Mùa hè của chúng tôi ở vùng đất Rờ Kơi

13-08-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1965 lượt xem

Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã đưa ra lời mời gọi cho các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 18,19-20). Lệnh truyền của Thầy Giêsu luôn thúc giục chúng tôi tiến bước trên con đường dâng hiến của mình. Trong dịp hè vừa qua, anh em chúng tôi được giao cho sứ vụ tông đồ tại vùng đất Kon Tum, là một trong những điểm truyền giáo của Dòng Đa Minh. Tuy hành trang trong người chưa đầy đủ để rao truyền Lời Chúa, nhưng anh em chúng tôi vẫn vui mừng lên đường để học hỏi thêm nhiều điều, nhằm chuẩn bị cho hành trang ơn gọi của bản thân.

Một tháng không phải là dài nhưng cũng đủ để cho anh em chúng tôi có được những trải nghiệm  thú vị về mùa hè tông đồ tại điểm truyền giáo của Dòng – Giáo xứ Rờ Kơi. Trước khi nhận sứ vụ tông đồ, cả hai chúng tôi đều có cùng một cảm giác bồn chồn lo lắng. Nhưng rồi mọi việc diễn ra tốt đẹp dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Giáo xứ Rờ Kơi là một giáo xứ nằm phía bắc của Huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Kon Tum. Giáo xứ nằm sâu trong rừng, chúng tôi phải đi trên một con đường dài và băng qua nhiều đèo núi. Khu vực giáo xứ có khoảng sáu nghìn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào Hà Lăng với ngôn ngữ riêng. Có khoảng hai nghìn người Công giáo, còn lại là Tin Lành và lương dân. Điều kiện sống khó khăn, rất nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà xập xệ và tạm bợ được dựng bằng tôn và gỗ. Tuy nghèo nàn nhưng tình làng nghĩa xóm, tình người vẫn rất mặn nồng.

Ngày đầu tiên chúng tôi bước chân đến Giáo xứ là một buổi chiều tối, vừa lúc bà con giáo dân đi lễ về. Tuy lạ lẫm nhưng chúng tôi vẫn được mọi người đón tiếp một cách nồng nhiệt. Từ cái chào thầy nghe với giọng điệu lơ lớ do phát âm tiếng Việt không chuẩn tới những cái bắt tay thân mật của mọi người, điều này làm cho anh em chúng tôi thấy ấm áp trong lòng khi nhận thấy tình thương yêu của giáo dân dành cho những người dấn thân theo Chúa. Và hình ảnh ấn tượng đầu tiên với anh em chúng tôi là những bộ đồ mà các cụ ông cụ bà khoác trên mình để tham dự thánh lễ. Những bộ đồ đó đã cùng bà con trải qua nhiều gian lao trong cuộc sống nên cũng không còn giữ được chất đẹp của sợi vải nữa, nhưng nó lại là những bộ đồ đẹp nhất mà các bác có.  Điều này làm tôi nhớ đến lời nói của Chúa Giêsu: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).

Đây là lần đầu tiên anh em Thỉnh sinh chúng tôi đến với bà con Giáo xứ nên việc tổ chức lớp học cho các em còn nhiều hạn chế. Nhiều em nhỏ ở các làng xa không đến để tham gia lớp học được, chủ yếu là các bạn nhỏ thuộc làng gần nhà xứ. Vì các em có lớp học văn hóa riêng theo từng khối nên công việc chủ yếu của anh em chúng tôi là dạy Anh Văn, vi tính và toán cho các em nhỏ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các em vẫn đến lớp đông đủ để tham gia lớp học. Đây là động lực để anh em chúng tôi hăng say phục vụ. Do không có điều kiện học tập, nhiều em bị mất kiến thức cơ bản. Dù đã học lên cấp hai, nhiều em vẫn chưa thuộc bảng cửu chương, thậm chí chưa có khái niệm về nhân và chia. Còn máy vi tính thì hầu như các bạn  chưa được tiếp xúc nhiều. Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi cũng chỉ giúp các em có khái niệm về việc tính toán, bảng cửu chương, chỉ cho các em các bước thực hành cơ bản để sử dụng máy tính. Anh Văn cũng chỉ ở mức đọc bảng chữ cái, đọc số, hay một số từ vựng cơ bản. Mong rằng những kiến thức nhỏ bé của chúng tôi giúp sức nhiều cho các em trên con đường học hành sau này.

Lớp học văn hóa hè tại Giáo xứ

Ngoài thời gian dạy học, chúng tôi cũng đã có dịp đến thăm một số gia đình trong giáo xứ để cảm nhận nhiều hơn về đời sống thường ngày của bà con. Hầu hết các gia đình đều thuộc diện khó khăn, cơm ăn không đủ ba bữa, áo mặc không đủ ấm. Bữa cơm gia đình thì rất đạm bạc, chỉ có cơm với món canh hay với lá mì. Chính vì điều này mà nhiều bạn trẻ chỉ được ăn uống một ngày có hai bữa, chủ yếu là sáng và chiều, còn giờ trưa thì các em nhịn đói. Nhiều người không dám mời các thầy hoặc các cha đến nhà vì ái ngại về hoàn cảnh gia đình, hay vì sợ điều này điều kia. Qua tìm hiểu về gia cảnh, chúng tôi mới thấm thía được cái khổ của bà con. Công việc chủ yếu là nghề nông nên thu nhập không ổn định. Hơn nữa, vì kiến thức khoa học chưa được ứng dụng vào đời sống nên phương pháp canh tác còn lạc hâu, năng suất cây trồng còn rất thấp. Địa bàn xa thành phố là một khó khăn cho bà con khi sản phẩm tạo ra không tiêu thụ được, điều này cũng dẫn tới việc chăn nuôi không phát triển. Hàng ngày, để đảm bảo sức khỏe, bà con thường đến nhà thờ lấy nước lọc về uống, còn mọi sinh hoạt tắm giặt thì phụ thuộc vào dòng suối trước làng. Nguồn nước này cũng không còn được an toàn khi thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phổ biến. Mặc dù bà con đều nhân ra điều này nhưng không còn sự lựa chọn nào khác khi kinh phí không đủ để tìm nguồn nước ngầm.

Gia cảnh của một gia đình trong Giáo xứ

Anh em chúng tôi cũng được cha quản xứ cho biết thêm nhiều điều về đời sống đức tin của bà con nơi đây. Trước kia, vì điều kiện đi lại khó khăn, các linh mục ít ỏi, nên đời sống đức tin của giáo dân không được mặn mà cho lắm. Nhiều người đã từ lâu không đến nhà thờ vì đường xá xa xôi. Do chiến tranh, nhiều phải di cư và không có điều kiện thực hành đức tin nữa.  Một số khác vì công ăn việc làm đã bỏ đạo. Nhiều người dù theo đạo, nhưng vẫn tin vào các thần gọi là “Tiệu Giang” (thần núi, thần nước). Nhiều bạn trẻ không muốn đến nhà thờ, vì cha mẹ khô khan, nên cũng không thể thúc giục con cái. Hiện tại, quý cha và quý thầy đang thực hiện kế hoạch phát phiếu nhận quà khi đi nhà thờ để khuyến khích bà con đến nhà thờ. Tuy việc làm này có phần hơi tiêu cực khi mục đích đến nhà thờ chưa hoàn toàn là để thờ phượng Thiên Chúa nhưng cũng là cách tốt để quy tụ giáo dân đến nhà thờ để rao giảng Tin Mừng. Trong thời gian vừa qua, chúng con cũng được hưởng niềm chung vui với giáo xứ khi có nhiều người trở lại đạo. Nhiều ông bà đã lấy nhau rất lâu nhưng chưa được làm phép cưới. Qua sự hướng dẫn và mời gọi của quý cha, cũng như quý sơ Dòng Đa Minh Tam Hiệp, nhiều người đã đến nhà thờ để lãnh nhận các bí tích. Vẫn còn nhiều người dù đã rửa tội, nhưng sống khô khan, nguội lạnh với đạo nghĩa, vì vậy rất thêm nhiều nhà truyền giáo nữa để đem họ trở về với đời sống đức tin.

Những tín hữu quay trở về với Chúa

Đây cũng là điều mà mỗi mục tử của Chúa cần quan tâm, và cũng là điều mà anh em chúng tôi đang thao thức trong lòng về đời sống tu trì của bản thân, với ý hướng đem Chúa đến với mọi người. Nhưng làm sao để thực hành Lời Chúa, đó là việc làm hiện tại mà chính bản thân mỗi người phải tìm ra câu trả lời. Qua tháng hè này, chúng tôi đã thu được nhiều kinh nghiệm và bài học thực tế về việc rao giảng Tin Mừng. Chúng tôi biết bản thân còn nhiều thiếu sót nên việc quay trở lại Thỉnh viện để tiếp tục đào luyện bản thân là điều cần thiết cho sứ vụ tương lai. Nguyện xin Chúa ban nhiều ơn lành xuống trên quý cha, quý thầy, quý sơ đang mục vụ ở Giáo xứ để công cuộc truyền giáo ngày càng phát triển. Chúng con cũng xin Chúa ban nhiều ơn trên xuống cho bà con Giáo xứ Rờ Kơi để bà con vững vàng trong đức tin.

Thanh Khương – Văn Nghi
Nhóm sứ vụ tháng 7 tại Gx. Rờ-Kơi – Gp. Kon Tum.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com