[Tóm lược GLHTCG 2598-2619]
1. Nhờ đâu ta có được mạc khải của Đức Giêsu về cầu nguyện? [2598]
Nhờ các tông đồ, các môn đệ Đức Kitô kể lại và được các thánh ký ghi chép trong các sách Tin Mừng mà chúng ta có được những mạc khải của Đức Giêsu về cầu nguyện.
2. Chúng ta đón nhận được điều gì từ mạc khải của Đức Giêsu về cầu nguyện? [2598]
Nhờ các sách Tin Mừng, chúng ta được
- chiêm ngưỡng Đức Giêsu cầu nguyện,
- lắng nghe Người dạy chúng ta cầu nguyện,
- nhận biết Người nhận lời cầu nguyện của chúng ta.
3. Tại sao Đức Giêsu phải học cầu nguyện? [2599]
Đức Giêsu đã nhập thể vào một nền văn hoá, sống theo Lề Luật Do Thái, vì thế Người cũng đã học cầu nguyện theo trái tim nhân loại của Người, bằng cách này Người chỉ cho ta cách cầu nguyện.
4. Thánh Luca nhấn mạnh đến yếu tố tác động nào trong đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu? [2560]
Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, tác động trong đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu.
5. Đức Giêsu cầu nguyện khi nào? [2600]
Đức Giêsu cầu nguyện luôn luôn, nhất là trước những thời điểm quyết định liên quan đến sứ vụ của Người và của các Tông đồ.
6. Có thể kể một vài biến cố quan trọng trong đó Đức Giêsu đã cầu nguyện? [2600]
- Trong biến cố Phép rửa, Người cầu nguyện và được Thánh Thần ngự xuống để bắt đầu thi hành sứ vụ (x, Lc 3,21).
- Trước khi chọn Nhóm Mười Hai, Người lên núi cầu nguyện (x. Lc 6,12).
- Trong biến cố hiển dung, Người cầu nguyện để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x. Lc 9,28).
- Trong bữa Tiệc Ly, Người cầu nguyện cho các môn đệ bằng lời nguyện hiến tế (x. Ga 17).
- Trong vườn Cây Dầu, Người cầu nguyện để bước vào cuộc khổ nạn (x. Lc 22,41-44).
7. Đức Giêsu thường chọn nơi chốn và bầu khí nào để cầu nguyện? [2602]
Nơi thanh vắng, Người thường lên núi và vào ban đêm.
8. Hai lời cầu nguyện minh nhiên của Đức Giêsu được các tác giả Tin Mừng ghi lại có nội dung chính yếu là gì? [2603-04]
Nội dung chính yếu của hai lời cầu nguyện ấy là lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã mạc khải mầu nhiệm cứu độ cho những kẻ bé mọn (x. Mt 11,25-27; Lc 10, 21-22) và đã nhận lời cầu xin cho anh Ladarô sống lại (x. Ga 11, 41-42).
9. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện thế nào? [2608-12]
Đức Giêsu dạy chúng ta :
- Cầu nguyện bằng cách hoán cải tâm hồn (hoà giải với anh em, cầu nguyện cho kẻ thù, v.v.) và theo tinh thần mới (cầu nguyện cách kín đáo, không nhiều lời, lo tìm kiếm Nước Chúa, v.v.).
- Cầu nguyện trong đức tin, vượt trên những gì chúng ta cảm thấy và hiểu biết.
- Cầu nguyện cách bạo dạn như con cái trong tâm tình con thảo, không như nô lệ trong sợ hãi.
- Cầu nguyện nhằm tìm kiếm thánh ý Chúa và thực thi kế hoạch của Người.
- Cầu nguyện trong sự tỉnh thức chờ mong Chúa đến, để khỏi sa chước cám dỗ.
10. Ba dụ ngôn chính về cầu nguyện được thánh Luca ghi lại dạy ta điều gì? [2613]
- Dụ ngôn thứ nhất (Lc 11,5-13): “Người bạn quấy rầy” dạy chúng ta cầu nguyện cách khẩn khoản.
- Dụ ngôn thứ hai (Lc 18,1-8): “Bà goá quấy rầy” dạy ta phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
- Dụ ngôn thứ ba (Lc 18,9-14): “Người Pharisêu và người thu thuế” dạy ta phải khiêm tốn trong cầu nguyện.
11. Tại sao Chúa Giêsu có thể nhận lời cầu nguyện của chúng ta? [2616]
Người cũng là Thiên Chúa, vì thế Người có thể nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.
12. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện đầu tiên ở biến cố nào trong cuộc đời của Người? [2618]
Trong tiệc cưới Cana, Người đã đáp lời cầu xin của Đức Mẹ mà làm cho nước lã hoá thành rượu.
13. Điểm nổi bật trong đời sống cầu nguyện của Đức Maria là gì? [2617-19]
- Suy đi ngẫm lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2, 19.51).
- Tìm kiếm và đáp lại thánh ý Thiên Chúa – fiat (x. Lc 1,38).
- Tạ ơn Thiên Chúa vì ơn cứu độ Người ban tặng cho nhân loại (x. Magnificat).
- Chuyển cầu cho Hội thánh (x. Ga 2,1-12).
Thánh Augustinô tóm tắt ba chiều kích cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta.”
Tìm hiểu PHẦN THỨ BỐN: “KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO” CỦA SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Xem thêm các bài khác => ở đây