Mục Lục
I. Các lễ mừng Phục Sinh: Nguồn gốc và ý nghĩa
1. Lễ Phục sinh
a. Nguồn gốc
Lễ Phục Sinh có nguồn gốc từ lễ Vượt qua của Do Thái Giáo. Người Kitô hữu nhận ra qua cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu hoàn thành những gì biến cố Xuất Hành đã biểu hiện trước, đó là giải phóng con người khỏi sự dữ và đưa họ vào cuộc sống mới. Lễ mừng Chúa Giêsu sống lại được cử hành vào mỗi ngày Chúa Nhật.
Kinh Thánh Tân Ước không có đoạn nào nói về lễ Phục Sinh của Kitô giáo. Lễ này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ hai công nguyên. Các Giáo hội Đông phương thuộc miền Tiểu Á như Êphêxô, Smyrne… theo sát với truyền thống Do Thái giáo, và họ mừng lễ Phục Sinh vào 14 tháng Nisan, cho dù ngày này rơi vào một ngày trong tuần chứ không bắt buộc phải là ngày Chúa nhật.
Ngược lại Giáo hội Tây phương tại Rôma, bên Palestine, Ai cập, Hy Lạp và xứ Gaule (Pháp) lại mừng lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật vì Chúa Giêsu sống lại ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa nhật này có thể rơi vào ngày 14 Nisan của Do Thái, hay là Chúa Nhật kế tiếp nếu như ngày 14 Nisan không là một ngày Chúa nhật. 1
Cuộc tranh cãi về việc mừng lễ Phục Sinh cũng như việc cử hành phụng vụ đa dạng tại các vùng khác nhau và nêu lên sự hiểu biết khác biệt về lễ Phục Sinh. Khi mừng lễ Phục Sinh vào ngày 14 Nisan, Giáo hội Đông Phương cũng mừng mầu nhiệm Đức Giêsu chết và sống lại, nhưng họ đánh dấu trọng tâm vào cái chết của Người, trong khi đó bên Tây Phương nhấn mạnh vào sự sống lại. Cuộc tranh luận suýt gây ra đổ vỡ giữa hai bên. Vào năm 192, Đức Giáo hoàng Victor quyết định dứt phép thông công các Giáo Hội miền Tiểu Á. Thánh Irênê can thiệp ôn hoà và Đức Giáo hoàng rút lại vạ tuyệt thông. Tại Công đồng Nicêa năm 325, các Giáo hội Kitô giáo đồng ý tách biệt lễ Vượt Qua Do Thái Giáo và lễ Phục Sinh Kitô giáo. Các nghị phụ chấp thuận mừng lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật tiếp theo tuần trăng tròn (14 Nisan) sau ngày Phân xuân.
Lễ Phục Sinh thường được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo, thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Phục Sinh cũng được dùng để chỉ một mùa trong năm phụng vụ Công giáo gọi là Mùa Phục Sinh, kéo dài đúng 50 ngày, từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Lễ Hiện Xuống.
Năm mươi ngày hoan lạc Phục Sinh của các tín hữu Kitô giáo dựa trên cách tính lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Nhưng theo cách tính của người Do Thái, thì lễ Ngũ Tuần là ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua, trong khi các tín hữu Kitô lại coi đó như là tuần lễ gồm hết 50 ngày. Mùa Phục Sinh bắt đầu với Chúa Nhật Phục Sinh, cũng là ngày cuối của Tam Nhật Vượt Qua và ngày đầu của bát nhật Phục Sinh hay tuần lễ áo trắng (in albis), để kết thúc vào ngày thứ 50, tức Chúa nhật VIII Phục sinh.2
b. Ý nghĩa
– Hiệp nhất Kitô hữu trong Đức Tin
Trước tiên, về ngày tháng: Tất cả các Giáo Hội Kitô đều mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật. Nhưng ngày tháng có thể khác nhau vì các Giáo Hội Tây Phương (Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo) theo lịch Grêgôriô hay dương lịch như hiện nay, do Đức GH Grêgôriô XIII (1572-85) ban hành năm 1582, nên Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật trong khoảng từ 22-3 và 25-4. Trái lại, Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Đông Phương (kể cả Công Giáo Đông Phương) theo âm lịch Julian, mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật trong khoảng từ 4-4 và 8-5.
Vì thế, phần lớn Lễ Phục Sinh trong Giáo Hội Tây và Đông Phương đều vào Chúa Nhật, nhưng ngày và tháng có thể khác nhau. Ví dụ năm 2012: các Giáo Hội Tây Phương (Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo), Lễ Phục Sinh ngày 8-4; còn Giáo Hội Đông Phương (như Chính Thống Giáo) 15-4. Nhưng cũng có năm cùng ngày tháng, như 2011, Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật 24 tháng 4.
Tuy vậy, chính yếu Lễ Phục Sinh nêu cao Hiệp Nhất Kitô Giáo trong đức tin: Tất cả các Giáo Hội Kitô cùng xác tín một niềm tin về Chúa Giêsu Phục Sinh đã có từ Hội Thánh tiên khởi, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ: “Chúa Giêsu Kitô ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại.” Sau đó, ông Phêrô cùng đứng chung với mười một Tông đồ rao giảng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Cv 2, 24).
Lễ Phục Sinh, tuy ngày hoặc cả tháng khác nhau nhưng, giữa các Giáo Hội không tranh cãi, mà trái lại, từ trước đến nay có nhiều cố gắng hướng đến đồng nhất về ngày lễ giữa các Giáo Hội Kitô thể hiện qua ước mong nêu lên, chứ không xảy ra tranh cãi hay có ý kiến mâu thuẫn. Cụ thể, trong ba thế kỷ đầu việc mừng Đức Kitô Phục Sinh chính yếu dựa vào Lễ Vượt Qua theo lịch Do Thái Giáo khi Chúa Giêsu “dùng bữa tiệc ly với các tông đồ trước khi chịu nạn chịu chết.” Có nơi ngày Lễ Phục Sinh chỉ cần sau 14 tháng Nissan căn cứ vào Lễ Vượt Qua. Trong khi tại Giáo Hội Rôma, hằng năm đức giám mục Victor mừng Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật sau Lễ Vượt Qua. Đến thế kỷ thứ tư, Công Đồng Ni-xê-a năm 325 hướng đến việc mừng Lễ Phục Sinh như Giáo Hội Rôma vào Chúa Nhật sau Lễ Vượt Qua của Do Thái, hay sau Xuân Phân (21 tháng 3) hằng năm.
– Tuyên xưng của Phụng Vụ Thánh và Giáo Lý
Phụng Vụ Thánh đề cao hiệp nhất và Giáo Lý gọi “mầu nhiệm Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin” (GL, 638). Theo Công Đồng Vaticanô II, “Từ ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian với các giáo hữu kiên tâm theo lời giáo huấn của các tông đồ, cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh, loan truyền sứ điệp cứu rỗi để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, cùng Đấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô” (Phụng Vụ, 6, 9).
Lễ Phục Sinh nêu rõ liên hệ giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo, như trong Sách lễ Rôma, Lễ Phục Sinh là “Pascha “Resurrectionis”, hoặc “Dominica Resurrectionis” với Pascha có nghĩa Lễ Vượt Qua của Do Thái Giáo và Dominica là ngày của Chúa đi theo Resurrectio (Phục Sinh).
Bài ca Tiếp Liên của Thánh Lễ trong ngày, cũng nêu cao liên hệ giữa “Hy Lễ Vượt Qua” và “Đức Kitô Phục Sinh”: “Các Kitô hữu hãy tiến dâng lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua. Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên: Đức Kitô vô tội đã hòa giải tội nhân với Chúa Cha. Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ, tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị. Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống và vinh quang của Đấng phục sinh.”
Giáo Lý dạy: “Sự Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin về Chúa Kitô, là điều được tin và sống như chân lý trung tâm trong cộng đoàn Kitô giáo nguyên thủy; được truyền đạt như chân lý nền tảng bởi Truyền Thống, được xác định bởi các tài liệu Tân Ước, được giảng dạy như thành phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua cùng với mầu nhiệm Thánh Giá” (GLHTCG, 638).
“Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em hãy còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr, 15: 14-17). Niềm tin duy nhất của Kitô hữu: “Không có Phục Sinh thì không có Kitô Giáo” (GLHTCG, 639).
– Giáo Hội tiếp tục rao giảng
Xác tín của Thánh Tông đồ về mầu nhiệm Phục Sinh được Đức GH. Bênêđíctô XVI diễn giải: Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì khổ nạn của Ngài mất hết ý nghĩa cao trọng thiêng liêng. Như thế, Thập giá chỉ là bi kịch khổ hình và Đức Kitô chịu chết đã làm cuộc sống trở thành phi lý. Trái lại, mầu nhiệm Phục Sinh chứng tỏ Người chịu nạn chịu chết “đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15: 4)
Toàn bộ các thư của Thánh Phaolô khởi đi và đạt đến mầu nhiệm của Người mà Chúa Cha đã cho chỗi dậy từ kẻ chết. Đức Kitô phục sinh là sự kiện căn bản Tông đồ Phaolô dựa vào để tuyên xưng “Người là Đấng đã chịu chết và chứng tỏ lòng yêu thương vô hạn của Thiên Chúa đối với con người; Đấng đã chỗi đậy và sống ở giữa chúng ta.”
Như thế, tuyên xưng của Thánh Phaolô minh chứng truyền thống đức tin vào mầu nhiệm phục sinh đã có từ Kinh Thánh về Chúa Giêsu chịu chết, được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, mà Phaolô là người lãnh nhận và truyền lại: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15: 3-4).
– Chiều sâu phụng vụ Phục sinh
Vì là “lễ trọng trên hết các lễ trọng” và “Chúa Nhật Phục Sinh là Chúa Nhật vĩ đại” (GLHTCG, 1169), nên Lễ Phục Sinh là điểm tựa để thực hiện Niên Lịch Phụng Vụ mỗi năm.
Phụng Vụ Thánh khai triển ý nghĩa hiệp nhất Kitô-hữu vì Giáo Hội gọi “mầu nhiệm Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin” (GLHTCG, 638). Theo Công Đồng Vaticanô II: “Từ ngày Hiện Xuống, ngày Giáo hội xuất hiện nơi trần gian với các giáo hữu kiên tâm theo lời giáo huấn của các tông đồ, cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh, loan truyền sứ điệp cứu rỗi […] để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, cùng Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô” (Hiến chế Phụng vụ, số 6 và 9).
Về mầu nhiệm Phục Sinh, Giáo Lý khai triển chiều sâu đức tin, từ Thánh Truyền đến Thánh Kinh: “Sự Phục Sinh là chân lý chóp đỉnh của đức tin về Chúa Kitô, là điều được tin và sống như chân lý trung tâm trong cộng đoàn Kitô giáo nguyên thủy; rồi được truyền đạt lại như chân lý nền tảng bởi Truyền Thống, được xác định bởi các tài liệu Tân Ước, được giảng dạy như thành phần chủ yếu của mầu nhiệm Vượt Qua cùng với mầu nhiệm Thánh Giá” (GLHTCG, 638).
Hai điều cơ bản trong ý nghĩa thần học của biến cố Phục Sinh, mà thần học trước đây ít lưu ý tới, nay được Huấn Quyền làm nổi bật trong Sách Giáo Lý mới là :
- Chiều kích Ba Ngôi của sự Phục Sinh.
- Giá trị cứu độ của sự Phục Sinh.
Đó là điều rất đáng mừng, vì hai khía cạnh hết sức quan trọng này của mầu nhiệm Phục Sinh, đưa ta trở về gần với mạc khải hơn thần học kinh viện trước đây.
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là nền tảng đức tin Kitô giáo vì, nếu không có Phục Sinh thì Phúc Âm không còn là Tin Mừng vì rao giảng và đức tin trở nên vô ích.
Sống mầu nhiệm Phục Sinh là sống giới răn Yêu Thương, nền tảng Kitô Giáo, như Chúa Giêsu dạy bảo: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga, 13: 14).
2. Bát Nhật Phục sinh
a. Nguồn gốc
Thời gian Vượt Qua mở ra Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, và một thời kỳ gồm năm mươi ngày, tiếng Hy lạp gọi là Pentecoste, nghĩa là ngày thứ năm mươi. Trong Cựu Ước, con số 50 là con số kết thúc tuần lễ cao điểm trong bảy tuần, gợi lên sự sung mãn, tốt lành. Còn trong Tân Ước, con số năm mươi tính từ cái chết của Đức Giêsu đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đến canh tân toàn thể Hội Thánh (x. Cv 2). Mầu nhiệm Vượt Qua chỉ đạt chiều kích trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Ngũ Tuần, là ngày Hội Thánh nhận được những hoa trái đầu tiên làm bảo chứng cho phần gia nghiệp (x. Ep 1,13-14).
Theo các Giáo phụ, mọi ngày trong tuần năm mươi này phải được cử hành trong niềm hân hoan, có cùng tầm quan trọng như ngày Chúa Nhật. Tuần năm mươi cũng là thời gian hạnh phúc nhất để cử hành phép Rửa. Nếu như ngày Chúa nhật vừa là ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám, thì Chúa Nhật Phục Sinh do Pentecoste tạo ra được khai triển thành tám ngày Chúa Nhật. Như thế Pentecoste là một chuỗi tám – octave, là một tuần của các tuần.
Bát nhật Phục Sinh là tuần đầu tiên trong chuỗi tám đó. Danh từ gốc Latinh Octo, tức là tám. Octavus là ngày thứ tám, hay là cả tám ngày. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy, các đại lễ của dân Israen thường được tổ chức suốt một tuần và kết thúc cách long trọng vào ngày thứ tám (x. Lv 23,34-36). Theo phụng vụ của Giáo hội, Tuần Bát nhật là thời gian tám ngày mừng lễ hay kính nhớ Mầu nhiệm nào đó. Trước đây, Giáo hội mừng kính nhiều Tuần Bát Nhật, như Tuần Bát Nhật đặc biệt, hay Bát Nhật thường. Từ năm 1955, Giáo hội mừng kính ba Bát Nhật: Bát nhật Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Hiện nay, trong lịch phụng vụ của Giáo hội chỉ còn ghi hai Bát Nhật là Bát Nhật Phục Sinh và Giáng sinh. Hai Bát nhật mà Giáo hội mừng kính cũng kết thúc bằng hai lễ long trọng: Bát nhật của Giáng sinh kết thúc vào ngày 1 tháng Giêng, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục Sinh là ngày lễ Chúa Nhật Áo Trắng. 3 Bát Nhật Phục Sinh, mà truyền thống Rôma quen gọi là Tuần lễ Áo Trắng, ra đời từ thế kỷ IV, vì lúc đó, Giáo hội quan tâm làm sao để các tân tòng có một huấn giáo hậu phép Rửa về các Mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận, tuy nhiên, huấn giáo này cũng dành cho toàn thể dân chúng nữa.
b. Ý nghĩa
Bát nhật Phục Sinh liên hệ với việc rửa tội cho người lớn. Hội Thánh thời cổ chú tâm đến mối liên hệ giữa Vượt Qua của Đức Kitô với phép Rửa. Theo thánh Phaolô: nhờ phép Rửa mà người Kitô hữu được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, được mai táng với Người, để rồi được tham dự vào đời sống mới của Đấng Phục Sinh (x. Rm 6,3-5). Bởi đó, Giáo hội lo sao để việc cử hành phép Rửa được ưu tiên vào ngày Chúa Nhật.
Như thế, Tuần Bát Nhật là tuần đầu tiên trong chuỗi những tuần của năm mươi ngày sau Đại lễ Phục Sinh. Bát nhật Phục Sinh có đặc tính của Bí tích Thánh Tẩy; Giáo Hội cổ thời đã dùng Tuần Bát Nhật để hoàn tất việc giáo huấn các tân tòng. Một số bài giáo huấn quan trọng của các Giáo Phụ hay các nhà tu đức được phụng vụ Giáo Hội đưa vào trong các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh. Những lời giáo huấn cho các tín hữu xưa kia vẫn còn giá trị và rất thiết thực cho các tân tòng cũng như cho mọi phần tử trong Giáo hội ngày nay.
3. Lễ Chúa Giê-su lên Trời4
Theo sách Tông Đồ Công Vụ, 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu lên trời, nghĩa là trở về cùng Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống trần thế. Lễ Chúa Thăng Thiên đánh dấu sự hoàn thành công trình cứu độ đã được khởi sự với việc nhập thể. Sau khi đã dặn dò các môn đệ lần cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời (Xc. Mc 16,19). Nhưng Người “không xa lìa thân phận chúng ta” (Xc. Kinh Tiền Tụng); thực vậy, trong nhân tính của Người, Người đã đón nhận nhân loại với Người vào trong vòng thân mật với Chúa Cha và qua đó Người tỏ lộ đích điểm sau cùng của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã từ trời xuống và vì chúng ta Người đã chịu đau khổ, và chịu chết trên thập giá, Người cũng vì chúng ta mà sống lại và lên cùng Chúa Cha, vì thế, Người không còn xa lạ nữa, nhưng là “Thiên Chúa chúng ta”, là “Cha chúng ta” (Xc. Ga 20,17).
Lễ Thăng Thiên là hành vi cuối cùng trong cuộc giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Khi lên trời, Chúa đã mang theo Người các tù nhân” (Ep 4,8). Thánh Lêô Cả giải thích rằng với mầu nhiệm này “không những sự bất tử của linh hồn được công bố, nhưng cả sự bất tử của thân xác nữa. Thực vậy, ngày hôm nay, không những chúng ta được xác nhận là người sở hữu thiên đàng, nhưng còn được đi sâu vào Chúa Kitô nơi trời cao” (De Ascensione Domini, Tractatus 73, 2.4: CCCL 138 A, 451.453). Vì thế, các môn đệ, khi thấy Thầy mình nâng bổng khỏi mặt đất và đi lên trời cao, họ không buồn bã, nhưng cảm thấy một niềm vui lớn lao và được thúc đẩy công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết (Xc Mc 16,20). Và Chúa phục sinh hoạt động trong họ, ban cho mỗi người một đoàn sủng riêng, để cộng đoàn Kitô, trong toàn bộ, phản ánh sự phong phú hài hòa của Trời Cao. Thánh Phaolô cũng viết: “Ngài đã ban ơn cho loài người: người này làm tông đồ, người kia làm ngôn sứ, người khác làm thánh sử tin mừng, và người khác làm mục tử và thầy dạy, với mục đích xây dựng thân mình Chúa Kitô, cho đến mức độ viên mãn trong Chúa Kitô” (Ep 4,8.11-13).
Lễ Thăng Thiên nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô nhân tính của chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa; vì thế mỗi lần chúng ta cầu nguyện, đất được nối liền với Trời. Và như trầm hương, khi được đốt lên, tỏa lên cao khói hương dịu dàng, cũng vậy khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, kinh nguyện sốt sắng và tín thác của chúng ta trong Chúa Kitô, cũng vượt qua trời cao và bay đến trước ngai Thiên Chúa, được Ngài lắng nghe và chấp nhận. Trong tác phẩm nổi tiếng của thánh Gioan Thánh Giá, Lên núi Camêlô, chúng ta đọc thấy rằng “để thấy những ước muốn của tâm hồn chúng ta được thực hiện, thì không có cách nào tốt hơn là đặt sức mạnh của kinh nguyện chúng ta trong điều làm cho Chúa đẹp lòng nhất. Như thế, Ngài không chỉ ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nghĩa là ơn cứu độ, nhưng cả điều mà Ngài thấy là thích hợp và tốt lành cho chúng ta, dù chúng ta không xin Ngài” (Libro III, cap. 44, 2, Roma 1991, 335).
4. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trên các thánh Tông Đồ và trên Giáo Hội sơ khai. Biến cố này xảy ra năm mươi ngày tiếp theo sau biến cố Chúa Giêsu sống lại. Biến cố ngày lễ Ngũ Tuần chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ với biến cố lễ Chúa Phục Sinh và Chúa Lên Trời. Chịu chết để cứu độ nhân loại, sống lại và về cùng Chúa Cha, Đức Kitô phái Thánh Thần đến cho nhân loại. Do đó, ngày lễ này khép lại Mùa Phục Sinh vốn được kéo dài trong suốt bảy tuần lễ và cũng là sự đăng quang của Mùa Phục Sinh.
Vào ngày ấy, “các Tông đồ đang hội họp cùng với nhau, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2, 1-6).
Hơn nữa, đây cũng là dịp thực hiện lời hứa của Chúa Giêsu Phục Sinh đối với các Tông Đồ vào thời điểm lên trời xảy ra mười ngày trước đó:
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Thực tế cho thấy, các Tông đồ khi nhận được sức mạnh của Thánh Thần liền can đảm rời khỏi gian phòng mà trước đây họ tự giam hãm trong nỗi sợ sệt. Ngay lập tức họ bắt đầu làm chứng cho Chúa Phục Sinh, rao giảng giáo huấn của Ngài cho muôn dân và làm phép Rửa Tội. “Trong dịp lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội được khai sinh không do ý muốn của loài người, nhưng là bởi sức mạnh của Thánh Thần”. Trong thực tế, tiếp theo biến cố này các cộng đoàn tín hữu đầu tiên được ra đời, được củng cố, phát triển và lan truyền rộng rãi.
Trình thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ mang hàm ý: gió và lửa, cũng như các trình thuật khác trong Kinh Thánh, biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa. Những lưỡi lửa chứng tỏ sự ngự xuống của Thánh Thần trên các Tông Đồ. Và khả năng của họ làm cho tất cả những người nghe hiểu được mà theo như bản văn liệt kê một cách rất cụ thể và chính xác rằng đây là những người dân “Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô và Asia, có người là dân Physia, Pamphylia, Ai Cập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người mới trở lại đạo; nào là người đảo Kêta hay người Arập” (Cv 2,9-11). Hết thảy đều đều nghe các Tông Đồ rao giảng bằng tiếng bản xứ của mình. Cũng vậy, Tin Mừng có liên quan đến tất cả nhân loại, ơn Chúa Thánh Thần cho phép các Tông Đồ đáp trả lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: trở nên những chứng nhân của Ngài cho đến “tận cùng trái đất”.
Cũng như các Tông Đồ, các Kitô hữu được mời gọi không được khép kín nơi bản thân mình như người đứng bên ngoài cuộc sống và ở ngoài thế giới, trái lại phải là những người công bố Tin Vui trong Phúc Âm một cách mạch lạc và tự do. Bổn phận này được đặc biệt nhắc đến trong Công Đồng Vatican II về vai trò của người giáo dân, cũng như trong tông huấn Christideles laici của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ngày 30 tháng 12 năm 1998. Nguồn mạch được tỏ hiện trong biến cố Lễ Ngũ Tuần, Bí Tích Thêm Sức thường xuyên được cử hành trong dịp lễ này. Trong nghi thức, giám mục đặt tay trên người lãnh nhận, cử chỉ biểu lộ ơn Chúa Thánh Thần.
II. Cử hành mùa Phục sinh: Các bản văn và quy tắc cử hành
1. Phụng Vụ Thánh Thể
a. Các bản văn
Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Phục Sinh xoay quanh hai cuốn Công vụ Tông đồ và Tin Mừng theo thánh Gioan. Sách Công vụ Tông đồ hầu như được đọc hằng ngày, ngày thường cũng như ngày Chúa Nhật. Bài đọc 1 của ngày Chúa Nhật không phải là bài Cựu Ước mà được thay thế bằng bài Công vụ Tông đồ. Truyền thống không đọc bài Cựu Ước trong mùa Phục Sinh nhằm nhấn mạnh ý nghĩa hình bóng của Cựu ước đã hoàn tất, giờ đây Giáo hội không còn ở trong niềm trông đợi của Cựu ước để hướng tới thực tại sẽ đến. Thực tại đã có đây rồi, đó chính là biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Giáo hội đang sống chính thực tại đó trong đời sống của mình. Khi đọc sách Công vụ Tông đồ trong mùa Phục sinh, Giáo hội cho chúng ta khám phá tác động của biến cố Phục Sinh nơi cộng đoàn tín hữu sơ khởi và cho thấy hiệu của Lời Chúa kiến tạo nên cộng đoàn Giáo Hội. Còn Tin Mừng theo thánh Gioan vừa được đọc vào những tuần cuối của Mùa Chay vừa được đọc liên tục trong nhiều ngày của mùa Phục sinh, nhấn mạnh chiều kích thần học của mầu nhiệm cứu chuộc.5
Có lẽ truyền thống cổ thời chọn Tin Mừng theo thánh Gioan đọc vào Mùa Chay và Phục Sinh vì lý do thần học hơn là vì lý do mục vụ hay giáo huấn. Các bài đọc của Chúa Nhật Phục Sinh cũng được sắp xếp theo ba năm như mọi Chúa Nhật khác, riêng bài đọc hai được sắp xếp như sau: Năm A (thư thứ nhất của thánh Phêrô); năm B (thư thứ nhất của thánh Gioan); năm C (sách Khải Huyền). Những bản văn được chọn từ ba cuốn này đều nhấn mạnh hoặc khai triển mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, chẳng hạn như thánh Phêrô nêu bật giá trị cứu độ của mầu nhiệm Vượt Qua nơi dân mới và Hội Thánh; thư Gioan nhấn mạnh niềm tin vào Chúa Giêsu, vào ơn cứu độ trong Máu Ngài và vào luật đức ái; sách Khải Huyền lại hướng chúng ta đến niềm hy vọng cánh chung nơi Giêrusalem Thiên quốc, đã được khai mở nơi cộng đoàn những kẻ tin.
Riêng với các lời nguyện trong mùa Phục Sinh có một chuyển biến đặc biệt: Trước cuộc canh tân phung vụ theo công đồng Vaticano II (1970), Sách lễ Rôma chỉ cung cấp các lời nguyện riêng đối với các Chúa Nhật Phục Sinh, Tuần Bát Nhật và lễ Hiện Xuống; ngày nay trong suốt 50 ngày Phục Sinh mỗi ngày đều có đầy đủ các lời nguyện quan trọng: Nhập Lễ, Tiến Lễ và Hiệp Lễ. Tất cả các lời nguyện này không phải là các lời nguyện mới được sáng tác rồi đưa vào Phụng vụ, nhưng là lấy lại từ truyền thống cổ kính của các gia đình phụng vụ xưa như Rôma, Ambrôsiô và Gallican.6
Điểm đặc biệt trong phụng vụ hiện nay là các lời tiền tụng Phục Sinh đều theo một lược đồ chung trong câu mở đầu: “Lạy Cha chúng con tuyên xưng Cha mọi lúc và hân hoan ca tụng Cha vinh hiển, nhất là trong mùa này… khi Đức kitô tự hiến tế làm Chiên Vượt qua của chúng con”. Sau đó mỗi lời tiền tụng khai triển một chủ đề ca tụng khác nhau: Mầu nhiệm Vượt qua (I), sự sống mới trong Chúa Kitô (II), Đức Kitô vẫn sống đang chuyển cầu cho ta (III), việc phục hưng vũ trụ nhờ mầu nhiệm Vượt Qua (IV), Đức Kitô là linh mục và là Của Lễ (V).
Đối với các bài ca nhập lễ và hiệp lễ, chủ đề của những bài ca này giống nhau cho từng ngày trong các tuần của mùa Phục Sinh, ví dụ: Đức Kitô đã phục sinh vinh hiển (thứ 2), chiến thắng của Đấng Phục Sinh vào ngày cùng tận (thứ 3), bài ca của những người được cứu chuộc (thứ 4), cuộc xuất hành mới (thư 5), ơn cứu chuộc trong Máu của Chúa Kitô Phục Sinh (thứ 6), và đời sống mới trong Chúa Kitô (thứ 7). Riêng tuần lễ đi trước lễ Hiện Xuống, các bài ca thường nhắc lại lời hứa của Chúa Kitô ban Thánh Thần cho Giáo Hội.
b. Quy tắc cử hành
Trước hết chúng ta cần nhận định cử hành thánh lễ trong mùa Phục Sinh nhất thiết phải theo tầm quan trọng của ba nhóm sau đây: Chúa Nhật, Tuần Bát Nhật và ngày trong tuần.
Vào mọi Chúa Nhật Phục Sinh không ai được phép cử hành bất cứ thánh lễ có nghi thức riêng, ngoại lịch hay nhu cầu nào. Phải luôn tôn trong bản văn phụng vụ và các bài đọc Kinh Thánh của ngày Chúa Nhật Phục Sinh đó. Vì thế, vào những ngày này không được phép cử hành thánh lễ với các bản văn phụng vụ của lễ an tang, hôn phối, thêm sức, khấn dòng, mừng kính bổn mạng hay bất cứ nhu cầu nào…Tuy nhiên, người ta có thể vẫn cử hành bí tính hay á bí tích trong thánh lễ đó, với điều kiện mọi bản văn phụng vụ phải theo ngày Chúa Nhật. Ví dụ: khi cử hành hôn phối vào Chúa Nhật III Phục sinh, người ta vẫn cử hành bí tích hôn phối sau bài giảng như thường lệ, tuy nhiên trong thánh lễ phải đọc toàn bộ các bản văn phụng vụ theo Chúa Nhật III Phục Sinh và không được phép đọc các lời nguyện hay bài đọc Kinh Thánh về lễ hôn phối, mặc dù vẫn đọc lời chúc hôn sau kinh Lạy Cha. Các lễ khác khi trùng vào Chúa Nhật phục sinh cũng phải theo quy luật này.7
Tuần Bát Nhật Phục Sinh được cử hành như các ngày lễ trọng về Chúa,8 vì thế không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch hay nhu cầu nào trong những ngày này mà phải dời sang ngày khác có bậc lễ thấp hơn lễ trọng riêng. Tuy nhiên khi cử hành an táng, được dùng bản văn phụng vụ của lễ cầu hồn chứ không phải dùng bản văn phụng vụ của ngày thường trong tuần Bát Nhật Phục Sinh.9
Ngày trong tuần thuộc mùa Phục Sinh, từ thứ hai sau tuần Bát Nhật đến hết thứ bảy trước lễ Hiện Xuống có vị trí khá khiêm tốn trong bảng sếp hạng thứ tự ưu tiên các lễ trong năm phụng vụ (chỉ đứng trên các ngày trong tuần thuộc mùa thường niên).10 Vào những ngày này có thể cử hành thánh lễ an tang, lễ bổn mạng, lễ có nghi thức riêng, ngoại lịch và nhu cầu hay toàn bộ lễ nhớ các thánh. (RM 355/a).
2. Giờ Kinh Phụng Vụ
a. Các bản văn
Giờ kinh Phụng vụ của Tam nhật Vượt Qua có một vị trí đặc biệt so với các ngày khác: hầu như mỗi giờ kinh đều có những phần riêng biệt và đều nhắc đến biến cố khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Các thánh vịnh, thánh thi, xướng đáp lời cầu mang sắc thái riêng của những ngày cao điểm trong năm phụng vụ; cách riêng các bài đọc Kinh Thánh và giáo phụ cho chúng ta cái nhìn tổng quát và đầy đủ về mầu nhiệm Vượt Qua,11 chẳng hạn thư thứ nhất của thánh Phêrô trong tuần bát nhật Phục sinh, sách Khải Huyền trong những tuần tiếp theo và các thư của thánh Gioan vào hai tuần cuối của mùa Phục sinh. Riêng các bài đọc giáo phụ là những áng văn chương tuyệt tác của những tác giả thời danh: 49 bài giáo phụ khác nhau diễn tả cách phong phú mầu nhiệm Vượt qua theo niềm tin Kitô giáo, đồng thời nó còn là các bài giáo huấn nền tảng cho mọi kitô hữu về ý ngĩa của các cử hành phụng vụ. Các bài giáo phụ này được trích từ các tác giả danh tiếng bên Đông cũng như Tây Phương kitô giáo, chẳng hạn: Justin, Meliton de Sardes, Irenee, Cyrille de Jerusalem, Augustino, Lêô Cả… hay trong các văn kiện mới nhất của Công Đồng vatican II.
b. Quy tắc cử hành
Giờ kinh của ngày Chúa Nhật, Tuần Bát Nhật và Tuần Thánh chiếm vị trí ưu tiên trên hết mọi giờ kinh, vì thế không được phép đọc giờ kinh phụng vụ ngoại lịch hoặc theo nhu cầu hay ý thích riêng (GK 245).
Vào các ngày Chúa Nhật, Tuần Bát Nhật và Tuần Thánh không bao giờ được phép thay đổi các thánh vịnh, công thức hay bản văn đã được quy định cho từng ngày (GK 247), tuy nhiên vào các ngày thường trong mùa Phục Sinh có thể thay đổi Lời Chúa, lời nguyện, thánh thi, điệp ca và lời chuyển cầu của những ngày khác trong cùng một mùa (GK 251).
Kết luận
Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của tất cả các nghi thức Phụng Vụ trong Giáo Hội. Do đó, mỗi mùa Phụng Vụ với các nghi thức khác nhau cùng với tầm quan trọng cũng như ý nghĩa khác nhau nhưng đều mang một mục đích chung, đó là cho mỗi người tín hữu cảm nhận và sống với sự hiện diện thực sự của Đức Kitô Phục Sinh. Trong mùa Chay, các tín hữu cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu như một Thiên Chúa với tình yêu thương của người cha luôn mong mỏi chờ đợi người con hoang đàng trở về. Với sức mạnh biến đổi con người của tình yêu Chúa, các tín hữu tham gia các nghi thức Mùa Chay cảm nhận lời mời gọi nhận ra tình trạng tội lỗi, thống hối và tin tưởng vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa thanh tẩy tình trạng nhơ nhuốc đầy tội lỗi của chúng ta để rồi mỗi người hân hoan và xứng đáng bước vào mầu nhiệm lễ Phục Sinh. Các tín hữu tham gia nghi lễ trong mùa Phục Sinh với niềm tin tưởng vào chiến thắng thần chết nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, khi Đức Giêsu phục sinh, Người cũng sẽ ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu đó, đó là được sống lại cùng Người. Đó là niềm tin cao đẹp nhất và quan trọng nhất của toàn thể Giáo hội vì mầu nhiệm Chúa sống lại mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt cho mỗi tín hữu. Và đó cũng là tâm tình của thánh Phaolô khi ngài viết “Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,16-17).
(Nguồn: Năm Phụng Vụ, tr. 106-123 do Lớp thần IV, Trung tâm Học vấn Đa Minh, Niên Khoá 2012-13 thực hiện cho mục đích thuyết trình nhóm. Khi đăng web, các phân đoạn được đánh số lại, vì vậy có sự khác biệt đôi chút với sách in.