[ĐMX73] Tâm Của Nước…

15-04-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2150 lượt xem

_Phêrô Phạm Trần Đức Thịnh_
Mỗi người hãy là giọt nước của những con sông kia,
dù cho nhỏ bé hay rộng lớn,
dù cho thẳng tắp, xa xăm hay uốn cong, khúc khuỷu,
nhưng vẫn can đảm hòa mình với anh em,
để trở nên vững mạnh, can đảm
hòa mình vào Đức Kitô là nguồn nước hằng sống.

Từ bàn học, tôi phóng tầm mắt ra ngoài và rảo nhìn một vòng xung quanh: bầu trời xám xịt một màu, thời tiết chuyển mùa… và vẫn mưa. Những cơn mưa không còn nặng nề như trước, nhẹ nhàng, êm dịu, mang trong mình không khí se lạnh của mùa đông. Ôi! Sao mà can đảm thế kia – những hạt mưa từ trên cao rơi nối tiếp nhau trông như lũ trẻ con đang chơi trò trốn tìm. Có hạt vô tư rớt thẳng xuống, nhanh nhảu thấm vào lòng đất, hạt thì tinh nghịch bám trên mấy đám cây rồi nhẹ nhàng men theo những tán lá trượt dài xuống gốc cây. Hoa cỏ trong vườn rung rinh, mừng rỡ vươn dài những cánh tay thỏa thuê đón lấy làn nước mát.

Hãy nhìn xem hành trình của nước thật là thú vị biết bao. Từ đại dương mênh mông nước hóa thành mây ngàn, cùng gió phiêu bạt khắp muôn nơi; khi trĩu nặng, đong đầy, mây đổ mưa đưa nước về với sông suối, với biển lớn, hoặc đọng lại thành những băng sơn sừng sững trên cao, hiên ngang cùng với đất trời.

Sinh ra nhờ nước

Nhìn những hạt mưa tôi lại nghĩ cuộc đời của mỗi người phải chăng là được sinh ra nhờ nước. Ngay từ lúc hoài thai trong lòng mẹ, con người đã được nuôi dưỡng, bao bọc bởi nước. Không những cung cấp dinh dưỡng để phôi thai phát triển hoàn thiện, nước ối còn giúp bảo vệ thai nhi an toàn trước những chấn động bên ngoài bụng mẹ. Về mặt tâm linh, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu một lần nữa họ được “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5), được tái sinh thành một thụ tạo mới và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Được sinh ra bởi nước và nhờ nước mà lớn lên nhưng chúng ta có thực sự mang tâm hồn của nước? Nước không cố định hình dạng, có khả năng phù hợp với mọi khuôn, đồng thời vượt lên mọi khuôn. Không gì ngăn nổi nước, cũng như không gì ràng buộc được nước. Nước giữ được cái cốt yếu là mình, không câu nệ vào một hình thức, không cứng nhắc vào một khuôn khổ, nên nước dung hợp được với tất cả. Nước tùy nơi mà tồn tại, tùy lúc mà ứng biến. Nước được xem như biểu tượng của sự mềm mại, vì thế có thể dễ dàng đón lấy quyền năng tác động của Thần Khí. “Do bởi Thần Khí mà sinh ra” (Ga 3,8), đời sống Kitô hữu là đời sống luôn mềm mại để thuận theo sự dẫn dắt của Thần Khí.

…lặng lẽ, dịu êm hay ồn ào, dữ dội

Vạn vật trong tự nhiên có lẽ không gì mềm mại, uyển chuyển bằng nước. Nước là vô ngã, ở đâu cũng có thể chảy, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên trời là mưa, dưới đất thành ao hồ, sông lạch, biển cả,… Thật tuyệt vời biết bao khi mỗi người tự mặc lấy cho mình những bản tính của nước – chấp nhận, khiêm tốn và vị tha.

Chúng ta không được quyền chọn lựa người anh em để chung sống nhưng lại có thể chọn những phương thế khác nhau để cùng sống với họ. Chuyện tưởng chừng như rất dễ nhưng kì thực để tâm của mình nên như nước lại là cả một quá trình, thậm chí là cả một đời người. Với những người đang chập chững bước đi trong đời sống cộng đoàn thì việc đó lại càng khó, bởi lẽ đâu đó bên trong họ vẫn còn sự quy ngã. Thiên Chúa dựng nên mỗi người có một tính cách, suy nghĩ, hướng đi riêng, là duy nhất và không thể thay thế. Trước hết mỗi người phải biết tôn trọng bản thân. Mỗi người đều được quyền mưu cầu hạnh phúc với những chọn lựa riêng. Lắng nghe người khác là cần thiết, nhưng cũng phải có suy tư độc lập và biết chịu trách nhiệm, từ đó chúng ta mới có thể tôn trọng người đối diện.

Cộng đoàn là một xã hội thu nhỏ, vì thế có người yếu và cũng sẽ có những cá nhân vượt trội về nhiều mặt. Nếu cứ thấy yếu mà tự ti, thấy tài mà tự kiêu thì mối dây liên kết trong cộng đoàn không bao lâu sẽ bị cắt đứt. Khiêm tốn không có nghĩa là nhấn chìm hay tự hạ, không mảy may nghĩ đến giá trị của bản thân, mà là nhìn nhận đúng con người thật của mình. Người ta có thể tự tin nhưng không được tự cao, có thể phóng khoáng nhưng không thể phóng túng. Điều cốt yếu cần nhận ra là sức mạnh của người này có thể là điểm yếu của người kia, chúng ta cần có nhau để tương trợ và bổ khuyết cho nhau. Biển vì ở nơi thấp nên có thể dung nạp ngàn con sông mà trở nên rộng lớn. Con người cũng vậy, khi hạ thấp được cái tôi cá nhân thì sẽ dễ dàng tiếp nhận được tinh hoa từ người khác mà hoàn thiện mình.

Đức Giêsu đã không đến thế gian trong quyền uy với võ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ võ khí của vị vua hòa bình là “hiền lành, khiêm nhường”, và Người mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự khiêm hạ: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Vị tha và đón nhận cũng là đặc tính của nước. Lâm Tắc Từ từng nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nải đại”, nước được xem là có lòng bao dung vĩ đại, bất luận là ân oán, đúng sai, vô luận là giọt nước ở sông lớn hay dòng suối nhỏ, nhơ nhuốc hay tinh khôi thì biển đều dung nạp. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lên những ca từ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Chúng ta được sinh ra ở đời là để sống vì, sống với và sống cho, như chính thầy Giêsu đã sống. Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự tha thứ qua dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. Một Thiên Chúa uy quyền, cao cả nhưng đại lượng, đã tha thứ tất cả những lỗi lầm của chúng ta, và Người muốn chúng ta cũng thứ tha cho người anh em của mình. Khi xưa luật của Môsê là “mắt đền mắt, răng đền răng”, luật của người Do Thái chỉ được tha ba lần, lần thứ tư là sẽ bị phạt. Sang đến thời của Chúa Giêsu, Người đòi chúng ta phải tha thứ 70 lần 7, không phải là 490 lần nhưng là thứ tha luôn luôn, thứ tha mãi mãi.

Học được tính bao dung như nước không phải là một điều đơn giản. Bởi lẽ ranh giới giữa vị tha và trốn chạy rất mong manh, thêm nữa người ta cũng sẽ dễ dàng nhầm lẫn giữa tha thứ và kiềm chế. Vì là đặc tính của nước nên sự vị tha đích thực cũng phải từ tự nhiên mà đến, từ tâm mà sinh ra, không bó buộc, không gò ép. Khi gặp khó khăn, xung đột, mâu thuẫn, nhiều người vẫn chọn cho mình giải pháp “đào vi thượng sách”. Nhưng tránh né một lần, hai lần chứ đâu tránh né được mãi, đôi khi “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Thái độ chạy trốn dù trong bất kì tình huống nào vẫn là không tự nhiên, không xuất phát từ tâm, không những không giải quyết được vấn đề mà còn tự mang vào mình tâm trạng sợ sệt, âu lo, co cụm, gây nên sự ám ảnh, bối rối lương tâm. Khoan dung, độ lượng là một nhân đức nhưng chỉ mãi chạy trốn thì sẽ không thành nhân đức được. Cũng như cây tốt thì sẽ sinh trái tốt, cái để làm nên một con người tốt là nhân đức, là tấm lòng chứ không chỉ đơn thuần là hành động. “Con người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45).

Trong đời sống cộng đoàn khi phải chịu nhiều áp lực, không có cách nào để đối thoại và trình bày, muốn cho mọi chuyện êm đẹp thì người ta phải kiềm chế, đè nén bản thân mình. Nhưng rồi dần dà kiềm chế mãi sẽ phát sinh tình trạng bị dồn nén và ức chế, gây ra những phản ứng thất thường trong mọi tương quan. Vì theo quy luật tự nhiên nén chỗ này thì sẽ bung chỗ kia, “tức nước vỡ bờ” chỉ là chuyện sớm muộn. Khi dòng nước bị ngăn chặn, nó sẽ tự động lan tỏa ra nhiều hướng khác mà tiếp tục dòng chảy. Con người cũng vậy, thay vì dùng cách nén xuống để giải quyết xung đột thì ta hãy dựa vào sức mạnh của xung đột mà hướng lên và đạt đến những điều thiêng liêng, cao đẹp. Đó chính là tính mềm của nước, lấy nhu thắng cương.

…cứng rắn, mạnh mẽ hay lạnh nhạt

Chúng ta được mời gọi sống cộng đoàn là để mọi người nâng đỡ nhau, cùng thăng tiến, phát triển về nhiều phương diện. Hằng ngày chúng ta phải chứng kiến biết bao nhiêu khuyết điểm của nhau: những giận hờn, ghen tị, những lời nói gắt gỏng, chua cay, những tính tình cọc cằn. Khi đối diện với những lầm lỡ của mình và của anh em, mỗi người hãy mang lấy sự cứng rắn, mạnh mẽ, thái độ kiên quyết, không chấp nhận tội lỗi, giúp họ sửa đổi và thăng tiến chứ không phải là một sự lạnh nhạt, thờ ơ, bỏ mặc. Nhưng cũng đừng nhầm lẫn sự mạnh mẽ và cứng rắn với tội lỗi thành sự lên án và bài trừ. Luật yêu thương không cho phép chúng ta làm điều đó với tha nhân. Như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Thêxalônica: Hãy khuyên bảo người vô kỷ luật chứ không phải là xử phạt; khích lệ kẻ nhút nhát chứ không miệt thị; không chà đạp, cũng không bỏ mặc nhưng nâng đỡ kẻ yếu đuối và kiên nhẫn với hết mọi người (x. 1Tx 5,14). Sự hiệp thông đích thực trong cộng đoàn chỉ có được khi mỗi cá nhân được nâng đỡ, được biết đến, để họ tự do và tự nguyện sống tâm tình “thuộc về”, tức là sống với thái độ bỏ mình để thuộc về nhau. Thế nên, cần có sự đồng hành trong cộng đoàn bằng việc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe đầy cảm thông để có những hành động phù hợp trong tinh thần liên đới.

…hòa quyện hay cứ mãi trơ trọi

Làm sao để giọt nước không bị khô? Hãy trả nó về với đại dương. Một giọt nước đơn thuần không thể tồn tại nếu chỉ nằm một mình, nó sẽ bị sức nóng của mặt trời làm cho tan biến đi. Nhưng nếu trả nó về với đại dương, nơi mà nó vốn dĩ thuộc về, thì cuộc sống của một giọt nước sẽ hồi sinh, không còn lo lắng về sự cô đơn hay đau đớn vì bị bốc hơi. Con người cũng như giọt nước, nếu chỉ có một mình thì làm việc gì cũng khó mà thành công. Thật thế, chỉ khi bỏ qua được sự tự ti, mặc cảm hay thói kiêu căng, tự phụ để đón nhận người anh em, đón nhận chính mình bằng một trái tim nhiệt huyết, không ngại khó khăn thì cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hòa quyện còn là đặt mình vào vị trí của người anh chị em để cảm nhận và có một cái nhìn khác trong những mối tương quan thường ngày với họ. Người ta sẽ thấy thế giới màu đen khi người ta đeo kính đen, thấy thế giới màu xanh khi đeo kính xanh. Vì thế nếu có một cái nhìn khác về người anh chị em thì ta cũng sẽ dễ cảm thông, bớt đi thành kiến và sự khó chịu về họ.

Nước là một quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Bề mặt Trái Đất của chúng ta hơn ba phần tư là nước, nước cần thiết cho sự sống của mọi sinh vật. Nước chiếm đến tám mươi phần trăm trong cơ thể con người. Thật tuyệt vời khi những mảnh đất khô cằn, nứt nẻ, những bụi cây bị cháy xén, khô héo vì cái nắng oi ả của ngày hè nay lại được gột rửa, tưới mát và thấm đẫm trong những cơn mưa đầu mùa nặng hạt. Tiếng ếch nhái ngoài đồng kêu râm ran, đàn cá nhảy nhót vui mừng đón nước lên, những mầm sống được đất mẹ ấp ủ lâu nay cũng bị đánh thức và bắt đầu vươn mình trỗi dậy.

Xuyên suốt trong lịch sử cứu độ, bằng nhiều cách khác nhau Thiên Chúa đã dùng nước để trợ giúp dân Do Thái. Người đã dùng nước của Biển Đỏ để nhấn chìm đạo quân Ai Cập cứu dân Israel, trong sa mạc Người cũng đã cho nước chảy ra từ hốc đá để làm thỏa cơn khát của dân. Nhưng những ai uống nước này rồi sẽ lại khát, chỉ có nước từ chính Đức Giêsu mới làm cho ta không còn khát nữa. Những ai đến với Đức Giêsu và tin vào Người thì Người cũng sẽ ban cho “nước hằng sống chảy ra từ lòng Người” (Ga 7,38). Và khi bị treo trên thập giá, trái tim của Chúa Giêsu đã bị lưỡi đòng đâm thâu khiến máu cùng nước chảy ra. Đó chính là nguồn nước của tình yêu, của ơn cứu độ không bao giờ khô cạn nhưng luôn dạt dào và lai láng.

Hãy nhìn lại hành trình của nước từ những giọt li ti trong rừng rậm, nước róc rách đi qua đá, chui qua khe hẹp làm nên con suối, rồi từ những con suối nước nhảy, dù từ trên núi cao, lao mình ào ào trên thác đổ hợp thành sông để bắt đầu hành trình ra khơi. Những dòng sông mạnh mẽ phá vỡ những con đập, cuốn trôi những vật cản, cứ vùn vụt lao mình về với biển để rồi khi gặp gỡ đại dương, nó vui mừng vì được trở về với nguồn cội. Niềm vui ấy là sự hòa tan, hòa tan ra như chẳng còn là mình. Mỗi người hãy là giọt nước của những con sông kia, dù cho nhỏ bé hay rộng lớn, dù cho thẳng tắp, xa xăm hay uốn cong, khúc khuỷu nhưng vẫn can đảm hòa mình với anh em để trở nên vững mạnh, can đảm hòa mình vào Đức Kitô là nguồn nước hằng sống. Để chính nhờ Người mà chúng ta được nở hoa công chính và đơm bông thánh thiện.

Con ước mình là giọt nước tinh khôi
Dẫu nhỏ bé và nổi trôi từng ngày
Nhưng con hằng day dứt và ngóng trông
Mong được Ngài ủ ấp trong men nồng.
Con ước mình là giọt nước tinh khôi
Để phiêu bạt muôn phương với ngàn nơi
Dẫu chân trời, dẫu núi đồi, sông suối
Đến cuối cùng vẫn đổ về biển khơi.
Biển tình Ngài chan chứa muôn hồng ân
Cho con say giấc nồng của hạnh phúc
Dẫu có lúc nước hóa thành mây ngàn
Vẫn dang tay, biển chờ mưa lại đổ.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com