__Phaolô Nguyễn Nguyễn Thành Trung__
Những tiếng chuông ngân lên theo từng khoảnh khắc trong ngày, đi vào trong tâm thức để nhắc nhở bản thân. Xin cho bản thân tôi biết quý trọng từng giây phút sống để sống trọn vẹn, ý nghĩa, và tạo những khoảng lặng trong ngày để “tâm sự” với Chúa.
Thời gian mỗi ngày chỉ có 24 giờ, mỗi giờ chỉ có 60 phút, mỗi phút có 60 giây,…
Vịnh Cái chuông
Gióng tiếng chuông vang quyện tiếng lòng
Ngợi mừng ca tụng Chúa uy phong
Tháng năm lo lắng tìm Mục tử
Khuya sớm ân cần đếm chiên đông
Gặp cảnh tang oan cùng khóc lóc
Khí thời dịch tễ quyết khai phòng
Điểm tô đại lễ muôn âm vọng
Thánh thót trầm hùng quản long đong
Bài thơ trên nguyên văn bằng Latin: Laudo Deum, plebem voco, congrego clerum, defunctos ploro, pestem fugo, festa decoro, mô tả sáu vai trò của tiếng chuông: ca ngợi Chúa, kêu gọi dân chúng, triệu tập giáo sĩ, thương khóc người chết, đuổi xa dịch tễ, thông báo lễ lạc.
Trên đường đời, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng có những phút dừng lại để ngoảnh nhìn chặng đường đã qua, và thấy rằng thời gian trôi đi thật nhanh và chúng ta đang thay đổi từng ngày. Mới ngày nào còn là một chú giúp lễ hằng ngày ‘chạy sô’ giúp lễ ở ba nhà thờ và hai nhà nguyện, hằng tháng còn tham gia buổi sinh hoạt ngoại trú tại Thỉnh viện, nay tôi đã chính thức là một thành viên của ngôi nhà này. Điều đầu tiên tôi tập làm quen với nếp sống Thỉnh viện là tiếng chuông.
Tiếng chuông ban mai
Sau đêm năm canh, tiếng chuông ban mai vang lên đánh thức cả cộng đoàn, tôi cùng với anh em thỉnh sinh khởi đầu một ngày mới tại nhà nguyện. Phút viếng Thánh Thể và giờ Kinh sáng là lúc tôi và cộng đoàn cùng nhau dâng lên Chúa một ngày mới và cầu xin Chúa giúp chúng tôi biết hành động theo thánh ý Người. Trong Thánh lễ đầu ngày, đặc biệt qua việc hiệp thông Thánh Thể, anh em được nối kết khăng khít với Thiên Chúa và với nhau nhiều hơn.
Tiếng chuông học hành
Việc học rất quan trọng. Nhờ học mà ta có những kiến thức cuộc sống cần thiết, và hơn hết là nhận biết Thiên Chúa. Học là quá trình tiếp xúc, bổ sung, trau dồi kiến thức, hay nâng cao từ kiến thức có sẵn. Học không phải để trả bài trên lớp hay vượt qua các kỳ thi. Việc học luôn sống động, thánh thiêng. Vì khi học, tôi luôn cố gắng hóa thân, đặt mình vào điều mình học. Nhờ đó, tôi cảm thấy hứng thú, thậm chí xúc động với những gì mình học, và cảm nhận điều mình học tác động vào chính đời sống của mình. Việc học cảm hóa và biến đổi ta thành con người mới, thánh thiện, và gần gũi với Thiên Chúa. Bên cạnh những sự nỗ lực, chăm chỉ của bản thân, chúng ta còn cần đến ơn Chúa, được ban xuống nhờ Chúa Thánh Thần. Vì thế, trước các giờ học, chúng ta làm dấu, đọc Kinh Sáng Soi hoặc hát Kinh Chúa Thánh Thần… để xin Chúa soi lòng mở trí cho ta và học cùng ta. Đồng thời, việc thánh hóa trước giờ học còn khẳng định rằng việc học phải được xuất phát và kết thúc trong Thiên Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma Aquinô, OP đã nói: “Tôi học được từ dưới chân thánh giá hơn là từ sách vở”.
Mong muốn trở thành một người Đa Minh, chính bản thân tôi luôn lấy câu “Với tất cả tâm tình, hãy trau dồi khôn ngoan, đường lối của khôn ngoan, hãy gắng công tuân giữ” (Hc 6,26) làm kim chỉ nam trong đời sống học hành của chính mình. Đó là động lực để tôi thăng tiến hơn từng phút, từng ngày, và để sống cho trọn vẹn, ý nghĩa mỗi khi ngồi nơi bàn học.
Vì tương lai của Dòng, chính bản thân của mỗi thỉnh sinh Đa Minh cần phải luôn luôn học hỏi, luôn luôn phải canh tân.
Tiếng chuông cầu nguyện
“Lạy Chúa, ước chi lời con nguyện
tựa hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan,
và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều.” (Tv 141,2)
Cầu nguyện là việc đối thoại với Thiên Chúa một cách trung thành và chân thực. Khi cùng cộng đoàn cử hành Giờ Kinh Phụng vụ, tôi dành những giây phút thinh lặng để lắng nghe Thánh ý của Người qua những lời Thánh Ca, Thánh Vịnh, Lời Chúa, Xướng Đáp và những lời khẩn cầu của Hội thánh. Thánh Tôma Aquinô nói: “Cầu nguyện phải là hơi thở của linh hồn”. Khi được gắn chặt vào Thiên Chúa, những sự tốt lành nơi cá nhân mới thật sự được triển nở. Mỗi khi cầu nguyện, tôi tiến bước và gặp được Thiên Chúa trong nội tâm và trong cuộc sống của mình. Còn nếu tôi xem nhẹ và vứt bỏ đời sống cầu nguyện, thì tôi cách xa nguồn tình yêu, rơi vào tình trạng trống rỗng, bởi đã không đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.
Lời kết
Qua mỗi tiếng chuông, qua mỗi phút sống, chúng tôi đang cùng nhau tập sống nếp sống cộng đoàn mà vị Tổ phụ và các anh em tiên khởi đã hình thành nên. Đời sống cộng đoàn giúp chúng tôi trao tặng chính mình và nối kết với người khác. Chính đời sống này cho chúng tôi sức mạnh để tiến bước trong hành trình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Những tiếng chuông ngân lên theo từng khoảnh khắc trong ngày, đi vào trong tâm thức để nhắc nhở bản thân. Uớc chi bản thân tôi biết tìm ra những điểm dừng trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm, để tiếp thêm nhiên liệu, để nghỉ ngơi, và để có sức đi tới cùng đích là chính Chúa.
Xin cho bản thân tôi biết quý trọng từng giây phút sống để sống trọn vẹn, ý nghĩa, và tạo những khoảng lặng trong ngày để “tâm sự” với Chúa.