đa Minh thu phục được nhiều người không phải vì ngài nói hay, nhưng vì chính sự hiện diện của ngài toát ra sự thánh thiện”. Như “những vì sao không la hét ầm ĩ, nhưng chỉ âm thầm chiếu sáng”, tinh thần của thánh Đa Minh cũng rạng ngời ánh sáng cho thế giới cho đến hôm nay như chính cuộc đời thầm lặng của ngài, với tình yêu sâu lắng mà mãnh liệt. Khi chiêm ngưỡng đời sống của cha Đa Minh, chúng ta được tràn đầy niềm hy vọng như nhìn ngắm những vì sao trên bầu trời đêm. Niềm hy vọng lạ lùng mà ngài đã hứa ban cho anh em trước lúc ra đi về nhà Cha trên trời.
Cha thánh Đa Minh đã để lại một di sản thiêng liêng vô giá không chỉ cho gia đình của cha mà còn cho cả Giáo hội: “Bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện”. Trong hơn tám thế kỷ hiện diện trong lòng Giáo hội, Dòng Thuyết Giáo của cha Đa Minh đã đang trổ sinh những hoa thơm trái ngọt góp phần làm nên vẻ đẹp tuyệt vời, thanh khiết và tràn trề sức sống cho Giáo hội. Đó chính là hàng ngũ đông đảo các vị thánh thuộc gia đình Đa Minh. Trong đó nhiều vị nổi bật có tác động sâu đậm với lịch sử của Giáo hội. Đó là điều hết sức ấn tượng, đáng tự hào và ngưỡng mộ của mỗi người. Cùng với đó là sự ra đời của các hội đoàn, dòng tu cùng chia sẻ đoàn sủng theo tinh thần Đa Minh đã đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Điều nay làm nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng của gia đình Đa Minh. Chặng đường đã qua là một khoảng thời gian dài với biết bao biến cố, thăng trầm. Biết bao thế hệ tiền nhân đã đi qua, các ngài đã không ngừng cố gắng, hi sinh theo đuổi sứ mạng giảng truyền chân lí, phân phát niềm hi vọng cứu rỗi cho các linh hồn lầm lạc. Nỗ lực của các ngài đã đem lại lợi ích to lớn cho Giáo hội. Bảo tồn và xây dựng linh đạo Đa Minh ngày càng thêm đa dạng, phong phú trong lòng Mẹ Hội thánh và giữa lòng thế giới, các ngài phản ánh chân thực tình yêu và sự quan phòng của Chúa cho nhân loại.
Ngày nay, vẫn có vô vàn người trẻ tìm được nguồn cảm hứng và động lực từ nơi đời sống và linh đạo Đa Minh. Là những thỉnh sinh trẻ, chúng tôi bắt đầu chập chững trên con đường theo Chúa Kitô trong linh đạo Đa Minh. Qua việc tìm hiểu cuộc đời vị thánh tổ phụ, cũng như các vị thánh của Dòng, chúng tôi được tiếp thêm niềm hi vọng, tăng lên lòng nhiệt huyết dấn thân từ những người thầy vĩ đại, những mẫu chứng đích thực của tình yêu Đức Kitô. Tinh thần của cha Đa Minh đã đang và tiếp tục ảnh hưởng tích cực trên đời sống của Giáo hội và chiếu sáng thế giới hôm nay.
Lạy cha thánh Đa Minh, xin nhìn đến những trái tim non nớt, yếu hèn của chúng con, xin lắng nghe lời tâm niệm của những người trẻ đang thao thức trên hành trình ơn gọi. Chúng con tin tưởng vào lời hứa khi xưa Cha để lại để can đảm và mạnh mẽ bước tới, an tâm vì có sự đồng hành của Cha và các thánh Dòng Giảng Thuyết.
[1] Donald J. Goergen, O.P., Chuyện về một nhà giảng thuyết.
[2] Richard T.A Murphy, O.P., Đa Minh – Vị thánh vượt thời gian.
[3] Michael Monshau, O.P., Hành trình tâm linh với thánh Đa Minh (Học viện Đa Minh, 2014), tr. 21.
[4] Guy Bedouelle, O.P., Thánh Đa Minh – Ân sủng Lời Chúa, tr. 33.
[5] Michael Monshau, O.P., sđd., tr. 22.
[6] X. Lời đọc của Giám mục khi trao sách Tin Mừng cho phó tế trong Nghi thức phong chức phó tế.
[7] Hiến Chế Mặc Khải, số 25.