[ĐMX72] Đời Tu Trì, Một Hành Trình Thử Thách

25-07-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3150 lượt xem

__Vinh Sơn Trần Văn Lực__
Trên con đường dâng hiến, luôn bao hàm những khó khăn có nguy cơ cản bước tiến của ta. Nó như những viên đá ngáng đường khiến ta có thể vấp ngã và làm đôi chân ta mệt nhọc, tổn thương. Nhưng nếu trong tim ta có sự vững tin vào Chúa, thì ta sẽ cảm nhận được rằng, những thử thách đó đang tôi luyện đôi chân ta vững vàng hơn trên hành trình theo Chúa.

Trong xã hội hiện đại nhộn nhịp và ồn ào này, ta vẫn thấy vang vọng đây đó lời hát: “Đời con xin mãi thuộc về Ngài. Từng nhịp đập trong trái tim đây, từng hơi thở mỗi phút giây. Tất cả là của Ngài…” Đó là tâm tình của một người con cái Chúa muốn dâng trọn cuộc đời, ngay cả từng nhịp đập của trái tim, từng hơi thở trong mỗi phút giây để thuộc về Người. Những ca từ nghe thật đơn sơ, nhưng lại trầm lắng và ấm áp. Nó như là một tiếng đáp trả trước lời mời gọi bước theo Thầy Giêsu, một lời đáp lại với đầy nhiệt huyết và mạnh mẽ.

Sinh ra trên trái đất này, mỗi người được ban cho những ân huệ khác nhau để tìm kiếm, theo đuổi và chu toàn điều Thiên Chúa muốn dành cho mình. Có người được mời gọi vào bậc sống hôn nhân gia đình, có người sống độc thân giữa đời, và đặc biệt hơn cũng có một số ít người muốn dấn thân phục vụ Tin Mừng, phục vụ tha nhân trong ơn gọi tận hiến. Họ là những người đã nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được chúa Thánh thần thúc đẩy, đã chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô, để tự hiến cho Thiên Chúa với một con tim không chia sẻ.[1] Khi nghe thấy tiếng mời gọi đang thôi thúc và hun đúc trong lòng, họ đã vui vẻ và mau mắn đáp trả lại lời mời gọi đó, họ vứt bỏ mọi sự sau lưng mà chạy đến với Chúa. Họ giống như hình ảnh ông Phêrô và Anrê, khi còn đang bận bịu với công việc mưu sinh ở Biển hồ, thì tiếng mời gọi của Chúa Giêsu đã vang lên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (x. Mt 4,19). Một sự đáp trả dứt khoát và sẵn sàng từ bỏ để theo Chúa Giêsu.

Ta thầm cảm phục những người đã có quyết định theo Chúa một cách can đảm và quyết tâm như vậy, nhưng có khi nào ta nghĩ đến những khó khăn, vất vả, chông gai mà họ sẽ gặp phải trên con đường đã chọn. Cuộc hành trình theo đuổi ơn gọi thoạt nhìn thì thật tươi đẹp. Người đi theo Chúa sẽ bắt đầu hành trình với những mơ ước cao thượng: ước mơ trở thành linh mục để khoác trên mình tấm áo của sự hy sinh, dâng hiến; rồi được đứng trên bục giảng với những lời giáo huấn hùng hồn; hay sẽ dấn thân đến những nơi truyền giáo để đem Tin Mừng đến cho ngươi nghèo, v.v.. Nếu những ước mơ như thế mà dễ dàng thành hiện thực, thì hẳn là con đường theo Chúa sẽ rất nhộn nhịp lắm, các chủng viện và dòng tu cũng không thể đủ chỗ cho ứng sinh gia nhập.

Thực tế con đường đi theo Chúa đâu phải là con đường thênh thang, dễ dãi, mà là con đường của sự hy sinh với bao khó khăn và thách đố. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ theo Người là đi “con đường hẹp”, từ bỏ tất cả những gì thân thuộc, những thói quen, sở thích, v.v., theo tiếng gọi của Chúa. Sự hy sinh từ bỏ trước hết là đối với gia đình, người thân và bạn bè. Từ bỏ không có nghĩa lãng quên hay khước từ những mối tương quan ấy, nhưng là không để tình cảm máu mủ, riêng tư chi phối sự lên đường của mình, nhờ đó người tận hiến mới có thể tự do yêu thương tha nhân một cách quảng đại hơn. Tuy nhiên để làm được điều này không phải là dễ dàng, nó đòi hỏi một sự can đảm, vững tâm và hy sinh rất lớn. Có những tu sĩ, khi rời bỏ gia đình để đến với những cộng đoàn tu trì, họ mang theo cả sự lo lắng vì gia đình neo đơn, bố mẹ bệnh tật hay các em phải lam lũ vất vả, v.v.. Những bổn phận mà đáng ra họ phải gánh vác, thì giờ đây các em phải làm thay. Vừa ước muốn dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Chúa, vừa ưu tư đến những bổn phận gia đình khiến cho quyết định dấn thân theo Chúa thật khó khăn.

Bước vào cộng đoàn tu trì, không những ta phải từ bỏ những níu kéo của tình cảm gia đình, mà con phải từ bỏ những hoài bão riêng, những dự định riêng để theo đuổi mục đích sứ vụ chung của cộng đoàn. Khi đó, chúng ta không còn là một cá nhân riêng rẽ nữa, nhưng là một thành phần trong một cộng đoàn có sự liên kết và tương hỗ nhau. Để được như vậy, đòi ta phải biết dùng những khả năng riêng của cá nhân để xây dựng, vun đắp cho lợi ích chung của cộng đoàn, chứ phải phải dùng nó để tranh đua, hay thể hiện bản thân. Việc từ bỏ những sở thích cá nhân để hòa hợp trong cộng đoàn là điều không dễ thực hiện đối với người tu sĩ trên con đường tận hiến.

Những bước chân theo Chúa còn đòi hỏi ở mỗi tu sĩ sự nhẫn nại và hy sinh. Trong cộng đoàn tu trì, việc đối xử công bằng không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Đôi khi giữa anh em với nhau, hoặc giữa bề trên với người dưới vẫn có những sự hiểu lầm lẫn nhau, dẫn đến những nhận xét hay quyết định khiến người tu sĩ có cảm tưởng rằng mình đang phải chịu đựng bất công. Từ đó, ta cảm thấy như bị loại trừ, lạc lõng và cô đơn trong cộng đoàn. Nhưng nếu có thể nhẫn nại và tha thứ cho nhau, thì ta sẽ thấy sự hy sinh trong đời tu thật đẹp và cao cả. Thực tế, không chỉ là những hiểu lầm, thiếu thông cảm, mà còn có cả sự ghen ghét, đố kỵ, loại trừ lẫn nhau trong cộng đoàn. Thánh Tôma Aquinô từng bị trêu chọc là con bò câm. Thánh Don Bosco khi đang dạy dỗ những thanh thiếu niên vô gia cư, thì đã bị coi là điên rồ, khùng dại. Có những lúc ta cảm thấy những rắc rối, khó khăn cản trở con đường tu trì của ta đến từ chính những người đang cùng ta theo đuổi một lý tưởng. Thay vì dành những lời kết án cho người anh em của mình, nếu ta biết đón nhận những yếu đuối, những khuyết điểm của nhau để mà tha thứ và nâng đỡ nhau, thì ta sẽ cảm nhận được niềm vui của đời dâng hiến. Đời tu sẽ chỉ có ý nghĩa, khi những con người cùng một chí hướng biết yêu thương, đồng cảm, và tha thứ cho nhau.

Trên con đường dâng hiến, luôn bao hàm những khó khăn có nguy cơ cản bước tiến của ta. Nó như những viên đá ngáng đường khiến ta có thể vấp ngã và làm đôi chân ta mệt nhọc, tổn thương. Nhưng nếu trong tim ta có sự vững tin vào Chúa, thì ta sẽ cảm nhận được rằng, những thử thách đó đang tôi luyện đôi chân ta vững vàng hơn trên hành trình theo Chúa. Chỉ cần ta luôn giữ vững lòng yêu mến, khát khao được đi trên con đường này, thì mọi gian lao và thử thách sẽ lùi lại sau lưng khi ta bước tới. Trên hết, để vượt qua những gian nan này, thì sự cầu nguyện vẫn là yếu tố cần thiết nhất để giúp cho ta có thêm nghị lực và sức mạnh. Cầu nguyện giúp nâng đỡ ta khi ta vấp ngã và tăng thêm sức mạnh để ta tiếp tục hành trình. Cầu nguyện thúc đẩy trái tim ta luôn đặt niềm tín thác vào Chúa và tin tưởng vào tương lai.

* * *

Ơn gọi thánh hiến là quà tặng cao quý Thiên Chúa dành cho ta. Vốn dĩ chỉ là thụ tạo thấp hèn, nhưng ta lại được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và hiến thánh để ta được ở bên Người và phụng sự Người. Cầu xin Chúa cho có nhiều hơn nữa những bạn trẻ có thể lắng nghe và quảng đại đáp trả tiếng mời gọi của Chúa. Vẫn biết rằng, trần gian này có nhiều điều hấp hẫn và thú vị, nhưng xin cho chúng con biết từ bỏ những lời mời gọi đó để vâng theo tiếng gọi dâng hiến bản thân cho Chúa để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

[1] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 1

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com