Mục Lục
1. CHÂN DUNG VỊ SÁNG LẬP
Cuối thế kỷ XII, một nạn đói xảy ra ở Palencia, Tây Ban Nha. Chứng kiến nhiều người nghèo chết vì thiếu lương thực, một chàng sinh viên thần học đã đem bán hết sách vở, là thứ quý giá nhất của mình, để cứu giúp những số phận đau thương. “Làm sao tôi có thể học trên những tấm da chết trong khi người ta chết đói ?” Chàng sinh viên tốt bụng ấy tên Domingo de Guzmán (tiếng Việt quen gọi là Đa Minh), chào đời tại làng Caleruega, Tây Ban Nha vào năm 1170.
Lên bảy tuổi cậu Đa Minh được gửi học với cậu của mình là một linh mục. Hoàn tất chương trình thần học rồi được thụ phong linh mục, cha Đa Minh đã gia nhập Kinh sĩ đoàn của nhà thờ chính toà Giáo phận Osma, Tây Ban Nha. Chính tại đây, trong đời sống chiêm niệm của cộng đoàn kinh sĩ, cha Đa Minh nhận ra ơn gọi riêng của mình là cầu nguyện cho các tội nhân, cho những người nghèo và những người đau khổ.
Năm 1203, nhân chuyến tháp tùng đức cha Diego, Giám mục Osma công du đến miền Bắc Âu, cha Đa Minh gặp một chủ quán trọ theo lạc giáo Cathares. Nhóm lạc giáo này chủ trương sống triệt để tinh thần khó nghèo Tin Mừng, nhưng đi đến quá khích là coi thường thân xác và đối nghịch với Giáo hội. Ngọn lửa nhiệt tâm với ơn cứu độ các linh hồn trong chiêm niệm giờ đây bừng cháy, cha Đa Minh thức suốt đêm tranh luận với người chủ quán. Cha đã thuyết phục thành công người này trở lại với đức tin Công giáo. Cuộc gặp gỡ và hoán cải có tính ngôn sứ này đã gợi hứng cho cha Đa Minh ý tưởng thành lập nhóm giảng thuyết.
Đức cha Diego và cha Đa Minh, cùng với sự cộng tác của một số tu sĩ Xitô, noi gương các thánh tông đồ thuở xưa : đi bộ từng hai người một, rao giảng Tin Mừng cho những người lạc giáo. Để duy trì cuộc chiến vì đức tin này, thì cần phải trang bị “vũ khí thiêng liêng”, đó là lời cầu nguyện. Năm 1206, cha Đa Minh quy tụ một số thiếu nữ, phần lớn là con cái của nhóm lạc giáo đã được người cảm hoá, và thành lập Đan viện nữ Đa Minh đầu tiên ở Prouilhe, Pháp.
Thời gian đầu, cha Đa Minh giảng thuyết dưới quyền Đức cha Diego. Năm 1207, Đức giám mục qua đời; cha Đa Minh “đơn thương độc mã”, tiếp tục giảng thuyết tại Carcassonne, Pháp, nơi lạc giáo đang hoành hành. Cho đến năm 1215, có hai anh em ao ước được chia sẻ với cha Đa Minh niềm đam mê giảng thuyết vì “cứu độ các linh hồn”. Cộng đoàn Anh em Đa Minh giảng thuyết đầu tiên ra đời ở Toulouse, với sự chấp thuận của đức cha Foulques, giám mục Toulouse.
Tại công đồng Laterano IV (1215), cha Đa Minh và Đức cha Foulques đệ trình Đức thánh cha Innocente III kế hoạch thành lập một dòng tu mới. Ngày 22 tháng 12 năm 1216, cộng đoàn anh em giảng thuyết do thánh Đa Minh thành lập được Đức thánh cha Honorio III châu phê. Kể từ đó, những anh em của thánh Đa Minh được gọi là “Dòng Anh Em Giảng Thuyết” (Ordo Fratrum Praedicatorum, viết tắt là O.P.)
Dòng thành lập chưa được bao lâu, cha Đa Minh tụ họp mười sáu anh em tiên khởi tại Prouilhe và sai từng hai người một đến các thành phố lớn ở châu Âu để giảng thuyết, học hành và thành lập các tu viện. Cha tin tưởng ủy thác sứ vụ cho các anh em của mình với những lời lẽ khích lệ: “Hạt giống tốt sinh hoa trái khi được phát tán, bằng không sẽ thối rữa nếu chất đống với nhau.” Hôm ấy là lễ Mông Triệu, ngày 15 tháng 8 năm 1217, quen gọi là ngày lễ Ngũ tuần của Dòng.
Tổng hội đầu tiên năm 1220 và tổng hội năm sau đó nhóm họp tại Bologna, Ý đã xác định những nét chính yếu làm nền tảng cho hiến pháp tiên khởi của Dòng. Sau tổng hội thứ hai, cha Đa Minh lâm trọng bệnh và qua đời tại Bolonia vào ngày 6 tháng 8 năm 1221. Người được Đức thánh cha Gregorio IX tôn phong hiển thánh năm 1234, và được Giáo hội mừng kính vào ngày 8 tháng 8 hàng năm.
2. CỘNG ĐOÀN CÁC ANH EM CHIÊM NIỆM VÀ GIẢNG THUYẾT
Dòng Anh Em Giảng Thuyết, như chính tên gọi của Dòng, là cộng đoàn các anh em nhận lãnh sứ vụ giảng thuyết – “công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới.” Để chu toàn nhiệm vụ này, cha Đa Minh đã đề ra cho anh em một lối sống, một linh đạo, đó là anh em “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân.”
Để làm rõ ý hướng của cha Đa Minh, Hiến pháp Dòng gọi nếp sống này là nếp sống của các Tông đồ theo thể thức thánh Đa Minh cưu mang, tức là “chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên tin mừng, sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì.” Những việc này một khi được chu toàn không những làm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa bản thân, mà còn chuẩn bị và thúc đẩy việc giảng thuyết nhằm phục vụ ơn cứu độ con người. Những yếu tố này của đời sống Đa Minh được hài hoà và quân bình trong một tập thể nhờ một cách thức quản trị mang tính cộng đoàn, theo đó các thành phần có thể hợp tác một cách hữu cơ và thích hợp trong việc theo đuổi mục đích riêng của Dòng.
Những nét đặc trưng trên đây của linh đạo Đa Minh không chỉ giới hạn trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết, mà còn được mở rộng đến các chị em đan sĩ Đa Minh, chị em Đa Minh hoạt động tông đồ và Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh (dòng Ba). Chính sự góp mặt của các thành phần này làm nên sự phong phú và tính đa dạng của linh đạo Đa Minh.
3. TÁM TRĂM NĂM TRONG LÒNG GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI
Ngay sau khi các anh em tiên khởi được phân tán đến những thành phố lớn của châu Âu để rao giảng và lập tu viện, Dòng tăng trưởng một cách kỳ diệu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đã có rất nhiều ơn gọi đến với Dòng. Từ Paris, Bologna và Roma, Dòng nhanh chóng lan rộng đến các thành phố lớn khác ở Đông Âu (Ba Lan, Tiếp Khắc, Hungary, v.v.). Theo những tài liệu thống kê vào cuối thế kỷ XIII, Dòng có hơn 12.600 tu sĩ.
Làm thần học…
Thời kỳ đầu, hoạt động chính của anh em Đa Minh chủ yếu là ở những đại học lớn của châu Âu với tư cách là giáo sư thần học và giảng sư ở nhiều nhà thờ chính toà. Ngoài những nhà thần học lỗi lạc thuộc Dòng Đa Minh như thánh Tôma Aquinô và thánh Anbetô Cả, cần phải kể đến cha Vincent de Beauvais, một nhà bách khoa toàn thư của thời Trung cổ, những văn sĩ thần bí lừng danh như tôn sư Eckhart, Johannes Tauler và Chân Phước Henry Suso, đến nay tư tưởng của của các vị này vẫn tiếp tục được nghiên cứu. Ngoài ra, Dòng còn có một nhà thần bí đặc biệt là thánh Catarina Siena. Không chỉ bằng ngôn ngữ triết học, thánh khoa và thần bí, anh em Đa Minh còn diễn tả chân lý đức tin bằng biểu tượng của nghệ thuật tâm linh, như những bức hoạ của Chân phước Fra Angelico, Fra Bartolomeo, v.v..
Đầu thế kỷ XVI, sự xuất hiện và lan rộng của Phong trào Cải cách Tin lành đã tác động đến nề nếp tu trì và sứ vụ của Dòng. Nhưng không bao lâu, công đồng Trentô nhóm họp, anh em đã nhanh chóng khẳng định được sứ mạng thần học và quản trị của mình trong Giáo hội. Khoảng 200 tu sĩ Đa Minh (Tổng giám mục, Giám mục, Đại diện Giám mục, thần học gia) đã tham gia Công đồng. Học thuyết thánh Tôma tìm được vị trí xứng đáng khi được Công đồng dùng để khai triển giáo lý của Hội thánh. Sau Công đồng, hai tu sĩ Đa Minh được bầu làm Giáo hoàng, đặc biệt thánh Giáo hoàng Piô V đã đóng góp rất nhiều trong việc áp dụng giáo lý công đồng vào đời sống Giáo hội.
Cách mạng Pháp (1789) bùng nổ, lại một lần nữa, Dòng phải đương đầu với những khủng hoảng kéo dài. Giữa thế kỷ XIX, cha Henri Lacordaire – văn sĩ và nhà giảng thuyết nổi tiếng ở nhà thờ Đức Bà Paris – đã gia nhập Dòng. Nhờ sự khôn ngoan và năng lực xuất sắc trong việc giảng thuyết, cha đã thu hút được nhiều ơn gọi cho Dòng. Bên cạnh đó cũng phải kể đến khả năng lãnh đạo tài ba của Bề trên Tổng quyền Vincent Jandel đã giúp cho Dòng vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Trào lưu Ánh sáng ra đời, cùng với sự phát triển của khoa học, đã tác động đến lối suy tư, khiến người ta đặt lại mọi vấn đề dưới ánh sáng khoa học, kể cả những vấn đề Kinh Thánh và thần học. Nhận thấy khoa học nhân văn, lịch sử, khảo cứu, v.v., giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu Kinh Thánh, cha Marie-Joseph Lagrange đã thành lập Trường Thánh Kinh Giêrusalem vào năm 1890, mở đường cho khoa chú giải Thánh kinh Công giáo hiện đại.
Trong thế kỷ XX, Dòng tiếp tục đóng góp cho Giáo hội nhiều nhà thần học danh tiếng. Cha Yves-Marie Congar, Marie-Dominique Chenu, Edward Schillebeeckx là những chuyên viên quan trọng của Công đồng Vatican II. Cuối thế kỷ XX và đầu XXI, cha Timothy Radcliffe, cựu Tổng quyền của Dòng (1992-2001) cũng là một khuôn mặt nổi bật. Ngài đã xuất bản một số tác phẩm có giá trị và được mời thuyết trình nhiều nơi.
…và truyền giáo
Cùng với nhiệm vụ thần học tại các trung tâm Châu Âu, các anh em Đa Minh còn chú trọng đến sứ mạng truyền giáo. Có thể kể đến một vài nhà truyền giáo nổi tiếng ngay sau thời thánh Đa Minh như thánh Giaxintô (+1257), vị tông đồ của Bắc Âu và Đông Âu, thánh Vinh Sơn Phêriô (+1419), được mệnh danh là “Ông trạng phép lạ.” Cuối thế kỷ XV, nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, anh em Đa Minh đặc biệt hướng đến các hoạt động truyền giáo ở những châu lục xa xôi.
Trong số những nhà truyền giáo tiên phong của châu Mỹ, cha Bartolomeo de las Casas, OP. (+1566) – vị tông đồ của thổ dân – là gương mặt nổi bật nhất và xứng đáng được gọi là cha đẻ của nhân quyền vì là người đầu tiên dấn thân trong cuộc đấu tranh đòi công lý và quyền lợi cho thổ dân châu Mỹ. Rồi cũng phải kể đến thánh Máctinô Porét (+1639). Đức Gioan XXIII, trong ngày lễ phong thánh, đã gọi Người là “mẫu gương sáng ngời về đức bác ái.”
Tại Châu Á, một Tỉnh dòng Truyền giáo (Tỉnh dòng Mân Côi, gốc Tây Ban Nha) được thành lập năm 1582 tại Philippines. Từ đây các tu sĩ Đa Minh đem ánh sáng Tin Mừng đến các nước Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, v.v.. Công cuộc truyền giáo tại Châu Á đặc biệt gắn liền với những chứng tích của các anh hùng tử đạo. Chỉ riêng Tỉnh dòng Mân Côi đã có 57 nhà truyền giáo tại Châu Á (phần lớn ở Việt Nam và Nhật Bản) được phong hiển thánh và chân phước, ấy là chưa kể 42 vị khác là Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh.
4. BỐN TRĂM NĂM HIỆN DIỆN TẠI VIỆT NAM
Thời các nhà truyền giáo…
Giữa thế kỷ XVI, các tu sĩ Đa Minh đã có những thăm dò đầu tiên cho sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam. Năm 1550, nhà truyền giáo Gaspar Santa Cruz (Bồ Đào Nha) từng đặt chân đến Hà Tiên. Từ năm 1596 đến năm 1629, các nhà truyền giáo Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Mân Côi, theo lời mời của các vua hoặc quan đại thần Chân Lạp, đã thực hiện bốn chuyến truyền giáo đến miền Nam Việt Nam. Những địa danh ghi dấu chân các ngài là Châu Đốc, Cửu Long, kinh thành Lovea En, Thuận hóa và cửa Hàn, v.v..
Năm 1676, nhận lời mời của đức cha Lambert de la Motte, Tỉnh dòng Mân Côi bắt đầu chính thức sứ mạng truyền giáo ở Đàng Ngoài. Kể từ đó, đã có liên tục 243 thừa sai thuộc Tỉnh dòng này xin chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Địa phận Đông Đàng Ngoài được thành lập năm 1679. Giám mục Đa Minh đầu tiên là Đức cha Lezoli Cao (1698-1706). Kể từ năm 1756, Dòng hoàn toàn đặc trách khu vực tả ngạn sông Hồng, nay là 5 giáo phận : Gp. Hải Phòng (1679), Gp. Bùi Chu (1848), Gp. Bắc Ninh (1883), Gp. Thái Bình (1936) và Gp. Lạng Sơn (1939).
Năm 1738, hai tu sĩ Đa Minh Việt Nam tiên khởi tuyên khấn lần đầu. Từ thời điểm này cho đến năm 1919, con số anh em Đa Minh Việt Nam là 135 tu sĩ (134 linh mục, 1 thầy bốn chức). Sau thời bách hại, đặc biệt từ năm 1934, khi tập viện Đa Minh được thiết lập tại Quần Phương, Bùi Chu, số tu sĩ Đa Minh Việt Nam tăng đáng kể mỗi năm chuẩn bị cho một tỉnh dòng mới được thành lập vào năm 1967.
Từ năm 1902, các tu sĩ Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Lyon (Pháp) cùng tham gia sứ vụ tại Việt Nam. Các vị hoạt động tại Hà Nội với tu xá Cartouches và Câu lạc bộ Sinh viên Phục hưng, và phụ trách truyền giáo tại Cao Bằng – Lạng Sơn từ năm 1914. Số thừa sai Tỉnh dòng Lyon đến Việt Nam là 42 vị, trong đó có 2 giám mục.
Gia sản lớn các vị thừa sai để lại cho Giáo hội tại Việt Nam là lòng hăng say, sự nhiệt thành và hy sinh. Công việc tuy âm thầm, nhưng ảnh hưởng sâu đậm với Giáo Hội Việt Nam, đó là cách tổ chức giáo xứ tại những giáo phận Dòng. Đức Pio IX không ngần ngại gọi đó là những giáo phận gương mẫu . Ngoài ra, các vị cũng thành lập các đoàn thể công giáo tiến hành, đặc biệt là Hội Chị Em Đa Minh hãm mình (1715) – tiền thân của các Hội dòng nữ Đa Minh, Dòng Ba Đa Minh, Hội Mân Côi tại nhiều nơi. Ngoài ra còn có hội dây thánh Tôma, hội Kính Danh Chúa Giêsu và hội Imelda (dành cho trẻ em rước lễ lần đầu).
Đặc biệt, cùng với Giáo Hội Việt Nam, những trang sử đậm nét nhất của Dòng Đa Minh trên đất Việt là bản trường ca được viết bằng máu đào của những con người hào hùng, sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Trong danh sách 117 thánh tử đạo Việt Nam, có 38 vị thuộc Gia đình Đa Minh, gồm 6 giám mục, 16 linh mục Dòng Nhất, 3 linh mục Dòng Ba, 6 thày giảng và 7 huynh đoàn giáo dân. Ngoài ra, còn 118 đấng Đáng kính đang chờ được suy tôn chân phước, và hàng trăm vị khác đang được điều tra.
….đến thành lập Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Việt Nam (1967)
Biến cố 1954 đã đưa hầu hết tu sĩ Đa Minh đến phục vụ tại các giáo phận miền Nam. Năm 1956, Phụ tỉnh có vị bề trên người Việt đầu tiên là cha chính Giuse Nguyễn tri Ân (1956-1964). Ngày 18 tháng 03 năm 1967, Tỉnh dòng Đa Minh được thành lập tại Việt Nam với thánh hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.” Số tu sĩ của tân Tỉnh dòng bấy giờ là 98 người. Vị giám tỉnh tiên khởi là cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm (1967-1981).
Vào thời điểm trên, các tu sĩ Đa Minh thuộc Phụ tỉnh Lyon cũng vào Miền Nam và lập tu viện tại đường Tú Xương, Sài Gòn. Ngày 22/05/1999, Cha Timothy Radcliffe, Tổng quyền Dòng Đa Minh, đã ký nghị định hợp nhất Phụ tỉnh Lyon (sau là Phụ tỉnh Pháp) với Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Việt Nam.
Thống kê năm 2014, Tỉnh dòng có 368 tu sĩ (1 Giám mục, 233 Linh mục, 16 Phó tế, 34 tư giáo khấn trọng, 47 tư giáo khấn đơn, 32 trợ sĩ khấn trọng, 5 trợ sĩ khấn đơn và 22 tập sinh,. Trên 75 tu sĩ đang cư trú, làm việc và học hành ở nước ngoài. Tại Việt Nam, Tỉnh dòng có 5 tu viện, 3 tu xá, phụ trách 31 giáo xứ; ở hải ngoại, có 1 Phụ tỉnh đặt trụ sở tại Calgary, Canada với 1 tu viện, 2 tu xá (1 tại Houston, Hoa Kỳ) và phụ trách 9 giáo xứ.
5. CÁC HOẠT ĐỘNG SỨ VỤ HIỆN NAY
Về công tác đào tạo thần học, năm 1967, Dòng khánh thành Học viện Đa Minh Thủ Đức để đào tạo linh mục tương lai cho Dòng. Đến năm 1971, Học viện được chọn làm Học viện Liên Dòng. Khi học viện bị tiếp quản (1978), công tác này vẫn được tiếp tục, tuy âm thầm hơn. Hiện nay Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Gò Vấp, sau khi sáp nhập với Đại Học thánh Tôma, Manila, đã được quyền cấp văn bằng Cử nhân Thần học.
Bên cạnh đó, các tu sĩ Đa Minh cũng góp phần cho việc khai sinh và phát triển các Học viện Thần học Liên dòng Nam và Nữ; giảng dạy tại các Đại chủng viện Hà Nội, Sài Gòn, Xuân Lộc; biên soạn các giáo trình, tài liệu thần học, dịch thuật Kinh thánh và các văn kiện Tòa thánh, v.v.; biên tập nội san “Chia Sẻ” của liên tu sĩ thành phố HCM và tập san “Thời sự Thần học”.
Tĩnh tâm Tỉnh dòng 2016
Nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Máctinô, Hố Nai
Về mục vụ, hiện nay các tu viện tại Thành phố đều gắn liền với các hoạt động mục vụ của giáo xứ do tu viện đảm trách. Tại Hố Nai, Đền thánh Máctinô là trung tâm hành hương cho nhiều tín hữu với các hoạt động mục vụ thánh lễ, giải tội, học hỏi giáo lý, bác ái, v.v.. Tỉnh dòng cũng tiếp tục phục vụ tại các giáo xứ gốc di cư như Ngọc Đồng, Thánh Tâm (Hố Nai), Lạc Lâm (Đơn Dương), Cao Xá (Tây Ninh). Đặc biệt, một công việc mục vụ khác cũng chiếm khá nhiều nhân lực của Tỉnh dòng là tổ chức và huấn luyện cho các Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh với con số gần 100 ngàn đoàn viên tại 16 giáo phận. Ngoài ra, còn có nhiều tu sĩ dấn thân mục vụ cho các nhóm giáo chức, sinh viên, di dân, khuyết tật, HIV, v.v..
Về sứ vụ truyền giáo, nhờ gia tăng số tu sĩ, gần đây Tỉnh dòng mở rộng cộng tác truyền giáo tại nhiều giáo phận như : Hưng Hóa, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Vinh, Đà Nẵng, Kontum, Ban Mê Thuột và Cần Thơ. Anh em Đa Minh Việt Nam cũng đang thử nghiệm hiện diện tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào và một số quốc gia trong khu vực.
6. THÔNG TIN CẦN THIẾT
DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT
Bề trên Tổng quyền : Lm. Gerard Timoner III, O.P.
Trụ sở : Convento Santa Sabina (Aventino)
Piazza Pietro d’Illiria, 1
00153 Roma – Italia
Tel : (3906) 579 401
Fax : (3906) 575 0675
Website : http://curia.op.org
TỈNH DÒNG NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO, VIỆT NAM
(TỈNH DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM)
Bổn mạng: Đức Mẹ sầu bi (15/09)
Giám tỉnh : Lm. Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, O.P.
Trụ sở : 229 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Tp. HCM
Đt : (08) 3932 1881 ; Fax : (08) 3932 1880
Website : http://www.daminhvn.net
THỈNH VIỆN ĐA MINH, TAM HÀ – Nơi đón nhận ứng sinh tìm hiểu ơn gọi
Bổn mạng : Thánh Gioan Tông đồ
Phụ trách ơn gọi : Lm. G.B Lê Hoàng Huynh, O.P.
70/1 Tổ 1, KP. Bình Đường 3, P. An Bình, Tx. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương
Số điện thoại: 0985 188 795
Email: thinhviendaminh@gmail.com
Website: https://www.thinhviendaminh.net
Xem thêm: Tâm thư gửi các bạn trẻ Công giáo ; Giới thiệu Thỉnh viện Đa Minh