Kon Tum – Miền Đất Mời Gọi Bước Chân Truyền Giáo Đa Minh

15-08-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3154 lượt xem

Thiên Quang – Chí Quốc – Hoàng Tâm – Huynh Triệu
Nhóm sứ vụ tháng 7 tại Kon Tum

Vào sáng sớm ngày 3/7, nhóm chúng tôi gồm 4 thành viên đã đến giáo xứ Kon Rơ Bàng. Vừa tới nơi chúng tôi khá bất ngờ vì sự sốt sáng của cộng đoàn của người dân tộc Bana ở đây. Tuy là Thánh Lễ ngày thường nhưng các vị trí ngồi đã kín hết. Chúng tôi đợi thánh lễ kết thúc để có thể đến chào cha xứ, cha bề trên của cộng đoàn cùng các cha, các thầy đang thực hiện sứ vụ tông đồ nơi đây. Sau khi chào hỏi và dùng điểm tâm chung với nhau, anh em chúng tôi và một số anh em đi tông đồ tháng 6 nơi đây bắt xe buýt đi viếng Đức Mẹ Măng Đen, cách Kon Rờ Bàng 60 cây số.

Buổi chiều trở về, chúng tôi thăm quan thành phố Kon Tum. Về đến cộng đoàn, chúng tôi thật bất ngờ khi gặp cha giám đốc có mặt ở đây. Cha vừa xong công việc nhận ơn gọi ở Miền Bắc và đến thăm chúng tôi. Chính sự quan tâm chu đáo của cha làm cho chúng tôi cảm thấy như được truyền thêm nhiệt huyết. Chúng tôi nghỉ đêm tại giáo xứ và sáng hôm sau, nhóm chúng tôi chia đôi: 2 anh em ở lại giáo xứ Kon Rờ Bàng, 2 anh em đi Ngọc Hồi – miền đất gần biên giới Bờ Y.

Kon Rờ Bàng – Giáo xứ của người sắc tộc Bana

Nhóm chúng tôi – Chí QuốcHuynh Triệu,  được phân chia ở tại giáo xứ Kon Rờ Bàng. Đây là giáo xứ toàn tòng bao gồm 5 làng người Ba Na. Tổng số giáo dân của giáo xứ hơn 5.200 người. Nhà thờ giáo xứ chỉ cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 4 cây số, giao thông rất thuận lợi để thực hiện các công việc thương mại, giáo dục, giao lưu văn hóa… Chính vì thế mà đời sống đồng bào nơi đây có phần khá hơn nhiều làng khác ở tỉnh Kon Tum. Tại nơi đây, chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động thuộc các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, sư phạm, phụng vụ…

Kon Rơ Bàng là một trong những giáo xứ lớn tại giáo phận Kon Tum. Nơi đây vẫn được mệnh danh là “cái nôi nghệ thuật” của vùng đất cao nguyên này. Các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật tại đây rất phong phú và còn giữ được những nét cơ bản đặc trưng của vùng Tây Nguyên núi rừng. Đến với giáo xứ Kon Rờ Bàng, chúng tôi được tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa của người địa phương. Người dân nơi đây thực sự rất thân thiện, họ luôn sẵn sàng trình diễn những tiết mục đặc sắc nhất để phục vụ du khách. Dĩ nhiên, khi đến với vùng đất Tây Nguyên, bạn không thể bỏ qua những giai điệu hoang sơ của cồng chiêng, đắm chìm vào những âm thanh trong trẻo, mộc mạc của những nhạc cụ dân tộc như đàn Tơ Rưng, đàn đá, đàn sắt… hay những điệu múa đặc trưng của người Ba Na. Điều làm chúng tôi không thể quên được tại nơi đây đó là đám cưới của người địa phương. Bạn không thể tượng tưởng được rằng đâu, khi mới đến, chúng tôi cứ ngỡ là một cái chợ. Mọi người đều ngồi chồm hổm quanh nhà đám, cứ bốn đến năm người tụm lại quanh một chum rượu cần. Và dĩ nhiên, họ uống và mời nhau uống, khi được mời, bạn không thể từ chối vì nếu từ chối thì đó sẽ là hành động thiếu tôn trọng người địa phương. Trong khi đó, một nhóm khác tham gia các tiết mục văn nghệ, người thì hát, người thì múa, người khác lại nhảy… Đến với đám cưới truyền thống của người Ba Na, chúng tôi còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đậm chất vùng núi như thịt nướng, gà nướng, cơm lam, rượu cần… Tất cả điều này giúp chúng tôi có những trải nghiệm sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa đa dân tộc của đất nước mình.

Một buổi sinh hoạt văn hóa với du khách

Rượu cần là một trong những nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên

Đến với Kon Rơ Bàng, ngoài những trải nghiệm mới về về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, chúng tôi còn được tham gia đứng lớp dạy các em học sinh cấp 1 và cấp 2. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được thực hành kỹ năng sư phạm mặc dù chưa được học lý thuyết một chữ nào. Điều này không làm chúng tôi nản lòng hay mà làm qua loa, làm cho có mà ngược lại chúng tôi rất mong ngóng từng ngày, từng giờ lên lớp để truyền đạt kiến thức đã được học. Các em thiếu nhi ở đây khá là ham chơi nên việc bắt buộc các em học bài ở nhà là việc không tưởng. Chính vì thế, việc bắt các em hiểu và nhớ bài trên lớp là việc làm cần thiết. Một điều nữa khiến cho các em đồng bào ít có cơ hội học hết chương trình phổ thông là do phụ huynh vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của việc học. Có những buổi chúng tôi lên lớp nhưng chưa được một nửa các em đến lớp, hỏi ra mới biết là các em cùng cha mẹ vào rừng cao su làm việc kiếm tiền. Để tổ chức được một lớp học tại đây, chúng tôi được biết các cha, các thầy đã phải vận động rất nhiều để phụ huynh sẵn sàng cho các em nghỉ việc nhà mà đi học. Nhìn gương mặt các em mỗi khi lên lớp, chúng tôi vừa thấy vui vừa thấy thương các em. Có những em học khá chúng tôi giảng đến đâu, các em hiểu đến đó, có những em yếu hơn chúng tôi khá vất vả và kiên nhẫn để uốn nắn cho các em từng chữ, từng phép toán. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi rất vui và tự hào vì đã giúp một công sức nho nhỏ vào việc học chữ của các em. Những giờ lên lớp đã để cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó phai và nhiều kinh nghiệm quý báu chắc chắn sẽ giúp ích cho các công việc sau này trong đời sống tu trì.

Lớp học hè tại giáo xứ Kon Rờ Bàng

Lớp học cách giáo xứ Kon Rờ Bàng 7 cây số

Buổi lễ tổng kết khóa học hè

Một trải nghiệm nữa, có lẽ cũng là cái khó nhất với chúng tôi đó là việc tham gia các giờ lễ, chầu tại giáo xứ. Nghe có vẻ lạ bởi chúng tôi được bố trí ở ngay nhà thờ, được đi lễ từ nhỏ thì ở đây có khác gì đâu mà lại khó khăn. Và điều làm chúng chúng tôi “nản lòng” nhất mỗi khi tham dự thánh lễ đó chính là việc “bất đồng ngôn ngữ”. Từ trước, trong và sau thánh lễ, toàn bộ bằng tiếng Ba Na – ngôn ngữ mà chúng tôi mới được tiếp xúc lần đầu khi đến mảnh đất Kon Tum này. Chúng tôi tham dự thánh lễ nhưng ngắm cha chủ tế là chủ yếu, thấy cha làm dấu là biết bắt đầu thánh lễ, cha giang tay là biết chúc bình an… còn lại cứ theo cộng đoàn mà làm. Tuy không hiểu ngôn ngữ nhưng có một điều làm chúng tôi ấn tượng đó chính là bầu khí sốt sắng bên trong nhà thờ. Bất kì một câu kinh, câu xướng đáp hay những bài thánh ca bằng tiếng Ba Na nào cũng được cả nhà thờ cùng hòa giọng một cách to, rõ ràng nhất. Đặc biệt, các cha phục vụ tại nơi đây đều là người Kinh nhưng các ngài đã không ngại mà còn mạnh dạn dâng lễ bằng tiếng Ba Na. Có cha ở đây được 6 năm, có cha 2 năm nhưng các ngài nói tiếng Ba Na rất rành rọt giống như tiếng mẹ đẻ vậy. Điều này khiến chúng tôi rất khâm phục và là tấm gương trong việc học hành mà chúng tôi cần noi theo. Một nét đặc trưng trong thánh lễ tại nơi đây là việc lồng ghép tiếng cồng chiêng và những điệu múa truyền thống của người Ba Na vào thánh lễ. Thánh lễ vẫn diễn ra sốt sắng và mang những dấu ấn của vũng đất cao nguyên đại ngàn. Khi đã trở về Thỉnh viện, chúng tôi vẫn còn bập bẹ được vài câu xướng đáp quen thuộc như dấu thánh giá, chúc lành… Chúng tôi hi vọng sẽ còn có nhiều cơ hội được đến vùng đất này để trau dồi ngôn ngữ và một ngày nào đó có thể xướng đáp như những người bản địa.

Thánh lễ luôn có cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc

 Ngọc Hồi – Sứ vụ truyền giáo cho người Xê Đăng

Chia tay với anh em ở lại phục vụ giáo xứ Kon Rơ Bàng, chúng tôi – Thiên QuangHoàng Tâm, di chuyển lên miền đất Ngọc Hồi. Với tư cách là các cha phụ tá cho cha xứ Đắk Mốt, 2 cha Giuse Hà Đăng Hội và Antôn Phạm Minh Châu đang phục vụ truyền giáo cho người dân tộc Xê Đăng tại 2 giáo điểm Sa Loong và Đắk Xú. Ngoài mục vụ và truyền giáo, hai cha đặc biệt quan tâm việc học văn hoá của các em người dân tộc. Ở đây, đa số các em chỉ học đến lớp 6 hoặc lớp 7 là nghỉ học. Vì không muốn các em bỏ học sớm, 2 cha đã xây dựng một ngôi nhà nội trú, bên cạnh căn nhà của cộng đoàn, để nhận các em vào ở và cho ăn học. Do bước đầu xây dựng, nên mới chỉ có 10 em dân tộc đang sống với 2 cha. Hiện ngôi nhà đang được nới rộng thêm để tương lai có thể nhận thêm một số em nữa.

Tuy số thành viên ở Ngọc Hồi không nhiều như ở Kon Rờ Bàng nhưng những hoạt động ở đây cũng không khác Kon Rờ Bàng là mấy. 5 giờ 30 sáng, anh em chúng tôi và các em nội trú cùng nhau tham dự Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, anh em chúng tôi cùng các cha đọc kinh sáng. Sau đó, chúng tôi bắt đầu công việc của mình. Công việc chủ yếu của chúng tôi ở vùng đất này là dạy học cho các em nội trú mà hai cha đang nhận nuôi. Các em ở đây học các lớp từ 6 đến 12. Có lẽ do điều kiện sống còn khó khăn và hệ thống giáo dục nơi miền đất này còn kém nên đa số các em học rất yếu. Thậm chí một vài em còn chưa thể đọc được tiếng Việt. Một tháng trời ròng rã, chúng tôi phải dạy cho các em tập đọc và giúp các em lấy lại căn bản của môn toán. Các lớp học diễn ra cả buổi sáng và buổi chiều. Công việc tuy vất vả nhưng nhìn thấy các em học hành tiến bộ nên chúng tôi cũng cảm thấy rất vui. Sau khi ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, chúng tôi và các em cùng đọc Kinh Mân Côi và Kinh Trưa. Sau đó, các lớp học lại được bắt đầu. Buổi chiều sau khi học xong, chúng tôi tổ chức cho các em chơi thể thao và các trò chơi sinh hoạt. Còn buổi tối, chúng tôi cho các em coi phim. Chủ yếu là các bộ phim về giáo dục, về những điều giá trị trong cuộc sống với hy vọng các em sẽ có những nhận thức tốt hơn. Khoảng 9g tối, chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Tối. Và sau đó qua đêm để chuẩn bị năng lượng cho ngày hôm sau.

Ngoài ra, vào các tối thứ 5, thứ 6, thứ 7, chúng tôi theo các cha vào trong các làng để tập hát và dạy Giáo Lý. Khi vào các làng, tôi mới thật sự cảm nhận được cái nghèo của những người dân ở vùng đất này. Họ không có nhà thờ hay nhà nguyện, cũng không có các nhà sinh hoạt để tổ chức các lớp học giáo lý và các phòng tập hát đúng nghĩa. Hai cha phải mượn nhà của những người dân xung quanh để cử hành Thánh Lễ và tổ chức sinh hoạt.

Đa số những người dân nơi đây đều đi làm rẫy, nên thu nhập của họ rất ít. Việc xây một căn nhà đàng hoàng cho chính họ còn rất khó khăn, nên việc xây nhà thờ, nhà nguyện, nhà sinh hoạt giáo lý là một ước mơ rất xa vời. Vì là những người sinh ra và lớn lên ở thành phố và chưa bao giờ đến những vùng hẻo lánh như ở đây, nên anh em chúng tôi không thể ngờ được lại có những vùng đất nghèo như thế. Tuy nghèo khổ là thế, nhưng họ vẫn rất sốt sắng và rất tin vào Chúa. Nhìn hoàn cảnh của họ, nhìn vào đức tin của họ, anh em chúng tôi lại nhớ đến những chi tiết được kể trong quyển “Dân làng Hồ” của cố linh mục P. Dourisboure (1825-890) Chúng tôi thầm nghĩ, hẳn là các Cố Tây đã rất vất vả ở miền đất này. Và có lẽ, những hi sinh và công khó của các ngài đã dần sinh hoa kết quả ở nơi đây. Nhìn bà con ở nơi đây, chúng tôi thầm cảm thấy ngưỡng mộ biết ơn các vị Cố Tây rất nhiều.

Bốn tuần ở Ngọc Hồi diễn ra thật nhanh chóng. Chiều Chúa Nhật 30/7, chúng tôi lên xe trở về Thỉnh Viện. Trên xe, khi nghĩ lại những ngày tháng nơi đây để lại cho chúng tôi biết bao suy nghĩ, biết bao trăn trở. Nếu trở lại vùng đất này để phục vụ chúng tôi sẽ đối diện với những khó khăn như thế nào? Chúng tôi sẽ hết lòng tận tụy với miền đất này như các Cố Tây ngày xưa được hay không? Và liệu chúng tôi có đủ sức làm cho miền đất này trổ sinh hoa trái được hay không? … Tất cả băn khoan này, chúng tôi chỉ biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Phần mình, sau chuyến đi này, chúng tôi chỉ cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa để có thể trở thành cây bút chì mà Thiên Chúa có thể dùng để hoàn thành điều mà chính Ngài đã khởi sự.

 

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com