Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay luôn tồn tại những định kiến. Nó được ví như những bức tường khổng lồ vô hình kìm kẹp và giữ chân con người thoát khỏi những khuôn khổ đã được áp đặt sẵn. Một định kiến phát triển và tồn tại lâu dài sẽ biến thành những lề thói và bất khoan dung với những ai dám vượt ra khỏi “lề”. Vậy “lề thói” có ảnh hưởng như thế nào đến tư duy và giá trị quan[1] của con người trong mọi thời? Dưới đây là một vài suy tư của người viết về điều này.
LUẬN VỀ “LỀ” CỦA NHỮNG ĐÁP ÁN SẴN CÓ
Nói đến “Lề thói” là đề cập đến những thói quen đã ăn sâu vào trong đời sống nhân sinh của một cộng đồng hay một quốc gia, dân tộc. Nhìn từ khía cạnh tư duy, lề thói là thói quen tư tưởng theo một khung bậc và được mặc định sẵn cho cùng một vấn đề. Điểm chung của lề thói là sự bám rễ sâu trong tư tưởng và khó thay đổi. Như vậy, một trong những quan điểm hình thành nên lề thói chính là quá trình nhận thức thực tại xung quanh. Khi ta quan sát, ta tri nhận và suy tư rồi rút ra cái mà ta cảm thấy đúng. Quá trình đó sẽ cho ra kết quả là một quan điểm đúng hoặc sai – nhưng không hẳn là lúc nào cũng là sự thật. Quan điểm này có thể được ví như “chiếc vòng kim cô” chỉ dẫn cho mọi tiến trình sống của con người – gọi là lề thói.
Như chúng ta đã xem bộ phim Tây Du Ký, vòng kim cô là thứ mà Tôn Ngộ Không ghét cay ghét đắng nhất, và trong trường hợp này, chúng ta cũng có cảm giác như thế. Trong bộ phim In Our Prime (2022) của Hàn Quốc, cuộc đời của mỗi người được ví như một bài toán, và theo lẽ thông thường, bài toán sẽ đi kèm với đáp án sẵn có. Cậu bé Han (nhân vật chính) đã chứng tỏ những bài toán được đặt ra chưa chắc đã đúng, huống hồ là đáp án sẵn có. Thực vậy, nếu cuộc đời là một bài toán thì lề thói cũng như là những đáp án sẵn vậy. Nó đặt ra giả thuyết từ đầu và hướng chúng ta đi theo một con đường duy nhất. Chiếc vòng kim cô mang tên lề thói hoạt động giống như một chiếc máy báo hiệu khi tư tưởng bắt đầu đi chệch khỏi ý hướng ban đầu. Như vậy, xem ra công cuộc vượt thoát khỏi “tư tưởng của chính mình” là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Vậy, ta phải làm gì với quá trình tư duy của mình? Câu trả lời duy nhất là “đập đi xây lại” từ đầu. Trong tác phẩm Cách ta nghĩ (How we think)[2], John Dewey cho rằng ta không thể dạy một người cách tư duy, nhưng có thể giúp phát triển tư duy con người thông qua phát triển khả năng sáng tạo, sự tò mò và cách đặt câu hỏi. Trong đó, người viết cho rằng biết đặt câu hỏi là quan trọng hơn cả. Thông qua việc đặt câu hỏi, người học sẽ hiểu vấn đề theo nhiều góc cạnh, đồng thời hiểu rõ bản chất vấn đề.
Việc cố gắng tìm đáp án theo “sách giáo khoa” sẽ đưa đến kết quả không ngoài dự đoán. Thế nhưng, cuộc đời vốn luôn chứa đựng nhiều biến số, nếu chỉ dừng lại ở mức “theo như hướng dẫn sử dụng” thì không thể vươn lên tới những tầm mức cao hơn của sự vật và khám phá hết những điều thú vị chứa đựng trong đó. Do vậy, thay vì để người khác đem đến cho ta một bài toán cần giải quyết, hãy bắt tay vào tìm hiểu bản chất vấn đề và tự đặt bài toán cũng như cách giải để tìm ra đáp án cho mình. Điều quan trọng hơn cả là truy tìm đáp án cho chính bản thân theo phong cách riêng, theo tư duy riêng.
Xem thêm: Tri thức và đối thoại
THÓI THƯỜNG BIẾN ĐỔI
Về cơ bản, khi một việc gì đó được xem là đúng thì nó có thể trở thành bản chất, thành cái cốt lõi trong một lãnh vực nào đó của cuộc sống. Nói cách khác, cái “bên lề” bây giờ được xem là cái “bản lề”, giống như một cái trục chính mà ở đó, tất cả mọi điều ta nghĩ, ta làm đều xoay quanh và hướng vào. Hệ quy chiếu này có thể dẫn đến hiện trạng nguy hiểm là tư duy bị bó hẹp trong khuôn khổ, không thể thoát ra, mà chỉ quanh quẩn trong lề thói đã định sẵn.
Giáo sư Ngô Bảo Châu từng phát biểu: “Bám theo lề là việc của những con cừu, không phải việc của con người tự do.” Câu nói này được đặt trong bối cảnh khi có người thắc mắc ông là “lề trái hay lề phải”[3]. Thực vậy, con người vẫn thường bị mắc kẹt trong tư duy nhị nguyên, lối tư duy vốn luôn quan trọng việc đúng sai, phải trái, mà bỏ qua phần quan trọng nhất của sự việc là quá trình tư duy để đạt đến kết quả. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những năm tháng miệt mài giải toán thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Mỗi khi tìm ra kết quả sẽ sung sướng tột độ, và còn sung sướng gấp bội khi tìm được theo phong cách của mình. Một câu nói vui rằng: “Đường nào rồi cũng về La Mã”, nhưng đường nào do tự mình tư duy khám phá thì mới đem lại cảm giác thích thú, say mê. Sự quan yếu ở đây là chúng ta đều là những con người tự do, không chỉ về mặt thân xác, nhưng quan trọng hơn cả là được cởi trói về tinh thần, không còn lệ thuộc vào bất cứ “lề thói” nào áp đặt lên tư duy của mình.
Như đã đề cập ở trên, thay đổi tư duy không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là một quá trình tiệm tiến. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc chúng ta quan sát, nhận thức. Có một lỗi tư duy phổ biến nơi một số người đó là vội vàng đưa ra những nhận định cuối cùng khi mới chỉ nhìn ở một góc độ hay khía cạnh nào đó của vấn đề. Như vậy, việc thiếu đi sự nhìn nhận thấu đáo dưới nhiều góc độ là một trong những nguyên nhân của phán đoán sai lầm. Vì thế, để tạo điểm khởi đầu tốt cho tư duy, hãy thay đổi cách ta suy nghĩ bằng việc đi sâu vào vấn đề nhất có thể. Nghĩa là ta cần nhìn vấn đề theo nhiều góc cạnh, bỏ qua cách tư duy hướng đến kết quả mà chú trọng đến tư duy theo chiều rộng lẫn chiều sâu, tức tập trung vào quá trình. Làm như vậy, ta sẽ tránh được sự ngộ nhận và thiển cận với vấn đề đang xem xét.
Tìm tòi khám phá với niềm đam mê được xem như là chìa khóa mở ra những chân trời tư duy mới mà nơi đó con người được tự do áp dụng nhiều phương pháp cho cùng một vấn đề, cho đến khi đi đến được chân lý. Tuy nhiên, một trở ngại không dễ vượt qua của “lề thói” khác đó chính là sự sợ sai. Chính tâm lý lo sợ này đưa đến kiểu tư duy mang tính an toàn, không dám vượt ra ngoài khuôn khổ. Vì thế, kết quả luôn là điều mà tư duy kiểu này hướng tới mà không coi trọng tiến trình diễn ra, những nỗ lực và cách giải quyết – nó làm mất đi sự sáng tạo ra con đường mới. Vậy thì, đáp án duy nhất cho bài toán đó chính là “thử và sai”. Đây không hẳn là một phương pháp toàn năng, nhưng là một cách tiếp cận hay để dám xé rào và tận dụng nhiều công cụ sẵn có trong tay. Đúng như tên gọi của nó, “thử và sai” nghĩa là ta cố gắng vận dụng nhiều giải pháp và thử nghiệm từng cái một vào việc giải quyết một bài toán được đặt ra. Mỗi phương pháp sẽ đem đến một kết quả khác nhau – có đúng có sai; một khi tổng hợp lại và điều chỉnh có thể tạo ra một giải pháp tối ưu.
Tựu trung, môi trường là thứ định hình con người trong xã hội, bởi môi trường có những lề thói vốn “quy định” các cá thể phụ thuộc phải tuân theo. Nếu đã có lề thì ắt hẳn sẽ sinh ra thói, nếu đã có thói thì không thể tránh khỏi giáo điều đối với tư tưởng. Do đó, tư duy cần một giải pháp căn cơ như là bước đệm để thoát khỏi lề thói cố hữu đã ăn sâu vào trong trí óc. Điều đó hệ tại ở việc thay đổi các giá trị quan, đặt lại và nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh. Không những vậy, quá trình ấy còn đòi hỏi một cách mãnh liệt sự dũng cảm để dám thoát khỏi cái bẫy tinh vi của định kiến, sẵn sàng lội ngược dòng với những định kiến thông thường. Cuối cùng, đó là sự can đảm để dám “thử và sai”, dám thách thức bản thân đi vào những con đường chưa ai đi, đặt chân đến những vùng đất tinh thần chưa ai khám phá. Có như vậy, con người mới sống và trở thành với một tinh thần khai minh đầy sức sống, như Enmanuel Kant đã từng quả quyết: “Khai minh là việc con người thoát ra khỏi tình trạng vị thành niên tự mình chuốc lấy.”
[1] Là một phương diện tư duy của con người trong đó sử dụng cảm quan và tư duy để đưa ra phán đoán, lý giải, nhận thức về thế giới xung quanh, hay biểu hiện bản chất ra bên ngoài.
[2] Vũ Đức Anh (dịch). Cách ta nghĩ. nxb Tri Thức, 2013
[3]https://vnexpress.net/giao-su-ngo-bao-chau-tu-choi-nhan-biet-thu-o-tuan-chau-2173391.html. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2024
Mạc Nhân