Một Cuộc Viếng Thăm

15-04-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2780 lượt xem

Cha Bruno Cadoré, OP., Tổng quyền và cha Gerard Timoner, OP., Phụ tá Đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp gỡ các anh em Thỉnh sinh Đa Minh Việt Nam, ngày 10 tháng 4 năm 2019. (Xem thêm hình ảnh ở cuối bài).

Lời mở đầu

“Một cuộc viếng thăm” là cụm từ cha Gerard Timoner, OP. (Phụ tá Tổng quyền Đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương) dùng để mô tả cuộc gặp gỡ của cha Tổng quyền Bruno Cadoré, O.P. với anh em Thỉnh sinh chiều ngày 10/4/2019.

Cha Phụ tá mở đầu bằng việc nhắc lại mầu nhiệm Vui, ngắm thứ hai. Đó là sự kiện Đức Maria đến thăm bà Elizabeth. Noi gương Đức Mẹ, các tu sĩ Đa Minh cũng phải là những người sẵn sàng mang Chúa đến với mọi người một cách vui tươi để chính họ cũng có thể cảm nhận được niềm vui vì có Chúa ở cùng. Do đó cuộc viếng thăm của cha Tổng quyền như đang thi hành sứ vụ giảng thuyết của mình, là chia sẻ niềm vui dâng hiến cho anh em Thỉnh sinh, những người đang chập chững trên con đường tu trì.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra sôi nổi và ý nghĩa. Anh em đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở cùng hai cha. Trong tình thân ái, hai cha đã cởi mở, dùng chính kinh nghiệm đức tin cá nhân để gợi ý cho anh em những cách thế để đời sống tu trì theo đặc sủng Đa Minh nơi anh em sinh nhiều hoa trái. 

Hành trình ơn gọi: Tìm kiếm ý Chúa

Bắt đầu cuộc trao đổi, sau khi được ngỏ ý, hai cha đã sẵn lòng lắng nghe câu chuyện về hành trình ơn gọi của một số anh em. Các cha đã ngạc nhiên về việc Thánh Ý Thiên Chúa thật nhiệm mầu khi Người liên tục có nhiều sáng kiến để làm mới ơn gọi tu trì trong Giáo hội, cụ thể tại Việt Nam. Đáp lại, hai cha đã cởi mở chia sẻ câu chuyện ơn gọi riêng của các ngài.

Cha Phụ tá chia sẻ, việc cha trở thành tu sĩ Đa Minh chỉ là một chuyện tình cờ. Nhờ được học tại trường Santo Domingo, được tiếp xúc với các tu sĩ Đa Minh tại đây, mà cha đã được Chúa dẫn dắt từ cửa trường Đại học Santo Domingo đến cửa dòng thánh Đa Minh. Với những trải nghiệm này, cha kết luận: “Tôi đã có nhiều dự định. Và anh em cũng sẽ có dự định hay ý muốn riêng. Chúng ta cầu nguyện nhiều cho những dự định, ý muốn đó. Thiên Chúa sẽ đáp lời, nhưng không phải theo cách tôi hay anh em muốn, mà theo cách Chúa muốn.”

Chia sẻ với anh em, cha Tổng quyền nói: “Khao khát duy nhất của tôi khi trở thành một tu sĩ Đa Minh chính là tìm kiếm sự kết nối giữa Thiên Chúa với thực tại cuộc sống này”. Chính bầu khí các cộng đoàn Đa Minh, nơi cha vẫn hay lui tới để cầu nguyện, đã dần giúp cha khám phá ra sự nối kết đó. Cha còn kể, chỉ ba ngày sau khi tuyên khấn lần đầu, cha được chỉ định sang Haiti. Lúc đó cha rất buồn. Nhưng nhờ sự đón tiếp của cộng đoàn tại đây và việc sống cùng người nghèo, cha có cơ hội đào sâu hơn ơn gọi đời mình. Rồi khi quay về Pháp hai năm sau đó, cha đã xin ở lại Haiti, nhưng cha Giám tỉnh không đồng ý. Cha đã kiên trì với ý muốn này trong sáu, bảy năm nhưng các vị Giám tỉnh sau đó vẫn không chấp thuận. Mãi sau này, cha mới nhận ra được, các ngài đã đúng. Với những trải nghiệm này, cha khẳng định: “Điều quan trọng không phải là ta muốn làm gì, nhưng là Dòng muốn ta làm gì. Và đó là ý Chúa.”

Tình huynh đệ chính là cốt lõi sứ vụ giảng thuyết

“Từ “Anh em” trước hết chính là một lời chứng tá cho sứ vụ giảng thuyết của các tu sĩ Đa Minh”. Cha Phụ tá đã khẳng định như thế khi trả lời câu hỏi của một anh em về điều cốt lõi nhất trong sứ vụ của Dòng Đa Minh.

Tiếp lời cha Phụ tá, cha Tổng quyền nói: “Không bao giờ chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu gọi người khác là “các con thân mến”. Thực tế, trong bản văn Kinh Thánh, chúng ta vẫn tìm thấy đâu đó những chỗ Người gọi các môn đệ là “các con”. Nhưng đó là các con của Chúa Cha, chứ không phải là con của Chúa Giêsu.” Cha cũng đã nhắc lại cho anh em về ý muốn của thánh phụ Đa Minh từ những ngày đầu khi cha thánh bắt đầu thành lập cộng đoàn những người giảng thuyết. Cha thánh từng nói: “Anh em đừng gọi tôi là Bề trên, dù tôi có đang là Bề trên thật. Hãy gọi tôi là anh Đa Minh”. Cha Tổng quyền nói: “Như vậy, từ ban đầu, cha Đa Minh đã muốn các tu sĩ của Dòng phải cố gắng trở thành một người anh em ngay trên chính con đường trở thành một nhà giảng thuyết. Điều này phải diễn ra song song. Do thế, tình huynh đệ chính là cốt lõi của sứ vụ giảng thuyết.”

Để sống được tình huynh đệ này, cha Tổng quyền nhấn mạnh, “điều quan trọng nhất, cũng như khó nhất, không phải là nói, mà là nghe. Là huynh đệ với nhau, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe anh em để biết được nhu cầu của họ.”

Anh em Trợ sĩ chính là sứ giả của đời sống huynh đệ

Một anh em đã đặt vấn đề về khoảng cách giữa anh em Tư giáo và anh em Trợ sĩ. Về điểm này, cha Tổng quyền thừa nhận: “Nhiều anh em Tư giáo rất kiêu ngạo. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong sứ vụ giảng thuyết, nhất là đối với đời sống huynh đệ. Mà chính nếp sống huynh đệ lại là cốt lõi của sứ vụ giảng thuyết. Một cách nào đó, những anh em đó đang đi ngược lại với những gì mình đã lãnh nhận”. Cha còn cho biết, tình trạng này còn biến tướng thành tham vọng để đạt được một vị trí trong Giáo hội hay nơi xã hội bằng chức Linh mục. Tuy nhiên, vị trí duy nhất mà tất cả anh em trong Dòng, dù cho đó là Linh mục hay Trợ sĩ, tìm kiếm chính là việc trở thành huynh đệ cho mọi người, nhất là đối với những người nghèo khó và đau khổ. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm như vậy, và dạy các môn đệ, vị trí duy nhất mà các ông cần tìm kiếm chính là vị trí của chính Thiên Chúa giữa thế giới này.  

Góp thêm lời, cha Phụ tá nói: “Phải nói rõ điều này. Ngay cả chúng tôi, cho dù chúng tôi có là linh mục đi chăng nữa, chúng tôi vẫn là anh em với mọi người. Chính anh em Trợ sĩ sẽ nhắc nhở những anh em Linh mục về điều đó. Anh em Trợ sĩ là lời cảnh tỉnh cho anh em Tư giáo phải sống đúng với ơn gọi là anh em Đa Minh”

Lời kinh Mân Côi chính là một lời giảng thuyết

Để trả lời câu hỏi của một anh em về vai trò của kinh Mân Côi, cũng như của ĐứcMaria trong sứ vụ giảng thuyết của Dòng, cha nhấn mạnh: “Đối với người Đa Minh, chuỗi Mân Côi chính là cách chúng ta đặt lời giảng thuyết của mình vào trong trường học của Đức Maria. Chính lời kinh Mân Côi, chính mỗi mầu nhiệm ta suy niệm là một lời giảng truyền Lời Chúa”. Cha nói: “Mỗi mầu nhiệm là một cánh cửa giúp ta có thể gặp gỡ Chúa, và lắng nghe Người. Mỗi lần ta đọc kinh Mân Côi là mỗi lần ta để cho chính Chúa giảng thuyết cho ta. Mặt khác, chính Đức Mẹ là cầu nối giữa ta và Thiên Chúa. Mỗi khi lặp đi lặp lại lời kinh này, ta theo bước chân của Đức Mẹ trên hành trình theo Chúa.”

Bên cạnh đó, cha đã liên kết việc cầu nguyện với việc học hành. Cha nhắc lại sự kiện thiếu niên Giêsu ngồi đối thoại với các bậc thầy Do Thái. Qua đó, Chúa Giêsu muốn chúng ta, được so sánh với các bậc thầy Do Thái, những người đã học hỏi nhiều về Thiên Chúa, phải đối thoại, và thảo luận với Chúa. Trong trình thuật này, có một sự tương phản đáng kể, giữa trí khôn của một thiếu niên với sự thông thái của những người già. Thánh Luca ghi: “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (c. 47). Cha Tổng quyền nhấn mạnh: “Đang khi học hành, anh em hãy cầu nguyện, nhất là cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, vì Thiên Chúa muốn anh em thảo luận những gì anh em đã học với Người”. Quả thế, Chúa Giêsu “ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (c. 46).

Hãy vui lên!

“Hãy vui lên!” Đó chính là lời nhắn nhủ cuối cùng cha Tổng quyền để lại cho anh em Thỉnh sinh như một món quà tinh thần. Một số anh em đã hỏi cha: “Anh em Thỉnh sinh cần chuẩn bị gì cho việc thi hành sứ vụ trong tương lai?” hay “Cha mong muốn điều gì nơi anh em Thỉnh sinh Việt Nam?” Cha đều nhấn mạnh: “Hãy vui lên!” Chính niềm vui đó chứng thực cho người ta thấy, đây là những người có bình an nội tâm, và Chúa thực sự hiện diện nơi trái tim những người này. Sứ vụ giảng thuyết của tu sĩ Đa Minh không gì khác hơn chính là rao truyền Lời Chúa, Lời của niềm vui, và chính Lời đó là niềm vui viên mãn. Cha cũng không quên nhấn mạnh, chính việc cầu nguyện, học hành, sống cộng đoàn, làm tông đồ sẽ hun đúc niềm vui nơi các anh em Đa Minh. Thiếu các chiều kích ấy, đời tu Đa Minh sẽ nên trống vắng, thậm chí tâm hồn sẽ thành trống rỗng. Vô hình trung, đời tu như vậy đúng là một bi kịch.

Để kết thúc buổi gặp gỡ kéo dài hơn hai tiếng,  cha Tổng quyền mời gọi anh em cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện:

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ các nhà giảng thuyết;
Nhờ lời chuyển cầu của thánh Đa Minh cùng tất cả các thánh trong Dòng;
Và nhờ lời chuyển cầu của các thánh tử đạo tại Việt Nam;
Xin Chúa giúp anh em cảm nghiệm được niềm vui trong cuộc đời dâng hiến;
Xin Người ban cho anh em khả năng phân định đâu là điều Chúa muốn nơi anh em;
Xin Chúa chúc lành cho gia đình, những người thân quen, bạn bè và đất nước của anh em;
Xin Người ban cho ta sức mạnh của niềm hy vọng và sự tin tưởng, cũng như niềm khao khát, nhờ Người, trở nên anh em với nhau và nhờ anh chị em mình, trở nên con cái của cùng một Cha, Đấng là Cha của thầy Giêsu;
Xin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh em. Amen.

__Ban Văn Hoá Thỉnh Viện__

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com