[ĐMX73] Để Cùng Thăng Tiến Trong Đời Sống Cộng Đoàn

23-04-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2290 lượt xem

__Phaolô Nguyễn Văn Công__
Để có thể làm cho cộng đoàn thăng tiến, bản thân mỗi người cần nỗ lực cộng tác với ơn Chúa và gắn bó với nhau trong huynh đệ bác ái.


Có thể nói rằng, đời sống cộng đoàn làm nên nét đặc trưng của ơn gọi thánh hiến. Đời sống ấy chính là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa, phản ánh sự quan phòng diệu kỳ của Người. Chính nhờ cộng đoàn tu trì mà Hội thánh Chúa luôn được gìn giữ và nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện và các việc lành phúc đức. Mặc dù âm thầm sống và làm việc nhưng cộng đoàn tu trì lại mang đến cho Giáo hội một sức mạnh thiêng liêng không gì sánh bằng. Cách riêng với Dòng Đa Minh, đời sống cộng đoàn là một trong những điểm chính yếu của linh đạo, và cũng là ý định ban đầu của Đấng sáng lập. Dòng từ những ngày đầu đã xác quyết rằng anh em phải quy tụ với nhau để cầu nguyện, làm việc và nâng đỡ nhau, tất cả cùng một lòng một ý hướng đến sứ vụ giảng thuyết. “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa.”[1] Lý tưởng là vậy! Thực tế, đời sống cộng đoàn nảy sinh không ít những tiêu cực, như chia rẽ, bất hoà, bè phái, v.v.. khiến các dòng tu phải đau đầu giải quyết. Để có thể làm cho cộng đoàn thăng tiến, bản thân mỗi người cần nỗ lực cộng tác với ơn Chúa và gắn bó với nhau trong huynh đệ bác ái.

Sống tinh thần quảng đại hiến dâng

“Từ ngàn xưa cha đã yêu con, cha gọi con giữa muôn người.”[2] Ơn kêu gọi sống đời thánh hiến là hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho một số người. Và cũng chính họ đã quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy trong sự tự do, sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà bước đi theo Đấng đã yêu thương họ đến cùng. Tinh thần quảng đại hiến dâng trong tự do là mối dây đã liên kết chúng ta thành một cộng đoàn với lý tưởng cao đẹp của đời dâng hiến là xây dựng Nước Chúa ở trần gian này, để cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Có thể nói, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và kiên định đi theo lý tưởng tu trì là yếu tố tiên quyết để quy tụ chúng ta thành một cộng đoàn, nơi có Thiên Chúa là trung tâm. Nơi cộng đoàn này, chúng ta hiến dâng đời sống chúng ta cho Chúa, và kín múc lấy những ơn huệ liêng thiêng như nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi dưỡng đời tu. Chỉ khi sống tinh thần quảng đại hiến dâng, không màng đến danh lợi, vật chất,… chúng ta mới sống đúng với chính con người của chúng ta, sống cho, sống vì tha nhân, vì anh em mình. Khi ấy, chính các thành viên trong cộng đoàn sẽ sống hết mình vì nhau trong sự quảng đại. Và điều này phải là động lực cho mọi thành viên theo đuổi nhằm đến sự thăng tiến trong đời sống cộng đoàn.

Nhiều bạn trẻ hôm nay khao khát được hiến thân cho Thiên Chúa trong ơn gọi và nếp sống giảng thuyết Đa Minh. Có lẽ họ nhận thấy nơi linh đạo Đa Minh có một sức hút kỳ lạ, sứ vụ giảng thuyết được thực hiện trong và nhờ đời sống cộng đoàn. Anh em thỉnh sinh, mỗi người một cách, đã nhận ra sự cao đẹp của lý tưởng cộng đoàn giảng thuyết và đã khởi đầu ơn gọi của mình trong nếp sống cộng đoàn Thỉnh viện này. Ước mong anh em luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và làm cho cộng đoàn thăng tiến bằng sự dấn thân phục vụ của mình.

Sống tinh thần kỷ luật

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy.” Trong bất cứ hình thức xã hội hay tổ chức nào, thậm chí là gia đình, đều phải có những quy tắc hay luật lệ riêng nhằm giúp các thành viên sống có trách nhiệm và hưởng những quyền lợi chính đáng của mình. Không phải là một ngoại lệ, cộng đoàn tu trì cũng cần những luật lệ và quy tắc. Tu luật hay các kỷ luật của đời sống tu trì không phải để ràng buộc các tu sĩ, nhưng rèn luyện họ trở nên những con người mạnh mẽ trước những thách đố của đời dâng hiến. Cách riêng đối với đời sống cộng đoàn, kỷ luật là yếu tố vô cùng quan trọng để làm cho đời sống của anh em trở nên hài hoà, tránh sự bất ổn. Chính kỷ luật làm cho đời sống chung trở nên dễ dàng hơn bởi ai nấy đều phải ý thức tuân giữ và giúp anh em của mình tuân giữ những điều ấy. Phải ý thức việc tuân giữ tu luật và các quy định riêng trong từng cộng đoàn không chỉ để hạn chế những việc làm phóng túng vì lạm dụng tự do, nhưng còn để cho anh em nên hoàn thiện mỗi ngày. Vì khi xây dựng kỷ luật bên ngoài chính là lúc chúng ta xây dựng sức mạnh kỷ luật bên trong mỗi người. Chỉ khi sống có kỷ luật thì đời sống cộng đoàn mới có thể ngày một vững mạnh hơn.

“Luật không buộc thành tội” là quy định mà dòng Đa Minh vẫn hay nhắc tới bởi vì thánh Đa Minh không muốn anh em giữ luật vì sợ sệt, lỗi luật thì phạm tội trọng, mất linh hồn sa hoả ngục, thánh nhân muốn anh em giữ luật với tinh thần yêu mến[3]. Điều ấy không có nghĩa là anh em được tự do làm tất cả những gì mình muốn mà coi thường tu luật hay các kỷ luật của đời sống tu trì, nhưng để anh em không cảm thấy bị bóp nghẹt, khó khăn trong việc giữ luật. Với anh em thỉnh sinh, ước mong mỗi người luôn tuân giữ các kỉ luật của đời sống tu trì cũng như của cộng đoàn với thái độ vui vẻ, tự giác, không bị ép buộc. Điều ấy sẽ tôi luyện anh em thành những người mạnh mẽ, can đảm và bản lĩnh để sống đời thánh hiến và giúp anh em của mình không ngừng thăng tiến trong đời sống cộng đoàn.

Sống tinh thần xây dựng

Đóng góp để xây dựng cộng đoàn bằng chính khả năng của mỗi người có lẽ là điều ai cũng có thể làm được. Trước khi dấn thân vào đời sống tu trì, hẳn nhiên mỗi người đã có kiến thức về một lãnh vực nào đó, hay ít nhất cũng đã có kinh nghiệm làm việc liên quan đến một ngành nghề nhất định. Với kiến thức và kinh nghiệm ấy mỗi người có thể góp phần vào việc xây dựng đời sống cộng đoàn thêm phong phú. Mỗi người có thể cộng tác vào công việc đánh đàn, tập hát, quản lý, hay có thể giúp thay đổi cảnh quan, môi trường thiên nhiên trong tu viện, v.v.. Mỗi người với khả năng, sở trường của chính mình đừng ngần ngại đóng góp cho cộng đoàn, vì khi chính ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lại. Điều nhận lại chính là niềm vui khi thấy cộng đoàn của mình ngày càng phát triển, đời sống được cải thiện. Với tinh thần xây dựng, mỗi thành viên của cộng đoàn phải chủ động làm việc vì lợi ích chung, không ích kỷ chọn cho riêng mình phần dễ dàng, bỏ lại phần khó khăn cho người khác, cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong công việc.

Xây dựng đời sống chung là điều rất cần thiết nhưng đừng quên rằng, việc anh em trong cộng đoàn sửa dạy lẫn nhau trong tinh thần xây dựng cũng là điều quan trọng không kém. Anh em thẳng thắn góp ý với nhau về những điều chưa được, chưa tốt, cần phải thay đổi, cần khắc phục ngay lập tức. Sửa lỗi anh em bằng cái tâm của mình, hơn là sửa dạy với thái độ phê phán, chỉ trích nhau. Sửa dạy làm sao để cho anh em của mình cảm thấy những lời góp ý ấy thực sự đúng đắn, góp ý một cách chân thành và cởi mở, để anh em mình nhận ra điều sai trái, chưa phù hợp để anh em sẵn sàng thay đổi với thái độ “tâm phục khẩu phục”. Và anh em nào được sửa dạy cũng vui vẻ đón nhận những điều ấy và sẵn sàng thay đổi cho phù hợp để mỗi ngày nên hoàn thiện. Đời sống cộng đoàn là như vậy, thẳng thắn góp ý và sẵn sàng thay đổi. Ước mong anh em thỉnh sinh luôn ý thức được việc xây dựng cộng đoàn bằng chính đời sống của mình, nêu gương cho anh em trong mọi việc cũng như vui vẻ đón nhận những lời góp ý chân thành và sẵn sàng thay đổi để nên hoàn thiện mỗi ngày mà thăng tiến đời sống cộng đoàn.

Sống tinh thần bác ái

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất, điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy là, phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,38-39).

Cộng đoàn tu trì được tạo nên bởi những con người có cùng ý hướng dấn thân phục vụ Nước Trời, họ đến với nhau từ mọi vùng miền, với đầy những khác biệt về lối sống, hoàn cảnh, suy nghĩ, nhưng lại cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà. Bởi thế không thể tránh khỏi những va chạm trong đời sống chung hay sự bất đồng trong quan điểm, hành động,… Tuy nhiên, theo một cách nào đó, những sự khác biệt này lại chính là cơ hội để mỗi người tìm thấy Chúa trong chính anh em của mình. Bởi lẽ, chính Chúa là Đấng Quan phòng kỳ diệu đã tài tình xếp đặt để chúng ta sống với nhau mà bổ khuyết cho nhau.“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Chính anh em chúng ta phải sống chịu đựng lẫn nhau, sống đón nhận và thậm chí là chấp nhận những khác biệt của anh em mình với tình bác ái huynh đệ. Vì có một điều đáng sợ nhất trong cộng đoàn chính là có những người muốn loại trừ sự khác biệt, luôn luôn bắt người khác phải sống theo một khuôn mẫu cứng nhắc, luôn muốn uốn nắn người khác theo lối suy nghĩ và ý muốn của chính họ. Thậm chí, còn dùng quyền lực của mình để bắt người khác phải quy phục. Cần phải tôn trọng những khác biệt ấy để làm cho đời sống cộng đoàn thêm phần phong phú và hãy sống thật với nhau bằng con tim chân thành vì “Đức ái không được giả hình giả bộ” (Rm 12,9).

Sống tinh thần bác ái cũng chính là việc phải từ bỏ chính “cái tôi” ích kỷ của chính mình mà hướng đến anh em. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta phải biết từ bỏ thói bảo thủ, lười biếng, ỷ lại, hay trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là bè phái, phe nhóm để mỗi người sống hoà nhập với anh em mình, không để ai cảm thấy bị lạc lõng, cô đơn. Đừng để cái tôi của mình lấn át người khác, đề cao cái tôi của chính mình mà mất đi mối tương quan huynh đệ tốt đẹp. Sống mở lòng, chủ động đón nhận anh em mình để thấu hiểu họ và cũng cho họ cơ hội để thấu hiểu mình. Đừng đòi hỏi ở người khác quá nhiều để thoải mãn “cái tôi” của mình, hay tỏ ra khó ăn, khó ở với anh em mình vì chưng điều ấy chẳng giải quyết được điều gì nhưng lại làm cho các mối tương quan trở nên tồi tệ. Sống quảng đại với anh em hơn là đòi hỏi từ anh em mình. Lấy tình bác ái mà chung sống yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc nhau để luôn hướng đến những lợi ích chung cho cộng đoàn là không thể xem nhẹ. Bởi:

“Đừng ai làm việc gì vì tư lợi nhưng hết mọi việc phải hướng đến lợi ích chung, và làm chúng một cách nhiệt thành và hăng say, thậm chí hơn cả khi làm việc cho chính mình. Thật vậy, có lời đã viết, “Đức ái không tìm tư lợi” (1Cr 13,5), điều đó có nghĩa là đức ái luôn đặt ích chung lên trên ích lợi riêng chứ không đặt ích riêng trên ích chung. Phải biết rằng càng lo cho công ích hơn lợi tư bao nhiêu thì anh em lại càng tiến bộ về đàng nhân đức bấy nhiêu.”[4]

Sống tinh thần bác ái để nâng đỡ nhau trong đời sống cộng đoàn thực sự cần thiết, bởi lẽ, khi bước vào đời sống tu trì là chúng ta đã chấp nhận rời xa gia đình, cha mẹ, anh chị em để dấn thân trong một đời sống mới, một môi trường sống hoàn toàn khác lạ. Nơi này chúng ta không còn được quan tâm, chăm sóc bởi cha mẹ hay người thân, phải tự lo cho chính mình. Vì thế cần làm sao để tránh khỏi sự cô đơn, lẻ loi thậm chí là sự buồn bã, những điều ấy sẽ được khoả lấp bằng cách nào nếu không phải là sự giúp đỡ, đùm bọc bằng tình huynh đệ bác ái của mọi người trong cộng đoàn, là sự sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày, trong học tập và đặc biệt khi đau ốm. Ước mong rằng chính tinh thần sống bác ái sẽ giúp anh em chúng ta sống hết mình với nhau, lấy tinh thần bác ái mà đối xử với nhau, để “cứ dấu này, người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Sống tinh thần hiệp thông

Chúng ta được mời gọi để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống cộng đoàn. Khởi đi từ chính mối hiệp thông trọn vẹn của ba ngôi vị Thiên Chúa, mỗi ngôi vị khác nhau nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất. Đời sống của Ba Ngôi chính là hoạt động tương tác của các ngôi vị với nhau, tức là mỗi ngôi vị hoạt động theo đúng vai trò của mình: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá nhưng lại nên một với nhau trong tình yêu. Đời sống cộng đoàn chính là hình ảnh của sự hợp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đời sống này là sự hiệp nhất xuất phát từ những khác biệt của từng cá nhân. Khác biệt nhau nhưng lại được mời gọi để sống và hoạt động hiệp thông với nhau, cho nhau và vì nhau. “Chúng ta qui tụ lại với nhau là để chúng ta sống trong sự hiệp nhất, và để chúng ta có một lòng một trí trong Thiên Chúa (Cv 4,32).

Thật vậy, một đời sống cộng đoàn thực sự không thể không có sự hiệp thông, bởi nếu thiếu nó, thì cộng đoàn ấy sẽ tan vỡ. Đời sống hiệp thông huynh đệ, chia sẻ yêu thương là dấu chỉ mạnh mẽ nhất của đời sống cộng đoàn, bởi chúng ta luôn luôn được mời gọi để sống nên một với nhau để xây dựng Nước Chúa nơi trần gian này. Hiệp thông với nhau trong Bí tích Thánh Thể, anh em trong cộng đoàn cùng chia sẻ tấm bánh là Mình Thánh Chúa và chén rượu nho là Máu Thánh Chúa. Hiệp thông với nhau trong các giờ kinh phụng vụ để cùng nhau dâng lên lời ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Hiệp thông với nhau bằng lời cầu nguyện hướng về Chúa và đặc biệt là cầu nguyện cho nhau, ước mong những gì cho bản thân thì cũng ước mong điều ấy cho chính anh em của mình. Hiệp thông và nâng đỡ nhau đâu phải là điều gì đó quá xa vời hay lớn lao quá sức, nhưng chỉ đơn giản là việc nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện mà thôi. Ước mong rằng mỗi anh em thỉnh sinh luôn sống tinh thần hiệp thông, nhớ đến nhau và giúp đỡ nhau trong mọi sự để đời sống cộng đoàn mỗi ngày một thăng tiến. Xin Chúa thương hiệp nhất chúng ta nên một:

“Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.
Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ.
Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.”[5]

Đời sống cộng đoàn tuy không phải là một đời sống dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó khăn. Nếu chúng ta cảm thấy vui vẻ, bình an khi sống trong cộng đoàn thì đó có thể là dấu hiệu chúng ta có khả năng sống đời sống chung và cũng là dấu chỉ cho thấy bản thân có ơn gọi. Tuy còn khó khăn nhưng nhờ ơn Chúa giúp sức chúng ta sẽ có thể vượt qua dễ dàng. Sống quảng đại, kỷ luật nhằm làm triển nở hoa trái thiêng liêng cho đời sống chung. Và hơn hết, những điều ấy sẽ không thành tựu nếu như chúng ta không gắn bó với nhau dựa trên nền tảng là Đức Kitô. Bởi lẽ, Đức Kitô là điểm tựa vững chắc nhất. Cuối cùng, “tu” là sửa, vì thế ngoài thực hành tinh thần Kitô giáo nói trên, chúng ta cũng không xem nhẹ việc rèn luyện bản thân, tu sửa chính mình, gọt giũa con người mình sao cho phù hợp với đời tu. Hơn nữa, việc trau dồi các nhân đức nhân bản: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ sẽ làm cho đời sống cộng đoàn ngày càng thăng tiến và trở nên phong phú hơn.


[1] SHC, số 2.

[2] Linh mục Kim Long, Lời nhạc Từ ngàn xưa.

[3] Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2016, tr.144.

[4] Walter Wagner, OP., Đời sống Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2017, tr.157

[5] Linh mục Thành Tâm, Lời nhạc Bài Ca Hiệp Nhất.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com