Pier Giorgio Frassati, Con Người Của Các Mối Phúc

27-08-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2922 lượt xem

Chân phước Pier Giorgio Frassati là một thành viên ưu tú của Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô cũng như của Huynh đoàn giáo dân Đa Minh. Chân phước sinh năm 1901 tại Turin, nước Ý và qua đời tại đây năm 1925, lúc ngài chỉ mới 24 tuổi đời. Tuy được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có và có nhiều quyền thế nhưng ngài lại có lối sống hết sức khó nghèo và khiêm nhường. Ngài dành cả đời mình để phục vụ Đức Giêsu và Giáo hội thông qua những người nghèo khổ và bệnh tật. Từ thuở nhỏ, Pier Giorgio chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi linh đạo dòng Tên, dòng Don Bosco và dòng Vinh Sơn[1]. Nhưng đến khi vào đại học, ngài bắt đầu yêu mến dòng Đa Minh và đã tuyên hứa gia nhập dòng Ba Đa Minh lúc 21 tuổi, tức năm 1922. Khi đã tuyên hứa gia nhập dòng, ngài chọn một tên gọi mới, là Fra Girolamo Frassati, dựa theo tên của tu sĩ Girolamo Savonarola, O.P.[2] mà ngài rất yêu mến.

Ngài được Đức Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước năm 1990 và được đặt làm vị bảo trợ giới trẻ thế giới. Trong Tông huấn Christus Vivit (số 60), Đức Phanxicô đã nhắc đến ngài như là mẫu gương người trẻ sống hết mình vì Giáo hội và xã hội. Đức Thánh cha viết: “Chân phước Pier Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, ‘là một thanh niên tràn đầy niềm vui có sức lan toả, niềm vui vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời của ngài’. Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mà ngài lãnh nhận khi rước lễ, bằng cách đi thăm và giúp đỡ người nghèo.”

Ngài được mừng kính vào ngày 04 tháng Bảy hàng năm. Mừng kính ngài, chúng ta cầu nguyện cho giới trẻ luôn biết sống hết mình với ơn gọi của mình, cách riêng cho những người trẻ đang theo đuổi ơn gọi Đa Minh.

[1] Sinh tại Turin, quê hương của thánh Gioan Bosco, ngài thường đến một đền thánh cho cha thánh Bosco xây dựng để cầu nguyện. Tại đây, ngài được một tu sĩ Don Bosco dạy kèm Latin. Vị linh mục giải tội cho thánh nhân cũng là một tu sĩ Don Bosco. Tuy nhiên, trước khi tìm đến học Latin với một tu sĩ Don Bosco, thì ngài cùng em gái mình là Luciana đã đến học một học viện do dòng Tên điều hành. Lúc ấy, ngài 12 tuổi. Khi đang học tại trường này, ngài được giới thiệu tham gia vào các tổ chức của dòng Vinh Sơn. Nếu đời sống chiêm niệm của ngài bắt rễ từ linh đạo dòng Tên, Đa Minh và Don Bosco thì đời sống hoạt động phục vụ người nghèo chính là hoa trái của sự nối kết với dòng Vinh Sơn Phaolô. Theo https://frassatiusa.org/

[2] Đây là một tu sĩ Đa Minh rất nổi tiếng ở vùng Florence, nước Ý vào thế kỷ XV. Vị tu sĩ này lên án rất mạnh mẽ nạn buôn thần bán thánh của giới giáo sĩ lúc bấy giờ; ngài cũng kêu gọi canh tân Giáo hội, nhất là qua các bài giảng nổi tiếng về các sách Amốt, Rút, Mikha, và Êdêkien. Sau này, vì các lý do chính trị mà ngài bị kết án treo cổ và hỏa thiêu. Theo https://www.britannica.com/biography/Girolamo-Savonarola


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

DỊP LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO PIER GIORGIO FRASSATI

Roma, ngày 20/5/1990

“Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16). Trong suốt mùa Phục Sinh, đang khi chúng ta đang tiến dần đến lễ Ngũ Tuần, những lời này càng nên thích hợp hơn nữa. Đức Giêsu đã nói những lời trên trong phòng tiệc ly vào đêm trước cuộc khổ nạn của Người, khi giã từ các Tông đồ. Sự ra đi của Người Thầy rất mến yêu, cuộc ra đi ngang qua cái chết và sự phục sinh, dọn đường cho một Đấng Bảo Trợ khác (x. Ga 16,7). Đấng Pa-rác-lê sẽ đến; Người chắc chắn sẽ đến vì sự ra đi mang lại ơn cứu độ của Đức Kitô mở đầu và làm cho sự hiện hữu mới đầy lòng thương xót của Thiên Chúa có thể ở giữa muôn người. Thần Khí sự thật, Đấng thế gian không thấy cũng không nhận biết, sẽ tự tỏ mình cho các Tông đồ, bởi “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17). Và mọi người sẽ nên chứng nhân cho điều này vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Tuy nhiên, lễ Ngũ Tuần chỉ là sự khởi đầu, vì Thần Khí sự thật đến để ở lại với Giáo hội luôn mãi (x. Ga 14,16), khi không ngừng nên mới mẻ nơi các thế hệ tương lai. Vì thế, những lời của Tông đồ Phêrô không chỉ hướng đến những người ở thời của ngài, nhưng còn nhắm đến tất cả chúng ta và những người cùng thời với chúng ta. “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Đấng ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). Trong thế kỷ của chúng ta, Pier Giorgio Frassati đã trở nên hiện thân của những lời ấy nơi cuộc đời mình. Quyền năng của Thần Khí sự thật, trong sự liên kết với Đức Kitô, làm thánh nhân trở nên một chứng nhân hiện đại cho niềm hy vọng của Tin Mừng và cho ân sủng cứu độ hoạt động trong lòng con người. Vì vậy, đối với giới trẻ Kitô giáo thế kỷ XX, ngài trở nên chứng tá sống động và là người bảo vệ kiên cường cho niềm hy vọng này.

Đức tin và đức ái, vốn là những động lực năng động thực sự nơi cuộc sống của ngài, biến đổi ngài nên năng động và nhiệt thành trong môi trường sống của mình, nơi gia đình và trường học, trong đại học và ngoài xã hội; hai nhân đức ấy biến đổi ngài nên tông đồ hăng hái và vui tươi của Đức Kitô, bước theo sứ điệp và đức ái của Đức Kitô cách nồng nhiệt. Bí mật của sự thánh thiện và lòng nhiệt huyết tông đồ nơi ngài ẩn chứa trong hành trình thiêng liêng và khổ hạnh của ngài; trong cầu nguyện, trong việc chầu Thánh Thể liên lỉ, ngay cả lúc đêm tối, trong sự khao khát Lời Thiên Chúa mà ngài tìm gặp trong các bản văn Kinh Thánh; trong việc an bình đón nhận các gian nan của cuộc sống riêng tư, cũng như của đời sống gia đình[1]; trong việc giữ khiết tịnh cách nghiêm ngặt nhưng vui tươi và không thỏa hiệp; trong việc yêu mến sự thinh lặng mỗi ngày và mến yêu “sự tầm thường” của đời sống. Chính nhờ những yếu tố này mà chúng ta có thể thấu hiểu được nguồn mạch sâu thẳm của sức sống thiêng liêng nơi ngài. Quả vậy, chính qua Thánh Thể mà Đức Kitô trao ban Thần Khí của Người; chính nhờ lắng nghe Lời mà ta sẵn sàng đón nhận người khác, và chính nhờ sự từ bỏ thiêng liêng vì thánh ý mà các quyết định lớn của cuộc đời được hoàn thiện. Chỉ duy nhờ việc tôn thờ Thiên Chúa là Đấng luôn hiện diện trong lòng mình mà người Kitô hữu đã được rửa tội mới có thể trả lời cho những ai “chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). Thanh niên Frassati biết điều đó, cảm được điều đó và đã sống điều đó. Nơi ngài, đức tin hợp nhất với đức ái: bền vững trong đức tin và sinh hoa kết quả trong đức ái, bởi nếu không có việc làm, ấy là đức tin chết (x. Gc 2,20).

Dĩ nhiên, nếu nhìn thoáng qua, thì lối sống của Frassati, lối sống của một người trẻ hiện đại tràn đầy nhựa sống, chẳng có gì khác thường. Tuy nhiên, lối sống ấy lại là cái độc đáo trong đời sống nhân đức của ngài, điều này mời gọi chúng ta suy niệm về lối sống ấy và thúc đẩy ta noi theo. Nơi ngài, đức tin và các sự kiện thường nhật kết hợp hài hòa với nhau, để sự trung thành với Tin Mừng được biểu lộ ra nơi sự quan tâm yêu thương dành cho người nghèo khổ và thiếu thốn đến mức, ngài luôn ở bên người bệnh cho đến những ngày cuối đời họ, chính điều này đã dẫn ngài đến cái chết[2]. Tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật, niềm đam mê thể thao và leo núi, sự lưu tâm đến các vấn đề xã hội không gây cản trở cho tương quan bền chặt giữa ngài với Đấng Tuyệt đối. Do đó mà ta có thể tóm tắt cuộc đời dương thế của ngài bằng những lời này: hoàn toàn chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa và hoàn toàn hiến thân cho việc luôn phục vụ người thân cận.

Ngài đã sống trọn ơn gọi Kitô hữu giáo dân khi dấn thân vào các vấn đề chính trị và liên đới trong một xã hội đầy rối ren, một xã hội vô cảm và đôi khi còn đối nghịch với Giáo hội. Với tinh thần này, Pier Giorgio đã thành công trong việc mang đến cho nhiều phong trào Công giáo ngài đã nhiệt tình tham gia các động lực mới, nhất là phong trào Hành Động Công Giáo, cũng như tổ chức Liên đoàn Sinh viên Đại học Công giáo Ý (FUCI), chính nơi các tổ chức này mà ngài tìm thấy sự huấn luyện Kitô hữu thật sự và các lĩnh vực đúng đắn cho sứ vụ tông đồ của mình. Khi tham gia phong trào Hành Động Công Giáo, ngài vui vẻ và tự hào sống ơn gọi Kitô hữu của mình và nỗ lực yêu mến Đức Giêsu và nhận ra Người nơi những anh chị em ngài gặp trên đường hay những anh chị em ngài chủ động tìm đến tại những nơi đau khổ, bên lề xã hội và bị cô lập, để giúp họ cảm nhận được sự ấm áp của tình liên đới nhân loại và sự an ủi siêu nhiên trong đức tin vào Đức Kitô.

Ngài qua đời khi còn trẻ, kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng phi thường, tràn đầy hoa trái thiêng liêng, luôn hướng đến “quê nhà thực sự và luôn vang lời chúc tụng Thiên Chúa”.

Thánh lễ hôm nay mời gọi tất cả chúng ta đón nhận thông điệp Pier Giorgio Frassati để lại cho những người nam nữ của thời đại chúng ta, đặc biệt cho những người trẻ các con, là những người muốn góp một phần cụ thể vào việc đổi mới thiêng liêng thế giới này, mà việc ấy đôi khi xem ra đang bị vỡ vụn và trở nên suy yếu vì thiếu những lý tưởng. Bằng đời sống của mình, thánh nhân công bố rằng một đời sống trong Thần Khí của Đức Kitô, Thần Khí của các mối phúc, thì thật “có phúc”, và rằng chỉ những ai nên “con người của các mối phúc” mới có thể thành công trong việc truyền thông tình yêu và hòa bình cho người khác. Ngài nhắc đi nhắc lại rằng việc từ bỏ mọi thứ để phụng sự Thiên Chúa thì thật chính đáng. Ngài chứng thực sự thánh thiện là điều khả thể với mọi người và duy chỉ có cuộc cách mạng của đức ái mới có thể nhóm lên trong lòng mọi người niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn.

Đúng vậy, “cả trái đất hãy tung hô Thiên Chúa, […] Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài!” (Tv 66,1-3). Lời Thánh vịnh này vang lên trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay như tiếng vang sống động từ tâm hồn chàng thanh niên Frassati. Quả thế, tất cả chúng ta đều biết ngài ấy yêu mến thế giới Thiên Chúa đã dựng nên xiết bao! “Đến mà xem công trình của Chúa” (Tv 66,5): đây cũng là một lời mời gọi chúng ta nhận được từ tâm hồn tươi trẻ của ngài và là lời mời gọi dành riêng cho những người trẻ. Hãy đến mà xem các công trình kì diệu của Thiên Chúa ở giữa loài người (x. Tv 66,1-5). Các công trình kì diệu ở giữa những người nam và những người nữ! Con mắt phàm nhân, con mắt mỏng giòn và non dại, chắc chắn có thể ngắm nhìn công trình của Thiên Chúa nơi thế giới bên ngoài và khả thị này. Còn con mắt của thần khí thì chắc chắn có thể trông thấy thế giới bên trong và vô hình thông qua thế giới bên ngoài và hữu hình kia. Do đó, đôi mắt ấy có thể biểu lộ cho người khác vương quốc của thần khí, nơi đó phản chiếu ánh sáng của Lời chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Chính Thần Khí sự thật hoạt động trong ánh sáng này.

Đây chính là con người “bên trong”. Đây là cách Pier Giorgio xuất hiện trước mặt chúng ta. Quả thế, toàn cuộc sống của ngài như thể gói gọn những lời của Đức Kitô mà chúng ta đọc thấy trong Tin mừng theo thánh Gioan: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Đây chính là con người “bên trong” được Chúa Cha yêu mến, được mến yêu bởi vì người ấy đã yêu mến nhiều! Tình yêu chẳng lẽ không thể là thứ con người cần nhất trong thế kỷ XX này sao, dù là họ sống ở đầu hay cuối thế kỷ? Chẳng lẽ không đúng sao nếu thứ duy nhất có thể bền lâu mà không đánh mất giá trị của nó chính là việc một người “đã yêu mến”?

Thánh nhân rời bỏ thế gian này lúc còn trẻ, nhưng đã để lại ảnh hưởng rất nhiều trong cả thế kỷ của chúng ta, và không chỉ trong thế kỷ này mà thôi. Ngài rời bỏ thế gian này, nhưng trong quyền năng phục sinh của Bí tích Thanh Tẩy ngài đã lãnh nhận, ngài có thể nói với mọi người, đặc biệt là nói với thế hệ trẻ hôm nay và mai kia rằng: “Anh em sẽ được thấy tôi, vì tôi sống và anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,19).

Đức Giêsu Kitô đã nói những lời này khi Người từ giã các Tông đồ trước khi bước vào cuộc thương khó. Tôi thích nghĩ đến những lời này, như vị tân Chân phước vẫn nhẩm đi nhắc lại nơi môi miệng ngài, rằng đây là một lời mời đầy sức thuyết phục để ta sống nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Lời mời gọi này ngày hôm nay vẫn có hiệu lực đối với mọi người, nhất là những người trẻ. Đây là lời mời gọi chính đáng mà Pier Giorgio Frassati đã để lại cho chúng ta. Amen.

[1] Năm 22 tuổi, anh Pier yêu một phụ nữ lớn tuổi hơn mình, nhưng gia đình không chấp nhận. Chưa vượt qua được nỗi đau ấy thì cha mẹ của anh lại đổ vỡ khiến anh mất niềm tin vào hôn nhân. Cho đến lúc qua đời, anh vẫn còn mang trong mình hai nỗi đau này (Người dịch).

[2] Năm 1925, ngài bị nhiễm bệnh viêm tủy xám (còn gọi là bệnh Polio, gây bại liệt) từ một người bệnh mà ngài đang chăm sóc (Người dịch).


 

THƯ CHA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DAMIAN BYRNE, O.P.

GỬI ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ĐA MINH

DỊP TUYÊN CHÂN PHƯỚC CHO PIER GIORGIO FRASSATI

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước cho Pier Giorgio Frassati (1901 – 1925), một thành viên Giáo dân Đa Minh! Ngài ấy sinh tại Turin và qua đời tại đây ngày 04 tháng Bảy vì nhiễm bệnh polio, còn gọi là bệnh viêm tủy xám.

Pier Giorgio là con trai của Thượng nghị sĩ Alferdo Frassati, người sáng lập tờ “La Stampa”. Lúc 18 tuổi, đang khi là một sinh viên đại học ngành kĩ sư, ngài đã bắt đầu liên lạc với Dòng. Ngài đã tìm hiểu đặc sủng của chúng ta và nhận tu phục ngày 28/5/1922 trong tư cách một thành viên Giáo dân Đa Minh. Ngài được gọi là Fra Girolamo vì lòng yêu mến ngài dành cho tu sĩ Savonarola vĩ đại, chính ngài cũng đã tìm hiểu nhiều các tác phẩm của vị tu sĩ này. Ngoài ra, ngài còn am tường nhiều trước tác của thánh Catarina Siena và thánh Tôma Aquinô.

Tuy chỉ ba năm ngắn ngủi sống cuộc đời một người Đa Minh, chân phước Frassati đã trở nên mẫu gương cho thành viên Giáo dân Đa Minh thời hiện đại này. Cuộc đời của ngài là sự chuẩn bị cho việc hoàn thiện Hiến pháp nền tảng của Giáo dân Đa Minh hiện nay. Việc ngài hiểu rõ bản thân được kêu gọi đạt đến sự thánh thiện nhờ bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức đã để lại chứng tá hùng hồn cho nền thần học giáo dân mà chúng ta đọc thấy trong các giáo huấn của Công đồng Vatican II.

Sứ mạng và linh đạo của ngài đặt trọng tâm nơi Bí tích Thánh Thể và việc giúp đỡ người nghèo. Ngài cầu nguyện rất khắc khổ vì tha thiết yêu mến Đức Giêsu và Mẹ Maria. Nhưng tình yêu này không bị giới hạn trong lòng mộ đạo lầm lạc vốn chỉ tìm sự an lòng cho bản thân. Lời cầu nguyện của ngài là một lời mời gọi hành động.

Ngài không sợ hãi thế giới này. Ngài đã phải chịu thử thách nhiều bởi các biến động về chính trị và văn hóa thế kỷ XX. Ngài không phải là một người thánh thiện của một quá khứ đã xa nhưng là người hiểu rõ thời đại của chúng ta. Ngài là con người của thế kỷ này và biết nơi đâu cần đổi mới và ngài có thể là mẫu gương cho ơn gọi thực sự của chúng ta như những người Đa Minh. Là thành viên Giáo dân Đa Minh, cách nào đó, anh chị em có trách nhiệm với các cam kết xã hội nơi các đoàn thể của anh chị em trong đời sống thường nhật. Thách đố giới thiệu cho mọi người thời đại chúng ta sứ điệp cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Chính người giáo dân cần chuyển hóa các giáo huấn xã hội của Giáo hội thành hành động. Anh chị em cần phải làm phát triển nền văn hóa sự thật, trong sự hợp tác với những thành phần còn lại của Gia đình Đa Minh, chính việc này sẽ xóa bỏ nền văn hóa dối trá hiện nay. Trong cuộc chiến chống lại bất công, bạo lực, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt giai tầng và sự tham nhũng trong mọi khía cạnh của cuộc sống nhân sinh, nhất thiết phải cần đến anh chị em. Điều này đòi hỏi anh chị em xây dựng những cấu trúc xã hội mới để bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn cuộc đời. Anh chị em có phận vụ đổi mới trí lực của chúng ta trong việc tận dụng môi trường sinh thái.

Nếu anh chị em nên giống chân phước Frassati trong việc sống trọn sứ mạng của người giáo dân vốn thích hợp với hoàn cảnh sống của mình, thế giới chắc chắn rồi sẽ tốt đẹp hơn khi bước vào thế kỷ XXI. Như ngài, chúng ta phải đặc biệt chăm lo cho người trẻ đón nhận các giá trị Tin Mừng để họ có thể tiếp tục sống lòng trắc ẩn của Thiên Chúa dành cho loài người.

Nhân ngày tuyên phong chân phước này, tôi ước mong trao đặt người Giáo dân Đa Minh dưới sự bảo trợ đặc biệt của chân phước Pier Giorgio Frassati. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi còn là Hồng y, đã gọi ngài là “con người của tám mối phúc”. Nguyện xin những lời chúc phúc này của Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn anh chị em và xin cho những lời đó được thể hiện ra nơi ơn gọi sống đời Giáo dân Đa Minh của anh chị em.

Xin gửi lời cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp nhất đến mọi thành viên trong gia đình anh chị em.

Thân ái trong thánh phụ Đa Minh,

Damian Byrne, O.P.

Bề trên Tổng quyền

Edward van Merrienboer, O.P.

Tổng Đặc trách Giáo dân Đa Minh

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com