[Ngày 03 tháng 9] Chân phước Guala Bergamo

02-09-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1579 lượt xem

Điều khiến cho ngài có thể thành công vang dội như thế có lẽ là lòng kính sợ Chúa mà ngài đã được bố mẹ giáo dục từ nhỏ. Trong những xung đột, người ta luôn vì lợi ích riêng, còn ngài, đức cha Guala, chỉ vì Chúa mà thôi. Lòng kính sợ Thiên Chúa làm cho ngài nên kiên nhẫn và thẳng thắn. Lòng kính sợ Thiên Chúa giúp ngài đặt lợi ích của đoàn chiên lên trên hết.


Viết lại theo Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh (Học viện Đa Minh, 2011, Tập 1, trang 82-93). Nguyên tác: Victor F. O’Daniel biên soạn, The First Disciples of Saint Dominic (1928). 

Chân phước Guala, thuộc dòng dõi Romanoni thế giá, là một trong những dòng tộc lỗi lạc nhất ở tỉnh Bergamo, nước Ý lúc bấy giờ. Thủ phủ của Bergamo cũng chính là nơi mà chân phước Guala mở mắt chào đời. Không ai biết chính xác ngày sinh của ngài nhưng chắc chắn là vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XII. Cha mẹ ngài là những Kitô hữu đạo hạnh và được Chúa ban phúc giàu sang. Họ đã dạy dỗ ngài về lòng kính sợ Thiên Chúa ngay từ những ngày ngài còn thơ. Những tiến bộ trên đường học vấn của Guala làm cho cha mẹ hy vọng nhiều về tương lai của ngài. Họ đã không bị thất vọng. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến chuyện Thiên Chúa sẽ chọn gọi con trai mình và sử dụng tài năng hiếm thấy của đứa con ấy.

Có lẽ vào năm 1219, Guala lần đầu tiên được nghe thánh Đa Minh giảng. Nhờ được cuốn hút bởi lời giảng và đời sống của cha Đa Minh, mà khi thánh Đa Minh chuẩn bị cho việc thành lập Dòng tại vùng Bergamo, chính cậu Guala là một trong những người Bergamo đầu tiên đến tìm hiểu Dòng. Guala đã được nhận áo dòng từ chính tay thánh Đa Minh. Sau này, nhờ trung thành với ơn gọi của mình và đáp lại những huấn thị nhận được từ vị tổ phụ, ngài đã tiến bộ mau chóng về đường nhân đức cũng như những phẩm tính cần thiết cho vai trò lãnh đạo.

Người được thánh Đa Minh tin tưởng

Nơi Guala có gì đó đặc biệt đã khiến cho cha Đa Minh chú ý, nên thánh tổ phụ đã cắt cử ngài vào chức vụ tu viện trưởng tại một tu viện ở Bergamo vừa mới thành lập. Cách quản trị của ngài đã mang lại cho cộng đoàn sự thoải mái. Chính quyền địa phương tạo thuận lợi nhất cho cộng đoàn này. Người điều hành mọi việc trong đường lối thánh thiện chứ không phải quản lý theo tính thực dụng.

Có lẽ vì lý do này mà thánh Đa Minh đã sai chân phước của chúng ta đến Bologna, và bổ nhiệm ngài cùng với ba hoặc bốn anh em khác phụ trách việc thiết lập nữ đan viện thánh Agnes cho các chị em Đa Minh trong thành phố này. Tuy nhiên, dự phóng này gặp phải cản trở từ phía gia đình chân phước Diana d’Andalo, vì thế mà Guala phải trở về cộng đoàn ở Bergamo. Ngài trở về chưa được bao lâu thì thánh Đa Minh, sau khi thiết lập thêm tu viện tại Brescia, đã cắt cử chân phước Guala làm Tu viện trưởng tiên khởi cho tu viện tại đây.

Những bổ nhiệm công việc khác nhau này không chỉ cho thấy thánh Đa Minh quý mến và tin tưởng vào khả năng của cha Guala; nhiều lần khác, thánh Đa Minh còn chọn Guala làm bạn đồng hành trong các hành trình giảng thuyết của mình. Do đó, thật thích hợp khi Chúa mạc khải cái chết của thánh Đa Minh cho người bạn tâm phúc này hơn bất cứ môn đệ nào khác của thánh Đa Minh. Ngày hôm đó, chính xác là ngày 06/8/1221, cha Guala nhận được một thị kiến. Chính chân phước Giođannô Saxônia đã thuật lại trong quyển Libellus của mình.

“Vào đúng ngày và giờ cha Đa Minh mất, anh Guala, Bề trên Brescia, sau này là giám mục của thành phố ấy, đang ngồi nghỉ dưới tháp chuông của tu viện. Khi anh bắt đầu thiếp đi thì thấy thấy trời rộng mở, từ đó có hai chiếc thang sáng rực bắc xuống đất. Đức Kitô đứng tại đầu một chiếc thang, và Đức Maria đứng tại đầu chiếc thang còn lại. Các thiên thần lên lên xuống xuống trên hai chiếc thang ấy. Phía dưới hai chiếc thang ấy, và ở khoảng giữa có một người trông như một tu sĩ của Dòng đang ngồi, khuôn mặt bị mũ đầu che khuất, giống như chúng ta vẫn quen làm khi an táng một anh em qua đời. Đức Kitô Chúa chúng ta và Thân Mẫu Người từ từ kéo chiếc thang lên cho tới khi vị tu sĩ ngồi phía dưới kia lên tới chỗ các vị. Sau đó, vị tu sĩ ấy được đón vào thiên đàng, trong một đám mây sáng rực, giữa ca đoàn các thiên thần.”

(Trích từ Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, số 95)

Sau này, khi trở về Bologna sau khi thánh Đa Minh qua đời, ngài mới biết vị tu sĩ trong thị kiến kia chính là thánh Đa Minh, bởi ngay lúc ngài nhận được thị kiến, thánh Đa Minh được Chúa rước về trời.

Sau khi thánh Đa Minh về với Chúa, cha Guala càng chứng tỏ mình đích thực là người được thánh tổ phụ tin tưởng trong ơn gọi giảng thuyết. Ngài tỏ lộ sự chín chắn, khả năng phán đoán chính xác và khôn ngoan hiếm có, vốn là hoa trái của việc học hỏi lâu năm. Mọi người đều quý mến ngài, nhất là anh em Đa Minh. Anh em kính trọng ngài vì đời sống mẫu mực, vì lối cư xử không thiên tư, và vì sự nhiệt tâm trong việc tuân giữ kỉ luật tu trì. Lòng trắc ẩn của ngài còn là một tấm gương sáng, đặc biệt ở Brescia là nơi ngài giúp đỡ rất nhiều người trong suốt những năm xảy ra nạn đói nghiêm trọng.

Người được Đức giáo hoàng tin tưởng

Do đó vào năm 1226, khi chức Tu viện trưởng tại cộng đoàn Nicolas della Vigne bị khuyết, cộng đoàn đã bầu cha Guala vào vị trí đó. Trong thời gian này, Bologna và Moderna gây chiến với nhau. Đức Giáo hoàng Honorius III đã bổ nhiệm cha Guala làm đặc sứ Tòa Thánh nhằm hòa giải mâu thuẫn giữa hai thành phố này. Nhờ tài khéo hòa giải của ngài, không những sự xung khắc được giải quyết và những ác cảm được xoa dịu, mà còn một thỏa ước hòa bình đã được thỏa thuận trong vòng mười năm.

Những thành công trên đã làm cho Tòa Thánh tin tưởng mà ủy thác cho ngài nhiều sứ vụ quan trọng và đầy chông gai hơn nữa. Vừa lên ngôi giáo hoàng, Đức Gregory IX đã chọn cha Guala làm đặc sứ của ngài bên cạnh vua Frederic II, với trách nhiệm khuyến dụ hoàng đế giữ lời hứa chưa được thực hiện, đó là đi giải cứu các Kitô hữu bên Thánh Địa. Bên cạnh đó, ngài còn giữ vai trò thúc đẩy sự hòa giải giữa liên minh Lombardy với hoàng đế. Hoàng đế và liên minh này không những không tin tưởng nhau mà còn thù địch nhau đến mức gây chiến liên tục. Nhưng những nỗ lực cùng tài khéo của cha Guala đã cứu vãn được tình thế khi giúp hoàng đế công khai nói lời xin tha thứ đối với kẻ thù của mình. Nhờ vậy mà danh tiếng của ngài ảnh hưởng toàn vùng Lombardy.

Sự khôn ngoan, tài phán đoán và lòng trắc ẩn của ngài đã chiếm trọn trái tim mọi người. Họ tin rằng, sự hiện diện của chân phước là nguồn ơn phúc, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nỗi khát mong mãnh liệt này được thể hiện khi đức cha Albert Razzati, giám mục Brescia, qua đời. Đó là vào năm 1229, mọi người đã dường như lập tức xin Tòa Thánh bổ nhiệm cha Guala làm giám mục của họ. Như bao anh em Đa Minh khác, điều này không mang lại niềm vui cho cha Guala. Trong sự khiêm nhường, ngài luôn nghĩ chức giám mục luôn quá sức với mình. Ngoài ra, là người Đa Minh, ngài yêu mến sự tĩnh lặng trong nội vi tu viện. Ngài đã tìm mọi cách để thoái thác. Ngài nghĩ rằng, tình thân hữu với Đức Giáo hoàng có thể giúp ngài tránh việc đón nhận chức vụ này. Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại, và cuối cùng ngài phải vâng phục trước lời mời gọi của Giáo hội.

Với vai trò mục tử, đức cha Guala đã giải phóng giáo phận của ngài khỏi sự tranh chấp giữa Guelfi và Ghibelli. Năm 1238, khi quân lính vây hãm thành phố Brescia, với tài năng và kinh nghiệm của mình, đức cha Guala đã đứng ra van nài mọi người quên đi quá khứ, và chỉ nhớ một điều, dù là phe nào thì cũng mắc nợ quê hương và mắc nợ sự tự do của người dân. Bên cạnh đó, ngài luôn tỏ ra cảm thông được những lý lẽ của đôi bên, tìm cách đáp ứng những nhu cầu chính đáng và đồng thời, cũng thẳng thắn chống lại những mưu đồ bá quyền của hai bên. Nhờ những nỗ lực của đức cha Guala mà hai bên tranh chấp đã chấp nhận rút quân và tránh việc đầu rơi máu chảy. Đức Gregory IX ghi ơn ngài, dân chúng không ngớt ca ngợi ngài. Hai bên đối địch đã được giải hòa và xích lại gần nhau. Ughelli từng nhận xét: “Guala đã soạn thảo một hiệp ước hòa bình giữa hai phe Guelfi và Ghibelli ở Brescia để làm cho hai bên thân thiện. Sau đó, họ không còn tàn phá quê hương nữa. Ngài đã không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào để đưa hoàng đế Frederic II xích lại gần Đức Giáo hoàng”.

Điều khiến cho ngài có thể thành công vang dội như thế có lẽ là lòng kính sợ Chúa mà ngài đã được bố mẹ giáo dục từ nhỏ. Trong những xung đột, người ta luôn vì lợi ích riêng, còn ngài, đức cha Guala, chỉ vì Chúa mà thôi. Lòng kính sợ Thiên Chúa làm cho ngài nên kiên nhẫn và thẳng thắn. Lòng kính sợ Thiên Chúa giúp ngài đặt lợi ích của đoàn chiên lên trên hết. Dù bị vây hãm nhiều tháng liền, nhưng dân thành Brescia vẫn có thể sống trong bình an.

Sau 10 năm dẫn dắt giáo phận Brescia, ngài được Đức Giáo hoàng cho từ nhiệm và trở về với đời sống tĩnh lặng trong tu viện. Ngài đã dành phần đời còn lại của mình để sống cầu nguyện, hãm mình tại đan viện Mộ Thánh ở Astino. Các sử gia vẫn cho rằng, ngài qua đời vào năm 1244, nhưng về ngày tháng thì không chắc, nhưng với việc mừng kính ngài hiện nay được ghi trong lịch phụng vụ riêng của Dòng Đa Minh, thì có lẽ nhiều sử gia nghiêng về giả thiết rằng ngài qua đời vào ngày 03/9/1244. Phần mộ của ngài hiện đặt ở nhà thờ Mộ Thánh của dòng Biển Đức tại Astino. Trên phần mộ ấy có ghi: Beatus Guala, Episcopus, cujus ossa hae in arca quiescunt – Chân phước Guala, giám mục, thân xác ngài được cất giữ bên trong. Ngày 01/10/1868, Đức Piô IX chuẩn y việc tôn kính ngài như là một chân phước.

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com