I. Lược Sử & Sứ Vụ
Thỉnh viện Đa Minh Việt Nam nhận thánh Gioan Tông Đồ là Thánh Bổn Mạng. Theo năm tháng, Thỉnh viện đã từng bước xây đắp nên lịch sử của mình, bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Lúc đó, những anh em thỉnh sinh đầu tiên đã được quy tụ tại cộng đoàn Thánh Gia Thịnh, Bình Phước, kể từ khi Đệ Tử viện Đa Minh Gò Vấp không còn được sinh hoạt sau năm 1976.
Nơi đây là trường học nuôi mầm ơn gọi tu trì Đa Minh; nơi đây gắn kết biết bao lao công khó nhọc và tâm huyết của các bậc cha anh, những người nhiệt tâm chăm lo xây dựng ngôi nhà Thỉnh viện, để trường học này được thăng tiến theo tháng năm.
Cũng tại nơi đây, đã có biết bao ơn gọi được nuôi dưỡng, nhiều tu sĩ Đa Minh đã ra trường, tiếp tục hành trình tu trì, học hành thành đạt, và đang phục vụ tại nhiều nơi trong Giáo Hội.
Hôm nay, Thỉnh viện Đa Minh vẫn tiếp nối sứ vụ đào tạo này, đón nhận ơn gọi, cung cấp cho các thỉnh sinh những tri thức nền tảng trong giai đoạn huấn luyện sơ khởi, giúp các em đặt nền móng vững chắc cho đời sống thánh hiến tu trì theo Đoàn sủng Đa Minh.
II. Đào Tạo
Chương trình huấn luyện tại Thỉnh viện gồm hai giai đoạn:
- Thỉnh sinh ngoại trú
Chương trình này dành cho các bạn nam sinh viên muốn tìm hiểu ơn gọi Đa Minh. Hai lần trong tháng, các bạn đến sống và cảm nghiệm đời sống huynh đệ Đa Minh, học hỏi về Ơn gọi, Giáo lý và tìm hiểu căn bản về Thánh Kinh. Thỉnh viện rộng mở cho tất cả các bạn có ý muốn tìm hiểu ơn gọi Đa Minh.
Nếu bạn muốn tìm hiểu ơn gọi Chiêm niệm và Giảng thuyết này, mời bạn tìm đọc bài viết về Linh Đạo của Dòng Đa Minh. https://thinhviendaminh.net/dong-da-minh/linh-dao/
- Thỉnh sinh nội trú
Một khi các bạn sinh viên đã học xong chương trình cao đẳng, đại học, hoặc cao hơn, và đã qua kỳ thi tuyển sinh nội trú, các bạn này được mời gọi sống và theo học chương trình quy củ tại Thỉnh viện. Chương trình này kéo dài từ một đến ba năm.
Bốn phương diện căn bản được đặt làm trọng tâm là: Đời sống cộng đoàn, phụng vụ chung, học hành và nếp sống tu trì. Đây là bốn yếu tố căn bản giúp người thỉnh sinh Đa Minh tập sống và tập hiện thực hóa linh đạo Đa Minh cho nếp sống tu trì Đa Minh trong tương lai: Chiêm niệm và Giảng thuyết.
Đây là vài nét sinh hoạt Đa Minh:
a. Đời sống chung:
Đời sống cộng đoàn là yếu tố đứng hàng đầu trong nếp sống Đa Minh. Tính chất cộng đoàn Đa Minh được thể hiện cụ thể: Cộng đoàn sống Lời Chúa, sống huynh đệ, chia sẻ những ân điển của mỗi người cho cộng đoàn, … và cộng đoàn cùng nhau thi hành sứ vụ Giảng thuyết.
Anh em thỉnh sinh đang tập dần nếp sống cộng đoàn này.
b. Phụng vụ cộng đoàn
Có thể nói, tinh thần Phụng vụ Đa Minh kín múc từ nếp sống đan tu, và thánh Đa Minh đã muốn tinh thần này được cử hành long trọng và ngắn gọn. Mục đích là để người tu sĩ Đa Minh học biết “chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của chiêm niệm.”
Anh em thỉnh sinh tập sống cầu nguyện, thinh lặng suy gẫm, đến với Cung Nguyện, … để có được chất sống của một người biết cầu nguyện và thưa chuyện với Chúa.
c. Học hành
Trước tiên, người tu sĩ Đa Minh biết đam mê học và suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh, học triết học, học Thánh khoa, học những tri thức của nhân loại, … tất cả việc học đều giúp người tu sĩ Đa Minh trở thành nhà giảng thuyết Lời Chúa.
Thỉnh sinh Đa Minh đang tập dần phong thái học hành theo tinh thần Đa Minh.
d. Nếp sống tu trì
Nhiều nơi gọi yếu tố này là Kỷ Luật Tu trì, có thể được gói gọn trong một từ Latinh: Disciplina. Tự rèn luyện để trở thành tu sĩ tốt, ắt hẳn đó là nguyện vọng của mỗi tu sĩ nói chung.
Thỉnh sinh Đa Minh cũng đang tập sống nếp sống tu trì Đa Minh.
III. “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39)
“Hãy đến mà xem!” (Ga 1,39). Lời mời gọi này được nhắc lại nhiều lần trong chương I của Tin Mừng Gioan. Đây là lời mời gọi mà Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ đầu tiên của Người.
Tại Thỉnh viện Đa Minh, nhiều thế hệ trẻ đã đến theo tiếng gọi này của Chúa, đến đây để đi theo Chúa trong ơn gọi tu trì Đa Minh. Và các bạn cũng vậy, các bạn nam thanh niên có ý hướng tu trì, tiếng mời gọi này cũng đang dành cho bạn đó!
Mời các bạn! https://www.youtube.com/watch?v=J_W6o_hRwe0
IV. Nhân sự đào tạo
Nhiệm vụ tổ chức và đào tạo tại Thỉnh viện được trao cho Ban Giám đốc, hiện nay gồm có:
Ts. Gioan Baotixita Lê Hoàng Huynh, O.P.
Giám Đốc Thỉnh Viện
Ts. Phaolô Nguyễn Quốc Tài, O.P.
Phụ Tá
Ts. Giuse Lê Hoàng Nguyên, O.P.
Phụ Tá
Các bạn có thể liên lạc với vị Phụ trách Ơn gọi.
Linh mục Gioan Baotixita Lê Hoàng Huynh, O.P.
Email: thinhviendaminh@gmail.com
Địa chỉ: Thỉnh viện Đa Minh, 70/1 Tổ 1, KP. Bình Đường 3, P. An Bình, Tx. Dĩ An, Bình Dương. Hoặc 1116 đường số 6, P. Tam phú, Tp. Thủ Đức (số cũ). (xem bản đồ).