[ĐMX73] Bài Ca Yêu Thương

08-04-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1935 lượt xem

_Giuse Đinh Quang Nghĩa_
Trong bầu khí của bữa tiệc ly, ngay sau khi rửa chân cho từng người trong Nhóm Mười Hai, Đức Giêsu đã để lại cho các Tông đồ một bản tình ca mới là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương là bài ca bất diệt, âm vang của nó sẽ mãi vang vọng cho đến tận thế.

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã ban tặng cho dân Chúa biết bao bản thiên hùng ca. Khởi đầu là bản tình ca tạo dựng vũ trụ, một bản phối với trật tự vô cùng hoàn hảo của Thiên Chúa. Tiếp đến là bản tình ca trong Cựu Ước với việc Thiên Chúa đã giải phóng dân Ítraen khỏi ách nô lệ. Đến thời Tân Ước là bản tình ca Thiên Chúa làm Người, chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế để cứu chuộc loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và trong bầu khí của bữa tiệc li, ngay sau khi rửa chân cho từng người trong Nhóm Mười Hai, Đức Giêsu đã để lại cho các Tông đồ một bản tình ca mới là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).

Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em (Ga 13,14-15). 

Yêu thương là bài ca bất diệt, âm vang của nó sẽ mãi vang vọng cho đến tận thế. Bằng sự khôn ngoan, Thiên Chúa đã sáng tác bài ca này nơi chính các Tông đồ và cụ thể là qua cách các ngài sống yêu thương nhau trong cộng đoàn Giáo hội. Ngày nay, đời sống cộng đoàn theo gương các tông đồ vẫn luôn được lưu truyền cách đặc biệt trong các dòng tu. Sống yêu thương là cách thức tốt nhất để chúng ta rao giảng Đức Kitô cho tất cả mọi người. Bằng đời sống yêu thương, hiệp nhất và tôn trọng nhau chúng ta có thể nói cho mọi người biết rằng, chúng ta là những môn đệ của Thiên Chúa; và trong Giáo hội, con người được yêu thương và tôn trọng cách xứng đáng theo cách họ đã được Thiên Chúa dựng nên. Vì thế, nhiệm vụ của từng thành viên trong cộng đoàn là cộng tác theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần với sự tự do, để ý định của Thiên Chúa được thực hiện. Cách riêng với chúng ta là những Thỉnh sinh Đa Minh, những nhà giảng thuyết trong tương lai, chúng ta càng phải có trách nhiệm hơn trong việc làm cho ý định yêu thương của Thiên Chúa được lan tỏa khắp cùng trái đất, để cứu rỗi các linh hồn.

Nhận ra chính mình

Trong bài ca này, mỗi chúng ta là một ký hiệu và cùng nhau làm nên một tác phẩm hoàn hảo của Thiên Chúa. Vì thế, công việc của mỗi người là nhận ra mình thuộc loại ký hiệu nào để nắm rõ vai trò và giá trị của bản thân, để cộng tác với ý muốn của Chúa Thánh Thần. Dù là bất cứ loại ký hiệu nào chăng nữa, chúng ta cũng phải biết bằng lòng về chính mình và đón nhận những khả năng Chúa ban với lòng biết ơn mà không tự kiêu hay ghen tị với người khác.

Đã là một bài hát thì phải có hai phần: lời và giai điệu. Phần giai điệu bao gồm những nốt nhạc và các loại dấu hóa. Những nốt cao có nhiệm vụ tạo điểm cao trào cho giai điệu bài hát, nhưng sẽ khó hát. Còn những nốt trầm tuy bình thường nhưng lại không thể thiếu. Chúng hòa quyện với nhau tạo nên sự hài hòa cho giai điệu bài hát. Trong cộng đoàn cũng thế, sẽ có những anh em nổi trội về học thức nhưng bên cạnh đó cũng không thể thiếu những anh em ở mức độ trung bình. Cái khó của chúng ta là phải tôn trọng lẫn nhau để hòa hợp sự khác biệt (x. Rm 12,10). Bởi con người không ai là hoàn hảo. Có thể, chúng ta mạnh về điểm này nhưng lại yếu về điểm khác. Do đó, việc mọi người trong cộng đoàn tôn trọng các hạn chế của nhau là điều cần thiết. Bởi sống trong cộng đoàn, chúng ta không còn là một cá nhân đơn lẻ, nhưng là sống trong một tập thể, mà đã là tập thể phải có sự hòa hợp để tạo nên một thể thống nhất. Mỗi người là một nốt nhạc, cao hay thấp tùy thuộc vào sự trao ban của Thiên Chúa, mỗi nốt là một giá trị riêng. Những nốt càng hay càng đặc biệt thì đòi hỏi bản thân người lãnh nhận càng phải có trách nhiệm cao hơn với những gì đã được ban tặng, “cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều” (Lc 12,48).

Ngoài ra, trong bài hát, còn có những nốt chấm dôi, tác dụng của nó là gánh đỡ nhiệm vụ của nốt phía sau và đảo nhịp, tạo nên vẻ khác biệt cho bài hát. Trong môi trường cộng đoàn, chúng ta ngoài việc tôn trọng nhau thì còn phải chấp nhận những giới hạn của nhau để cùng thăng tiến (x. Gl 6,2). Đây là hai yếu tố phải luôn đi song song với nhau. Cộng đoàn rất cần những anh em giỏi nhưng những anh em ấy đồng thời phải mang trong mình tinh thần biết san sẻ. Bên cạnh tinh thần biết san sẻ của những anh em giỏi là tinh thần đón nhận của những anh em được giúp đỡ. Chúng ta phải đón nhận sự giúp đỡ trong tinh thần khiêm tốn để có thể tốt hơn. Qua hành động này, chúng ta không những giúp anh em mình tiến bộ hơn về học thức mà ngược lại, việc khiêm tốn đón nhận từ phía những anh em được giúp đỡ lại nâng đỡ những anh em giỏi kia. Cả hai cùng được nối kết với nhau bằng sợi dây huynh đệ. Đây là một trong những điểm nổi bật của đời sống cộng đoàn Đa Minh. Và sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua những dấu hóa.

Một vài dấu hóa chúng ta thường gặp nhất trong bản nhạc là dấu thăng, dấu giáng và dấu lặng. Thăng và giáng là hai loại dấu có thể phản ánh cách rất chân thực đời sống cộng đoàn. Dấu thăng phản ánh những xúc cảm thăng hoa của chúng ta. Sẽ có lúc chúng ta cảm thấy cộng đoàn thật lý tưởng, vì nơi đây là môi trường quá tốt để chúng ta có thể hoàn thiện bản thân. Nhưng ngược lại cũng không ít lần chính ta lại cảm thấy mình thật cô đơn và lạc lõng giữa cộng đoàn. Bởi những hiểu lầm và những ngăn trở đến từ bên ngoài khiến ta chùn bước trên bước đường ơn gọi, đó là lúc những dấu giáng xuất hiện. Nhưng nó vẫn chưa phải dấu chấm hết. Nếu gặp phải loại dấu này thì chúng ta hãy để mình trở nên những dấu lặng. Dấu lặng đóng vai trò rất quan trọng trong bài hát vì nó giúp người hát có thời gian nghỉ lấy hơi. Mỗi khi gặp trắc trở trên bước đường ơn gọi hãy quay về với đời sống thinh lặng nội tâm – nơi đây chỉ có chúng ta và Chúa. Bằng cách lắng đọng tâm hồn và thưa chuyện với Chúa trong thinh lặng, chúng ta có thể tìm ra thánh ý Chúa và có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong đời sống.

Trong đời sống cộng đoàn việc nhận ra chính mình là chuyện rất cần, nhưng chỉ thế vẫn chưa đủ hoàn hảo. Bởi bao lâu những ký hiệu còn chưa được nhà soạn nhạc đưa vào bản nhạc và sắp xếp theo vị trí tác giả muốn, thì khi ấy những ký hiệu vẫn chỉ là một điều gì đó đơn điệu và vô nghĩa.

Nhận ra vị trí của mình

Trong quá trình sáng tác, nhà soạn nhạc phải sắp xếp các ký tự lại với nhau cách nào đó để có thể diễn tả được tư tưởng của mình trong từng giai điệu. Cũng thế, khi sống trong môi trường cộng đoàn, mỗi anh em chúng ta phải tuân thủ vị trí và vai trò của mình theo ý muốn của Chúa Thánh Thần, để Người diễn tả ý định của Thiên Chúa qua sự tự do cộng tác của mỗi chúng ta.

Chuyện chúng ta ở vị trí nào trong cộng đoàn không quan trọng cho bằng việc chúng ta hoàn thành trách nhiệm của mình đã được cộng đoàn trao phó. Dù là ở bất cứ vị trí nào, mỗi người đều đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ai cũng có bổn phận riêng cần hoàn thành. Người này thì được cắt cử lo chuẩn bị những việc liên quan đến cử hành bí tích và cầu nguyện cho cộng đoàn. Người kia thì lãnh trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của anh em mỗi khi anh em đau yếu. Người khác thì lo vấn đề học hành, thể thao, kỹ thuật,… Bên cạnh đó còn một số anh em tuy không lãnh bất cứ nhiệm vụ nào cụ thể, nhưng chính những anh em ấy lại đóng một vai trò nòng cốt trong việc giúp những anh em trong Ban Đại diện hoàn thành trách nhiệm. Những anh em ấy là những người luôn có một tinh thần trách nhiệm cao độ. Họ sẵn sàng đóng góp công sức của mình cách âm thầm và tận tâm, điển hình như dọn lễ, giúp lễ, xướng kinh, lau quét nhà nguyện, giúp dọn dẹp vệ sinh nhà ở, quét sân, phụ bếp, v.v..

Nhìn chung là thế, nhưng không hẳn là lúc nào những ký hiệu cũng chịu khó ở yên vị trí của mình. Đôi lúc, những ký hiệu cũng gây ra sự xáo trộn khiến nhà soạn nhạc phải đau đầu vì tác giả không thể diễn tả được ý định của mình. Nghe có vẻ khá nghịch lý nhưng đối với “bài ca đặc biệt” này thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đó là khi anh em chúng ta không tìm được tiếng nói chung. Bởi mỗi người có một tính cách, một quan điểm riêng. Thế nên, chuyện bất hòa là điều khó tránh. Nhưng đối với một nhà soạn nhạc tài ba như Chúa Thánh Thần thì Người sẽ luôn có cách để sửa chữa và làm cho mọi thứ được trở nên hoàn hảo. Mọi bất hòa xích mích trong cộng đoàn sẽ được đưa ra giải quyết trong cuộc họp đoàn, nơi mọi chuyện sẽ được giải quyết cách ổn thỏa. Cuối cùng, sau những đổ vỡ và xáo trộn, chúng ta lại được liên kết lại thành những bản tình ca mới với giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng hơn. Từ việc nhận ra chính mình và giữ đúng vị trí trong cộng đoàn, chúng ta đã có thể làm cho “bài ca yêu thương của Thiên Chúa” được cất cao. Bài ca sẽ được hay hơn nếu chúng ta biết cách tạo thêm những nét đặc biệt.

Những nét đặc biệt

Để có thể xướng lên một bản nhạc, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải hiểu những ký tự và tác dụng của chúng. Chúng ta phải biết tên, cao độ cũng như trường độ của nốt nhạc để có thể xướng âm đúng. Bên cạnh đó chúng ta còn phải hiểu tác dụng của những dấu hóa xuất hiện trong bản nhạc ấy để diễn tả giai điệu theo đúng yêu cầu của tác giả. Để mọi người có thể đọc được “Bài ca yêu thương của Thiên Chúa”, thì nhiệm vụ từng thành viên trong cộng đoàn là rất quan trọng. Chúng ta phải sống và diễn tả làm sao để mọi người có thể nhận ra và đọc được những ký hiệu trong bản nhạc này. Và bài ca này sẽ được diễn tả trọn vẹn hơn khi đời sống của mỗi chúng ta trong cộng đoàn có thêm những yếu tố sau:

Thứ nhất là “những điểm nhấn”. Cuộc sống thường ngày trong cộng đoàn thường diễn ra theo một lịch trình nhất định đã được sắp xếp cụ thể. Nhưng đôi khi lịch trình ấy sẽ phải thay đổi để đáp ứng những công việc khác quan trọng hơn. Chẳng hạn khi có một anh em đau yếu thì phải cắt cử người thay thế. Ngoài ra, còn có những công tác phát sinh vào những mùa cao điểm như làm hang đá mùa Giáng sinh hay lo chuẩn bị những công tác phụng vụ cho mùa Chay và mùa Phục sinh. Ở đây, người viết có ý muốn chia sẻ với mọi người về những kinh nghiệm thực tế. Dù rằng, ở Thỉnh viện việc học luôn được đưa lên hàng đầu, nhưng bên cạnh việc học còn có những công tác khác cũng không kém phần quan trọng, đòi hỏi nơi mỗi chúng ta phải có cái nhìn khách quan trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Để có thể vừa chu toàn việc học và thực hiện những công việc khác thì anh em chúng ta phải biết phối hợp nhịp nhàng giữa các công việc với nhau, để tạo sự quân bình và tránh việc được cái này mất cái kia.

Thứ hai là “sự đồng cảm”. Một trái tim đồng cảm giúp chúng ta thể chia sẻ kiến thức với nhau, đón nhận những yếu đuối của anh em, sống hòa hợp với nhau, giúp đỡ nhau chu toàn bổn phận, v.v.. Hơn nữa, khi có trái tim đồng cảm, chúng ta có khả năng lắng nghe những tâm tư của anh em mình để giúp họ vượt qua những phút giây yếu đuối trong đời ơn gọi, chúng ta có thể hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện. Sự đồng cảm cũng hướng chúng ta đến sự chia sẻ với tha nhân, nhất là với những bạn trẻ hôm nay, giúp họ biết phân định và chọn lựa những giá trị sống.

Cuối cùng là “nhịp độ chậm”. Khi sống trong bất cứ cộng đoàn nào thì chúng ta cũng phải nắm được tinh thần và ý nghĩa sống của cộng đoàn ấy, để biết mình đang sống vì cái gì và muốn đạt được cái gì. Đây là một điểm rất quan trọng khi chúng ta bước vào một cộng đoàn cụ thể. Đặc biệt với Dòng Đa Minh, tinh thần của nếp sống cộng đoàn được hình thành và lưu truyền suốt hơn tám trăm năm, thì chắc chắn phải hết sức tinh túy và khó nắm bắt. Cách riêng, chúng ta là những người mới nên càng phải sống với một nhịp độ chậm rãi để tìm hiểu nhằm tránh tình trạng “biết nhiều hiểu ít”. Nếu muốn nắm bắt phần nào vẻ đẹp của các khía cạnh trong tinh thần cộng đoàn Đa Minh, thì không có cách gì khác hơn là chúng ta phải chậm rãi học hành và tìm hiểu qua sách vở và kinh nghiệm từ các cha anh đi trước. Với hy vọng “mưa dầm thấm lâu”, chúng ta từng bước khám phá ra những nét đẹp được ẩn giấu bên trong một tinh thần có tính lịch sử lâu đời. Và nhịp độ chậm cũng là cách chúng ta tìm gặp Chúa, bằng việc hằng ngày thưa chuyện với Chúa. Sống chậm lại để có thể nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố trong đời sống hằng ngày. Sống chậm để nhận ra những hạn chế của bản thân mà sửa đổi. Sống chậm để nhìn thấy những vẻ đẹp của anh em mình mà học hỏi. Nói chung, sống chậm là cách rất tốt để chúng ta có thể vững bước trên con đường ơn gọi đầy chông gai và thử thách.

Thay lời kết

Qua những điều vừa diễn tả, người viết hy vọng sẽ mang đến cho mọi người một cái nhìn chung về đời sống cộng đoàn Thỉnh viện Đa Minh. Đời sống cộng đoàn là thế, luôn là một môi trường đầy thử thách. Bởi trong cộng đoàn mỗi người có một suy nghĩ, một tính cách, một trình độ và một khả năng riêng không ai giống ai. Vì thế, chúng ta cần học cách quên đi chính mình để có thể hòa mình vào nhịp sống này. Đồng thời, phải luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để Người soi sáng mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta. Với tâm tình phó thác và cậy trông, chúng ta sẽ cùng với Người sáng tác ra những bản tình ca diệu huyền gửi đến cho nhân loại. Chính đời sống cộng đoàn là một lời rao giảng. Khi sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, chúng ta làm cho Lời Thiên Chúa được biểu lộ. Lời ấy sẽ làm cho những ai đã thấy được say mê, và lôi cuốn họ cùng sống như chúng ta và mang tình yêu Chúa lan tỏa xa hơn, xa mãi đến tận cùng trái đất. Để khép lại, con xin mượn lời Thánh vịnh 131 để dâng lên Chúa đôi lời tâm tình.

“Lòng con chẳng dám tự cao
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com