[ĐMX73] Sự thất bại của thánh Đa Minh

08-08-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2409 lượt xem

_Máctinô Quách Đình Quốc Trọng_
Ôi sự thất bại lạ lùng!
Nhờ cha chấp nhận thất bại, mà đoàn con được nên anh em giảng thuyết với nhau.

Khi thánh Đa Minh chứng kiến tình trạng hỗn loạn trong Giáo hội, và vì “say mê cứu rỗi các linh hồn, ngài dấn thân hết mình cho việc giảng thuyết”[1]. Nhưng đây lại là một việc làm khó khăn, một mình ngài không thể làm được gì. Sự khao khát đi giảng vì ơn cứu độ các linh hồn thôi thúc ngài quy tụ một cộng đoàn để các thành viên cùng nhau lữ hành giảng thuyết; và như thế, đời sống cộng đoàn và sứ vụ giảng thuyết đã gắn bó với nhau cách mật thiết ngay từ ban đầu. Từ khởi sinh, cộng đoàn của thánh Đa Minh luôn phải chú tâm xây dựng nếp sống cộng đoàn trước khi dấn thân thi hành sứ vụ giảng thuyết. Sự đan xen giữa hai yếu tố này đã tạo nên một công trình độc đáo, chính là Dòng của các tu sĩ áo đen. Mọi người đều xem đó là sự thành công của thánh nhân. Sự thành công này rất đẹp lòng Thiên Chúa và sản sinh ra nhiều hoa thơm trái ngọt cho Giáo hội, như chính Đức Grêgôriô IX đã ca ngợi: “Vì đã sinh ra nhiều người cho Tin Mừng của Đức Ki tô (x. 1Cr 4,15), cũng như hoán cải một số đông người ôm ấp việc phục vụ Tin Mừng, ngài xứng đáng hưởng ngay từ đời này danh hiệu và sự nghiệp của các thánh tổ phụ” và “bằng những công lao thánh thiện, ngài đã tô điểm Dòng mới này bằng những gương mẫu, và đã không ngừng củng cố Dòng bằng những phép lạ nhãn tiền và chân thực”[2]. Lịch sử hơn 800 năm của Dòng là một bằng chứng rõ ràng cho lời khẳng định trên. Nhưng ít ai biết được rằng, công trình đó đã được khởi công từ không ít những thất bại của thánh Đa Minh.

Sự thất bại đầu tiên

Sau khi Dòng được châu phê không lâu, vào ngày 15/8/1217, thánh Đa Minh quyết định sai mười sáu anh em đầu tiên đến các thành phố lớn để “học tập, giảng thuyết và lập tu viện”. Nhưng một trong những anh em này ngay từ đầu đã không đồng thuận với ý muốn và dự phóng của đấng sáng lập. Anh Gioan Navarre (còn gọi là Gioan người Tây Ban Nha) thuộc vào số các anh em được sai đến Paris, đã quyết liệt kháng cự lời sai đi của thánh Đa Minh. Anh không muốn đi Paris với bàn tay trắng, và đã yêu cầu thánh Đa Minh hỗ trợ lộ phí. Một số tài liệu lịch sử đã giải thích sự kháng cự này với hai lý do. Trước hết, anh phản đối vì anh nhận thấy, anh em trong Dòng còn quá ít, và chưa được chuẩn bị kỹ càng để được sai đi. Việc sai anh em đi như thế quá mạo hiểm[3]. Cùng quan điểm với anh Gioan, bá tước Simon de Montfort và hai giám mục Narbonne và Toulouse đã can ngăn thánh Đa Minh vì cho rằng, quyết định sai đi ấy quá táo bạo. Bên cạnh đó, anh Gioan còn đưa ra một vấn đề khác. Nếu như buộc phải đi, anh em nên được hỗ trợ lệ phí đi đường. Anh chỉ yêu cầu số tiền đi đường, và không đòi hỏi gì hơn thế. Số tiền đi đường mà anh đòi hỏi sẽ phần nào đó giúp cho việc ra đi, dù sẽ gặp nhiều khó khăn và bấp bênh, sẽ trông có vẻ ổn thỏa hơn. Một cách nào đó, khi xét đến hoàn cảnh non trẻ của Dòng và của các anh em lúc bấy giờ, anh Gioan đã có lý khi phản đối thánh Đa Minh. Rõ ràng, anh đã nghĩ đến lợi ích của Dòng. Vốn là người cương trực và có ý chí mạnh mẽ, anh đã không ngần ngại nói thẳng với vị tổ phụ. Nhưng lý tưởng, trực cảm và tầm nhìn của thánh Đa Minh vượt xa những gì anh có thể nghĩ tới. Sự xuất hiện của anh em giảng thuyết lúc bấy giờ như một làn gió tươi mới thổi vào Giáo hội. Để lời giảng mang lại hiệu quả cao, thánh Đa Minh đã chọn lối sống khó nghèo như phương thế hữu hiệu hỗ trợ việc giảng thuyết. Tầm nhìn của thánh Đa Minh rất rõ: giảng thuyết, cộng đoàn, khó nghèo, ba yếu tố này hợp lại sẽ gặt hái được thành công. Lịch sử hơn 800 năm của Dòng đã chứng thực điều đó. Thánh Đa Minh đã đúng khi muốn anh em thi hành sứ vụ trong tư cách một người hành khất. Việc sống khó nghèo triệt để sẽ giúp anh em được thanh thoát và được tự do thực sự khi dấn thân cho việc rao giảng ơn cứu độ. Nếu cả ý muốn của thánh Đa Minh và đòi hỏi của anh Gioan đều chính đáng, vậy sao lại có sự xung khắc như thế?

Tuy muốn anh em sống khó nghèo triệt để, nhưng thánh Đa Minh cũng lưu ý anh em rằng: đời sống khó nghèo chỉ là một phương tiện để anh em thi hành việc giảng thuyết, chứ không phải là mục đích cuối cùng trong ơn gọi Đa Minh. Chính Hiến pháp tiên khởi xác định: “Ngay từ thời sơ khai, Dòng được thành lập đặc biệt để lo “việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”[4]. Theo đó, khó nghèo chỉ là một trong những yếu tố giúp việc giảng thuyết đạt được hiệu năng tốt nhất. Và nếu đòi buộc khó nghèo ấy cản trở việc giảng thuyết, thì việc sống khó nghèo cần được thay đổi linh hoạt. Do đó, thánh Đa Minh đã nhượng bộ, đã chấp nhận thất bại trong việc thuyết phục anh Gioan, và đồng ý cho anh 12 đồng bạc để anh lên đường đến Paris. Việc ngài đi đến quyết định như thế không diễn ra trong một sớm một chiều. Dù rất buồn trước chuyện đó, thánh Đa Minh đã không nóng vội xử lý mọi việc, nhưng bình tĩnh và kiên nhẫn cầu nguyện, để rồi cuối cùng đã mở ra một cơ hội để chính ngài và anh Gioan đối thoại với nhau. Nhờ đối thoại, thánh nhân có thể hiểu rõ tâm tư, ý nguyện, thao thức của người anh em. Nhờ đối thoại, mà anh Gioan sau này đã tham gia vào sứ vụ của Dòng cách hiệu quả[5]. Khi làm chứng về đời sống thánh thiện của cha thánh, anh Gioan có nhắc đến sự kiện này như sau: “Với niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, cha Đa Minh còn sai cả những anh em không có tài giảng thuyết đi rao giảng, và nói rằng: ‘Anh em hãy tin tưởng lên đường, vì Chúa sẽ ban cho anh em lời giảng thuyết và ở với anh em, và anh em sẽ không thiếu thốn điều gì’”. Nhận xét về sự kiện này, anh đã thừa nhận: “Anh em ra đi và điều đó xảy ra như cha đã nói”[6]. Lời chứng này không chỉ nói về trực cảm của thánh Đa Minh, mà còn thể hiện lòng tin tưởng lên đường của chính anh Gioan. Hệ quả ấy chỉ có được nhờ vào tinh thần sẵn sàng đối thoại của thánh Đa Minh. Nhờ đó, sứ vụ giảng thuyết của 16 anh em tiên khởi đã đạt đến sự sung mãn trong Thiên Chúa.

Sự thất bại thứ hai

Câu chuyện của anh Gioan Navarre là câu chuyện của biến cố được xem là Lễ Hiện Xuống của Dòng. Còn vào ngày lễ Hiện Xuống theo Phụng vụ năm 1220 lại có một câu chuyện khác. Năm đó, dịp lễ Hiện Xuống là ngày khai mạc Tổng hội đầu tiên của Dòng họp tại Bologna. Trong Tổng hội này, cha Đa Minh đã xin từ chức, nhưng anh em lại kháng cự và chối từ. Vì sao thánh Đa Minh lại xin từ chức? Trước hết, ngài cảm thấy bản thân “thật vô dụng và không tuân giữ luật nghiêm ngặt”, tức sức khỏe thì giảm sút còn năng lực quản trị thì không còn nhạy bén[7]. Thể xác uể oải, nhọc hoài dễ lôi tinh thần xuống dốc. Với tất cả những giới hạn nơi thân xác mình, thánh Đa Minh nhận thấy, nếu vẫn tiếp tục lãnh đạo Dòng, ngài có thể gây hại cho việc thi hành sứ vụ của anh em. Mặt khác, ngài chưa bao giờ yêu thích việc quản trị. Ngài từ chức để có thể toàn tâm toàn ý đi giảng cho dân ngoại, đặc biệt là dân Cumans. Điều này xem ra không có gì lạ, vì trước đây, chính ngài đã từ chối nhận chức giám mục. Việc du thuyết, tự bản chất, không phù hợp với ngai tòa giám mục. Chính Đức cha Diego khi muốn cùng thánh Đa Minh du thuyết, đã phải quay về giáo phận theo yêu cầu của Đức giáo hoàng. Quyết định xin từ chức của thánh Đa Minh thể hiện rất rõ khao khát được toàn tâm toàn ý cho việc du thuyết. Đây chắc hẳn là một quyết định sáng suốt. Nhưng anh em lại ra như ‘làm ngơ’ trước ý muốn tốt lành này của vị sáng lập. Phải chăng anh em đã lầm?

Mục tiêu trên hết của Tổng hội Bologna 1220 là kiểm tra việc thử nghiệm bản Hiến pháp được soạn thảo từ năm 1216. Năm 1216, cha Đa Minh và 16 anh em tiên khởi đã chọn tu luật của thánh Âu Tinh. Sau đó, anh em đã đề nghị cha Đa Minh viết Hiến pháp cho Dòng, như thánh Phanxicô đã làm cho cộng đoàn của ngài. Nhưng cha Đa Minh từ chối và giao lại trách nhiệm ấy, để anh em sau đó ghi điều này vào Hiến pháp: “Tổng hội có quyền bính tối cao trong Dòng, là cuộc họp của các anh em đại diện cho các Tỉnh dòng để bàn thảo và quyết định về những vấn đề liên quan đến thiện ích của toàn Dòng”[8]. Chính cơ chế Tổng hội, vì “thiện ích của toàn Dòng”, đã khiến cho ý muốn từ chức của thánh Đa Minh bị anh em khước từ. Anh em nhìn ra được, trong hoàn cảnh bấy giờ, Dòng rất cần sự dẫn dắt của thánh Đa Minh, không chỉ trong việc quản trị, mà còn trong việc hướng dẫn tâm linh. Vì thiện ích của Dòng, anh em từ chối đề nghị xin từ chức của vị tổ phụ. Nhưng cũng vì thiện ích ấy, và để trợ giúp ngài, chính anh em, bằng cơ chế Tổng hội, đã đồng ý giảm bớt quyền hành của Tổng quyền bằng cách chuyển quyền tối cao cho các anh em dự Tổng hội. Trong thời gian diễn ra Tổng hội, các nghị huynh giữ quyền định đoạt mọi việc trong Dòng. Anh em còn thiết lập định chế giám định viên để trợ giúp cha Đa Minh[9]. Trong mọi việc, thánh Đa Minh đã không dùng quyền để áp đặt ý muốn của mình lên anh em, thì chính anh em cũng không dùng quyền mà áp đặt thánh nhân một điều gì. Để có thể thuyết phục được thánh Đa Minh tiếp tục giữ vai trò Tổng quyền, để có thể đi đến việc bầu nhóm giám định viên, giữa anh em đã phải có sự đối thoại với nhau. Một lần nữa, giải pháp vẫn là đối thoại. Bằng đối thoại, thánh Đa Minh muốn ẩn mình đi để cho anh em được nổi lên. Bằng đối thoại, anh em sẵn sàng cùng nhau và cùng với vị tổ phụ tìm ra phương cách quản trị tốt nhất cho Dòng. Hiến pháp Nền tảng ghi, thể thức quản trị này, với điểm nổi bật là “sự cộng tác hữu cơ và quân bình của tất cả các thành phần”, và “thích hợp cho sự thăng tiến và canh tân thường xuyên của Dòng”[10], luôn hướng đến “việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn”[11]. Như vậy, nếu trước đây, thánh Đa Minh đã dùng đối thoại để giải quyết vấn đề với anh Gioan Navarre, thì bây giờ, ngài cũng lại dùng lối đối thoại ấy để tiếp tục hướng dẫn anh em trong cương vị Tổng quyền, đồng thời để anh em yên tâm lên đường thi hành sứ vụ giảng thuyết.

Sự thất bại thứ ba

Cũng trong Tổng hội Bologna 1220, cha Đa Minh đã đề xuất thêm một ý kiến, và anh em, bằng cơ chế Tổng hội, đã bác đề xuất đó. Cha trình bày rằng, để anh em linh mục có toàn thời gian lo cho học hành và giảng thuyết, thì trách nhiệm quản trị và quản lý nên được giao lại cho anh em trợ sĩ. Ngay từ ban đầu, thánh nhân đã nhận thấy rằng, để có thể chống lại lạc giáo, để rao giảng Tin Mừng cho những người lầm lạc và cả dân ngoại, nhà giảng thuyết đòi buộc phải chú tâm học hỏi Kinh Thánh và đạo lý Kitô giáo. Với lý tưởng và mục đích đó, thánh Đa Minh muốn nhà giảng thuyết phải được tiễu trừ khỏi những mối bận tâm không cần thiết, trong đó có việc quản trị và quản lý. Quản trị đòi hỏi người hữu trách phải hiện diện thường xuyên với nhóm người mình được trao phó, nhưng giảng thuyết lại cần việc đi đây đi đó – du thuyết. Quản lý tài sản vật chất bao giờ cũng vất vả, người quản lý phải để tâm đến những điều nhỏ nhất để chăm lo cơm ăn áo mặc cho anh em. Nếu vừa phải gánh vác các công việc này, vừa phải đi giảng, liệu rằng, nhà giảng thuyết có thể hoàn thành tốt cả hai cùng một lúc không? Rất thường, một việc sẽ bị bỏ bê, hoặc cả hai cũng thế, mà như vậy, thì vừa ảnh hưởng đến cộng đoàn, vừa làm cho việc giảng thuyết không sinh được hoa trái. Mặt khác, ban đầu, anh em trợ sĩ là những người không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, nên việc sai anh em đi giảng là việc bất khả thi[12]. Anh em chủ yếu ở thường trực trong tu viện, do đó, đề xuất của thánh Đa Minh là một đề xuất hợp lý.

Nhưng bấy giờ, việc các thầy trợ sĩ giữ vai trò quản trị trong cộng đoàn dòng tu khác đang gây ra không ít rắc rối, cụ thể là Dòng Grandmont. Các trợ sĩ Dòng Grandmont[13] được cộng đoàn giao trách nhiệm quản trị. Nhưng dần dần, các thầy đã thao túng, chiếm giữ mọi quyền hành, đến nỗi bề trên bị chính các trợ sĩ tống giam. Mặt khác, theo mô tả của các sử gia, anh em trợ sĩ lúc đó đa phần là “thất học”, nên “việc trao cho anh em trợ sĩ các quyền hành là phó mặc cho một lớp tu sĩ vốn không sống đời giảng thuyết bình thường”[14], điều này sẽ kéo theo hai hệ quả. Một là, anh em trợ sĩ không hiểu được nhu cầu của anh em tư giáo, nên dễ sinh so bì, và như thế, toàn đối đầu và bất an. Hai là, chính anh em trợ sĩ không thể đảm đương trách nhiệm quản trị cách tốt nhất có thể. Chính vì những lý do trên, mà anh em dự Tổng hội đã phản đối đề xuất của thánh Đa Minh. Có thể anh em lo sợ rằng, nếu Tổng hội quyết định giao toàn quyền quản trị và quản lý cho anh em trợ sĩ, thì đến một lúc nào đó, Dòng sẽ đi vào vết xe đổ của anh em Grandmont. Lúc đó, cộng đoàn sẽ không còn là một cộng đoàn giảng thuyết nữa, và tình huynh đệ sẽ bị rạn nứt.

Vì mưu cầu lợi ích cho việc rao giảng ơn cứu độ, một đàng, thánh Đa Minh đã muốn ‘giải phóng’ anh em linh mục khỏi việc quản trị; đàng khác, anh em lại muốn ‘giải phóng’ mọi anh em khỏi việc bất hòa. Thánh Đa Minh dùng lập luận mang tính lý tưởng, còn anh em lại nhìn thẳng vào thực tế để tranh luận. Cuối cùng, thánh Đa Minh đã cúi đầu nghe theo ý muốn của anh em. Và như những lần trước, tất cả mọi anh em, kể cả thánh Đa Minh, đã chọn con đường đối thoại để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, qua việc đối thoại với nhau, thánh Đa Minh và anh em lại cùng nhau xây dựng sự bình đẳng giữa anh em tư giáo và anh em trợ sĩ, tuy điều này vẫn chưa được thể hiện cách rõ ràng.

Ôi sự thất bại lạ lùng

“O Spem miram quam dedisti mortis hora te flentibus…”.

Sau mỗi giờ Kinh Tối, các tu sĩ Đa Minh, sau khi hát ca kính Đức Mẹ, đều ‘nhắc khéo’ vị Tổ phụ của mình hãy nhớ lại lời hứa xưa, nhớ lại niềm hy vọng lạ lùng mà cha đã “ban cho anh em giây phút li trần”. Việc tha thiết nài xin này chứng tỏ, anh em chẳng còn nhớ gì đến những lần thất bại của cha Đa Minh. Quả thế, vì lòng khiêm tốn và thái độ sẵn sàng đối thoại, chính thánh nhân đã làm cho những thất bại của mình thành di sản cao quý cho cộng đoàn Anh em Giảng thuyết. Di sản đó, gồm luật miễn chuẩn, luật không buộc thành tội, luật luôn được cập nhật, tính đa nghị viện, đã được anh em lưu giữ và phát triển thêm về sau này. Như thế, ngài tuy thất bại trong việc thuyết phục anh em, nhưng lại thành công rực rỡ khi xây dựng được sự đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn, vốn có nhiều khác biệt.

Thật ra, việc thánh Đa Minh đối thoại với anh em không phải là một giải pháp mang tính nhất thời của ngài, nhưng từ ban đầu, ngài đã chọn con đường này. Sau khi được Đức Innocent III gợi ý về việc chọn một tu luật đã có sẵn, thánh Đa Minh không vội vàng quyết định ngay, dù cho ngài đã thấm nhuần tinh thần của bản luật thánh Âu Tinh từ khi còn là một kinh sĩ giáo phận Osma. Ngài kiên nhẫn quay trở về Prouilhe, quy tụ anh em lại. Mười sáu anh em được sai đi ngày 15/8/1217 chính là những anh em đã cùng với thánh nhân đối thoại, phân định, và cuối cùng thống nhất chọn tu luật thánh Âu Tinh.

Noi gương vị tổ phụ và để gìn giữ công trình độc đáo của ngài, cộng đoàn Đa Minh qua các thế hệ đã luôn và sẽ mãi lựa chọn con đường của sự đối thoại trong khi kiến tạo tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Việc đối thoại trong cộng đoàn không nhằm xác định người nào đúng, và do đó, người đó sẽ thắng; việc đối thoại đượm tình huynh đệ hướng đến điều cao cả hơn, là giúp mỗi anh em trong cộng đoàn cùng với nhau phân định đâu mới là điều mà thiện ích của cộng đoàn đang đòi hỏi. Kinh nghiệm đối thoại của thánh Đa Minh còn cho thấy, đối thoại cần nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Đôi khi, đối thoại không mang lại sự hiệu quả trong công việc, nhưng lại được con người. Đối thoại như thế mới là đối thoại huynh đệ, là đối thoại cứu độ.

Ôi sự thất bại lạ lùng! Nhờ cha chấp nhận thất bại, mà đoàn con được nên anh em giảng thuyết với nhau.

[1] “Sắc chiếu phong thánh của Đức Grêgôriô IX”, Chân dung thánh Đa Minh qua các nhân chứng, Học viện Đa Minh, 2013, tr.149

[2] “Sắc chiếu phong thánh của Đức Grêgôriô IX”, Sđd, tr.149

[3] X. Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, Tập 2, Học viện Đa Minh, 2012, tr.34

[4] Dẫn lại trong Hiến pháp nền tảng, số 2

[5] Xt. Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh,tr.27-39 về vai trò của anh trong buổi đầu thành lập Dòng và thế giá của anh trong việc làm chứng phong thánh cho cha Đa Minh.

[6] Chân dung thánh Đa Minh theo các nhân chứng, tr.71-72.

[7] X. Donald J. Goergen, O.P., Chuyện về một nhà giảng thuyết (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2016), tr. 153.

[8] SHC, số 405.

[9] Về chức vụ này, xt. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2016, tr. 199.

[10] Hiến pháp Nền tảng, số 7.

[11] Hiến pháp nền tảng, số 1

[12] Tuy nhiên, phải ghi nhận, vẫn có một số anh em trợ sĩ có khả năng học tốt. Theo lời chứng của anh Gioan Navarre, ngoài anh ra, có thêm sáu anh em khác, trong đó có anh Oderius Normannus, một trợ sĩ được sai đến Paris để học hành, giảng thuyết và lập tu viện. Chính thánh Đa Minh đã chọn một anh trợ sĩ, cũng tên Gioan, đi theo mình trong những hành trình lập tu viện và tổ chức Dòng. Tục gọi vai trò đó là socius, danh từ sau này được dùng để chỉ các vị phụ tá của Bề trên Tổng quyền. Anh Gioan sau này còn được Tòa Thánh tin tưởng sai sang truyền giáo ở châu Phi. Xt. Phan Tấn Thành, Sđd, tr.121-122

[13] Về sự ảnh hưởng của dòng Grandmont đối với cha Đa Minh, x. Guy Bedouelle, Thánh Đa Minh – Ân sủng Lời Chúa, Tủ sách Đại Kết, 1992, tr.244-249

[14] Guy Bedouelle và Alain Quilici, Anh em giảng thuyết hay Anh em Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2005, tr.183

D D

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com