[Nhân Bản Kitô Giáo] Bài 5. Trung Tín Kitô Giáo

07-05-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4113 lượt xem

 Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

1. Con người mang dấu ấn tội lỗi

Con người, trong phẩm chất căn bản, là hình ảnh của Thiên Chúa, như thế ta có thể nói như Mạnh Tử: nhân chi sơ tính bản thiện. Tuy nhiên, mạc khải Kitô giáo cho thấy con người cũng mang thương tích của tội lỗi ngay trong cội nguồn, đó là tội tổ tông. Do đó, hành trình cuộc đời con người không thể nào tránh được vết nhơ tội lỗi (trừ ra Chúa Giêsu và mẹ Maria…). Thật ra, mặc khải tội là mặc khải nhằm cứu độ, vì giúp con người thoát khỏi ảo tưởng tự mình giải quyết đời mình. Con người chỉ có thể giải quyết cuộc đời mình trong sống-với, và sống-với bao hàm ý nghĩa chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau.

Con người vốn đã là một huyền nhiệm, nghĩa là chẳng ai có thể hiểu thấu được. Hơn nữa, con người trong dòng cuộc sống lại là một điều không một học thuyết triết học nào có thể minh giải một cách trọn vẹn. Con người đi vào cuộc đời, đó là chấp nhận một bài toán chưa có lời giải. Cuộc sống con người cứ như một chân trời mở ra mà không ai biết trước được một cách chắc chắn điều gì sẽ xẩy ra, điều gì sẽ hoàn thành. Có những con người tưởng chừng như chắc chắn sẽ thành công nhưng đáp số cuối cùng lại là một sự thất bại lớn; và ngược lại cũng thế. Chúng ta có thể thấy được điều đó bằng vô số thí dụ xẩy ra hằng ngày trong cuộc sống.

Như thế, con người chỉ là mình trọn vẹn trong một cuộc đời và chấp nhận một con người trọn vẹn cũng có nghĩa là chấp nhận một con người và một cuộc đời. Khi Thiên Chúa giao ước với con người bằng một giao ước bản thân, khi Thiên Chúa đã chấp nhận yêu thương đến cùng, thì Ngài cũng thể tình yêu ấy trong một lòng trung tín có khả năng đi dài theo hành trình của con người. Tình yêu Thiên Chúa chắc chắn không phải chỉ là một chút hứng khởi của tình cảm, không phải chỉ là một sự đánh giá nhau trong mức độ thăng tiến, mà là một sự đón nhận trọn vẹn bản thân của một con người trên hành trình phức tạp của cuộc đời.

Cũng thế, để con người có thể sống với nhau, cần có yếu tố căn bản, đó là sự trung tín; và trung tín phải thực sự có khả năng vượt qua được sức mạnh chia cắt của tội lỗi. Tình yêu Thiên Chúa, theo Đức Bênêđictô XVI, còn lớn hơn tình yêu vô điều kiện, đó là kiểu tình yêu tha thứ. Cũng thế, trong cuộc sống nhân bản, người Kitô hữu không thể dừng lại ở mức độ “nhân bản thế gian”, nhưng luôn rộng mở để có khả năng tha thứ và đón nhận nhau một cách dứt khoát.

2. Trung tín chính là tình yêu một cách cụ thể

Thái độ trung tín diễn tả một thứ tình yêu được thể hiện trong dòng đời, vượt qua những thăng trầm của thời cuộc và đón nhận được toàn vẹn bản thân một ai khác. Con người chỉ trọn vẹn là mình trong dòng đời. Trong dòng cuộc sống thực và cuộc sống lâu dài, con người mới thể hiện chân chính bản thân mình và mới thực sự biết mình là ai. Do đó, cũng chỉ trong dòng cuộc đời thật, tình yêu thương của một người này với người kia mới thực sự được chứng nghiệm một cách đúng đắn. Trung tín chính là thước đo của tình yêu thương đích thực.

Tuy nhiên, trung tín cũng có hai ý nghĩa, hoặc là hai chiều kích: trung tín như một phẩm chất, nghĩa là không có vướng vào một chút bất trung nào; và trung tín như một tiến trình, nghĩa là một khả năng bắt đầu lại mỗi khi rơi vào tình trạng bất trung.

Trong đời sống đức tin, ta thấy rằng Thiên Chúa vừa trung tín như phẩm chất, lại vừa có khả năng đón nhận lòng trung tín như một tiến trình của con người:

“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).

Con người được mời gọi sống trung tín với Chúa, nhưng con người lại sống trong tình trạng tội lỗi. Do đó, con người khó có thể sống sự trung tín như một phẩm chất tinh tuyền. Con người chỉ có thể trung tín như một khả năng bắt đầu lại. Chính sự trung tín của Thiên Chúa, sự trung tín có khả năng đón nhận sự bắt đầu lại của con người, chính sự trung tín ấy mở đường để con người có thể sống tín trung với Chúa, trước tiên và một cách căn bản, như một hành trình của đức Cậy, nghĩa là khẳ năng bắt đầu lại.

Dựa vào ánh sáng đức Tin như thế, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng, con người sống với nhau cần sự trung tín. Hơn nữa, chúng ta hiểu rằng ý nghĩa trung tín của con người với nhau không thể dừng lại ở mức độ “trung tín trong phẩm chất”, mà còn thiết yếu mời gọi một thái độ trung tín quảng đại, nghĩa là một sự chấp nhập trung tín trong dòng lịch sử.

Thật sự ra, trong tình tự của tình yêu Kitô giáo, sự thăng tiến trong chiều dọc của trình độ có lẽ không quan trọng cho bằng một sự “thăng tiến” trong chiều ngang của trung tín. Đúng hơn, trong đức tin, ta hiểu rằng “thăng tiến trong trình độ” là “chuyện của Chúa” chứ không phải chuyện của ta. “Chuyện của ta”, đó là trung tín theo ý nghĩa lịch sử, nghĩa là ngã thì trỗi dậy, có vấy bùn cũng không bỏ mất niềm trông cậy vào Chúa; và điều đạt được ở đây chưa hẳn là trình độ thánh thiện cao vời cho bằng là một thứ bề dày nghĩa tình.

Cũng thế, trong cuộc sống con người, sự chấp nhận nhau luôn phải là chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau. Đó là một sự chấp nhận dứt khoát và không bao giờ rút lại. Điều đó được xác định trong đặc tính hôn nhân Kitô giáo: không ly dị.

Hơn nữa, ngay trong cuộc sống hằng ngày, thái độ trung tín một cách quảng đại cũng luôn cần thiết. Nếu không, con người không thể xây dựng được một sự hiệp nhất nào, cả trong tình bạn, cả trong tình nghĩa cộng đoàn tu trì cũng như trong đời sống các hội đoàn…

3. Tâm linh là điều kiện để trung tín với nhau

Con đường của người Kitô là con đường vòng: muốn tha thứ thì trước tiên phải đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa trong đức Kitô; muốn chăn dắt con chiên thì phải yêu mến Chúa Giêsu và từ đó tìm thấy lý tưởng cao vời của đời mục tử; muốn sống chân thật với tha nhân thì phải đối diện với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng để có thể buông bỏ được những chiếc mặt nạ giả tạo; muốn phục vụ tha nhân thì hãy để cho đức Giêsu phục vụ mình và ra đi bằng chính động lực phục vụ đến cùng của Đức Giêsu; muốn xót thương người thì hãy nhận ra lòng thương xót của đức Giêsu . . .

Chính niềm tin vào Chúa giúp con người có thể tin vào nhau. Niềm tin nơi Chúa là chân trời rộng mở để con người có thể dám tin vào nhau mà không sợ rơi vào ảo mộng phù phiếm của một thứ chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Chính khi ta tin vào Chúa, ta đã vượt qua thái độ “thuận mua vừa bán”, khi đó ta mở rộng khung trời để có thể bao bọc, chấp nhận những con người cụ thể, ngay cả khi bị phản bội. Chỉ có con người mới có thể phản bội, còn Thiên Chúa thì không bao giờ phản bội cả; và Thiên Chúa chẳng để cho sự “lầm lẫm” do đã quá tin một con người, nếu có, lại trở thành một thái độ xấu.

Tạm kết

Sự lập lại các bí tích Kitô giáo như là một sự triển khai nền tảng bí tích Rửa tội cũng cho thấy tính cách hiện sinh trong giao ước của Thiên Chúa với con người. Trong các bí tích, Thiên Chúa lại tái hiện lại sự chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, để khẳng định một cách hiện sinh lòng trung tín của Thiên Chúa. Con người đón nhận các bí tích như là một lời nhắc lại giao ước bản thân của bí tích Rửa Tội, đồng thời kết hiệp vào đó dòng đời của mình, những sự kiện xẩy ra trên dòng đời của mình.

Thật sự, trong đức Giêsu Kitô, con người luôn có thể bắt đầu lại, luôn có thể đưa đời mình vào một hành trình mới, siêu việt cách triệt để … và chính trong ý nghĩa ấy, sự trung tín lại trở thành mấu chốt mang tính quyết định cho vận mạng một đời người.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com