Lời Thì Thầm Của Tạo Vật

29-11-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3493 lượt xem

Đức Thịnh

Hãy mở lòng ra lắng nghe những câu chuyện của vạn vật để từ đó ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những kì công của Thiên Chúa và cảm nhận tình yêu của Người luôn ấp ủ đời ta… Một cách riêng tư đây là những hoài niệm trong quá khứ, lời tự sự của hiện tại và mong ước về tương lai của chính tác giả muốn gửi gắm đến một người đặc biệt, đặc biệt đến nổi không ngôn từ và ngòi bút nào có thể diễn tả được.

Cây Đèn Dầu Kể Chuyện

Những tia nắng ban mai ấm áp nhẹ nhàng xuyên qua từng kẽ lá, báo hiệu cho muôn loài một ngày mới lại bắt đầu. Đã đến lúc cần phải kiếm ăn để làm đầy cái bụng rỗng tuếch sau một đêm dài say giấc. Lá cây sẽ cần đến ánh sáng để tổng hợp nguồn dinh dưỡng, ánh mặt trời sẽ là trợ thủ đắc lực cho những cuộc săn mồi đầy vất vả. Làm sao những hàng thông xanh mướt kia có thể khỏe khoắn vươn mình lên cao để ngày đêm rì rào, hòa cùng gió hát những bản tình ca muôn thuở; làm sao chim trời, cá biển và muông thú có thể sinh sôi nảy nở nếu ánh sáng tự muôn đời đã chẳng hề chạm tới chúng?!

Con người chắc hẳn cũng thế nhỉ? Họ cũng cần ánh sáng để “sớm tinh mơ tiếng gà gọi cha vác cuốc ra đồng”. Để các mẹ, các cô, các dì hàng xóm cười cười nói nói cùng nhau ra chợ mua cái này, bán cái nọ cốt là để lo “cơm áo gạo tiền” cho gia đình. Mặt trời lên cũng là lúc lũ trẻ con trong làng tụ họp lại để xuống ao mò cua, bắt ốc, chơi keo, chơi ú tìm cho đến tận xế tà vẫn chưa chịu “rã đám”. Dẫu cho màn đêm có buông xuống thì con người vẫn cần đến ánh sáng để có thể sinh hoạt dễ dàng hơn, và thế là đèn dầu được phát minh nhằm giúp họ làm điều ấy.

Đấy! Họ nhà đèn của chúng tôi được ra đời như thế, dông dài mãi cũng là có ý đồ hết cả. Thôi thì chúng ta tạm gác qua những việc liên quan đến con người đi, khá là nhức đầu. Thay vào đó tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc đời của tôi – một chiếc đèn dầu khá may mắn trong vô vàn những chiếc đèn dầu…

Kể từ ngày được bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề kia hoàn tất cho những chi tiết cuối cùng trên cơ thể, thì cũng là lúc tôi được xếp vào chung hàng với những chiếc đèn dầu khác, và tất nhiên là họ cũng đã “tươm tất sạch sẽ”. Tôi đảo mắt nhìn một lượt thì thấy rằng các cây đèn khá giống nhau từ chân, bầu đựng dầu, đến chụp đèn, thậm chí là cái núm vặn cũng giống, có khác chăng là khác ở trái tim – sợi bấc, có cái ngắn, cái dài.

Những ngày ở trong kho, tôi nghe kể nhiều về những chiếc đèn được xuất xưởng trước. Mỗi chiếc đèn là một câu chuyện phiêu lưu được viết nên và truyền lại trong khắp các ngỏ ngách của cái kho này.

Họ đèn dầu nhà chúng tôi là vật dụng sinh hoạt dùng để thắp sáng không thể thiếu trong mỗi gia đình ở miền quê ngày trước. Cái nền kinh tế tự cung tự cấp ngày xưa, nhất là ở các vùng quê xa xôi thì lấy đâu ra như thị thành mà có đèn điện sáng trưng cơ chứ. Đêm về bóng tối dày đặc, leo lét những ngọn đèn đốt bằng dầu mù u, hay mỡ heo thắng. Sau này, có dầu lửa, đèn cháy sáng hơn, ít khói hơn. Những chiếc đèn đã thức cùng mẹ, cùng bà bao đêm để sàng gạo hay may vá áo quần cho con trẻ. Ngày làm đồng, cơm nước đâu còn thời gian, tối về chong đèn thao thức… Những chiếc khác lại thực hiện nhiệm vụ như một nhân chứng cho công lao khổ luyện của các cô, cậu học trò thuở còn cắp sách đến trường để thành người hữu dụng. Nhưng với riêng tôi, tôi lại thích những cuộc phiêu lưu hơn là đứng yên một chỗ. Đêm đến, sau những cơm mưa đầu mùa ào ạt như trút nước, tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng. Lúc này tôi ước gì mình được cùng với con người đeo giỏ tre ra đồng bắt ếch, nhái và đón cá lên. Cả cánh đồng nhấp nháy ánh đèn khi mờ, khi tỏ…

* * *

Rồi một ngày kia, như thường lệ, tôi vẫn đang nghe ngóng những câu chuyện của mấy người anh em đi trước thì ông chủ đến. Ông ta nhẹ nhàng xếp tôi cùng với sáu cái đèn khác vào một chiếc hộp giấy vẫn còn ám đầy mùi thuốc tẩy ở xưởng gia công rồi lật đật đem chất lên xe. Thế là từ ngay cái khoảnh khắc ấy tôi thầm nghĩ, từ đây cuộc phiêu lưu của mình sẽ được bắt đầu.

Sau khoảng thời gian dài trong chiếc hộp chật hẹp, tối om và không có lấy một tia sáng, tất nhiên là cũng chẳng hề dễ chịu gì với cái mùi thuốc tấy thì cuối cùng tôi cũng được mang ra ngoài. Nhưng than ôi! Đây chẳng phải là cái bàn thiên ngoài trời, cũng chẳng phải bàn của mấy đứa học trò và lại càng không phải đồng ruộng sau mưa. Tin được không cơ chứ?! Nơi mà tôi được mang đến lại là một quán tạp hóa vẹo vọ, nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong góc một cái chợ cũng chẳng đẹp đẽ gì cho kham. Và thế là tôi vỡ mộng…!

Ngày này qua tháng nọ tôi vẫn cứ ở đấy – cái tiệm tạp hóa xiêu vẹo với hàng tá đồ mới, cũ chất chồng lên nhau thành từng đống. Khi thì tôi được đặt ra kệ trước, nhìn rõ từng chuyển động của nhịp sống phía ngoài mặt đường. Khi lại bị dẹp vào một góc trong cùng kế bên ô cửa sổ bằng tre đã mục gần hết để nhường chỗ cho mấy thứ hàng hóa mới khác. Thôi, tôi thì cũng chẳng tha thiết quan tâm đến mấy cái vị trí ấy mà làm gì.

Ở gần chợ nhộn nhịp là thế nhưng tôi vẫn mặc kệ. Ngày nào cũng vậy, tôi cứ đưa mắt để nhìn theo những chiếc lá già cỗi đang từ từ rơi rụng. Đôi lúc lại nghe thấy mấy người trong chợ to tiếng với nhau, tranh qua, cãi lại. Có hôm hiếu kì ngó ra xem thì tôi bắt gặp một người phụ nữ hàng cá đang quát tháo con mình, thi thoảng lại vung tay, múa chân. Nhìn kĩ hơn, đó là một người đàn bà to khỏe trạc ngoài bốn mươi với làn da đen nhẻm, đầu tóc rối xù được cột ra phía sau một cách hời hợt bằng mấy sợi dây thun đã ngã màu đen xì, hốc mắt sâu hoắm cộng với khuôn mặt đầy rỗ làm cho bà ta trông càng hung dữ hơn. Đôi lúc bị dạt ra bên cửa sổ thì mới thấy, ông chú chạy xe ôm phía bên kia là chồng của người đàn bà ấy. Cứ mỗi chiều, với vẻ mặt khó chịu sau khi đứng nói chuyện với nhau một hồi lâu người đàn ông ấy thò tay vào túi lấy ra mấy đồng bạc lẻ đưa cho người đàn bà, và sau đó cả hai lại tất bật dọn hàng về.

Vì chẳng được ai mua nên ngày qua ngày tôi vẫn ở cái quán tạp hóa ấy nhìn ngắm hết thứ này đến thứ khác với một tâm trạng lạc lõng, chán chường. Cho đến lúc này thì những ước mơ, những hoài bão về cuộc phiêu lưu của tôi đã tắt ngúm tự khi nào, có chăng mọi thứ chỉ còn là những suy nghĩ thoáng qua, lóe lên như một tàn lửa rồi vụt tắt trong vô vọng. Giờ đây, tôi chẳng mong gì hơn ngoài việc ai đó sẽ chịu mua mình về để thắp cho sáng nhà hoặc chí ít là thắp sáng cái bàn thiên ngoài trời thôi cũng được.

* * *

Buổi chiều. Hôm đó. Tôi mải mê nhìn mấy con chim sẻ ríu rít, nhảy nhót tưng bừng trên những khóm trúc đầu ngõ. Một bà lão bỗng đâu xuất hiện, chầm chậm bước tới đứng trước tiệm tạp hóa. Nom bà có vẻ kham khổ lắm. Chân bà mang một đôi dép cao su chẳng mấy lành lặn, nếu không muốn nói là rách nát, rách đến độ để lộ ra những ngón chân ốm yếu, khẳng khiu. Dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh của bà cũng chẳng vừa vặn với bộ bà ba xám tro rộng thùng thình trên người là mấy.

Kìa! Phải chăng những gánh rau, gánh đậu mà hằng ngày bà vẫn gánh rong ruổi khắp các con hẻm đã làm lưng bà còng xuống đến như thế, hay là do những quai gánh mang tên “gia đình”, “cơm áo”, “số phận” vẫn không ngừng đè nặng và vít chặt xuống con người khốn khổ ấy. Làn da bà nhăn nheo và đầy những đốm đồi mồi. Những nếp nhăn, những vết chân chim xuất hiện trên khắp khuôn mặt gầy gò, hốc hác của bà. Trộm nghĩ, đây có phải là khuôn mặt của một người phụ nữ đã trải qua cả một đời kham khổ, cực nhọc? Tuy vậy, ánh mắt của bà luôn tạo được nơi tôi một sự bình yên mỗi khi tôi nhìn vào. Bình yên, bình yên đến lạ…

Nhưng sao bà lại chằm chằm nhìn tôi thế kia? Bà muốn mua tôi chăng? Quả đúng thế rồi…

Bà lão cầm tôi trên tay rồi nhanh chóng rời đi. Nằm gọn trong lòng bàn tay của bà, tôi có thể cảm nhận được sự khô ráp, chai sạn từ đôi tay thô kệch, yếu ớt ấy. Nhưng chẳng hiểu sao đôi bàn tay ấy lại tỏa ra một làn hơi nồng nàn, ấm áp – thứ hơi ấm mà từ trước đến nay tôi chưa từng cảm nhận được dù cho có ở khá lâu trong xưởng hay ở tiệp tạp hóa. Về phần tôi lúc này thì nửa mừng nửa lo. Tôi mừng vì cuối cùng mình cũng đã thoát được cái tiệm tạp hóa buồn-hơn-con-chuồn-chuồn ấy, nhưng lại lo rằng cuộc đời của tôi lại lại chẳng khá hơn là mấy. Biết đâu lại phải tiếp tục nằm gọn trong một góc xó nào khác. Thôi thì tốt nhất là không hy vọng gì để khỏi vỡ mộng một lần nữa, tôi chán ngán cái cảm giác ấy lắm rồi.

Trời đã xế chiều, những tia nắng yếu ớt còn sót lại cũng dần tắt. Đang đi thì bà lão dừng lại và rẽ vào một cái cổng nhỏ. Chắc là tới nhà rồi, ngó bộ nhà bà cũng xa ấy nhỉ! Đi mãi một lúc lâu mới đến. Ơ kìa! Đây đâu phải là nhà bà cụ, là nhà thờ mà? Đúng hơn thì đó là một cái nhà nguyện nhỏ nằm trong khuôn viên thỉnh viện của một dòng tu. Bà lão bước vào bên trong, nhẹ nhàng đặt tôi bên dưới ngôi Nhà Tạm, bà quỳ gối một hồi lâu rồi lặng lẽ ra về. Đến đây thì chắc ai cũng hiểu là tôi sẽ làm gì rồi nhỉ. Đúng vậy, tôi đã được dâng lên cho Thiên Chúa để từ một cây đèn dầu từng va vấp, từng trải đời, tôi trở nên cây đèn chầu nhỏ bé dưới chân của Người. Cuối cùng thì ước mơ cháy sáng của tôi cũng thực hiện được.

* * *

Tôi ở đây cũng lâu, lâu lắm, lâu đến độ tôi đã không còn nhớ mình ở đây từ khi nào mà chỉ nhớ rằng tôi đã cháy, đã sáng liên tục hết năm này qua tháng khác. Vì quá nhỏ bé nên chắc ít người để ý đến, ngoại trừ những lúc vì mệt mỏi mà tôi “ngủ gục” thì mới có người đến “thức” dậy. Đôi lần tôi thầm nghĩ, mình thực sự quá nhỏ bé, quá ư là tầm thường. Tôi chẳng thể thắp sáng cả một nhà nguyện như anh đèn tuýp, cũng chẳng lộng lẫy, kiêu sa như chị đèn chùm, lại càng không lung linh như những em đèn neon trang trí. Tôi chỉ đơn giản là tôi – một cây đèn dầu dưới chân Nhà Tạm.

Ngoài giờ lễ và những giờ kinh chung mà các anh em trong thỉnh viện cùng tụ họp để dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, tôn vinh thì nhà nguyện chỉ còn mình tôi. Tuy nhỏ bé là vậy, nhưng tôi lại nắm giữ khá nhiều bí mật của những người thường hay lui tới trong nhà nguyện này. Từ hôm đến đây tôi mới để ý, người đàn bà hàng cá mà tôi đã gặp lúc còn ở tiệm tạp hóa chiều nào cũng đến quỳ xa xa phía dưới khoảng độ dăm mười phút rồi mới đi. Có hôm tôi cố gắng sáng hơn để thấy được rõ khuôn mặt của người phụ nữ kia thì bất ngờ thay, bà ta khóc. Đôi mắt của người phụ nữ ấy đỏ ửng, hai hàng lệ cứ thế mà chảy dài trên khuôn mặt của bà. không một tiếng nấc, không một tiếng rên rỉ, duy chỉ có những hàng nước mắt cứ nối nhau chảy dài và đôi mắt ấy của bà vẫn không ngừng rời khỏi cây Thập Giá trên cao. Trộm nghĩ, người như bà mà cũng khóc sao, chẳng phải bà ta mạnh mẽ lắm ư, giọng bà cứ the thé quát tháo hằng ngày cơ mà? Thật sự chẳng thể hiểu nổi!

 Phải chăng khi con người yếu đuối, bất lực và không biết bày tỏ cùng ai thì họ sẽ che lấp đi bằng cái vỏ bọc cáu gắt, khó chịu? Để rồi khi chỉ còn lại một mình với “Đấng thấu suốt mọi tâm can” thì họ lại dễ dàng bộc lộ sự yếu đuối. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng cho dù tôi có sáng, có soi tỏ tới khuôn mặt kia thì cũng chẳng bao giờ nhìn thấu được tâm hồn, trái tim và những nỗi niềm ẩn sâu bên trong con người ấy.

Tôi chẳng được như anh đèn tuýp, ngoài giờ lễ và giờ kinh ra thì anh ta ngủ thoải mái còn tôi thì lại phải thức cả ngày lẫn đêm. Vì thế anh đèn tuýp cứ tưới tắn, trẻ mãi, còn tôi thì ngày một hao mòn, già đi trông thấy. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi mới có dịp đồng hành cùng các anh em thỉnh sinh, lắng nghe tâm tư và những câu chuyện của họ trong ngôi nhà thỉnh viện này. Có người đến để xin được thứ tha vì những lần lỗi phạm đến Thiên Chúa, bất hòa với anh em; có người vì chán chường, thất vọng tưởng chừng như muốn gục ngã chạy đến để được nâng đỡ, ủi an; nhưng cũng có những người đến để tạ ơn vì ân huệ đã lãnh nhận, hoa trái đã gặt hái được trong suốt những năm tháng ở đây. Mỗi người đến đều mang trong mình một tâm sự khác nhau, người hân hoan, kẻ u sầu nhưng giữa các anh lại có một điểm chung đó là xin cho được bền đỗ với con đường mình đã chọn.

 * * *

Có lần đang chìm đắm trong chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của một vị linh mục khi nói về ơn gọi, thì tôi choàng tỉnh giấc và nhận ra chính Thiên Chúa đã mời gọi tôi sống cuộc sống của một cây đèn dầu. Để ơn gọi ban đầu của tôi được nên trọn vẹn hơn, Thiên Chúa đã tiếp tục mời gọi tôi dâng hiến cuộc đời, ước mơ, hoài bão cho Ngài để trở nên một cây đèn chầu nhỏ bé bên dưới ngôi Nhà Tạm.

Công việc của tôi là đứng yên một chỗ và cháy sáng. Thoạt nhìn thì có vẻ rất dễ dàng nhưng thực ra lại rất khó. Lắm khi cái thân xác nặng nề này của tôi khiến tôi mệt mỏi, chán chường. Vì cứ mãi thức từ ngày này qua tháng nọ nên tôi thèm ngủ lắm, thèm kinh khủng, tôi cũng muốn được nghỉ ngơi. Nhưng biết làm sao được khi mà tôi đã chấp nhận trở thành cây đèn chầu cơ chứ. Tôi sáng để bà cụ già được ấm lòng mỗi khi đến nhà nguyện vì đã dâng tôi – tất cả những gì mà bà có cho Thiên Chúa. Tôi phải sáng để người đàn bà hàng cá tội nghiệp kia trong màn đêm mịt mùng của cuộc sống vẫn có thể tìm được một điểm tựa, một niềm cậy trông để trút nhẹ gánh lo âu. Tôi vẫn sáng để đón chờ và lắng nghe những tâm tư của anh em trong đời sống thỉnh sinh. Và tôi sẽ luôn sáng bởi tôi là một cây đèn dầu…

Thời gian qua đi, cây sala trước nhà nguyện coi bộ cũng thay ngót nghét mấy chục mùa lá, tôi cũng đã già và đến lúc cần được nghỉ ngơi, nhường chổ cho cái đèn khác sáng hơn, mới hơn. Giờ đây tôi được hẳn một chỗ gọn gàng, tươm tất trong cái tủ gỗ phía sau phòng áo cùng với mấy vật dụng linh tinh khác.

Nếu có ai đó hỏi rằng tôi tự hào không, thì dĩ nhiên là có. Tôi vinh dự và tự hào lắm chứ, vì trong họ nhà đèn có mấy ai được diễm phúc ấy như tôi. Ngày còn trẻ hằng đêm tôi vẫn thì thầm “Lạy Chúa… xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn”. Tôi sợ rằng một lúc nào đó mình sẽ ngủ thiếp đi mà quên mất nhiệm vụ, tôi sợ đến một ngày tôi không còn tiếp tục sáng, ánh đèn của tôi tắt hẳn, sức lực không còn thì làm sao có thể tiếp tục phụng sự Người đây, phải chăng đó là lúc tôi được nghỉ ngơi? Không, thú thực tôi không muốn như vậy. Nhưng đến bây giờ thì ý nghĩ đó đã không còn nữa. Tôi đón nhận tất cả những gì là tự nhiên phải xảy đến và rồi trong sự già nua yếu đuối ấy tôi lại khẩn cầu lên Thiên Chúa: “Xin giữ con để con phụng sự Chúa trong suốt đời con, dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài”. Dẫu tôi không còn được cháy sáng dưới Nhà Tạm nữa nhưng tôi đã từng là cây đèn chầu và tôi vẫn phải sống tiếp cho lời Ngài đã mời gọi tôi đến thế gian để thực hiện nhiệm vụ của một cây đèn.

Lộc cộc, lộc cộc…

Chẳng hiểu tại sao khuya lắc như thế này rồi mà lại có người vào đây tìm đồ nhỉ? Hóa ra là một cậu thỉnh sinh đang tìm tôi để nhờ thắp sáng Nhà Tạm. Vì lí do gì thì tôi không rõ nhưng thôi cũng chẳng cần phải biết để làm gì, nhờ thì tôi giúp vậy. Dẫu sao đây cũng là lúc để tôi hâm nóng lại ơn gọi của chính mình – ơn gọi được làm cây đèn chầu…

Con ước làm cây đèn chầu nhỏ bé
Được cận kề trước mặt Chúa mỗi giây
Dẫu cuộc sống đôi lần làm vụt tắt
Vẫn ước mong bừng cháy chút tình say

 Con vẫn nhớ những ngày kia tĩnh lặng
Chỉ có con và Chúa, Chúa nhớ không?
Gần bên Chúa lặng thầm con thủ thỉ
Với ước mơ dâng trót trái tim hồng

Và đôi lúc con thấy Ngài buồn bã
Cánh tay giang với đôi mắt xa xăm
Mão gai kia còn hằn bao vết máu
Phải chăng vì nhân thế quá vô tâm

Phải làm chi, con biết phải làm chi
Nếu không là bừng cháy lên ánh sáng
Soi thế gian dẫu đời nhiều thù oán
Để cho con mãi thuộc trọn về Ngài

(Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com