__Anrê Nguyễn Tấn Tài__
Nhờ tin Đức Kitô và nhờ lời giáo huấn của Tin Mừng, người trẻ có đức tin dễ dàng hơn để phân định được tốt và xấu, phân định được trật tự của những giá trị, từ đó có thể tự do chọn lựa điều thiện cao hơn hoặc có thể tách mình khỏi sự lệ thuộc vào thế gian. Đặt đúng giá trị của các thực tại trần gian, người trẻ có đức tin đi vào đời, sẽ trở thành muối men và ánh sáng, loan báo và làm chứng cho thực tại bền vững hơn là sự sống đời đời.
Bạn trẻ thân mến,
Chúng ta biết rằng, khi chúng ta rời khỏi vòng tay người mẹ để bước vào đời cũng đồng nghĩa là chúng ta đang đi vào chuyến hành trình khám phá cuộc sống với vô vàn những điều bí ẩn. Trong bất kỳ chuyến hành trình nào, dù dài ngày hay ngắn ngày, dù khác nhau về cách thức di chuyển, nhưng luôn có cùng chung một tiến trình: khởi đầu, diễn biến và kết thúc. Hành trình cuộc sống của mỗi người cũng diễn ra như vậy. Khi ta được sinh ra là hành trình ấy bắt đầu. Theo thời gian ta dần lớn lên, hành trình ấy cũng tiến về phía trước với những khám phá mới mẻ. Và khi ta “cùng tổ tiên về chung kiếp” (Tv 49) là lúc hành trình ấy khép lại. Tôi gọi những “chặng đường” hay “trạm dừng chân” trong chuyến hành trình trên là những giai đoạn. Giai đoạn nào cũng có niềm vui, nỗi buồn và đôi khi có cả “chướng ngại vật” làm ta lắm phen mòn mỏi và phải ra sức vượt qua nó. Mỗi giai đoạn qua đi ít nhiều gì cũng để lại trong lòng chúng ta những xúc cảm, những nỗi niềm sâu lắng và đôi khi còn khắc ghi vào tâm khảm chúng ta một dấu ấn không dễ phai mờ. Nhưng có thể nói, giai đoạn khi chúng ta lớn lên, giai đoạn tuổi trẻ là giai đoạn cam go nhất, gặp nhiều chướng ngại vật nhất. Vì trong “giai đoạn đầu đời” này, người trẻ không những chưa có nhiều trải nghiệm về đời mà còn phải luôn đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Thế nên, để có thể nhận ra ơn gọi, dấn thân và sống cho ơn gọi là một thách đố lớn đối với người trẻ trong thời đại mới.
Chúng ta biết rằng, khi chúng ta rời khỏi vòng tay người mẹ để bước vào đời cũng đồng nghĩa là chúng ta đang đi vào chuyến hành trình khám phá cuộc sống với vô vàn những điều bí ẩn. Trong bất kỳ chuyến hành trình nào, dù dài ngày hay ngắn ngày, dù khác nhau về cách thức di chuyển, nhưng luôn có cùng chung một tiến trình: khởi đầu, diễn biến và kết thúc. Hành trình cuộc sống của mỗi người cũng diễn ra như vậy. Khi ta được sinh ra là hành trình ấy bắt đầu. Theo thời gian ta dần lớn lên, hành trình ấy cũng tiến về phía trước với những khám phá mới mẻ. Và khi ta “cùng tổ tiên về chung kiếp” (Tv 49) là lúc hành trình ấy khép lại. Tôi gọi những “chặng đường” hay “trạm dừng chân” trong chuyến hành trình trên là những giai đoạn. Giai đoạn nào cũng có niềm vui, nỗi buồn và đôi khi có cả “chướng ngại vật” làm ta lắm phen mòn mỏi và phải ra sức vượt qua nó. Mỗi giai đoạn qua đi ít nhiều gì cũng để lại trong lòng chúng ta những xúc cảm, những nỗi niềm sâu lắng và đôi khi còn khắc ghi vào tâm khảm chúng ta một dấu ấn không dễ phai mờ. Nhưng có thể nói, giai đoạn khi chúng ta lớn lên, giai đoạn tuổi trẻ là giai đoạn cam go nhất, gặp nhiều chướng ngại vật nhất. Vì trong “giai đoạn đầu đời” này, người trẻ không những chưa có nhiều trải nghiệm về đời mà còn phải luôn đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Thế nên, để có thể nhận ra ơn gọi, dấn thân và sống cho ơn gọi là một thách đố lớn đối với người trẻ trong thời đại mới.
Ý định của Thiên Chúa là muốn cho con người được hạnh phúc (x. Mt 5,1-10), hạnh phúc không chỉ ở đời này mà còn ở đời sau. Mục đích của việc phân định ơn gọi – nhận ra ơn gọi, cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa. Nghĩa là việc phân định ơn gọi nhằm giúp con người đặt biệt là người trẻ tìm thấy ý nghĩa, niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, giữa một xã hội ồn ào và hiện đại, nếu người trẻ không sáng suốt trong việc phân định thì rất dễ bị lôi kéo bởi những những quyến rũ phù phiếm, giả tạo. Có một sự khác biệt giữa người tin và người không tin. Nhờ tin Đức Kitô và nhờ lời giáo huấn của Tin Mừng, người trẻ có đức tin dễ dàng hơn để phân định được tốt và xấu, phân định được trật tự của những giá trị, từ đó có thể tự do chọn lựa điều thiện cao hơn hoặc có thể tách mình khỏi sự lệ thuộc vào thế gian. Đặt đúng giá trị của các thực tại trần gian, người trẻ có đức tin đi vào đời, sẽ trở thành muối men và ánh sáng, loan báo và làm chứng cho thực tại bền vững hơn là sự sống đời đời.
1. Ơn gọi Kitô hữu
Khi con người sinh ra bất kể là nam hay nữ, da trắng hay da màu, tôn giáo hay không tôn giáo thì con người đã nhận được ơn gọi làm người từ Đấng Tạo Hóa. Ơn gọi làm người là một ơn gọi đi theo bản tính, nhờ đó con người có thể tồn tại, sinh sống, làm việc và sống trong một xã hội có tổ chức. Riêng đối với người trẻ là Kitô hữu, chúng tôi đã nhận được ơn gọi làm con Chúa (x. GLHTCG, số 1270). Đây là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban nhưng không cho chúng tôi – một ơn gọi siêu nhiên. Qua bí tích Rửa Tội, chúng tôi đã nhận được ân sủng của Thiên Chúa, được tha thứ tất cả mọi tội lỗi (x. GLHTCG, số 1263), được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (x. GLHTCG, số 1279) và được thừa hưởng gia sản đức tin – đạo lý mạc khải của Đức Giêsu, do các Tông đồ giảng dạy và lưu truyền cho chúng tôi trong bộ Tân ước. Chúng tôi tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng tôi tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người sống lại, tin sự sống vĩnh cửu[1], đó là gia sản của chúng tôi.
Với một người không có niềm tin hay vô thần – tức không tin Thiên Chúa là nguồn gốc và cứu cánh đời mình, cuộc sống của người ấy sẽ chỉ quy hướng về các điều kiện vật chất và tinh thần cho một cuộc sống hiện tại. Nhưng đối với những người trẻ có đức tin như chúng tôi thì không như thế. Chúng tôi lắng nghe tiếng Chúa qua Lời Chúa và lắng nghe tiếng Người trong trái tim; chúng tôi phân định, phán đoán dựa trên đức ái và quy luật của Tám Mối Phúc (x. Mt 5,1-12); chúng tôi sống trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh. Nhờ đó, chúng tôi sống chứng tá giữa đời và sống “thánh” với ơn kêu gọi nhờ ân sủng của phép Thánh Tẩy.
2. Sứ mạng loan báo Tin Mừng
Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ chung cho những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cách riêng với những người trẻ có đức tin trong thời đại mới. Mục đích của việc lắng nghe, phân định là để người trẻ có thể sống đúng ơn gọi mà việc sống đúng ơn gọi là người trẻ đang loan báo Tin Mừng. Có nhiều phương cách để người trẻ loan báo Tin Mừng nhưng loan báo bằng chính đời sống của mình là một phương thế loan báo hữu hiệu và sống động nhất. Có ba cách thức, ba ơn gọi để người trẻ có đức tin dấn thân làm chứng nhân cho Chúa Kitô.
– Ơn gọi hôn nhân gia đình. Người trẻ có đức tin có thể loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa bằng cách sống trọn ơn gọi hôn nhân gia đình. Trong thư Ê-phê-xô, Thánh Phaolô đã chỉ dẫn cách thức để những ai sống đời hôn nhân gia đình có thể sống trọn ơn gọi ấy (x. Ep 5,21-33). Thánh Phaolô khuyên bảo cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, đặc biệt là những ai sống đời hôn nhân gia đình biết dùng tình yêu gia đình để diễn tả đức tin, sống đức tin ngay trong chính gia đình của mình. Bằng việc soi sáng và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý muốn của Thiên Chúa,[2] bằng việc sống chung thủy với nhau – một vợ một chồng qua mối dây liên kết là bí tích Hôn Phối, bằng việc nuôi dạy con cái và giáo dục chúng theo tin thần Kitô Giáo, người trẻ sống đời hôn nhân đã dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Đức Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong hiển thánh cho ông bà Louis Martin và Marie Guérin (song thân thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu) trong dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình vào tháng 10 năm 2014, nhằm đề cao mẫu gương sống đức tin trong bậc sống hôn nhân gia đình. Các ngài đã sống trọn ơn gọi hôn nhân gia đình và làm cho ơn gọi này trổ sinh hoa trái bằng việc nuôi dạy và giáo dục con cái theo tin thần Phúc Âm.
– Ơn gọi độc thân giữa đời. Sứ mạng loan báo Tin Mừng có thể được người trẻ có đức tin diễn tả bằng cách sống ơn gọi độc thân giữa đời. Sống ơn gọi độc thân giữa đời, người trẻ sẽ dấn thân sâu hơn vào những công việc bác ái xã hội và loan báo Tin Mừng với tinh thần triệt để của đức ái Kitô giáo. Người sống ơn gọi này, loan báo Nước Trời không phải bằng việc xây dựng gia đình hay chăm lo con cái mà họ dùng chính đời sống của mình để phục vụ tha nhân và phục vụ Giáo hội. Phục vụ tha nhân và giúp đỡ những ai khốn khổ nghèo hèn trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái xã hội… người sống ơn gọi độc thân giữa đời đã diễn tả nét mặt yêu thương của Đức Kitô. Nét đặc trưng của ơn gọi này là hình thức sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18-21). Và Đức Thánh Cha Piô XII đã xác định và đặt pháp lý cho ơn gọi như một lối sống tu – “tu hội đời” trong Giáo hội, những ai sống ơn gọi này cũng đang loan báo Tin Mừng:
Các hiệp hội mà từ nay sẽ gọi là các Tu Hội Đời, đã ra đời trong tiền bán thế kỷ 19, do Chúa Quan phòng soi sáng, với mục đích là: trung thành thực hiện ba lời khuyên phúc âm giữa đời và tự do hơn chu toàn những việc bác ái mà thời buổi khó khăn không cho phép các Dòng tu thực hiện được, hay khó thực hiện được.[3]
– Ơn gọi tận hiến. Đời sống của người trẻ có đức tin sẽ trở thành một lời loan báo khi người trẻ dấn thân trong ơn gọi tận hiến. Ơn gọi tận hiến là một ơn gọi siêu nhiên, trong đó người dấn thân đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng cách dâng hiến cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa – độc thân khiết tịnh vì Nước Trời (x. Mt 19,12). Người sống đời thánh hiến loan báo Tin Mừng không qua chứng tá của đời sống hôn nhân gia đình, cũng không bằng lối sống dấn thân thi hành bác ái giữa đời, nhưng bằng việc theo sát Đức Kitô qua việc tuyên các lời khuyên Tin Mừng: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục. Họ trao dâng toàn thân với tất cả sức lực để mở mang Nước Trời trên trần gian[4] bằng một lối sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô, bằng việc thánh hóa bản thân và thi hành sứ mạng theo đặc sủng riêng của Hội dòng.
Mặc dù được gọi chung là Ơn gọi tận hiến nhưng sẽ có nhiều cách thức để người trẻ có đức tin chọn lựa và dấn thân.
– Ơn gọi linh mục. Nhờ bí tích Truyền Chức, người lãnh nhận chức thánh có “khả năng hành động với tư cách là người đại diện của Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh, trong ba nhiệm vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế” (GLHTCG, số 1581).
– Ơn gọi tu sĩ. Bằng việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ theo sát thầy chí thánh Giêsu, trên con đường hoàn thiện “như Cha ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) bằng thực hành nhân đức và chu toàn sứ mạng tông đồ. Người tu sĩ dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân cách hữu hiệu, vì không bị ngăn trở bởi việc chăm lo gia đình hay giáo dục con cái.
– Ơn gọi đan sĩ. Cũng khấn các lời khuyên Tin Mừng, các đan sĩ noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi, các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Bằng nếp sống khổ chế, cô tịch và thinh lặng, bằng lắng nghe Lời Chúa và ca tụng Chúa mỗi ngày, bằng chia sẻ tình huynh đệ, các đan sĩ quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa và phục vụ Chúa nơi anh em mình.[5] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã dấn thân theo Đức Kitô trong ơn gọi đan sĩ khi chỉ mới mười lăm tuổi. Thánh nữ đã lắng nghe tiếng Chúa, phân định ơn gọi và đã sống ơn gọi đan sĩ với cả tình yêu. Đời sống chiêm niệm của thánh nữ là một lời loan báo Tin Mừng. Thánh nữ loan báo “không dùng những lời lẽ hùng hồn” (1Cr 2,1), cũng không bằng những hoạt động tông đồ lớn lao, nhưng bằng tình yêu dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cô tịch, với tư cách là thành phần của Hội thánh, để thuộc trọn về Chúa, để chiếm lấy Nước Trời. Thánh nữ thưa với Chúa: “Giữa lòng Hội thánh, con sẽ là Tình Yêu”, được xem như một linh đạo truyền giáo trong nếp sống chiêm niệm.
Thật vậy, lắng nghe tiếng Chúa, phân định ơn gọi – có thể với sự giúp đỡ của những người khôn ngoan, và sống ơn gọi là tiến trình đạt đến cứu cánh đời mình. Và cho dù người trẻ có đức tin sống theo bất cứ ơn gọi hay bậc sống nào đi nữa thì đều được gọi mời để làm chứng nhân Nước Trời, dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo hội, ngay trong xã hội trần thế này. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
[1] X. Sách Nghi lễ Rửa Tội, phần 4, số 4: Tuyên xưng đức tin.
[2] X. Bản toát yếu GLHTCG, số 188.
[3] Piô XII, Provida Mater Ecclesis – Hội Thánh Mẹ Quan Phòng, số 10.
[4] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 13.
[5] X. Gioan Phaolô II, Đời sống thánh hiến, số 8.