[ĐMX73] Từ Bốn Phương Trời

20-03-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2409 lượt xem

__Giuse Ngô Văn Mạnh__
“Chúng tôi từ những vùng miền khác nhau, khác biệt về văn hóa, phong tục, v.v., nhưng được quy tụ bên nhau nhờ tiếng gọi của Thầy Giêsu, cùng làm nên gia đình, một cộng đoàn, cùng chia sẻ với nhau nhiều điều…”

Mùa tựu trường đến, học sinh nô nức đến trường, các sinh viên cũng trở lại giảng đường đại học. Với tôi, mùa tựu trường năm nay thật đặc biệt. Tôi cũng háo hức chuẩn bị cho mình những gì cần thiết, vì nơi ngôi trường mới này, tôi phải học làm quen với một đời sống mới. Tôi sẽ sống với nhiều anh em có chung một lý tưởng là trở nên giống Đức Kitô và theo chân người, để mang tình yêu của Người đến cho mọi người ở khắp mọi nơi.

Lớp chúng tôi được gọi là lớp Dự bị với 13 anh em đến từ mọi miền khắp cả nước. Ngày nhập Thỉnh viện, chúng tôi nhận được sự chào đón của cha giáo, và các anh lớp Tiền tập – những người đã vào trước chúng tôi một năm. Nơi mái trường đó, chúng tôi sống như gia đình khi cùng nhau cầu nguyện, học tập, làm việc… Chúng tôi từ những vùng miền khác nhau, khác biệt về văn hóa, phong tục, v.v., nhưng được quy tụ bên nhau nhờ tiếng gọi của Thầy Giêsu, cùng làm nên gia đình, một cộng đoàn, cùng chia sẻ với nhau nhiều điều. Tôi muốn chia sẻ những cảm nghiệm đầu tiên của tôi về gia đình mới này.

Nơi cộng đoàn này, chúng tôi đang tập sống tình huynh đệ. Niềm vui được quy tụ tạo nên một bầu không khí ấm áp, sống động của cộng đoàn. Những khi chúng tôi cùng nhau tham dự phụng vụ, chúc tụng ngợi khen Chúa chính là những giây phút bình an chúng tôi nhận được, một sự bình an trong Chúa và giữa anh em. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Chính khi cùng nhau cầu nguyện, chúng tôi được hợp nhất nên một trong Đức Giêsu.

Học tập là một việc tối cần thiết để thực hiện lý tưởng tu trì trong Dòng. Tình cộng đoàn cũng được thể hiện cách sinh động trong học tập. Nếu cá nhân chỉ học cho mình và học một mình, thì việc học ấy sẽ chỉ dẫn đến những căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng khi anh em học cùng nhau, giúp đỡ nhau thì ngoài việc cùng nhau thăng tiến, anh em sẽ không còn coi học tập như một gánh nặng, nhưng là nơi mà niềm vui của tình huynh đệ được nhân lên. Anh em Thỉnh sinh chúng tôi thường xuyên tổ chức học nhóm vào các buổi tối để cùng nhau trao đổi những kiến thức, học hỏi lẫn nhau.

Bên cạnh đó, những giờ giải trí cũng không thể thiếu. Nó làm cho tương quan giữa anh em chúng tôi được bền chặt. Việc chơi thể thao không chỉ hướng đến việc có một sức khỏe tốt mà quan trọng hơn, đó là cơ hội để anh em chúng tôi trao cho nhau những tiếng cười sảng khoái, xua tan đi những mệt mỏi của đời sống thường nhật. Hay những giờ uống cà phê với nhau là lúc anh em kể cho nhau nghe nhiều chuyện vui buồn của cuộc sống để hiểu nhau và gần nhau hơn.

Sự đồng thuận và gắn kết cũng được thể hiện rõ qua những buổi lao động cuối tuần, khi anh em cùng nhau dọn dẹp ngôi nhà chung của mình. Khi giúp đỡ nhau hoàn thành công việc, chúng tôi cảm thấy đời mình thật có ý nghĩa khi mình trở nên có ích cho người anh em. Và khi cần đến nhau, chúng tôi nhận ra chính mình trong người anh em, như lời thánh Basiliô Cả đã từng nói: “Không gì diễn tả bản chất chúng ta cho bằng chúng ta quy tụ lại với nhau”.

Cộng đoàn dòng tu là nơi quy tụ những con người có cá tính riêng biệt, nên vẫn hay xảy ra những ý kiến bất đồng giữa anh em. Mười hai Tông đồ khi xưa cũng có những tranh cãi, như Tin mừng Mátthêu đã thuật lại: “Bấy giờ bà mẹ của các các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin người một điều. Người hỏi bài: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”… Nghe vậy môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,20-21.24). Đã là con người thì rất khó tránh khỏi những ghen tương, tức giận và đố kị. Đời sống của anh em chúng tôi đôi khi không thể tránh khỏi những lúc làm mất lòng nhau. Chẳng hạn như việc sử dụng quạt trong phòng học chung thôi, có người muốn bật, có người muốn tắt dẫn đến anh em khó chịu với nhau. Hay khi chơi thể thao, một số anh em chơi tốt, nhanh nhẹn, số khác chơi kém hơn. Sự khác biệt này dễ ảnh hưởng đến kết quả cuộc chơi, và như thế, lời qua tiếng lại trên sân cũng rất khó tránh. Nhưng chính sự bất toàn đó lại làm nên một cộng đoàn, vì chúng tôi sẽ được đào tạo để trở nên giống Chúa Kitô hơn. Khi xưa, các Tông đồ có những cuộc tranh cãi và chính những sự tranh cãi đó đã làm cho các ông trưởng thành hơn trong cả hành động và lời nói, để hiểu nhau hơn và cùng nhau xây dựng một Hội Thánh vững chắc trong Đức Giêsu.

* * *

Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ; hãy đi từ điều dễ cho đến khó. Đó là điều mà tôi nghĩ là một quy luật. Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu. Hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện. Hãy yêu mến sự thinh lặng trong buồng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức. Hãy hòa nhã với mọi người. Đừng tọc mạch muốn biết chuyện riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật với ai hết, bởi vì sự thân mật dễ đưa đến suồng sã và làm xao lãng việc học hành. Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí. Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền. Không cần biết ai là tác giả của một câu nói, những hãy biết tiếp nhận điều tốt mà họ nói. Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình.

Chúng tôi chỉ mới bắt đầu cuộc sống cộng đoàn, nên vẫn còn bỡ ngỡ và chưa thể thấm nhuần hết được tinh thần đời sống cộng đoàn. Những lời trên là lời khuyên về việc học hành thánh Tôma dành cho anh Gioan, nhưng cách nào đó, nó cũng hữu ích cho việc tập sống cộng đoàn. Tại Thỉnh viện, chúng tôi cố gắng theo những chỉ dẫn trên để học và làm quen với nếp sống của Dòng từ những việc rất nhỏ hằng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn tập sống cộng đoàn khi hội họp với nhau. Cuộc họp là nơi, là lúc chúng tôi trình bày ý kiến cá nhân, cũng như lắng nghe suy nghĩ của anh em để chúng tôi hiểu nhau hơn, cùng nhau điều chỉnh cho tốt hơn. Chỉ có như thế chúng tôi mới có thể cùng nhau thăng tiến trên con đường ơn gọi của mình.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com