Mục Lục
Trích trong: Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2016), tr. 240-256
Khi tìm hiểu Dòng Đa Minh trong những bài vừa qua, chúng ta đã đụng phải nhiều dữ kiện lịch sử có liên quan đến Đức Maria (áo dòng, tràng chuỗi) nhưng đành tạm gác lại. Nay đã đến lúc trở lại vấn đề. Cha Humbertô tự hào rằng không có Dòng nào tôn kính mến yêu Đức Mẹ như Dòng Đa Minh; đối lại, Đức Mẹ cũng không thương Dòng nào như là Dòng giảng thuyết (Opera de Vita regulari II, 70-71; 134-136). Nghe vậy chắc là các dòng khác sẽ giận lắm! Thay vì đi cãi nhau với họ, chúng ta hãy xem trên thực tế Đức Maria đã thương Dòng như thế nào, và đối lại, anh em giảng viên đã làm gì để bày tỏ lòng kính mến Mẹ Maria.1 Sau khi đã ôn lại mối tình mẫu tử trong thời buổi đầu Dòng, chúng ta sẽ nghiên cứu công trình mà Dòng đã để lại cho lịch sử Hội thánh, đó là Kinh Mân côi.I. Đức Mẹ với Dòng Đa Minh
Trong các bút tích kể lại mối tình Mẫu tử giữa đức Maria với Dòng Giảng thuyết vào thời khai nguyên, phải kể đến quyển Vitae Fratrum (viết tắt VF) của cha Gérard de Frachet.2 Như đã nói trong bài dẫn nhập về các nguồn sử liệu, tác phẩm này được viết ra trong một bối cảnh sưu tầm phép lạ đượm thêm màu bút chiến (Dòng ta đâu có thua gì ai!). Dưới khía cạnh phê bình sử học, nhiều câu chuyện có thể bị nghi ngờ về giá trị khách thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh giá các câu chuyện đó dưới một khía cạnh khác: khi đọc nhật ký của một chàng (hay nàng) si tình, chúng ta đâu cần biết thực tại khách thể đã xảy ra như thế nào, nhưng chỉ muốn tìm hiểu mối tình của đương sự say đắm ra sao. Đâu có ai viết nhật ký của con tim giống kiểu tờ khai lý lịch ở Sở Công an?
Cha Gérard de Frachet đã mở đầu quyển sách với việc thuật lại giấc mơ của hai đan sĩ (và họ kể lại cho cha Humbertô). Họ thấy Chúa Giêsu đang nổi cơn thịnh nộ toan tiêu diệt nhân loại vì tội lỗi. Đức Mẹ đứng ra can, và đề nghị xin lập một dòng giảng thuyết để khuyên lơn dân chúng cải thiện. Như vậy, chuyện lập Dòng Giảng là do sáng kiến của Đức Mẹ đấy chứ. Khi hiện ra với một đan sĩ Chartreux, Đức Mẹ đã gọi Dòng Đa Minh là Dòng của Người, các tu sĩ của Người (“Vade ad fratres praedicatores, quia ipsi sunt fratres mei”, VF, pars I, c.6). Theo A. Duval giải thích, ở đây xem ra tác giả định nói móc hai dòng Chartreux và Citeaux. Xưa nay hai dòng vốn tự hào nổi tiếng về lòng kính mến Đức Mẹ; bây giờ Đức Mẹ nhận Dòng Đa Minh là Dòng của mình, thì người tinh ý sẽ kết luận rằng: hoặc là các dòng xưa đều thua Dòng Đa Minh; hoặc là (tệ hơn nữa) Đức Mẹ từ các dòng cổ và chọn Dòng Đa Minh.
Đó là những giấc mơ “tiên tri” về sứ mạng của Dòng. Khi đọc hạnh tích các anh em vào buổi đầu Dòng, chúng ta thấy những mẩu chuyện khác cho thấy tình thương của Đức Maria đối với Dòng. Câu chuyện cổ điển nhất xảy ra cho cha Reginalđô. Như chúng ta đã biết, đang khi cha bị bệnh thì Đức Mẹ đã hiện ra và khuyến cha gia nhập Dòng Giảng thuyết và tỏ cho thấy (ostendit, monstravit) tu phục của Dòng. Xin miễn trở lại cuộc tranh luận về vấn đề Đức Mẹ vẽ áo dòng, nhưng một điều chắc chắn là các tài liệu xa xưa đều nói đến việc Đức Mẹ hiện ra và trỏ áo dòng (thí dụ cha Giorđanô, Libellus chương 35; Pedro Ferrando, Legenda chương 25).
Chị Cêcilia (Miracula beati Dominici số 7) còn thuật lại một phép lạ do chính cha Đa Minh đã kể lại, đó là một đêm cha đã thấy Đức Mẹ đi rảy nước thánh cho các anh em đang ngủ. Người cho biết rằng mỗi tối, khi anh em đọc kinh Salve Regina, tới câu “eia ergo, advocata nostra” thì người khẩn cầu Chúa Giêsu bảo vệ Dòng. Một lát sau đó, trong khi còn đang chìm đắm trong việc cầu nguyện cha Đa Minh thấy Đức Mẹ ngồi bên tay hữu Chúa, với sự hiện diện đông đủ của triều thần thiên quốc và đủ mặt các dòng tu, chỉ thiếu các tu sĩ của Đa Minh. Cha òa lên khóc, nhưng Chúa đã đến vỗ về rằng: “Ta đã ký thác Dòng con cho Mẹ”; liền đó, Người đã mở áo choàng ra, cho thấy các tu sĩ Đa Minh đang được che chở dưới tà áo.3
Tác giả của Vitae Fratrum không những chỉ kể lại tình yêu của Mẹ đối với Dòng nói chung (hay đối với các bề trên), mà còn ghi lại nhiều chuyện săn sóc đến từng tu sĩ nữa. Có một anh kia thấy Đức Mẹ cầm sách cho đọc đang lúc giảng, và dĩ nhiên là bài giảng của anh tuyệt vời. Một anh khác thì được Đức Mẹ rỉ tai mớm từng lời lúc giảng. Anh nữa thì được Đức Mẹ hiện ra sau khi giảng để tán thưởng và phấn khích tinh thần (VF, pars I, c.6). Có anh được bầu làm bề trên nhưng do dự không muốn nhận thì được Đức Mẹ hiện đến vỗ về hứa sẽ che chở (ibid.). Một bề trên lâm vào thế bí vì chủ nợ tới đòi tiền mà nhà dòng không gì để trả thì liền được Mẹ can thiệp để kiếm ra tiền (ibid.). Đó là chưa kể còn rất nhiều anh em khác đã được Đức Mẹ soi sáng dẫn vào Dòng, hay khi gặp khủng hoảng ơn gọi đã được Mẹ an ủi khuyên lơn.4 Đặc biệt là có anh kia đã quyết định bỏ Dòng, nhưng trước khi ra khỏi cổng còn quỳ gối bái chào Đức Mẹ lần chót. Rủi thay, đầu gối anh dính chặt xuống đất khiến cho anh không đứng dậy được nữa. Thế là anh hiểu ý Mẹ muốn giữ anh lại (ibid.). Dĩ nhiên ơn bền đỗ quan trọng hơn cả là trung thành với Chúa trong giây phút lâm chung, khi mà ma quỷ mở cuộc tấn công quyết liệt, nhưng hắn đã phải thua bởi vì Mẹ đã hiện bên giường để giúp cho tu sĩ được chết lành (VF pars V, c.5). Hơn thế nữa, Mẹ còn che chở họ dưới áo choàng từ bi và tiếp đón những người đã dâng hiến trót đời để phụng sự Người (VF pars I, c.6; pars V, cc.2.3.6; Appendix n.11).
II. Dòng Đa Minh với Đức Mẹ
Dòng đã kêu cầu Đức Maria dưới những tước hiệu: Regina Praedicatorum (VF, pars I, n.1; pars II, cc.25-29; pars IV, c.6 et 14; Appendix n.11), Patrona (xc. Chú giải của cha Humbertô ở Bài đọc Kinh Sách ngày 8/55), Mater misericordiae. Và còn nhiều tước hiệu khác nữa. Anh chị em có biết không? Dòng Đa Minh có một kinh cầu kính Đức Mẹ (Litaniae fratrum praedicatorum) đã lưu hành từ tổng hội 1256, dài hơn kinh cầu tục gọi là Lorêtô. Bản văn còn được duy trì trong Sách Nguyện riêng của Dòng (Liturgia Horarum. Proprium officiorum OP, Romae 1982, p.778-782).6
Dù sao mối tương quan với Đức Mẹ không chỉ giới hạn qua những tước hiệu mà thôi, nhưng nhất là qua rất nhiều cử chỉ và hành vi bày tỏ lòng thảo hiếu tín thác. Những tâm tình này bắt nguồn từ thánh tổ phụ và được truyền lại cho con cái.
A. Thánh Đa Minh
Gérard de Frachet (VF pars I, c.7) kể rằng khi đi đường, cha Đa Minh thường hay hát thánh thi Jesu, nostra redemptio (nguyên là thánh thi của giờ Kinh tối mùa Phục sinh; phụng vụ Giờ kinh hiện này đọc vào Kinh chiều I lễ Thăng thiên) kính Chúa Cứu chuộc, và các thánh ca kính Đức Mẹ Salve Regina, Ave maris stella.7 Vào thời đầu lập Dòng, cha Đa Minh đã muốn đặt trụ sở hoạt động truyền giáo của mình tại Prouille, tại một ngôi nhà nguyện kính Đức Mẹ,8 và tại đây, nhân lễ Đức Mẹ lên trời (15/8/1217), cha đã sai anh em đi giảng đạo. Cuộc “sai đi” quen được ví với lễ Ngũ tuần vào thời các tông đồ.
Khi kể lại chuyện cha Reginalđô vào Dòng, sử gia Constantinô Orvieto (Legenda, c.25) đã cho biết là cha Đa Minh đã ký thác Dòng cho Đức Maria dưới tước hiệu Regina misericordiae.
B. Dòng Giảng thuyết
Chắc hẳn là cha Đa Minh đã muốn cho Dòng cũng tiếp tục lòng thảo hiếu đối với Đức Maria. Dù sao, cha Đa Minh và các vị kế nghiệp đã lần lượt du nhập nhiều tập tục vào đời sống anh em để duy trì lòng thảo hiếu đó. Không thể khẳng định đích xác những tập tục này bắt đầu từ bao giờ, nhưng cha Humbertô coi đó như đã thành lệ rồi.
– Hiến pháp nguyên thủy đã mở đầu (Dist.I, c.I) với khoản truyền rằng buổi sớm mai khi vừa thức dậy, anh em bắt đầu đọc Matutinum kính Đức Mẹ (Officium parvum BMV). Cha Humbertô chú thích rằng đây là dấu hiệu cho thấy anh em bày tỏ lòng tôn kính Đức trinh nữ Maria, muốn đặt trót ngày phụng sự Người.9 Anh em kết thúc một ngày cầu nguyện và hoạt động với việc hát kinh Salve Regina. Tục lệ đọc kinh Salve đã có từ thời thánh Đa Minh (như tích do chị Cêcilia thuật lại), nhưng lúc ấy anh em chỉ quỳ gối và “đọc”. Kể từ cha Giorđanô làm giám tỉnh Lombardia (1221-1222), cha truyền cho anh em hát kinh Salve trọng thể sau kinh Completorium, đi kiệu từ coro ra thánh đường, trước bàn thờ Đức Mẹ.10 Từ Bologna, tục lệ này bành trướng sang các tu viện khác. Đây là giây phút long trọng nhất trong phụng vụ Dòng Đa Minh và lan tràn ra toàn thể Hội thánh.11 Người cũng hứa với cha Giorđanô, – để đáp lại những lời kinh chúc tụng ngợi khen mà các tu sĩ Đa Minh mỗi ngày dâng kính -, là Người đã xin Chúa không để cho tu sĩ nào sống lâu trong tình trạng tội trọng; vì thế hoặc là họ sẽ thống hối ăn năn họăc là họ sẽ bị khai trừ để khỏi làm hoen ố Dòng (ibid.).
– Cha Giorđanô cũng là người đã sáng chế ra một kinh kính danh Đức Mẹ, ghép từ năm mẫu tự bắt đầu 5 thánh vịnh: M(agnificat) – A(d Dominum cum tribularer clamavi: ps.119) – R(etribue servo: ps. 118,17) – I(n convertendo: ps. 125) – A(d te levavi: ps. 122).12
– Trong số những kinh kính Đức Mẹ, đứng đầu là kinh Kính mừng. Tuy vào hồi thế kỷ XIII hình thức kinh Kính mừng chưa mang hình thức cố định như hiện nay,13 nhưng đã có nhiều chứng tích cho thấy anh em Dòng Giảng đã quen lặp đi lặp lại những lời chào kính của sứ thần Gabriel và bà Ysave. Thánh Albertô thuật lại rằng có anh em lặp đi lặp lại những lời ấy mỗi ngày một ngàn lần, người thì một trăm lần, người thì năm chục lần.14 Trước đó, chúng ta đã đọc thấy trong Vitae Fratrum (pars IV c.1; c.5) rằng có những anh em sau khi nguyện xong đã đến trước bàn thờ Đức Mẹ bái gối có đến trăm lần và mỗi lần lặp lại “Ave Maria”. Đó là chuyện sốt sắng cá nhân. Trên bình diện pháp lý, anh em đã thêm kinh Kính mừng ở đầu mỗi giờ kinh tiểu thần vụ kính Đức Mẹ. Tổng hội 1266 truyền cho các anh em trợ sĩ, thay vì Kinh Nhật tụng thì đọc một số kinh Lạy Cha và Kính mừng. Chúng ta sẽ trở lại tục lệ này khi bàn đến nguồn gốc kinh Mân côi.
– Trên đây, chúng ta đã thấy rằng cha Humbertô hãnh diện vì không có Dòng nào kính mến phụng sự Đức Mẹ cho bằng Dòng Giảng.15 Dĩ nhiên đã khẳng định thì phải chứng minh. Và tác giả trưng dẫn rất nhiều bằng cớ. Này nhé, Dòng chúng ta do chính sứ vụ giảng thuyết đã không ngừng “ngợi khen, chúc tụng, cao rao” (laudare benedicere praedicare) Chúa Cứu thế và thân mẫu của Người. Việc học vấn của chúng ta cũng nhằm đến việc phụng sự đức Maria và Qúy tử của Người, tức là tác vụ tông đồ. Kinh nhật tụng mỗi ngày bắt đầu với Người và kết thúc với Người. Mỗi ngày chúng ta đi kiệu để kính Người. Mỗi khi đọc tên Người thì chúng ta cung kính cúi đầu hay nghiêng mình. Nhất là trong số các dòng tu, chỉ có Dòng Giảng là khấn vâng lời Đức Mẹ (facio professionem, et promitto oboedientiam Deo et B.Mariae).
C. Những hiệp hội kính Đức Mẹ
Vào giữa thế kỷ XIII, nhiều hiệp hội thánh mẫu đã được thành lập tại các tu viện Đa Minh ở Bắc Italia, đặc biệt do thánh Phêrô Vêrôna, O.P. (+1252). Mục tiêu của những Hiệp hội này nhằm một đàng cổ võ lòng tôn kính Mẹ Maria và đàng khác là bảo vệ các chân lý đức tin liên quan đến Người.16 Xem ra hiệp hội đầu tiên được thành hình tại Milano năm 1232, quy tụ những giáo dân nhiệt thành muốn bảo vệ đức tin công giáo chống lại các lạc giáo (Patarini) chối bỏ tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Năm 1244 thánh nhân cũng lập một hiệp hội tương tự ở Firenze. Nhiều hiệp hội được thành lập trong khoảng thời gian đó tại Bologna, Bergamo với tôn chỉ rộng rãi hơn. Ngoài việc cổ động lòng tôn kính Đức Maria, họ còn dấn thân giúp đỡ người nghèo (từ việc viếng thăm những kẻ mồ côi goá bụa, cho đến việc thành lập các bệnh viện), cổ võ thuần phong mỹ tục. Từ năm 1252, các hiệp hội này đã được các bề trên tổng quyền Gioan Teutonicus và Humbertô chấp nhận được thông dự vào các đặc ân thiêng liêng của Dòng.
Các hội viên họp nhau hàng tháng (thường là vào Chúa nhật đầu tháng) để nghe giảng về Đức Mẹ (một thứ huấn giáo). Ngoài ra hằng ngày họ còn tự buộc phải đọc một số kinh Lạy Cha và Kính mừng. Từ năm 1260, nhiều hiệp hội còn thêm nghĩa vụ ngợi khen Đức Mẹ bằng những bài ca bình dân (lauda). Ở vài nơi, các hội viên đến tham gia cuộc rước Salve Regina mỗi ngày chung với các tu sĩ.
Với dòng thời gian, các hiệp hội này đã thay hình đổi dạng. Những hiệp hội chú trọng đến công tác xã hội thì trở thành những tổ chức từ thiện (và mất hứng khởi kính Đức Mẹ của thuở ban đầu) dưới nhiều dạng thức: giúp đỡ người nghèo, săn sóc người bệnh, giúp trẻ mồ côi… Những hiệp hội nặng về việc đạo đức thì kết hợp với các hội Mân côi sẽ nói sau đây.
III. Kinh Mân côi
Kinh Mân côi đáng được bàn riêng ra một mục, bởi vì tầm quan trọng của nó trong lịch sử Hội thánh. Nguồn gốc và thần học của Kinh Mân côi đã được trình bày trong quyển Đời sống tâm linh VII (Cầu nguyện Kitô giáo: lịch sử và thần học) trang 289-299; ở đây chỉ xin giới hạn vào những chi tiết liên quan đến Dòng Đa Minh.
Hầu hết các ảnh tượng kính Đức Mẹ Mân côi đều có thánh Đa Minh (đôi khi còn thêm thánh Catarina) đi kèm. Tục truyền rằng chính thánh Đa Minh đã lãnh nhận cỗ tràng hạt từ Đức Mẹ, và đã đi “tuyên truyền” cho việc đọc kinh này. Truyền thuyết này đã bị xét lại vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là vì các tài liệu cổ nhất (bản án phong thánh, Libellus của cha Giorđanô, các Legenda) không hề nói đến sự kiện này. Một lý do nữa là các bức tranh cổ của thánh Đa Minh đều vẽ người cầm quyển sách chứ không cầm tràng hạt. Vì thế cần phải truy tầm nguồn gốc của kinh Mân côi cách kỹ lưỡng hơn.
A. Nguồn gốc
Thực ra vào thời thánh Đa Minh đã lưu hành bốn “bộ thánh vịnh” (psalterium): 150 kinh Lạy Cha (psalterium Christi), một bộ 150 kinh Kính mừng (psalterium b. Virginis), một bộ gồm 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Kitô; một bộ 150 lời ca ngợi Đức Mẹ.
Như đã nói trên đây, các anh em giảng viên đã có thói tục đọc kinh Kính mừng nhiều lần trong ngày. Vào thế kỷ XIII, đã có vài sự kiện manh nha cho sự tiến triển của kinh Mân côi. Có những sử liệu kể lại thói tục của vài anh em đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm 3 “vòng hoa”, chẳng hạn như Bartôlômêo Trentô (+1251), Gioan Mailly (1260), Thomas Cantipré (+1260). Đồng thời, tu sĩ Rômêo de Liva (+1261) đã sử dụng một sợi dây thắt nút để đếm các kinh Kính mừng (mỗi ngày đọc 1000 lần).17
Người đã có công cổ động việc đọc kinh Mân côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche.18 Nguyên là giáo sư thần học tại Paris, Lille, Gand, Rostock, từ năm 1463 cha cảm nhận ơn gọi đi truyền bá kinh Mân côi,19 như là một kinh kính Đức Mẹ. Hình thức của nó gồm 150 kinh Kính mừng, chia thành ba phần chính (đọc vào ba buổi trong ngày: sáng, trưa, tối), kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn và Vinh quang của Chúa Kitô.20 Vào mỗi kinh Kính mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin. Như vậy, ngoài việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, cha Alanô còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476).
Truyền thuyết về việc thánh Đa Minh lãnh nhận tràng chuỗi Mân côi bắt nguồn từ cha Alanô. Có người đã trách là cha đã bịa đặt câu chuyện. Nhưng có người đã bênh vực như thế này. Cha Alanô không hề có chủ ý dựng đứng một sự kiện. Cha chỉ thuật lại (cách thành thực) rằng cha đã được một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ đã trao cho tràng hạt cho thánh Đa Minh như khí cụ bài trừ lạc giáo. Thực khó mà kiểm chứng được cái thị kiến đó hư thực thế nào.21 Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, người ta có thể giả thiết rằng cha Alanô nhận thấy kinh Mân côi là một “tuyệt tác”, không thể nào giải thích được do sáng kiến loài người. Vậy thì chắc là nó được linh hứng (do Đức Mẹ).
B. Hiệp hội Mân côi
Ngoài việc rao giảng Kinh Mân côi, cha Alanô còn lập “hiệp hội thánh vịnh Mẹ Maria” (Confrérie du psautier de Notre Dame), bắt đầu tại Douai (1470). Các hội viên cam kết đọc hết 150 kinh Kính mừng mỗi ngày, cũng như cam kết xưng tội rước lễ vào lúc ghi danh và mỗi năm ba lần (lễ Hiện xuống, lễ thánh Đa Minh, lễ Giáng sinh). Như vậy qua việc đọc kinh Mân côi, các hội viên được thúc giục đào sâu các mầu nhiệm đức tin và tham gia các bí tích nữa.
Phong trào của cha Alano bành trướng mau lẹ, một phần cũng nhờ sự hợp tác của anh em đồng Dòng. Năm 1474, một bàn thờ dành cho Hội Mân côi đã được thành lập tại tu viện Frankfurt. Năm 1475 (năm mà cha qua đời), cha báo cáo cho biết rằng số hội viên lên tới hơn 50 ngàn.
Cũng vào năm 1475, hiệp hội Mân côi (Fraternitas Rosarii) được thành lập tại Koln (do bề trên Giacôbê Sprenger). Tuy gặp vài chống đối đây đó nhưng cả hai hiệp hội tại Lille và Koln đã được giáo quyền địa phương châu phê. Sang năm 1479, chính đức giáo hoàng Sixtô IV đã châu phê hiệp hội,22 với bulla ký ngày 12/5, mở màn cho các văn kiện Toà thánh về kinh Mân côi.
Từ Koln, hiệp hội tràn sang các thành phố bên Đức, Bỉ, Hòa lan, Pháp, Italia, cho đến mãi tận Portugal. Phong trào Mân côi, phát sinh từ các tu viện Đa Minh, cũng đã được truyền bá nhờ lòng nhiệt thành của các tu sĩ Đa Minh. Toà thánh đã xác nhận điều này khi ủy thác cho các tu sĩ Đa Minh việc rao giảng kinh Mân côi và dành cho bề trên tổng quyền đặc quyền thiết lập Hội Mân côi.
Văn kiện quan trọng nhất của Toà thánh về kinh Mân côi là bulla Consueverunt Romani Pontifices (17/9/1569) của đức Piô V (OP), trong đó ngài kể lại nguồn gốc, mô tả bản chất, và những mục tiêu của việc đọc kinh Mân côi. Việc đọc kinh Mân côi đã được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội thánh nhất là từ khi đức Piô V nhìn nhận sự chiến thắng của đạo quân công giáo chống lại sự tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lêpantô (5/10/1571) là do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria. Trong công hội (consistorium) ngày 17/3/1572 ngài quyết định thiết lập lễ Mân côi để kính nhớ biến cố này. Tiếc rằng ngài đã qua đời (1/5/1572) trước khi thực hiện ý định. Theo lời thỉnh nguyện của cha Serafino Cavalli (tổng quyền Dòng Đa Minh), đức Grêgôriô XIII đã thiết lập lễ Mân côi (bulla Monet Apostolus, 1/4/1573) và cho phép cử hành vào chúa nhật đầu tháng 10 tại bất cứ thánh đường nào có bàn thờ kính Đức Mẹ Mân côi. Ngày 3/10/1716, đức Clêmentê XI nới rộng lễ này ra toàn Hội thánh.
Nhờ những ân xá do Toà thánh tiếp tục ban cấp,23 Hội Mân côi được thiết lập tại nhiều giáo phận và giáo xứ. Nhiều bàn thờ và nguyện đường được dâng kính Đức Mẹ Mân côi.
Xin miễn dài dòng trưng dẫn các văn kiện Toà thánh ca ngợi kinh Mân côi và các tác phẩm mà anh em Đa Minh viết về kinh Mân côi. Chỉ xin ghi lại một chi tiết để “giải trí”, đó là anh em ta đã phải kiện lên Toà thánh khi thấy các dòng khác sản xuất đồ giả. Ngày 28/5/1664, đức Alêxanđrô VII đã lên án Dòng Phanxicô vì đã ngụy tạo “rosarium seraphicum” (suy gẫm 9 mầu nhiệm, và mỗi lần đọc 9 kinh kính mừng). Toà thánh cấm không được truyền bá kinh này và những bức hình vẽ Đức Maria trao tràng chuỗi cho thánh Phanxicô! Năm 1673, Toà thánh (Bộ Index) cũng cấm lưu hành kinh Mân côi của thánh Anna. Năm 1683, đức Innocentê XI cấm Dòng Tên tuyên truyền những bức tranh vẽ Đức Mẹ trao tràng hạt cho hai tu sĩ của con cái thánh Inhaxiô. Đức Clêmentê XI cấm dòng Trinitari không được ngụy tạo kinh Mân côi kính Chúa Ba Ngôi (bulla 8/3/1712).
Kinh Mân côi cũng đi theo các thừa sai Đa Minh sang Mỹ châu và Á châu. Đặc biệt tỉnh dòng truyền giáo tại Viễn đông mang tước hiệu Provincia Ssmi. Rosarii Philippinarum. Riêng tại Việt Nam, chúng ta còn phải nghiên cứu ảnh hưởng của kinh Mân côi đối với việc truyền giáo. Bao nhiêu vị tử đạo đã tiến ra pháp trường với cỗ tràng hạt trên tay.
C. Những hình thức khác của phong trào Mân côi
Ngoài việc cổ động kinh Mân côi và việc thiết lập các Hiệp hội Mân côi, còn có nhiều hình thức truyền bá khác trong các thế kỷ gần đây đáng được ghi nhận.24
1/ Hội Mân côi sống
Do chị Pauline Jaricot sáng lập. Jaricot cũng là người lập ra các hội truyền bá đức tin (Oeuvre de la propagation de la foi). Nguyên là một phần tử của Hội Mân côi từ năm 1817, chị thấy hội này òi ọp, cho nên muốn tổ chức lại để cho việc đọc kinh Mân côi được linh động hơn, và tiêm nhiễm tinh thần truyền giáo. Năm 1826 chị tung ra ý định lập hiệp hội Mân côi sống (Association du Rosaire vivant). Hội bành trước mau lẹ: tới năm 1832 số hội viên đã tới 1 triệu ở Pháp, và lan sang Italia, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh… Đức thánh cha Grêgôriô XVI châu phê với đoản dụ Benedicentes Domino ngày 27-1-1832. Năm 1836, bề trên cả Thomas Cipolletti nhận bảo trợ Hội và cho thông dự vào những đặc ân của Dòng Đa Minh. Ngày 17-8-1877, đức Piô IX chấp nhận việc liên kết ấy (Đoản dụ Quod jure haereditario).
Hình thái đặc biệt của hội này là quy tụ 15 người thành một tổ: mỗi người lãnh trách vụ mỗi ngày đọc một chục kinh và suy gẫm 1 mầu nhiệm. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng (gọi là: zélateur, zélatrice), theo dõi và phân phối luân phiên các mầu nhiệm cho các thành viên trong tổ.
Trong những năm gần đây, hình thức này được biến cải thành Equipes du Rosaire, những nhóm học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện dựa theo các mầu nhiệm Mân côi.
2/ Hội Mân côi liên lỉ (Associatio Rosarii perpetui)
Do cha Marie-Augustin Chardon, O.P. (1830-1862) sáng lập năm 1858 tại Lyon, cảm hứng từ hội Mân côi sống của chị Jaricot.25 Đức Piô IX châu phê với một đoản dụ ngày 12/4/1867. Các hội viên chọn lấy một giờ “gác” (trong tuần hay tháng) để đọc hết tràng chuỗi Mân côi (ở bất cứ nơi nào cũng được: ở tư gia hay nhà nguyện, lúc đi đường hay khi nghỉ ngơi…). Nhờ sự phối trí của ban điều hành (chia phiên cho hội viên trong vòng một tháng hay một năm), suốt ngày đêm năm tháng luôn luôn có người đọc kinh Mân côi. Dĩ nhiên, đây là một việc tự nguyện; do đó, lỡ ai không giữ được giờ đã hứa thì cũng chẳng mắc tội gì! Ngoài ra, có thể hằng năm tổ chức một hai ngày cho tất cả hội viên một “Giờ” liên tục tại nhà thờ, tựa như tục “chầu lượt”.
3/ Sang thế kỷ XX, việc rao giảng kinh Mân côi mang thêm những hình thức mới: báo chí, truyền thanh. Từ năm 1908 (kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes), các cha Đa Minh bên Pháp hằng năm tổ chức cuộc hành hương Mân côi (pèlegrinage du Rosaire) vào đầu tháng 10 (Lần đầu tiên chỉ có 1200 người tham dự; 50 năm sau số tín hữu lên đến 100 ngàn). Nhân dịp hành hương, các tín hữu tham dự các buổi tĩnh tâm, các giờ chầu Thánh thể, các cuộc suy niệm Lời Chúa, các công tác bác ái giúp đỡ các bệnh nhân, và dĩ nhiên không thể bỏ qua việc tham dự bí tích Thống hối và Thánh Thể.
Ngoài ra còn có các Hội nghị (Congressus) về kinh Mân côi được tổ chức vào những năm 1954 (Fatima), 1959 (Toulouse), 1963 (Roma), 1967 (Roma), 1976 (Roma). Xin phép lưu ý là sau công đồng Vaticanô II, một văn kiện Toà thánh bàn về kinh Mân côi với nội dung thần học sâu xa là Tông thư Marialis cultus của đức Phaolô VI (2/2/1974), số 42-55. Nguyên ủy của văn kiên ấy như thế này. Với cuộc canh tân phụng vụ sau công đồng, xem ra kinh Mân côi đã trở nên lỗi thời, và đáng cho vào bảo tàng viện. Các giám mục Hoa kỳ viết thư hỏi Toà thánh xem cảm tưởng ấy có đúng không. Lúc đầu đức thánh cha muốn trả lời trực tiếp cho câu hỏi ấy, nhưng sau đó, ngài lợi dụng cơ hội để trình bày ý nghĩa của lòng tôn kính Đức Maria dưới ánh sáng thần học công đồng Vaticanô II. Kinh Mân côi cần được lồng trong bối cảnh ấy. Khi bước sang thiên niên kỷ mới, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), thêm 5 sự Sáng. (xem Đời sống tâm linh tập VII, trang 292-299; 315-355)
Kết luận
De Maria numquam satis. Còn nhiều khía cạnh có thể khai triển thành pho sách, chẳng hạn như:
– Về lịch sử: những tác phẩm của các nhà thần học Đa Minh về Đức Maria (cách riêng trong cuộc tranh luận về tín điều Đức Mẹ vô nhiễm); hoặc: Đức Maria trong cuộc đời các thánh Dòng; hoặc, như đã gợi ý trên đây, lòng tôn kính Đức Mẹ Mân côi tại Việt Nam (Nên biết là các nhà thờ chánh toà Hải phòng, Bùi chu, Bắc ninh đều mang tước hiệu Nữ vương rất thánh Mân côi. Đó là các địa phận Dòng. Nhà thờ chánh toà Phát diệm cũng mang tước hiệu ấy tuy không phải là địa phận Dòng).
– Về linh đạo: Đức Maria gương mẫu của giảng viên, contemplata aliis tradere (LCO 67 §II).
– Về mục vụ: Kinh Mân côi như phương tiện truyền giảng Tin mừng (LCO 129).
Vào buổi đầu Dòng, cha Humbertô không muốn cho Dòng Đa Minh thua kém các dòng khác về lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngày nay thì không những chúng ta đã bỏ cuộc trong vòng đua, mà thậm chí chúng ta cũng mất luôn chỗ đứng trong việc cổ động kinh Mân côi, một gia sản của Dòng.26