Phụng Vụ Mùa Vọng: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa và Việc Cử Hành

05-12-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3165 lượt xem

I. Nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa mùa Vọng

1. Nguồn gốc lịch sử

Danh từ Mùa Vọng bắt nguồn từ tiếng La Tinh “Adventus”, có nghĩa là đến. Ngôn ngữ này bắt nguồn từ ngoại giáo. Đối với họ, hàng năm các vị thần có thói quen đến thăm tín đồ của mình, sau đó các vị thần sẽ ở đó với họ suốt những ngày lễ. Tại Rôma người ta cũng có thấy chữ này xuất hiện trên các huy hiệu để chỉ việc đăng quang hay lên ngôi của một triều đại hoàng đế, hoặc để ghi dấu những bước khởi đầu công việc của một nhân vật quan trọng nào đó trong hệ thống hành chính Rôma.

Trong văn chương Kitô giáo, từ Adventus xuất hiện trong bản Kinh thánh phổ thông (Vulgata). Từ này dùng để chỉ việc giáng lâm của Chúa Kitô. Ngài đến để khai mạc thời đại cứu chuộc và Ngài sẽ trở lại trong vinh quan để hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Trong cái nhìn đó, người tín hữu phải chuẩn bị tâm hồn không phải chỉ để đón Chúa Giáng Sinh nhưng còn là đón nhận cuộc tái lâm vinh quang của Chúa vào ngày sau hết.

Thomas J. Talley trong quyển “Những Nguồn Gốc của Năm Phụng vụ” (the Origins of the Liturgical Year – Pueblo Publishing Company), thấy sự bắt đầu của Mùa Vọng trong Điều luật Thứ tư của Công nghị Saragosa ( the Fourth Canon of the council of Saragosa) vào năm 380. Vào năm 567, Công nghị Tours (the Synod of Tours) đã thiết lập một tháng Mười Hai ăn chay. Và năm 581, Hội nghị Macon ra lệnh một Mùa Vọng Chay cho dân chúng từ Lễ mừng Thánh Martin (11 tháng Mười Một) tới Lễ Giáng Sinh. Điều này dẫn đến cái tên Mùa Chay Thánh Martin.

Vào thế kỷ thứ bảy và thứ tám, những tập kinh giảng đã qui định sáu Chúa Nhật trong Mùa Vọng. Giáo hội địa phương tại xứ Gaule và tại Tây Ban Nha cuối thế kỷ 4 và suốt thế kỷ 5 các tín hữu có nhiều sáng kiến để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh. Chẳng hạn như hãm mình cầu nguyện.[1]

Ở Đông phương, Công Đồng Êphêsô (năm 430) đã tôn vinh thiên mẫu tính của Đức Maria và việc cử hành ngày sinh hạ làm người của Con Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, các tuần lễ trước hai ngày lễ Noël và Hiển Linh tạo nên một thời gian suy tư chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và ơn cứu rỗi được thực hiện bằng việc thần thánh hoá bản tính nhân loại. Hai ngày lễ không đủ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn dò này, phụng vụ Đông phương tăng thêm bốn hoặc năm tuần để ngợi ca các biến cố chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế hạ sinh, các nhân vật đóng vai trò quyết định trong sự chuẩn bị này – trước hết là Gioan Tẩy Giả, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh của Cựu Ước mà một bài thánh ca Byzantin mời gọi “nhảy múa để ca ngợi ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế” – rốt cuộc thì thế giới cũng đã được biến đổi vì có Thiên Chúa làm người cư ngụ trong đó.

Tại Roma, mãi đến thế kỷ thứ VI thì Mùa Vọng mới hình thành. Mùa phụng vụ này sáp nhập tuần Bốn Mùa của mùa Đông (bên cạnh chu kỳ hằng năm, Phụng vụ Roma có một tuần theo chu kỳ các mùa xuân, hạ, thu đông gọi là Quatre-Temps), nguyên thuỷ của tuần lễ này không liên hệ gì với ngày lễ Noel; đàng khác, thời gian sáu tuần này (sau giảm xuống còn bốn tuần) khi thì được gọi là De adventu Domini khi thì gọi là Ante Natale Domini. Trong các sách phụng vụ thế kỷ VII, các thánh lễ Mùa Vọng nằm ở phần phụ lục, xếp sau các thánh lễ kính nhớ các vị thánh, và vào thế kỷ VIII – IX thì Mùa Vọng nằm ở đầu năm phụng vụ. Sự ngần ngại về tên gọi cũng như về vị trí của các thánh lễ Mùa Vọng này nói lên sự lúng túng về ý nghĩa của thời gian này: là cử hành cuộc Quang Lâm vinh hiển của Đức Kitô theo chu kỳ phụng vụ hằng năm hay là sự chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh? Chắc chắn rằng sự mơ hồ này là cố ý vì nó mời gọi nhìn thấy trong thời gian này vừa là sự cử hành phụng vụ hằng năm ngày hạ sinh lịch sử của Đức Giêsu vừa là ngày Quang Lâm sẽ đến. Thế rồi tinh thần suy lý – hay đúng hơn là tinh thần Roma thái quá – đã có khuynh hướng giảm thiểu ý nghĩa phụng vụ thành việc tưởng nhớ đến ngày Giáng Sinh tại Bêlem, làm cho bốn tuần Mùa Vọng đơn giản chỉ là chuẩn bị cho ngày lễ này. Như thế, Mùa Vọng trở thành mùa chờ đợi lễ Noël. Phát minh và phổ biến hang đá vào thế kỷ thứ XIII đã đáp ứng được cảm tính dễ dãi này cũng như thu hẹp ý nghĩa của Mùa Vọng.[2]

2. Thời gian mùa Vọng

Hiện nay Mùa Vọng chỉ gồm có 4 Chúa nhật. Nhưng mà trong quá khứ đã có lúc mùa Vọng kéo dài 6 Chúa nhật và cũng có lúc chỉ có 3 Chúa nhật. Tại sao như vậy?

Có thể mùa Vọng bắt nguồn từ tuần bốn mùa. Đây là một định chế lâu đời nhất của phụng vụ Rôma. Tuy nhiên tài liệu Rôma cổ xưa nhất chỉ nói đến ba mùa. Mỗi năm ba lần, người ta cấm phòng vào  các tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Mỗi lần dành một tuần lễ để cầu nguyện và ăn chay. Trong tuần này, các ngày thứ tư, thứ sáu và thứ bảy là những ngày chay. Chiều thứ bảy có buổi canh thức với 12 bài đọc, các bài hát và lời nguyện thích hợp giống như buổi canh thức vọng Phục sinh. Buổi canh thức này kéo dài trong đêm và thường thay cho thánh lễ Chúa nhật. Như thế, các tuần Bốn mùa cách nhau ba tháng: vào mùa hè, mùa thu và đông. Mục đích của tuần Bốn mùa là hồi tâm, thinh lặng và đổi mới tâm linh. Ban đầu, Giáo hội Rôma chỉ có tuần bốn mùa cho mùa hè, thu, đông. Từ thế kỷ V, Giáo hội mới lập thêm tuần bốn mùa cho mùa xuân vào đầu mùa chay. Người ta không lập một bản văn mới cho buổi canh thức tối thứ bảy bốn mùa của mùa xuân. Người ta sử dụng bản văn tối thứ bảy bốn mùa của mùa đông. Bản văn mới được soạn thảo theo hướng mở đầu cho việc chuẩn bị Giáng sinh. Như vậy, từ thế kỷ V, tuần bốn mùa của mùa đông bbắt đầu mang ý nghĩa mùa Vọng. Các bài Tin mừng đều liên quan đến Giáng sinh: Truyền tin, Đức Mẹ đi thăm viếng bà Isave, sinh nhật Gioan Tẩy Giả… Các bài Cựu Ước đều rút từ sấm ngôn của Isaia loan báo về Đấng Cứu Thế.

Ở Rôma, hình thức mùa Vọng này được kéo dài một thế kỷ. Sau này, Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả mới lập màu Vọng  có bốn Chúa nhật giống như hiện nay.

3. Ý nghĩa của mùa Vọng

Từ Latin Adventus cũng có thể nói lên ý nghĩa của mùa Vọng. Thứ nhất, mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài. Thứ hai, mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào. Chính vì hai ý nghĩa này mà mùaVọng được chia thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn I: Từ Chúa nhật I mùa vọng đến ngày 16 tháng 12. Mục đích của khoảng thời gian này là hướng tâm hồn các tín hữu về cuộc tái lâm lần thứ hai của Đức Kitô, tức ngày cánh chung.

+ Giai đoạn II: Từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12. Mục đích của thời gian này nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng biến cố Chúa đã đến lần thứ nhất trong lịch sử, tức lễ Chúa Giáng sinh.
* Nội dung của các bài đọc Kinh thánh và lời nguyện trong phụng vụ mùa vọng xoay quanh các chủ để quan trọng:

– Nói lên niềm mong đợi, khao khát Đấng Cứu Thế của Dân Chúa xưa.

– Nói lên thái độ tỉnh thức chờ mong Chúa đến để thoả lòng khao khát của Dân Thiên Chúa.

– Nói lên niềm vui hân hoan vì ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Thế

Ngoài ra, ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỉ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết). để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.

II.Cử hành phụng vụ mùa Vọng

Mùa Vọng của phụng vụ Galicane đã ảnh hưởng đến mùa Vọng của phụng vụ Rôma. Trong nền phụng vụ này, mùa Vọng chỉ có ba tuần và thường có tục ăn chay. Trước thế kỷ X, theo các sách phụng vụ thì mùa Vọng Rôma không mang tính sám hối mà là thời gian chờ đợi và vui tươi. Từ thế kỷ X, do ảnh hưởng của mùa Vọng Galicane, mùa Vọng Rôma bắt đầu mang sắc thái sám hối. Phụng vụ dùng lễ phục tím như trong mùa Chay.[3] Lễ Chúa nhật bỏ kinh vinh danh. Như thế phụng vụ Galicane làm cho phụng vụ Rôma trở nên khắc khổ hơn. Tuy nhiên, mùa Vọng đã không bao giờ trở thành thời kỳ ăn chay.

Trong cử hành phụng vụ mùa Vọng, vòng hoa Mùa Vọng là một trong những truyền thống phổ biến nhất. Nguồn gốc của nó ở vào thời kỳ tiền Kitô giáo Đức và Bán đảo Thụy – Đan, nơi mà dân chúng tập trung để tưởng niệm sự trở lại của mặt trời sau điểm chí mùa đông. Vòng hoa hình tròn này được làm bằng những cây có lá xanh quanh năm với bốn cây nến trải đều tiêu biểu chu kỳ của một năm và cuộc sống kéo dài suốt mùa đông. Vì những ngày này dài hơn, người ta đã thắp sáng những ngọn nến để tạ ơn “thần mặt trời” cho sự sáng. Ánh sáng của những ngọn nến mùa Vọng tượng trưng sự hứa hẹn nhập thế của Chúa Giêsu – Đấng là ánh sáng của thế gian.

1. Cử hành Thánh thể

Trong cử hành Thánh thể các bài đọc Kinh thánh và lời nguyện xoay quanh các chủ đề quan trọng như:

– Niềm mong đợi, khao khát Đấng Cứu Thế của dân Chúa xưa. Qua các bài đọc Cựu Ước, Giáo hội khơi lại tâm tình của lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Chúa chuẩn bị đón ơn Cứu độ.

– Thái độ tỉnh thức chờ mong Chúa đến với niềm khao khát của dân Chúa xưa. Trong giai đoạn I của mùa Vọng, các bài Cựu Ước nhắc đến lời hứa ban ơn Cứu độ và triều đại Đấng Mesia, thì các bài thánh thư lại nhấn mạnh chiều kích trông đợi cuộc tái lâm lần thứ hai của Chúa Kitô. Khi sắp xếp như thế các bài đọc bổ túc lẫn cho nhau, bởi vì nếu các bài Cựu Ước nói lên tâm tình của kẻ mong đợi Chúa đến thế nào, thì các Kitô hữu cũng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón nhận cuộc quang lâm của Đức Kitô vào ngày tận thế như vậy. trong tâm tình đó, tư thế của người tín hữu phải luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến trong đời sống cá nhân (giờ lìa cõi thế) và trong ngày chung cuộc của nhân loại (ngày tận thế).

– Chủ đề thứ ba của mùa Vọng còn nói lên niềm vui hân hoan vì ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu cứu thế. Các bản văn phụng vụ  của giai đoạn II nhắc đến vai trò của các nhân vật trung gian chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế đến như Gioan Tẩy Giả, gia đình Dacaria, Thánh Giuse… trong đó Mẹ Maria giữ vị trí nổi bật và quan trọng. Mẹ là hình ảnh Giáo hội cưu mang Chúa Cứu Thế cho nhân loại, là người cộng tác tích cực trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua Mẹ thế gian đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và cùng với Mẹ chiêm ngưỡng và tôn thờ Đấng Mẹ sinh ra.

2. Giờ kinh phụng vụ

Trong giờ kinh phụng vụ sách ngôn sứ Isaia chiếm vị trí ưu tiên, đặc biệt các đoạn ngôn sứ loan báo về Đấng Mêsia và triều đại của Người. Đối với bài đọc Giáo phụ thì các tác phẩm của Giáo phụ Hy lạp có chỗ đứng đáng kể, nhất là những bản văn nói lên tính mới mẻ của ơn cứu độ nơi Đức Kitô so với thời đại Cựu Ước. Cùng chia sẻ cách nhìn với các Giáo phụ Hy lạp, bằng cách so sánh Mẹ Maria với Eva, các tác phẩm của Giáo phụ Latinh cũng làm nổi bật thực tại đã đến của Tân Ước so với hình ảnh bảo trước của Cựu Ước. Riêng các điệp ca trong giờ kinh hiện nay, người ta trích phần lớn các ý tưởng quan trọng trong các thánh thi hay áng văn giá trị của những thế kỷ đầu. Người ta cũng bắt gặp trong giờ kinh phụng vụ của mùa Vọng nhiều danh xưng ám chỉ tư cách Thiên Sai của Đấng Mêsia, Ngài là niềm hy vọng của nhân loại và nơi Ngài Giáo hội tìm được sự sống mới

3. Quy luật cử hành

a. Chúa nhật mùa Vọng

Chúa nhật mùa Vọng cùng với Chúa nhật mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trong mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng, chung cũng như riêng. Vì vậy khi các lễ trọng chung hay riêng trùng vào Chúa nhật mùa Vọng phải dời sang ngày khác, chẳng hạn lễ Mẹ vô nhiềm 8/12 là lễ trọng trùng Chúa nhật 2 mùa Vọng thì năm đó phải dời lễ Mẹ vô nhiễm sang ngày thứ hai 9/12, còn ngày Chúa nhật 8/12 phải dâng thánh lễ và đọc giờ kinh theo Chúa nhật 2 mùa Vọng.[4]

Khi các lễ kính hoặc lễ nhớ buộc hay tự do, trung vào Chúa nhật mùa Vọng thì năm đó kể như không có lễ đó và không kính hoặc nhớ vị thánh ấy.[5]

Không được phép cử hành thánh lễ có nghi thức riêng, lễ ngoại lịch hay nhu cầu, kể cả lễ an táng vào Chúa nhật mùa Vọng; trong trường hợp phải cử hành nghi thức Bí tích hay Á bí tích vào thánh lễ Chúa nhật thì buộc phải dùng bản văn phụng vụ và các bài đọc Kinh thánh về Chúa nhật mùa Vọng đó, rồi cử hành nghi thức như thường lệ. Ví dụ: khi cử hành an táng vào Chúa nhật 3 mùa Vọng, thì phải đọc các lời nguyện và bài đọc theo Chúa nhật 3 mùa Vọng, rồi sau thánh lễ sẽ cử hành nghi thức tiễn biệt cho người quá cố; hoặc nếu cử hành hôn phối vào Chúa nhật mùa Vọng, cũng buộc phải đọc mọi bản văn phụng vụ về Chúa nhật mùa Vọng, rồi sau bài giảng cử hành Bí tích hôn phối cho đôi tân hôn, đồng thời đọc lời chúc hôn cho họ sau kinh Lạy Cha.[6]

b. Ngày trong tuần thuộc mùa Vọng

Ngày trong tuần thuộc mùa vọng chia làm hai loại: loại 1 ưu tiên hơn gồm các ngày từ 17/12 đến 24/12, loại 2 gồm các ngày từ thứ hai sau Chúa nhật 1 mùa Vọng đến ngày 16/12.

Loại 1: tức vào những ngày từ 17/12 đến 24/12, được phép cử hành các thánh lễ có nghi thức riêng, ví dụ phong chức, khấn dòng, hôn phối, thêm sức, an táng…, nghĩa là khi gặp các ngày này người ta được phép bỏ bản văn phụng vụ của ngày thường trong mùa Vọng mà đọc bản văn phụng vụ của lễ có nghi thức riêng (RM 372). Cũng được phép cử hành thánh lễ theo nhu cầu và lệnh của bản quyền địa phương trong những ngày này, ví dụ: cầu cho hiệp nhất, cho công cuộc truyền giáo, cho các bệnh nhân, cho giới trẻ… ngoài ra cũng được phép cử hành thánh lễ cầu hồn khi được tin một người qua đời (lễ phát tang) hoặc trong ngày giỗ đầu tiên của một người quá cố, trong những ngày mùa Vọng này (RM 381).

Loại 2: tức vào những ngày thường từ thứ 2 sau Chúa nhật 1 mùa Vọng đến ngày 16/12, được phép cử hành các thánh lễ nêu trong loại 1, cộng thêm các lễ nhớ hay nhu cầu và ngoại lịch theo vị xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính linh mục chủ tế. Ví dụ: thứ tư sau Chúa nhật 1 mùa Vọng năm 2001, trùng lễ thánh Nicola ngày 6/12/2001, theo luật phụng vụ không được phép cử hành lễ thánh Nicola vào ngày này, nhưng vì lý do mục vụ vị chủ tế được phép cử hành lễ thánh Nicola và bỏ thánh lễ ngày thứ tư sau Chúa nhật 1 mùa Vọng. Hoặc khi chủ tế thấy cần dâng lễ tạ ơn trong những ngày này, ngài có thể bỏ bản văn phụng vụ của ngày thường mà dùng bản văn của lễ tạ ơn (RM 376). Vẫn được phép cử hành lễ phát tang, hay giỗ đầu của một người, nhưng không được phép cử hành thánh lễ cầu hồn hàng ngày. Ví dụ: giỗ 100 ngày, hai năm, ba năm…

[1] Lm. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Năm Phụng Vụ, (ĐCV. Thánh Giuse – Tp. HCM, 2001), tr. 112.

[2] Ý nghĩa các bài đọc Chúa Nhật Mùa Vọng

[3] Cách riêng Chúa nhật thứ 3 sử dụng lễ phục màu hồng. Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng được biết đến như Chúa Nhật mừng vui bởi vì trong tiếng Latinh, những lời đầu tiên của phần mở đáp ca là “Gaudete in Domino Semper” (Luôn mừng vui trong Chúa).

[4] Sách lễ Rôma, Những quy luật tổng quat về năm phụng vụ và niên lịch, số 5.

[5] Ibid., số 13.

[6] Sách lễ Rôma, 1992, tr. 845.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com