Nội San / Số 74 – Phêrô Vũ Đức Duy (em) “Tấm lòng vàng Martinô”

24-10-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1895 lượt xem

Tấm lòng vàng Martinô

Phêrô Vũ Đức Duy (em)

Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu, […]. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến.” 

Bài hát này ắt hẳn nhiều người biết, nhiều người hát, hát về một tình yêu trao ban nhưng không xuất phát từ tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Tình yêu vẫn luôn là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Tình yêu kết nối chúng ta với nhau, là sức mạnh giúp ta cùng nhau bước đi trong cuộc đời đầy rẫy gai chông. Tình yêu thương bác ái càng được tỏ lộ nồng cháy nơi những ai có mối thân tình mật thiết với Thiên Chúa, mà lịch sử Linh Đạo Kitô Giáo đã chứng minh cho ta thấy rõ. Tôi muôn đơn cử nơi đây hình ảnh của một vị thánh: Thánh Martinô de Porres.

1.  Một tấm lòng vàng, một tình yêu vô hạn

Thánh Martinô, với biệt danh là vị thánh có “Tấm Lòng Vàng”, đã theo con đường mà Đức Giêsu Kitô chỉ dạy: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương tha nhân như chính mình. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Thật vậy, thánh Martinô đã yêu mến nồng nàn và phục vụ tha nhân một cách đơn sơ, chân thành trong tinh thần khiêm tốn, và có thể nói thêm rằng thánh nhân chính là Tấm Lòng Vàng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại. Hôm nay, giữa cơn đại dịch COVID-19, gương Martinô nhắc nhớ chúng ta một chứng nhân của Tin Mừng, chứng nhân về tình yêu thương bác ái. Người đã hiến cả cuộc đời để yêu thương và trao ban tình yêu đó cho những người nghèo, đặc biệt là nơi những người yếu đau, bệnh tật và khốn cùng.

Lược lại lịch sử Dân Thiên Chúa, ta thấy Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước để đến với con người vốn là những thụ tạo thấp hèn của Người. Bởi nơi Thiên Chúa, tình yêu viên mãn đến độ Người chỉ muốn san sẻ tình yêu ấy cho thụ tạo, cách đặc biệt và cụ thể qua công trình tạo dựng. Thiên Chúa là tình yêu, nên những ai càng gần gũi tình yêu, càng thấm đẫm vị ngọt ngào của tình yêu đó. Tình yêu nơi Thiên Chúa là tình yêu tinh tuyền nhất mà trong đó, con người được là chính mình, được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, được thông phần sự sống của Chúa. Con người trở nên bao dung khi cảm nhận được tình yêu này, và cách này hay cách khác, họ luôn muốn thông phần chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa, trong ánh sáng của Người.

2. Yêu thương và phục vụ

Martinô là một chứng nhân sống động về tình yêu viên mãn với Thiên Chúa, Người đã hiện thực tình yêu ấy nơi đời sống thường ngày của mình. Cuộc đời Martinô phản ánh gương sáng của một người có lòng khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Quả thế, thánh Martinô làm việc miệt mài mà dường như ngài không hề nghĩ tới bản thân, bất kể giờ giấc. Ngài quan tâm cách đặc biệt đến những người nghèo đói, bệnh tật, từ những người thiếu thốn vật chất đến những ai nghèo đói phần tinh thần. Ngài nhận thấy người ta không chỉ nghèo về vật chất, mà còn đói khát Lời Thiên Chúa, đói khát tình thương của Thiên Chúa, ngài thấy họ cần thứ thức ăn đời đời: “Các Thầy muốn bảo Tu viện cần cách biệt với người đời ư? Nhưng với các bệnh nhân, ta chớ nên phân biệt ranh giới.”1

Thánh nhân đã hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả, hiến dâng cả cuộc đời để san sẻ tình yêu tinh tuyền mà ngài nhận được nơi Thiên Chúa cho những anh chị em nghèo khổ mà ngài gặp trong cuộc sống. Ngài phục vụ tha nhân với tấm lòng thanh thoát, vì ngay cả với tấm lòng ấy, ngài cũng đã nhận được từ nơi Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu tinh tuyền của đời ngài. 

Hôm nay, giữa thời đại dịch bệnh này, chúng ta thấy đâu đó vẫn còn những tấm lòng nhân ái hảo tâm; nhưng nơi Martinô, ta học thêm được gương xả thân không toan tính. Và để đạt được tình yêu tinh tuyền ấy, ắt hẳn nhân loại cần biết tìm kiếm mối liên kết thân thiết giữa mình với chính cội nguồn của tình yêu: Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu đích thực tinh tuyền, là khởi nguyên và là cùng tận của tình yêu. Tình yêu đón nhận từ nơi Thiên Chúa giúp mỗi người chúng ta sống bác ái vô điều kiện, vì chính Chúa cũng đã chẳng đòi buộc ta điều gì. Người ban phát tình yêu cách nhưng không. Ta đón nhận trong tự do, nên ta cũng trao ban trong tự do, đó chính là “bác ái Kitô giáo” mà ta cần phải đem vào thế giới này.

3.  Lời mời gọi sống yêu thương

Lý tưởng về đức ái tốt lành không thể trở thành hiện thực nếu không được hiện thực trong đời sống, qua việc thực hành đức ái. Tình yêu sẽ chết nếu không có những hành động xây đắp bổ dưỡng cho nó. Gương thánh Martinô giúp ta hiểu rằng tình thương sẽ triển nở khi chúng ta biết bênh đỡ, chạy đến và tiếp xúc với tha nhân, biết tìm cách mở lối để giúp họ tìm lại đời sống ân tình với Chúa, Đấng là cội nguồn của tình yêu.

Con người được tạo dựng vượt trội hơn mọi loài vì được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người, lại được Thiên Chúa ưu ái chia sẻ sự sống của Người. Vì thế nơi mỗi chúng ta, con tim luôn chất chứa nhiệt huyết yêu thương, vì nó hướng về cội nguồn của yêu thương. Theo gương thánh Martinô, chúng ta được mời gọi sống yêu thương không chỉ trong giới hạn của tương quan nhân loại, giữa người với người, nhưng còn mở ra rộng lớn hơn, vượt xa ranh giới những người thân thuộc, bạn bè, cộng đoàn tu trì, làng xóm, v.v. để hướng đến muôn loài muôn vật trong tổng hòa các thọ tạo của Thiên Chúa. Mỗi người sẽ là những tấm lòng vàng, biết thể hiện tình yêu thương phục vụ ngay trong gia đình, cộng đoàn, những nơi ta sống và hiện diện. 

Tạm kết

Tình yêu thương đặt nhân loại trước một thách đố lớn: học biết trong hy sinh phục vụ, học biết mở lòng ra với xung quanh. Đây cũng cũng là giá trị lớn lao dành cho những ai muốn dấn thân vào biển tình yêu của Thiên Chúa. Nghĩa cử yêu thương sẽ không xa cách sự cho đi và quên mình phục vụ, không chỉ là trao tặng của cải vật chất, nhưng còn gồm những điều thuộc giá trị tinh thần mà thế giới hôm nay đang cần đến. Một lời nói, cử chỉ chứa đựng yêu thương sẽ dễ dàng đi sâu vào lòng người, gõ nhịp cho tình thương nơi trái tim của tha nhân, thắp lên trong lòng họ những niềm vui, hy vọng, là sức mạnh giúp họ bước tiếp trên cuộc đời.

 1. Lawrence Lovasik. Jos Văn Thư. Tấm Lòng Vàng, Chương VIII: Martinô săn sóc người đau yếu.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com