[ĐMX72] Ơn Gọi hay Trốn Chạy?

16-09-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3363 lượt xem

__Gioan Nguyễn Văn Nghi__

Có thể nói, ơn gọi của Thiên Chúa dành cho con người rất đa dạng và huyền nhiệm. Con đường ơn gọi của từng người là khác nhau, nhưng tất cả đều chung quy về một điều là ý định của Thiên Chúa. “Tất cả mọi ơn gọi sẽ không bao giờ thay đổi bản chất của một chọn lựa được diễn tả ra bằng sự hiến mình triệt để vì yêu mến Chúa Giêsu và vì yêu thương mỗi thành viên trong gia đình nhân loại trong Người.”[1] Là một Kitô hữu, ai cũng khao khát có được cuộc sống hạnh phúc trần gian này và hoàn thành viên mãn trên Thiên Quốc. Chính hạnh phúc vĩnh cửu mới là cùng đích tối hậu. Giáo hội luôn kêu gọi người trẻ dấn thân theo Đức Kitô trên “con đường hẹp” để đạt tới hạnh phúc đó.

Từ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô có phải là chạy trốn thế gian để chỉ mưu cầu hạnh phúc mai sau mà thôi? Trong vài lần gặp gỡ với các tín đồ của tôn giáo khác, tôi bị đặt vấn đề như sau: “Tại sao con lại đi tu? Đi tu của người Công giáo là phụ ơn nghĩa với cha mẹ khi không báo hiếu được cho cha mẹ. Đi tu làm gì cho đời đau khổ khi già nua ốm đau không có vợ con chăm sóc. Đi tu là trốn tránh xã hội, v.v..” . Nhiều người không Công giáo cho rằng đi tu là sự trốn chạy thế gian, trốn tránh cái khổ của kiếp người, sống trong một cộng đoàn tách xa khỏi mọi hoạt động xã hội.

“Ơn gọi” và “chạy trốn” là hai từ mang ý nghĩa khác nhau. Ơn gọi là một ơn ban của Thiên Chúa dành cho con người khi Người không ngừng lôi kéo họ đến với mình. Ơn gọi cũng một sự đáp trả tự do của con người với lời kêu gọi của Thiên Chúa trong cung lòng thầm kín của mỗi người. Ơn gọi đem lại cho con người niềm vui trong cuộc sống. Ngược lại, chạy trốn là hành động nhát gan của con người khi không dám đối diện với sự thật mà bản thân gặp phải. Khi gặp khó khăn bất lực thì con người luôn tìm đến một giải pháp an toàn là trốn tránh mọi sự. Chạy trốn xuất phát từ sự thiếu can đảm, để rồi tự mình đánh mất tự do định hướng cuộc đời.

Liệu khi chọn “ơn gọi” có bao hàm sự “chạy trốn” nào đó không? Có người vì lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự mà theo đuổi con đường dấn thân ơn gọi. Nhưng cũng có người đến với ơn gọi vì những động lực khác, có thể kể ra là: theo ý muốn cha mẹ, ước muốn thăng tiến bản thân, thoát khỏi cảnh nghèo, mong được người khác chú ý và chấp nhận, tìm kiếm sự kính trọng, danh dự và an toàn cho bản thân, việc chán cuộc sống xô bồ của thế gian mà bước vào đời sống tu trì.[2] Thật vậy, để có một cuộc sống ổn định trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay thật là khó khăn với nhiều người. Một người trưởng thành khi lập gia đình thì phải lo cho vợ con, cho cha mẹ. Kiếm cái ăn cái mặc hằng ngày còn khó khăn, nói chi đến việc để dành tiền của cho tương lai, là điều nhiều người không dám nghĩ tới. Hơn nữa, nhiều người khi ốm đau bệnh tật không có tiền lại chạy đôn chạy đáo vay mượn để đến lúc khỏi bệnh thì mang trên mình một khoản nợ to lớn. Nhiều sinh viên sau khi ra trường không kiếm được việc làm vẫn phải nhờ tới sự giúp đỡ của ba mẹ để sống qua ngày…. Tất cả những khó khăn trên không phải là xa lạ với cuộc sống xã hội hiện nay. Vậy những khó khăn trên có thể là động lực đưa người trẻ đi vào con đường tu trì? Vì đời sống tu trì sẽ không phải lo những thứ ở ngoài xã hội như thế. Trong khi người ta sức dài vai rộng phải bươn chải kiếm sống qua ngày còn chính bản thân mình lại được ăn no mặc ấm, được ăn học đến nơi đến chốn. Đây cũng có thể là lý do người trẻ bước vào con đường tu trì.

Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng, ơn gọi là một ơn ban của Thiên Chúa, nếu không có ý định của Thiên Chúa thì con người không thể làm gì khác được. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có nói trong Tông huấn đời sống thánh hiến như sau:

Suốt dòng lịch sử, nhiều người được thánh tẩy đã được mời gọi sống cuộc đời “giống hình ảnh Chúa Kitô”. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ một ơn gọi đặc biệt và nhờ một ơn huệ đặc biệt của Thánh Thần.[3]

Người theo Đạo Phật cho rằng, vì con người thấy được sự đau khổ của bản thân nên mới đi tu, để bản thân trở thành chính quả thì sau khi chết đi, được đầu thai đến một tương lai tươi sáng, bớt đau khổ hơn. Nhưng người Kitô hữu đi tu không phải theo chiều kích đó, không phải vì thấy cuộc sống trần gian tràn đầy khổ sở thì bản thân đi tu để cho bớt khổ. Người Kitô hữu đi tu là bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa nơi con tìm mình, với khuôn mẫu là Đức Kitô làm kim chỉ nam cho cuộc đời của mình, với mong ước trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Người tận hiến đi tìm kiếm nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, tiên vàn là một lời mời gọi hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài. Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng và làm chứng cho dung nhan biến hình của Đức Kitô, những người tận hiến cũng được kêu gọi một cuộc đời “được biến hình.”[4]

Người tu sĩ từ bỏ mọi thứ không có nghĩa là chê bỏ thực tại trần gian, nhưng như một điều kiện để họ được hoàn toàn tự do bước theo Đức Kitô. “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Đức Giêsu kêu gọi người thanh niên không chỉ giữ giới răn, mà còn từ bỏ mọi sự để chỉ tìm kiếm nước Thiên Chúa mà thôi. Hai người cùng đi trên một con dốc, người càng ít vật dụng mang theo bên mình thì sẽ dễ dàng bước đi và đến đích trước người kia. Càng từ bỏ mọi thứ của thế gian thì người tu sĩ càng dễ dàng bước theo Chúa Kitô. “Đức Giêsu đề nghị cho người thanh niên giàu sang từ bỏ mọi thứ để theo Người không đem lại sự mất mát nhưng làm giàu thêm cho bản ngã của anh.”[5] Nhờ đó, anh sẽ ngày càng gần nước Thiên Chúa hơn. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã từng nói: “Tu sĩ là người tìm kiếm điều thế gian tránh và tránh điều thế gian tìm”.

Người tu sĩ thường sống một cộng đoàn tách riêng với xã hội vì họ cần một môi trường riêng để có được những thời gian tĩnh lặng đến gặp gỡ và trò chuyện với Chúa. Đời sống tu trì luôn lấy Chúa làm căn nguyên của mọi hành động bản thân. Vì thế, các tu sĩ cần một không gian yên tĩnh để có thể dành trọn cả cuộc đời của mình cho Đấng mà họ luôn theo đuổi. Ngoài các hoạt động thường ngày, họ vẫn luôn dành phần lớn thời gian để cầu nguyện, ngắm nhìn và suy ngẫm về những lời Người dạy trong cuộc đời của mình. Do vậy, người tu sĩ thường sống thành cộng đoàn tách riêng ra khỏi xã hội để thực hiện ơn gọi của bản thân. Việc tách rời khỏi xã hội như vậy để thực thi phận vụ của bản thân chứ không phải là xa lánh mọi người. Các tu sĩ vẫn sống cuộc sống thường ngày như bao người khác nhưng có những phần riêng dành cho ơn gọi của mình để thực thi ý Chúa.

Khi Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Người, Người không bảo các ông xa lánh thế gian nhưng Người mời gọi làm cho Nước Thiên Chúa thấm nhập vào các thực tại trần gian, và dùng đời sống các ông để phục vụ sự nghiệp ấy, bằng cách bỏ mọi sự và bắt chước sát kiểu sống của Người.[6] Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Bước theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu, các tông đồ xưa đã đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cứu độ. Việc loan báo Tin Mừng có nhiều phương cách khác nhau theo ân ban của Thánh Thần. Có người thì chuyên chăm việc giảng thuyết, có người thì lo việc bác ái, có người lo việc cầu nguyện và chiêm niệm… tất cả đều làm cho Tin Mừng ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn. Và dù với phương cách nào, thì cũng đều phải có người rao giảng Tin Mừng và người đón nhận Tin Mừng. Cuộc đời tu trì mà trốn tránh thế gian thì liệu họ có thể loan báo ơn cứu độ đến cho con người được không?

Đời tu là con đường trọn hảo để đến với Đức Kitô và là phương cách tuyệt vời để làm chứng cho Đức Kitô ở đời này. Đời sống tu trì luôn chọn Đức Kitô làm khuôn mẫu của mình, nên mọi hoạt động trần gian đều hướng về Chúa. Việc gặp gỡ Chúa hàng ngày qua các giờ kinh và cầu nguyện giúp cho người tu sĩ ngày càng được gần gũi và sống thân tình với Chúa hơn. Nhờ đó, đời sống của họ luôn tỏ rạng hình ảnh Đức Kitô trong đời sống thường ngày. Tiếp xúc với tha nhân, họ cố gắng thể hiện nơi hành động của mình khuôn mặt Đức Kitô khiêm nhu, hiền từ và nhân hậu, v.v.. Hơn nữa, việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm “khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh” biểu lộ ước muốn nên giống Chúa Kitô và làm chứng cho thực tại Nước Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong Tông huấn Đời sống thánh hiến như sau:

Thực vậy, lối sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người xuất hiện như một cách sống Tin Mừng triệt để nhất trên trái đất này, một cách thức có thể gọi là thần linh, vì chính Đấng vừa là con người, vừa là Thiên Chúa đã chấp nhận lối sống đó để diễn tả mối quan hệ của Con Một đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.[7]

Cộng đoàn tu trì thể hiện hình ảnh của cộng đoàn tông đồ xưa, với mục tiêu là sự hiệp thông huynh đệ. Đời sống thánh hiến thể hiện một cộng đoàn liên kết mật thiết với nhau và với Giáo hội. Qua các lời cầu nguyện chung, cùng tham dự bí tích Thánh Thể, chia sẻ của cải vật chất và thiêng liêng (x. Cv 2, 42), các cộng đoàn tu trì đã thể hiện được sự hiệp nhất trong Giáo hội và việc lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ. Cộng đoàn sống vì một tình yêu triệt để như Đức Kitô, sống một tình huynh đệ chân thành, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Giáo hội thực sự cần có những cộng đoàn huynh đệ như thế; bằng chính cuộc sống của mình, họ đang góp phần vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, bởi vì họ đang cho thấy cách cụ thể những hoa trái của ‘điều răn mới’.[8]

Tóm lại, sự từ bỏ mọi sự theo Đức Kitô là một ơn riêng của Thiên Chúa dành cho người tu sĩ. Dù là cách thức được Chúa gọi và chọn có phần khác nhau nhưng tất cả đều là do quyền năng của Thiên Chúa hoạch định nơi mỗi người. Điều quan trọng là người tu sĩ phải luôn ý thức con đường mình đang đi. Tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, người tu sĩ thể hiện một lối sống thuộc về Chúa trong mọi sinh hoạt hằng ngày của mình.


[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 3.

[2] Bộ tu sĩ, Huấn thị Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các hội dòng, số 89.

[3] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 14.

[4] Sđd., số 35.

[5] Gioan Phaolô II, “Con đường trọn lành” trong Theo Chúa Kitô: Những văn kiện đời tu, tập II, Bt. Phan Tấn Thành (Hà Nội: Tôn Giáo, 2015), tr. 36.

[6] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 14.

[7] Sđd., số 18.

[8] Sđd., số 45.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com