[Giới Thiệu Dòng Tu] Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn

26-02-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 6259 lượt xem

Congregatio Missionis (Lazaristes) – C.M.

1. Đấng sáng lập

Thánh Vinh Sơn Phaolô (Vincent de Paul) sinh ngày 24/04/1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, miền Landes, vùng Tây Nam nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài là con thứ ba trong một gia đình gồm 6 anh chị em. Ngài chịu chức Linh mục ngày 23/09/1600, và xem đó như một phương tiện để thu góp lợi lộc trần gian. Khi làm cha sở ở Châtillon và làm tuyên úy cho gia đình quý tộc De Gondi, cha Vinh Sơn khám phá ra dân nghèo miền quê đang bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng.

Đồng thời, ngài nhận thấy nhiều giáo sĩ quá yếu kém về vấn đề học vấn lẫn tu đức. Cùng với sự hướng dẫn của các vị linh hướng như Đức Hồng Y Bérulle, Francois de Sales và André Duval, ngài đã hoán cải và tận hiến hoàn toàn cho người nghèo, và chăm lo đào tạo hàng giáo sĩ.

Năm 1625, ngài thành lập Tu Hội Truyền Giáo, bao gồm các Linh mục và Tu huynh với mục đích truyền giáo cho người nghèo và góp phần thăng tiến hàng giáo sĩ.

Bận tâm về việc đào tạo hàng giáo sĩ, cha Vinh Sơn đã tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và thiết lập Chủng viện trên khắp nước Pháp. Ở Paris cũng như ở những nơi khác, ngài tổ chức các cuộc Hội Thảo Ngày Thứ Ba (“Les Conférences du Mardi”) có đông đảo các Linh mục tham dự.

Thánh Vinh Sơn đã qua đời ngày 27/09/1660. Ngài được phong Chân phước ngày 13/08/1729 và được phong hiển thánh ngày 16/06/1737. Ngày 02/05/1885, Đức Thánh Cha Leo XII đã đặt thánh Vinh Sơn làm bổn mạng đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện bác ái trong Giáo Hội và cả những tổ chức không phát xuất từ ngài.

2. Nguồn gốc Tu Hội

Ý thức được hoàn cảnh của những người nghèo đang bị xã hội bỏ rơi, và sự sa sút của hàng giáo sĩ, cha Vinh Sơn đã tìm người cộng tác để chăm lo người nghèo cả về tinh thần lẫn thể xác, và thăng tiến hàng giáo sĩ, ngài đã sáng lập Tu Hội Truyền Giáo vào năm 1625, và được Đức Tổng Giám mục Paris châu phê năm 1626.

Năm 1632, cha Vinh Sơn nhận tu viện Saint-Lazare ở phía bắc Paris do các tu sĩ Dòng Victor trao tặng để làm trụ sở mới của Tu Hội Truyền Giáo nên các Linh mục thuộc Tu Hội này được gọi là các cha “Lazaristes.”

Ngày 12/01/1633, Tòa Thánh đã chính thức châu phê việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo với sắc chỉ “Salvatoris Nostri” của Đức Giáo Hoàng Urbano VIII. Theo Giáo luật hiện hành, Tu Hội Truyền Giáo thuộc Hội Đời Sống Tông Đồ và thuộc quyền Tòa Thánh.

3. Mục đích

Mục đích của Tu Hội Truyền Giáo là thánh hóa bản thân qua việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo và cộng tác vào việc đào tạo hàng giáo sĩ. Mục đích này được thực hiện khi các thành viên và các cộng đoàn trung thành với thánh Vinh Sơn :

– Ra sức mặc lấy tinh thần Chúa Kitô cho phù hợp với ơn gọi của mình.

– Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, nhất là những người bị bỏ rơi.

– Trợ giúp đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân, đưa họ tham gia nhiều hơn vào việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Trích Hiến Pháp Tu hội Truyền giáo số 1, tr. 15).

4. Tình hình Tu Hội hiện nay trên thế giới

Tu Hội hiện nay có khoảng 4000 thành viên, trong đó có 33 Giám mục, 2991 Linh mục, 54 Phó tế, 5 Phó tế vĩnh viễn, 149 Tu huynh, 500 Chủng sinh (sinh viên Triết, Thần và Tập sinh). Tu Hội có mặt tại 84 nước trên thế giới, được chia làm 52 Tỉnh và Phụ Tỉnh

5. Tu hội truyền giáo tại Việt Nam

Sau năm 1949, các Linh mục và Tu huynh của Tu Hội Truyền Giáo phải rời khỏi Trung Hoa do những biến động chính trị xã hội. Các ngài ghé Việt Nam như một trạm dừng chân trên đường trở về châu Âu. Nhưng do thánh ý Thiên Chúa quan phòng, các ngài quyết định mở cơ sở tại Việt Nam. Đến năm 1955, nhà đầu tiên của Tu Hội được chính thức thành lập theo Giáo luật tại Thánh Tâm Biệt Thự Đà Lạt, trực thuộc Tỉnh Dòng Paris. Ngày nay, Thánh Tâm Biệt Thự là nhà mẹ của Tu Hội tại Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 02 năm 2012, miền Việt Nam được tách khỏi Tỉnh Dòng Paris để trở thành Phụ Tỉnh.

Hiện nay, Phụ Tỉnh Việt Nam có 70 Linh mục, 6 Phó tế, 3 Tu huynh, 74 Sinh viên Triết học và Thần học, 12 Tập sinh và 25 anh em Đệ tử. Tại Việt Nam, Tu Hội Truyền Giáo hiện đang phục vụ tại nhiều Giáo phận như : Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội, Vinh, Xuân Lộc, Bà Rịa, Nha Trang, Đà Nẵng, Long Xuyên, Cần Thơ, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Hưng Hóa, Lạng Sơn, v.v..

Xem thêm bài viết: Giới thiệu các dòng tu tại Việt Nam

6. Tu hội Truyền giáo với Trung tâm Học vấn Đa Minh

Từ năm 2007, Tu Hội Truyền giáo bắt đầu gởi các sinh viên thần học đến học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh. Hiện nay, đã có 9 anh em tốt nghiệp, và 21 anh em Tu Hội Truyền giáo vẫn đang theo học tại Trung tâm.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com