Nội San / Số 74 – Phêrô Vũ Đức Duy (anh) “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa”

18-09-2021
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 1950 lượt xem

Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa

Phêrô Vũ Đức Duy (anh)

Suốt hơn một năm qua, đại dịch COVID-19 đã, đang hoành hành khắp thế giới và chưa có dấu hiệu thoái lui. Con virus quái ác tuy nhỏ bé, nhưng hễ đi qua nơi nào, nó cũng để lại biết bao thiệt hại về kinh tế, xã hội, và cả nhân mạng. Hơn hai triệu người đã tử vong mà trong đó rất nhiều người chết trong cô quạnh vì cách ly; hàng triệu người thất nghiệp, rơi vào cảnh nghèo đói, túng quẫn; và vì thế, có khi bị gạt ra bên lề xã hội. Nỗi đau của người phải chứng kiến người thân ra đi, cùng nỗi khiếp sợ bao trùm nhân loại khi số người nhiễm bệnh không ngừng gia tăng. Hoàn cảnh khốn khó ấy khiến tôi nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta, vị thánh đã cống hiến đời mình cho những mảnh đời đau khổ và bị bỏ rơi.

1.  Một sáng kiến táo bạo

Vốn là một nữ tu Dòng Loreto, Têrêsa được sai đến Calcutta để dạy học tại tu viện của Dòng với một cuộc sống an toàn và khá đầy đủ so với bối cảnh chung của đất nước Ấn Độ lúc bấy giờ. Chính tại đây, khi hàng ngày, hàng giờ chứng kiến cảnh nghèo khổ, loạn lạc và tuyệt vọng của người dân giữa cái đói và nạn xung đột tôn giáo, Mẹ đã vô cùng đau xót và nhận ra tiếng gọi thôi thúc Mẹ phải chăm sóc người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, bệnh nhân phong, những người cảm thấy như thừa thãi, bị căm ghét, ruồng bỏ trong xã hội, những người đang là gánh nặng của xã hội và bị mọi người xa lánh. Mẹ xin phép rời tu viện để vào ở trong các khu nhà ổ chuột của Calcutta. Khởi đầu sứ vụ này không hề dễ dàng vì, ngoài việc không được sự ủng hộ từ phía nhà Dòng, Têrêsa cũng không có nguồn quỹ nào để hoạt động; phải đi bộ hàng giờ mỗi ngày để tiếp cận, chăm sóc những người khốn khổ, đau yếu và chịu sự nghi kị, thậm chí là đe dọa của cộng đồng bản địa vốn sợ bị cải đạo bởi một nữ tu người nước ngoài. Chính lúc ấy, sự sợ hãi, cô đơn cũng như các cơn cám dỗ quay trở lại cuộc sống tiện nghi của tu viện bủa vây như thể muốn bóp nghẹt quyết tâm của Mẹ. Nhưng Mẹ đã vượt qua cách ngoạn mục.

2.  Tín thác nơi Thiên Chúa: điểm tựa vững chắc của Mẹ

Tuy vậy, trong những cơn quẫn bách ấy, Mẹ đã luôn tin tưởng và phó thác vào Chúa; kể cả lúc cảm thấy như đã bị Chúa bỏ rơi, Mẹ vẫn từng bước đến với những người khổ đau. Những ai bệnh tật, ghẻ lở không người nào dám chăm sóc vì ghê tởm, Têrêsa đem về tự mình lau rửa những vết loét trên da thịt hư thối. Những con người đang hấp hối lây lất bên vệ đường, Mẹ đem về chăm sóc để họ được chết trong nhân phẩm và được an táng theo niềm tin tôn giáo của họ. Những người khốn cùng dưới đáy xã hội, người vô gia cư, trẻ em mồ côi và vô vàn những số phận đau thương khác đã được Mẹ chăm sóc, ủi an hoặc dạy dỗ, để họ được yêu thương và sống trong nhân phẩm như họ đáng được hưởng. 

Không dừng ở đó, Mẹ và Dòng Thừa sai Bác ái đã nhiệt thành đến với những người bị nạn đói ở Etiopia, giúp các nạn nhân phóng xạ ở Chernobyl và vô số những nơi khác trên thế giới. Nhờ những công việc tốt đẹp ấy, không ít người đã biết đến và muốn tôn vinh Mẹ. Nhưng người nữ tu nhỏ bé và can trường này luôn từ chối, bởi “đây là công việc của Thiên Chúa” và “tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa”. “Là cây bút chì” vì Mẹ hiểu rằng mọi sự đều là của Chúa và nằm trong Thánh Ý Chúa. “Cây bút chì” không chất vấn, không phản kháng nhưng đặt trọn tất cả tâm hồn và thể xác của mình trong lòng bàn tay Chủ để Người vẽ nên những đường nét tươi đẹp cho cuộc đời.

3.  Nghĩ đến Mẹ Têrêsa Calcutta, nghĩ về đại dịch

Đại dịch COVID-19 đang kéo thế giới vào tình cảnh bi đát mà những nhân viên y tế cũng cảm nghiệm được những nỗi niềm như Mẹ Têrêsa đã trải qua, trước hết là sự sợ hãi. Sợ lắm chứ khi môi trường làm việc của họ có thể là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất, và họ là những cá thể yếu đuối nhất trước dịch bệnh, để rồi mỗi ngày đến bệnh viện cũng là mỗi ngày chuẩn bị tâm thế bị cách ly hoặc được điều động đi chống dịch bất cứ lúc nào. Nỗi sợ lớn hơn còn là khả năng mang mầm bệnh mà không hay biết, rồi lây nhiễm cho con cái, cha mẹ hay những người thân yêu khác của mình. 

Nỗi sợ ấy dằn vặt kinh khủng đến mức mà một người mẹ ở Nhật Bản đã tự sát sau khi vô tình lây nhiễm cho con gái mình. Tuy thế, vì trách nhiệm và lòng yêu thương bệnh nhân, họ vẫn tiếp tục công việc của mình 1. Với lòng quả cảm và tinh thần nhân ái, rất nhiều bác sĩ và điều dưỡng trẻ đã tình nguyện đến tâm dịch, hoặc phục vụ bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến. Theo lời kể của những bác sĩ trẻ trở về từ các bệnh viện dã chiến, một ngày ở đây rất vất vả, có khi chỉ có việc chăm sóc bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm phải làm từ sáng đến tận 10 giờ đêm mới xong, ai cũng như rã rời vì không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi 2. Toàn bộ thời gian này, họ phải mặc bộ áo quần bảo hộ kín từ đầu đến chân: rất nóng và bất tiện cho việc ăn uống, kể cả chuyện vệ sinh cá nhân, v.v.. Tất cả những hy sinh đó là để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoàn cảnh trang bị còn thiếu thốn, hoặc rất mong manh so với nguy cơ của mầm bệnh. 

Không chỉ có thế, các nhân viên y tế còn phải phân phát phần ăn, sửa từng cái quạt, cái đèn hư, có khi an ủi, động viên những bệnh nhân đau buồn, cô đơn và cả những người thân của mình ở nhà. Những ngày Tết không về, mùa Valentine xa vắng người thân yêu, những lời oán trách vô cớ của các bệnh nhân bị nhiễm dương tính, v.v. để lại trong họ không ít cảm thức cô đơn và buồn tủi, nhất là khi không nhận được sự cảm thông, thậm chí là quan điểm mâu thuẫn từ phía gia đình. Thêm vào đó, áp lực công việc, sự bất lực và tuyệt vọng khi chứng kiến bệnh nhân ra đi, v.v. đã khiến chính những nhân viên y tế thấy gánh nặng lại trở nên quá sức chịu đựng trên đôi vai của mình.

4.  Cần một điểm tựa vững chắc

Cần có một tinh thần phục vụ, cần có một điểm tựa linh thiêng, cần có một chỗ dựa tinh thần chắc chắn để nhân loại nói chung, và những bệnh nhân nói riêng, kể cả những người đang phải đứng mũi chịu sào tại tuyến đầu chống dịch bệnh, có thể trụ vững trong tin yêu. Điểm tựa vững chắc đó chính là Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót. Nguyện Thánh Têrêsa Calcutta nâng đỡ và ủi an các nhân viên y tế để họ luôn cậy trông phó thác công việc của họ vào lòng thương xót của Chúa. Xin Mẹ hướng dẫn họ, giữ lấy ngọn lửa hi sinh, nhân ái của Mẹ luôn cháy trong lòng họ mỗi khi họ chăm sóc các bệnh nhân như chính sứ mệnh mà các y – bác sĩ đang khoác trên vai.

 1 xc. NGỌC QUÝ (2021). Người mẹ tự tử vì lây Covid-19 cho con làm dậy sóng dư luận Nhật, <https://thanhnien.vn/suc-khoe/nguoi-me-tu-tu-vi-lay-COVID-19-cho-con-lam-day-song-du-luan-nhat-1333941.html>, xem 26/01/2021.

 2 xc. NỮ VƯƠNG (2020). Rơi nước mắt khi nghe bác sĩ kể công việc ở khu cách ly, <http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-su-kien/roi-nuoc-mat-khi-nghe-bac-si-ke-cong-viec-o-khu-cach-ly-cmobile1780-26999.aspx>, xem 15/4/2020.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com