Mục Lục
Trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”[1], tác giả viết lời đề tựa: “Truyền thuyết viết về một con chim chỉ hót một lần trong đời. Có lần nó rời tổ, bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của cuộc đời mình và lao ngược vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi. Tiếng ca hân hoan ấy khiến cho cả thượng đế trên cao cũng phải mỉm cười. Bởi vì tất cả những điều tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. Thật vậy, con chim trong câu chuyện là biểu tượng cho những con người biết chọn một lối sống có ý nghĩa, dám theo đuổi một lý tưởng, một mục đích cao cả nào đó, dù biết rằng con đường ấy đầy gian khó và có thể dẫn đến tổn thương sâu sắc. Họ cũng có thể cảm nhận nỗi đau của cuộc đời – hình ảnh tương tự mà ta có thể tìm thấy trong tác phẩm “Đi Tìm Lẽ Sống” (Man’s Search for Meaning) của nhà văn Vicktor Frankl. Đây là một tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong tâm lý học, triết học và lĩnh vực nhân văn.
Viktor Frankl, một bác sĩ tâm thần người Do Thái, được mệnh danh là “người có phép màu của thế kỷ 20”. Trong thời kỳ Đức Quốc xã, ông bị giam cầm trong các trại tập trung – nơi được gọi là “nhà máy tử thần.” Thế nhưng, ông không chỉ sống sót trong chiếc lồng địa ngục đó mà còn tiên phong sáng lập một liệu pháp ý nghĩa, thắp lại lẽ sống cho những con người đang tuyệt vọng. Được xuất bản lần đầu vào năm 1946, “Đi Tìm Lẽ Sống” đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới, giúp họ vượt qua khủng hoảng, đau khổ của cuộc đời và tìm lại giá trị cốt lõi của đời người.
1. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của tác phẩm
Cuốn “Đi Tìm Lẽ Sống” được viết trong hoàn cảnh đau thương tột cùng. Viktor Frankl, một nhà tâm lý học và bác sĩ người Áo gốc Do Thái, đã phải trải qua gần ba năm trong các trại tập trung như Auschwitz và Dachau. Trong thời gian bị giam giữ, ông đã mất hầu hết gia đình, bao gồm cả cha mẹ, anh chị em và vợ. Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, Frankl đã chứng kiến cả sự tàn ác không tưởng lẫn sự kiên cường phi thường của con người. Frankl không chỉ là một nạn nhân của chiến tranh, mà còn là một nhà quan sát, ghi nhận những diễn biến tâm lý phức tạp của con người trong tình huống sống còn. Ông nhìn thấy rằng, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, cuộc sống vẫn có thể có ý nghĩa, và khả năng tìm thấy ý nghĩa đó chính là yếu tố quan trọng giúp con người tồn tại. Từ những trải nghiệm cá nhân và quan sát tại trại tập trung, Frankl phát triển lý thuyết tâm lý học độc đáo gọi là “logotherapy” – liệu pháp ý nghĩa.
2. Tóm tắt nội dung
Cuốn sách được chia thành hai phần chính. Phần đầu là tự truyện của Frankl, kể về những trải nghiệm của ông trong các trại tập trung, từ sự khủng khiếp khi bị tước bỏ danh tính và quyền con người, đến sự khủng hoảng tinh thần khi đối diện với cái chết cận kề. Tuy nhiên, thay vì chỉ là một bản ghi chép bi thương, Frankl lồng vào đó những phân tích tâm lý sâu sắc về hành vi con người trong những tình huống khó khăn. Ông chỉ ra rằng một trong những yếu tố quyết định sự sống sót không phải là sức mạnh thể chất, mà là khả năng tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người.
Phần hai của cuốn sách tập trung vào lý thuyết “logotherapy”, một phương pháp trị liệu tâm lý do chính Frankl phát triển. Logotherapy dựa trên niềm tin rằng động lực chính của con người không phải là tìm kiếm khoái lạc (như Sigmund Freud lập luận) hay quyền lực (như Alfred Adler tin tưởng), mà là tìm kiếm ý nghĩa. Theo Frankl, ngay cả trong những hoàn cảnh vô vọng nhất, con người vẫn có thể kiểm soát thái độ của mình và tìm thấy mục đích sống.
3. Hành trình “Đi tìm lẽ sống”
3.1: Tự do – Tự do chọn cách đối diện với mọi hoàn cảnh
Frankl là một bác sĩ tâm thần người Do Thái sống và làm việc tại Áo. Khi cuộc khủng bố người Do Thái đạt đỉnh điểm, ông có cơ hội sang Mỹ nhưng quyết định ở lại để chăm sóc cha mẹ. Sau đó, khi Áo bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Frankl và gia đình bị chia cắt. Ông bị đưa qua bốn trại tập trung, những nơi như địa ngục trần gian, nơi các tù nhân bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Cuộc sống ở đó tước đi tất cả những nhu cầu cơ bản: họ chỉ có một bộ quần áo rách nát để mặc ngày này qua ngày khác, không đủ thức ăn và đồ dùng cá nhân. Các tù nhân thường phải tranh giành từng miếng ăn và chịu đựng lao động khổ sai, trong khi roi thép luôn sẵn sàng quất lên thân thể. Nơi đây còn có phòng hơi ngạt và lò thiêu, phương tiện để hủy diệt người Do Thái, khiến hy vọng sống sót gần như không có.
“Sự trần truồng này khiến chúng tôi nhận ra rằng, thứ duy nhất chúng tôi còn sở hữu chính là thân thể trần trụi của mình.” Một chiếc thắt lưng cuối cùng cũng có thể dùng để đổi lấy một miếng bánh mì. Những tài sản, địa vị, danh vọng chỉ là tạm bợ, khi chết đi cũng không thể mang theo. Nhưng lý trí thì thuộc về chúng ta mãi mãi, không ai có thể cướp đi. Chính lý trí đã giúp Frankl nhận thức rằng nếu ông muốn sống sót và giành lại tự do, ông phải chứng tỏ cho lính canh thấy mình còn có thể lao động, vượt qua áp bức và hành hạ. Dù bị tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, các tù nhân vẫn tìm được tự do trong một ý nghĩa khác. Frankl đã nói: “Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát có thể lấy đi mọi thứ của bạn, trừ một điều: quyền tự do lựa chọn cách bạn phản ứng trước mọi hoàn cảnh.” – Frankl hồi tưởng
Cuộc đời của Frankl khiến ta liên tưởng đến các bệnh nhân ung thư ngày nay. Với nhiều người, ung thư như một bản án tử, dẫn đến suy sụp tinh thần và thể xác nhanh chóng sa sút. Một số gia đình thậm chí giấu người thân về tình trạng bệnh để tránh họ suy sụp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân ung thư chọn cách đối diện, họ nghiên cứu về căn bệnh và tìm cách điều trị tốt nhất, bắt đầu thay đổi lối sống lành mạnh hơn để kéo dài sự sống. Những người này không chỉ tồn tại mà còn sống thêm được 5, 10, thậm chí 20 hay 30 năm. Trái lại, những người đầu hàng số phận ngay từ đầu sẽ không có cơ hội kéo dài cuộc sống.
Với các tù nhân ở trại tập trung, tại sao Frankl là một trong những người hiếm hoi sống sót? Đơn giản bởi ông đã chọn cách đối diện với hoàn cảnh ngay từ đầu. Chính động lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và khát vọng tồn tại đã giúp ông kiên cường vượt qua tất cả thay vì từ bỏ hay tìm đến cái chết.
3.2: Đau khổ – Điều làm bạn đau khổ sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn
Cuộc đời cũng giống như một loại gia vị: càng trải qua những thăng trầm, nó càng đậm đà. Dù Frankl có khát vọng sống mãnh liệt, những ngày tháng bị tra tấn liên tục đã khiến ông đôi khi cũng rơi vào tuyệt vọng. Cũng như những tù nhân khác, ông bị phù nặng, đau ốm vì thiếu thốn thức ăn, quần áo và giấc ngủ trong thời gian dài. Hai bàn chân của ông sưng tấy, đầu gối đau nhức đến mức không thể gập, và từng bước đi đều vô cùng đau đớn. Thậm chí, khi được giao nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, ông còn mắc bệnh thương hàn và suýt bị đưa vào lò thiêu. Những trải nghiệm đứng giữa ranh giới sống chết hết lần này đến lần khác đã khiến Frankl bắt đầu suy ngẫm sâu sắc hơn về ý nghĩa của cuộc sống.
Trong thời gian ở trại tập trung, Frankl đã quan sát nhiều loại người và nhận ra rằng chỉ cần trong lòng họ còn hình ảnh của người thân yêu, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ cuộc sống của mình. Vì vậy, ông quyết định không để mình gục ngã vì mệt mỏi hay bệnh tật. Trại tập trung trở thành nơi ông tôi luyện tâm lý: khi các tù nhân xung quanh dần tê liệt tinh thần và đánh mất bản thân, Frankl đã dùng sự hài hước để giúp họ xoa dịu nỗi đau. Khi có người tuyệt vọng và muốn từ bỏ hy vọng, ông khích lệ họ bằng những lời nói đầy ý nghĩa và sự động viên. Ngay cả trong những ngày mắc bệnh thương hàn và có thể bị giết bất cứ lúc nào, ông vẫn kiên trì ghi chép trên những mẩu giấy để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách về liệu pháp tâm lý của mình sau này.
Ba năm bị giam cầm không những không làm yếu đi ý chí của Frankl mà trái lại, khiến trái tim ông mạnh mẽ và hiểu sâu sắc hơn về bản chất con người. Chính từ nỗi đau thể xác, ông đã khám phá ra động lực tinh thần bất tận trong mình, điều đã thôi thúc ông phát triển một liệu pháp tâm lý độc đáo. Con người chúng ta thường sợ thất bại, sợ đau khổ, nhưng không nhận ra rằng chính những nghịch cảnh đó mới là nguồn dưỡng chất để chúng ta vươn lên và trưởng thành.
Những người gây cho bạn sự cay đắng, những sự kiện làm bạn đau khổ đều sẽ trở thành dưỡng chất để giúp bạn tái sinh mạnh mẽ hơn. Không có nỗi đau nào không thể vượt qua, không có sụp đổ nào không thể khắc phục. Tất cả những gì mất đi sẽ trở lại dưới một hình thức khác. Bản chất của con người là tìm kiếm lợi ích và tránh né điều bất lợi, nhưng nếu chúng ta hiểu rằng trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, con người mới có cơ hội đạt tới sự thăng hoa về tinh thần, thì chúng ta sẽ không bao giờ coi đau khổ là tai họa và cũng không cho rằng mình kém may mắn khi gặp nghịch cảnh.
Frankl tin rằng, đau khổ, bất hạnh, và cái chết là những phần không thể tách rời của cuộc sống. Đời sống của một con người sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi đau khổ và cái chết. Ngay cả trong đau khổ, con người vẫn có thể ngẩng cao đầu, nếm trải hương vị của nỗi đau và tự hào vì đã vượt qua nó. Vậy, để xứng đáng với những gì mình đã trải qua, chúng ta cần làm gì? Câu trả lời nằm ở việc chấp nhận những khó khăn và thử thách trong cuộc sống như một phần không thể thiếu của hành trình trưởng thành. Chúng ta cần tìm ý nghĩa và giá trị trong từng nỗi đau, biến chúng thành động lực để tiếp tục tiến về phía trước. Hãy can đảm đối diện, rèn luyện ý chí, và không ngừng phấn đấu để xây dựng một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời mà chúng ta có thể tự hào.
3.3. Ý nghĩa – Người có lý do để sống có thể chịu đựng được nghịch cảnh
“Người có lý do để sống sẽ có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.” Đối diện với hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt trong trại tập trung, Frankl nhận thấy rằng có ba nhóm người với ba cách đối mặt với hoàn cảnh khác nhau. Nhóm đầu tiên là những người tù Do Thái được chọn làm tay sai cho Đức Quốc xã để quản lý các tù nhân khác. Nhóm thứ hai là những người đã gần như buông xuôi vì cuộc sống quá cùng cực, mất hết niềm tin và phó mặc số phận. Thái độ buông xuôi khiến họ, nếu không chết vì bị xử tử thì cũng rơi vào tuyệt vọng và bệnh tật mà qua đời. Nhóm thứ ba là những người, dù ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã, vẫn tìm được cho mình động lực sống và lý do để tồn tại. Đây là nhóm có xác suất sống sót cao nhất sau chiến tranh. Bác sĩ Frankl thuộc nhóm này. Ông là một bác sĩ với mục tiêu rằng, ngày nào còn sống, ông sẽ dùng chuyên môn của mình để chữa trị và chăm sóc cho những người bạn tù, xem đó như là sứ mệnh cuộc đời. Mục tiêu ấy lớn đến mức ông đã từ chối cơ hội trốn thoát, vì không thể chấp nhận việc bỏ rơi các bệnh nhân của mình. Động lực ấy mạnh mẽ đến mức, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu cũng không thể quật ngã được ông. Frankl viết trong cuốn sách rằng: “Sức mạnh bên trong của một người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã.”
Trong cuộc sống, mất mát và đau khổ là điều khó tránh khỏi. Nếu không thể thay đổi hoàn cảnh, ta vẫn có thể lựa chọn thái độ sống, như đối diện nghịch cảnh, thay đổi bản thân và biến bi kịch thành thành tựu. Đừng để sự bất hạnh khiến ta tự dằn vặt lần thứ hai. Hãy biến nỗi bất hạnh thành sức mạnh, bằng cách tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ khi có ý nghĩa sống, con người mới có thể vượt qua mọi nghịch cảnh. Ngược lại, khi không có lý do sống – điều tốt đẹp đến mấy đi chăng nữa cũng biến thành mây khói – chúng ta dễ bị những suy nghĩ tiêu cực lấp đầy. Điều này khá phổ biến trong xã hội hiện đại.
Chắc hẳn, đôi lần chúng ta tự hỏi lý do và ý nghĩa cuộc sống hiện tại của mình là gì. Ngày nay, khi được sinh ra và lớn lên trong điều kiện tốt hơn, chúng ta lại dễ rơi vào trạng thái “tồn tại rỗng”. “Tồn tại rỗng” là gì? Tồn tại mà như không tồn tại, sống lay lắt như cái xác không hồn, đếm thời gian trôi qua, mỗi giây mỗi khắc chỉ lặng lẽ cúi gằm mặt mà đi, họ chẳng thấy gì ngoài dêm đen và bóng tối. Ngày nay, khi sinh ra và lớn lên trong thời đại số, mỗi người phải tự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cho mình. Chúng ta đừng để mình dễ rơi vào trạng thái “tồn tại rỗng”: tâm trạng chán nản, không biết mình muốn làm gì, lặp lại công việc mà không rõ mục đích, và luôn tự hỏi “Tại sao mình lại làm việc này?”, “Cuộc sống có ý nghĩa gì?” Những người này thường cảm thấy trống rỗng và bị ám ảnh bởi sự vô nghĩa, mắc kẹt trong trạng thái này. Khi cuộc sống cứ lặp lại, nếu không tìm thấy lý do tại sao mình tồn tại, họ dễ rơi vào trầm cảm, nghiện ngập, thậm chí tự sát.
Giống như nhóm người thứ hai trong trại tập trung, họ vốn đã sống trong trạng thái “tồn tại chân không” trước khi vào trại. Khi đối diện với điều kiện sống khắc nghiệt, họ dễ dàng buông xuôi phó mặc số phận. Ngược lại, Bác sĩ Frankl với lý do sống của mình, đã có thể vượt qua mọi khó khăn. Ông chọn sứ mệnh chữa trị cho các bạn tù, giống như cách vài người bạn tù khác chọn nhường lại phần bánh mì cuối cùng của mình cho người khác. Động lực ấy giúp họ nhẹ nhàng vượt qua khổ đau trong tù, trong khi những người không có động lực sống đã từ bỏ cả sinh tồn của chính bản thân họ.
3.4. Đi tìm ý nghĩa của cuộc sống
Sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung, Frankl là người duy nhất sống sót trong gia đình; ba mẹ và vợ ông đều đã qua đời tại các trại tập trung khác. Nếu bạn là một trong những tù nhân may mắn sống sót và được trả tự do, nhưng khi trở về lại không còn bất kỳ người thân nào, liệu bạn sẽ tiếp tục sống như thế nào?
Frankl đã từng từ chối cơ hội nhập cảnh vào Mỹ khi Hitler chiếm Áo. Vì muốn ở lại chăm sóc ba mẹ, ông đã không thể rời bỏ họ để tìm kiếm sự an toàn cho bản thân. Quyết định đó đã khiến ông rơi vào các trại tập trung của phát xít Đức. Đến khi được tự do, mong ước đoàn tụ với gia đình của ông đã không còn khả thi, nhưng ông không để hoàn cảnh éo le này quật ngã mình. Thay vào đó, ông đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau để tiếp tục cống hiến, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần tại Áo.
Khi bị bắt vào trại tập trung, Frankl đã mang theo một công trình nghiên cứu được ghi chép trong một tập tài liệu, nhưng nó đã bị phát xít Đức hủy hoại. Sau đó, ông nhận thấy rằng, ông phải sống để viết lại nghiên cứu này vì nó sẽ đóng góp rất lớn cho ngành tâm thần học. Chính lý do đó đã tiếp thêm sức mạnh, giúp ông vượt qua nỗi đau mất mát khi toàn bộ gia đình đã không còn.
Xem thêm review sách hay: Đừng chọn an nhàn khi còn trẻ
Phương pháp điều trị của ông, gọi là “liệu pháp ý nghĩa,” tập trung vào việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và mục đích hiện hữu của mỗi người. Phương pháp này khuyến khích người cần trị liệu đối mặt với cuộc sống của mình và khám phá ý nghĩa của nó. Những nỗ lực để tìm kiếm ý nghĩa này sẽ là động lực, là sức mạnh giúp họ vượt qua những vấn đề về tâm lý, những nỗi buồn, những sai lầm, và các trở ngại của bản thân.
Tuy nhiên, việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống là điều không hề dễ dàng. Ý nghĩa cuộc sống của mỗi người là khác nhau, và nó có thể thay đổi theo từng ngày. Cuộc sống không ngừng đặt ra câu hỏi cho mỗi người, và mỗi người chỉ có thể trả lời những câu hỏi ấy thông qua thái độ sống có trách nhiệm với chính bản thân.
Tác giả nhắc nhở chúng ta qua một câu nói: “Hãy sống như thể bạn đang sống lần thứ hai và sắp phạm phải sai lầm đã từng phạm trong lần đầu tiên.” Vế đầu của câu nói gợi mở rằng thực tại là sự lặp lại của quá khứ, trong khi vế sau muốn nói rằng quá khứ có thể thay đổi và sửa chữa. Tại bất kỳ thời điểm nào, mỗi khoảnh khắc của sự sống đều đưa chúng ta tiến gần hơn đến cái chết, và khoảnh khắc ấy sẽ không bao giờ lặp lại. Sự ngắn ngủi đó chính là lời nhắc nhở để chúng ta sử dụng từng khoảnh khắc cuộc đời một cách ý nghĩa nhất.
4. Logotherapy – Phương pháp trị liệu ý nghĩa
Logotherapy, hay còn gọi là “liệu pháp ý nghĩa”, là phương pháp trị liệu tâm lý mà Viktor Frankl phát triển sau Thế chiến thứ II. Nó dựa trên nguyên lý rằng tìm kiếm ý nghĩa là động lực cơ bản của con người. Thay vì tập trung vào những ham muốn vô thức (như trong phân tâm học của Freud) hay nhu cầu về quyền lực (theo quan điểm của Adler), logotherapy tập trung vào khả năng tìm kiếm và đạt được ý nghĩa trong cuộc sống.
4.1. Khái niệm cơ bản về logotherapy
Logotherapy có ba nguyên lý cơ bản: (1) cuộc sống luôn có ý nghĩa, (2) con người có tự do để tìm ra ý nghĩa đó, và (3) ý nghĩa này thường được khám phá qua sự đối diện với các thử thách và đau khổ. Thay vì tập trung vào nỗi đau hoặc vấn đề tâm lý, logotherapy khuyến khích bệnh nhân hướng tới những giá trị cao cả hơn và tìm ra cách để phục vụ người khác hoặc cống hiến cho xã hội.
4.2. Ứng dụng của logotherapy
Logotherapy có thể được áp dụng rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đối với những người đang phải đối diện với căn bệnh nan y, mất mát người thân hoặc những khủng hoảng tinh thần lớn, phương pháp này có thể giúp họ tìm thấy sự an ủi và hướng đi mới. Thay vì trốn tránh đau khổ, logotherapy khuyến khích con người đối mặt với nó và học cách tìm ra ý nghĩa ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.
4.3. Phê bình và đánh giá logotherapy
Mặc dù logotherapy đã giúp rất nhiều người tìm lại niềm tin vào cuộc sống, phương pháp này cũng gặp phải một số chỉ trích. Một số nhà tâm lý học cho rằng Frankl đã không tập trung đủ vào các yếu tố sinh học và xã hội ảnh hưởng đến hành vi con người. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều công nhận rằng logotherapy là một bổ sung quan trọng cho các phương pháp trị liệu tâm lý truyền thống, và đặc biệt hữu ích trong việc giúp con người vượt qua những khủng hoảng tinh thần.
5. Ý nghĩa và tác động của “Đi Tìm Lẽ Sống”
5.1. Tác động đến cá nhân
Cuốn “Đi Tìm Lẽ Sống” đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới, giúp họ tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn. Những người đang phải đối diện với khủng hoảng cá nhân, bệnh tật, hoặc mất mát có thể tìm thấy trong tác phẩm này một nguồn động viên mạnh mẽ. Frankl không chỉ mang đến thông điệp về sự kiên cường của con người, mà còn khuyến khích mỗi người hãy tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời mình.
5.2. Tác động đến xã hội
Về mặt xã hội, tư tưởng của Frankl đã có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, từ tâm lý học, giáo dục, đến quản lý nhân sự. Logotherapy đã được áp dụng trong nhiều trường hợp trị liệu tâm lý, đặc biệt là trong các bệnh viện, nơi bệnh nhân phải đối mặt với cái chết hoặc những căn bệnh nan y. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều giáo viên và nhà giáo dục cũng sử dụng những tư tưởng của Frankl để giúp học sinh tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống học tập và phát triển cá nhân.
Ngoài ra, trong môi trường kinh doanh và quản lý, lý thuyết về tìm kiếm ý nghĩa cũng được ứng dụng để tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên không chỉ làm việc vì tiền mà còn vì mục tiêu và giá trị cá nhân.
6. Kết luận
Cuốn sách “Đi Tìm Lẽ Sống” của Viktor E. Frankl là một tác phẩm kinh điển về tâm lý học và triết học nhân sinh, không chỉ bởi vì nó kể lại những trải nghiệm khắc nghiệt của tác giả trong trại tập trung, mà còn bởi vì nó chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống. Với phương pháp logotherapy, Frankl đã mở ra một con đường mới trong tâm lý học, giúp con người tìm thấy niềm hy vọng và mục tiêu trong những tình huống khó khăn nhất.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đôi khi nó có thể trở nên vô nghĩa khi chúng ta đối diện với những thử thách lớn lao. Nhưng chính trong những khoảnh khắc đen tối đó, như Frankl đã chỉ ra, con người có khả năng tìm ra ý nghĩa và tiếp tục sống với mục đích. Cuốn sách này không chỉ là lời kêu gọi đối với sự kiên nhẫn và kiên cường, mà còn là một lời nhắc nhở về sức mạnh vô tận của con người trong việc tạo ra ý nghĩa từ những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tác phẩm “Đi Tìm Lẽ Sống” thực sự là một ngọn đèn soi sáng cho những ai đang lạc lối trong hành trình tìm kiếm bản chất và ý nghĩa cuộc đời.
Phêrô Nguyễn Văn Lợi
[1] McCullough, Colleen. Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai. Nxb Văn Học, 2011.