[ĐMX73] Chiếc Lá Sala Và Chuyện Tôi Kể

05-06-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3690 lượt xem

_Gioakim Phạm Đức Quỳnh_
Chiếc lá non được mời gọi sống yêu thương, nhẫn nại, phục vụ; nhưng không phải bằng sức mạnh của riêng mình, mà là sức mạnh từ nơi Chúa qua những người anh em trong cộng đoàn.

Việc được sinh ra trên đời là hồng ân diệu vợi Thiên Chúa ban cho chúng ta. Dù rằng mỗi người chỉ là một phần nhỏ bé, nhưng chúng ta lại được mời gọi sống bên nhau để làm nên những điều ‘vĩ đại’ cho người và cho đời.

Không gian sớm tĩnh lặng, anh em Thỉnh sinh nối dài bầu khí của Thánh lễ mùa Vọng vừa cử hành trong ít phút suy gẫm riêng. Mặt trời ló rạng, mọi vật trong tu viện thánh Vinh Sơn Liêm như được đánh thức sau một giấc ngủ dài, mỉm cười chào đón bình minh. Tất cả đều sẵn sàng để bước vào nhịp sống thường nhật hứa hẹn nhiều điều lý thú và ý nghĩa.

Câu chuyện của lá

Sau giờ điểm tâm sáng, anh em chúng tôi bắt tay vào công việc. Tuần này, tôi được cộng đoàn giao nhiệm vụ quét sân cùng với bốn anh em khác. Có lẽ, khi cùng anh em thực hiện công việc, tôi có chút thời gian để ‘một cõi riêng tư’ với mọi cảnh vật trong khuôn viên tu viện. Nằm lặng lẽ phía trước tiền sảnh của Thỉnh viện, cây sala có lẽ đang vương vấn chút tương tư. Khi đất trời đang dần dà chuyển mình với những cơn gió cuối đông, những chiếc lá sala non trên cành bắt đầu vươn lên từ những cành cây và đón lấy những tia nắng mặt trời ấm áp. Một chiếc lá non vừa vươn mình và đó là lần đầu tiên nó được ngắm nhìn ánh dương hồng, rồi nó chợt thốt lên: “Ôi chao, mặt trời thật đẹp biết bao, mình muốn được tỏa sáng rực rỡ như vậy!”.

Mặt trời nhìn chiếc lá trả lời: “Bạn chỉ là một chiếc lá thôi, không bao giờ có thể tỏa sáng được như ta đâu!”.

Chiếc lá thất vọng, nhưng sau đó nó nhìn lên bầu trời và rồi lại ao ước: “Bầu trời trong xanh kia mới bao la, rộng lớn biết bao, mình muốn được rộng lớn như bầu trời vậy”.

Nhưng bầu trời cũng nhìn chiếc lá và nói: “Bạn chỉ là một chiếc lá, không bao giờ có thể rộng lớn như ta được đâu”.

Chiếc lá một lần nữa thất vọng, rồi nó hỏi lại cây: “Cây ơi, liệu một chiếc lá có làm được điều gì vĩ đại không ?”.

Cây lắc đầu trả lời: “Không thể đâu lá ơi, chỉ riêng một chiếc lá thì không làm được điều gì vĩ đại cả. Hãy cố gắng sống hết mình bên những lá khác, bạn sẽ làm được điều vĩ đại đó. Tin tôi đi”.

Chiếc lá non như có gì đó không vui, nó ngước nhìn mặt trời, bầu trời rồi lại nhìn cây đại thụ…

***

Câu chuyện của chiếc lá mang lại những suy ngẫm cắt ngang lòng tôi trong khi tay vẫn tiếp tục với cây chổi. Thỉnh sinh chúng tôi như thể chiếc lá non đang bắt đầu chớm nở và bung mình ra để đón ánh mặt trời chân lý nơi bác đại thụ là gia đình Dòng. Tuy nhiên, nếu không được sống cùng những chiếc lá khác, liệu rằng chiếc lá có thể tồn tại và tỏa bóng mát cho người và cho đời? Hình ảnh đó cho tôi những cảm nghiệm sâu sắc về giá trị của cộng đoàn trong đời dâng hiến: Chiếc lá sẽ trở nên vô dụng nếu lẻ loi một mình trên tán cây, nhưng nó sẽ được trân trọng nếu cùng với những chiếc lá khác vươn mình tỏa bóng mát.

Mùa hè đến

Chiếc lá non bắt đầu biết trổ lên màu xanh của hi vọng, của sự sống. Chiếc đồng hồ thời gian cứ thế quay đều, mùa xuân qua đi, nhường chỗ lại cho mùa hè với những tia nắng rực rỡ. Chiếc lá non ngày nào giờ đã trưởng thành. Cởi bỏ chiếc áo xanh non trẻ, chiếc lá khoác trên mình bộ áo xanh trưởng thành. Vẫn như mọi ngày, chiếc lá ngước nhìn lên bầu trời, đôi mắt thể hiện sự ngưỡng mộ và ao ước. Chợt từ đâu một cơn gió thổi tới, chiếc lá nhìn cơn gió một lúc rồi ngại ngùng hỏi: “Anh gió, anh cứ đi đi về về mãi vậy, anh không thấy mệt mỏi sao?”

Gió mỉm cười và trả lời: “Không, tôi không bao giờ mệt cả, bởi mỗi khi tôi mệt mỏi, tôi đều dừng lại nghỉ trên một chiếc lá như cậu đây”.

Chiếc lá ngạc nhiên vì câu trả lời đó, nhưng vì tò mò về hành trình của cơn gió, nên lại hỏi: “Vậy các anh đã đi được đến những đâu?”.

“Chúng tôi đã đi đến tất cả mọi nơi, bất cứ nơi đâu mà chúng tôi thích, chúng tôi giúp mang hương thơm của những bông hoa đi tới nơi xa nhất có thể”.

Gió hào hứng kể cho lá nghe về những nơi gió từng đi qua, về những việc gió đã làm. Chiếc lá chăm chú lắng nghe và tất nhiên nó cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau khi tự hào thuật lại những chuyến đi thú vị đó, cơn gió nói với chiếc lá: “Thôi nào lá, hãy tiếp thêm sức lực cho tôi đi…” Chiếc lá hiểu ý, nó liền cùng với những chiếc lá khác gồng hết sức mình đẩy cơn gió đi thật xa.

***

Sống nhờ chất dinh dưỡng của bác cây đại thụ đó là gia đình Dòng, mọi ‘chiếc lá’ luôn mang trong mình khát vọng là đưa được ‘cơn gió chân lí’ đi thật xa, tỏa bóng mát đến với thật nhiều người. Nhưng, mỗi chúng ta lại chỉ là một chiếc lá nhỏ bé, làm sao có đủ sức mạnh để đưa cơn gió tới nhiều người được? Ấy mới thấy được sức mạnh của sự đồng tâm nhất trí trong đời sống cộng đoàn, nó giúp chúng ta có thêm sức mạnh để có thể thu lượm được nhiều thành quả, từ đó ‘cơn gió chân lí’ sẽ được đưa đi thật xa, làm mát dịu nhiều tâm hồn, đặc biệt là những tâm hồn đang phải sống trong ‘nóng nực’ của đau khổ, của hận thù, của nghèo đói,… Hơn nữa, sự hiệp nhất ấy chính là bệ phóng tuyệt vời để mỗi người trong cộng đoàn có thể phát huy được khả năng của mình. Trong Tin Mừng, dưới ngòi bút của thánh Matthêu, chúng ta bắt gặp lời giáo huấn của Đức Giêsu về tình hiệp nhất: “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại” (Mt 12,25). Tuy nhiên, sự hiệp nhất đó không mù quáng, hay không có cơ sở, mà hướng đến việc đạt được công ích qua việc đối thoại, thậm chí là tranh luận. Khi đặt công ích trở nên ‘kim chỉ nam’, mọi thành phần trong cộng đoàn ấy sẽ được tham dự vào một dự phóng tông đồ chung. Năm 1216, khi thỉnh cầu Đức Honorio III châu phê Dòng, thánh Đa Minh đã xin có một hiệu chỉnh nơi bản văn: đó là thay từ praedicantes (người đang giảng) bằng từ praedicatores (nhà giảng thuyết). Như thế, trước hết sứ vụ của tu sĩ Đa Minh không hệ tại ở việc làm, nhưng qua việc tu sĩ đó là ai. Tu sĩ Đa Minh, họ là những nhà giảng thuyết. Mà điều căn cốt nhất để làm nên một nhà giảng thuyết đó chính là cùng sống nếp sống hiệp nhất, được diễn tả cụ thể qua bốn chiều kích: học hành, đời sống cộng đoàn, phụng vụ và sứ vụ. Qua việc sống trọn vẹn các chiều kích ấy, người Đa Minh nên một trong Đức Kitô là thân nho và với anh em trong cộng đoàn là cành nho, tất cả cùng bám chặt vào thân để múc lấy dinh dưỡng cho đời tu của mình. Nơi hoa trái của tình hiệp nhất huynh đệ trổ sinh, không thể nào không nhắc đến Chúa Thánh Linh, Đấng đã khơi dậy tinh thần nên một nơi mỗi người.

Chắc hẳn không phải là sự nên một như bó đũa cột lại; cũng không như hai người bạn đi đường cùng nhau, nhưng hướng lợi ích riêng của mình; càng không phải là sự hiệp nhất “giả tạo”: cố nhịn nói, cố tránh va chạm để cho đẹp bề ngoài. Sự hiệp nhất chúng ta hướng tới là nên một trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Sống hiệp nhất như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21) có một sức mạnh rất đặc biệt cho việc thực thi sứ vụ giảng thuyết.

Trong những ngày mùa thu

Những hạt mưa cuối hè từ trên trời đổ xuống thật đẹp mắt. Chiếc lá lúc này có lẽ mang trong mình đầy ắp niềm vui, nó nâng niu những hạt mưa ấy và bắt đầu trò chuyện: “Thật là kì diệu, các bạn từ trên bầu trời kia bay xuống đây sao? Các bạn là ai vậy?”.

Những hạt mưa đang vui đùa trên những tán cây trả lời: “Phải rồi đấy lá ơi, bọn mình bay từ trên trời xuống đây, bọn mình chính là những hạt mưa”.

Chiếc lá hỏi mưa: “Làm cách nào các bạn có thể bay xuống đây được vậy?”

Những hạt mưa bắt đầu kể cho lá nghe về câu chuyện lí thú của mình. Sau đó, những hạt mưa bốc hơi lên thành mây, lờ lững trôi đi khắp nơi, ngắm nhìn mọi cảnh vật ở vị thế cao nhất. Mưa thật tuyệt vời, chính nhờ có mưa mà mọi sinh vật mới có nước để mà sống.

Sau khi kể xong câu chuyện của mình, những hạt mưa rời khỏi lá và rơi xuống đất. Chiếc lá nhìn theo, trong lòng cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và ghen tị. Tại sao nó lại sinh ra chỉ là lá, mà không phải gió, hay những hạt mưa, và có cuộc sống như của họ thật ý nghĩa biết bao?

Đang chìm trong suy nghĩ thì chợt phía dưới bỗng vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ của những cây cỏ dại: “Anh lá ơi, cám ơn anh nhé! Anh quả là vĩ đại!”

Chiếc lá giật mình nhìn xuống phía dưới, nó vô cùng ngạc nhiên, liền hỏi lại: “Các bạn nói sao cơ, tôi vĩ đại ư? Tại sao chứ? Tôi không rực rỡ như mặt trời, và tôi cũng chẳng được to lớn như bầu trời kia. Tôi chỉ là chiếc lá bé nhỏ mà thôi”.

Những cây cỏ phía dưới đáp lại: “Anh không to lớn như bầu trời, anh chỉ là một chiếc lá nhỏ bé, nhưng anh đã che chở cho tất cả chúng tôi. Anh che chắn cho chúng tôi khỏi ánh nắng mặt trời mùa hè, đỡ những hạt mưa từ trên trời rơi xuống, giúp chúng tôi không bị mưa làm dập nát. Anh tiếp thêm sức lực cho gió, giúp gió mang hương thơm từ những loài thảo mộc như chúng tôi đến khắp mọi nơi. Đối với chúng tôi, anh là người vĩ đại nhất”.

***

Trên một cành cây, dù cho có cả trăm vạn chiếc lá, nhưng không có lá nào giống lá nào. Đến chiếc lá vô tri kia còn phảng phất đâu đây sự khác biệt huống chi là con người – thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng với lí trí và khả năng điều khiển hành vi của mình. Chính vì những khác biệt ấy mà đời sống chung dần nảy sinh những khó khăn. Trong cộng đoàn, nhiều khi mỗi người cũng như chiếc lá kia, chỉ biết ngước nhìn rồi than thân trách phận: Tại sao không được làm mặt trời, bầu trời, cơn gió hay hạt mưa để dễ dàng trở nên vĩ đại? Chính điều ấy hình thành thói quen đổ lỗi, không bao giờ biết nhận trách nhiệm về bản thân. Khi hành động như vậy, mỗi người không còn biết sống cho người khác, chỉ biết lo vun vén lợi ích bản thân. Thử hỏi, nếu những người cùng quy tụ để sống chung một nếp sống chỉ biết lo cho đời sống riêng của mình, chẳng đoái hoài gì đến người khác, thì đời sống ấy có còn được gọi là cộng đoàn nữa chăng? Một cộng đoàn thực sự là khi mọi người trong cộng đoàn ấy sống mối tương quan được dệt nên bằng sự phục vụ, yêu thương, và nâng đỡ. Bằng không, đó chỉ là một dạng ký túc xá, nơi người ta chỉ sống gần với nhau, nhưng không gắn kết với nhau. Có thể dễ dàng liệt kê một danh sách thật dài những yếu tố tạo nên sự khác biệt nơi mỗi người trong cộng đoàn: tuổi tác, trình độ, cách nhìn nhận một vấn đề, công việc,… Dù có nhiều khác biệt, nhưng trong cộng đoàn ấy, nếu mỗi người biết ‘cháy’ hết mình trong bổn phận, thì mọi khác biệt xem ra không còn là vật cản cho sự phát triển của cộng đoàn. Khi ấy, mỗi người sẽ cảm nhận được lời khen của những cây cỏ với chiếc lá vang lên tự sâu thẳm cõi lòng:“Anh lá ơi, cám ơn anh nhé! Anh quả là vĩ đại”. Thánh Máctinô, một con người suốt cuộc đời chỉ làm những công việc ra như ‘tầm thường’, nhưng ngài đã gửi gắm vào đó một tình yêu. Cuộc đời của thánh nhân khơi dậy nơi con người ý thức về điều cao cả nơi những thực tại xem có vẻ như tầm thường.

Mặt khác, khi sống với con tim quảng đại, hoa trái của khiêm nhường sẽ trổ sinh để lấp đầy những khoảng cách, xóa nhòa những khác biệt. Cha Humbert Romans, O.P. từng kể lại câu chuyện về một anh em tên là Giles, người ở cùng tu viện Paris với cha. Anh là một người có học thức và có uy thế cao ở ngoài đời. Tuy nhiên, khi về với anh em trong tu viện, anh luôn sẵn sàng phục vụ cộng đoàn. Anh tốt đến mức mỗi khi anh em khác đi học, anh đã đi vào phòng lau chùi tất cả những gì nhơ bẩn. Bất cứ lúc nào một ai đó cần giúp đỡ, anh đều mau mắn gác lại mọi công việc và hiện diện với họ trong nét mặt vui tươi và sẵn sàng. Qua những cư xử thân tình ấy, anh đã truyền cho các anh em khác lòng yêu mến Dòng, đến mức các tập sinh khi bị cám dỗ bỏ Dòng đã đến với anh và sau đó tìm được niềm an ủi và tiếp tục ơn gọi của mình. Thánh Tôma Aquinô, nhà thần học vĩ đại khi nhìn lại công trình của đời mình, đã thốt lên: “Tất cả chỉ là rơm rác so với mầu nhiệm cao siêu, sự cao cả và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Thời gian ơi…

Mùa thu đã đến cũng là lúc chiếc lá đã già, nó không còn xanh tươi như trước nữa. Nó nghĩ về những tháng năm mà mình đã sống, nhìn lại những việc mình đã làm, và rồi nó cảm thấy tự hào lắm. Dòng thời gian lại tiếp tục, mùa thu qua đi, và giờ thì mùa đông đã đến. Hơi thở lạnh lẽo của mùa đông kề sát chiếc lá, nó lặng lẽ buông mình lìa cành. Nó cảm thấy thật cô đơn, nó cảm thấy thời gian của nó thật sự đã sắp hết, nó thật sự đã chẳng thể làm được gì nữa. Nhưng nó vẫn không ngừng suy nghĩ, nó vẫn băn khoăn. Về điều gì đó, phải chăng là về cuộc sống? Chiếc lá nhìn những cây cỏ đang co lại ngủ dưới mùa đông lạnh giá, rồi nó nhìn lên những cành cây xơ xác, nơi mà trước đây nó đã ở. Rồi như chợt phát hiện ra điều gì, chiếc lá ngây ngô nhìn cành cây, rồi nó như chợt hiểu ra, lần này nó tin nó đã biết được ý nghĩa thật sự của cuộc đời, nó nằm đó, và quyết tâm chờ đợi.

Mùa xuân đã sang, trên cành cây, những chiếc lá non vừa vươn ra trước ánh mặt trời. Một chiếc lá non hỏi cây: “Bác cây ơi, liệu một chiếc lá có làm được gì vĩ đại không ạ?”

Cây vừa định trả lời thì có một giọng nói yếu ớt vang lên: “Chúng ta sinh ra là để cùng nhau làm nên những điều vĩ đại”.

Tất cả cùng ngạc nhiên nhìn xuống phía dưới. Mùa đông đã qua đi, nhưng vẫn còn một chiếc lá héo úa trụ lại được đến giờ phút này. Nói xong, chiếc lá nở nụ cười mãn nguyện và trút hơi thở cuối cùng.

***

Có lẽ còn quá sớm để có thể nhìn tới giai đoạn ‘lá rụng’. Nhưng đây là cơ hội để chiếc lá non của hiện tại nhìn lại từng chặng đường đã qua, bởi mỗi chặng đường là một lần chiếc lá dâng câu cảm tạ. Chiếc lá non được mời gọi sống yêu thương, nhẫn nại, phục vụ; nhưng không phải bằng sức mạnh của riêng mình, mà là sức mạnh từ nơi Chúa qua những người anh em trong cộng đoàn. Thời gian trôi đi, chiếc lá non thấy có những việc làm đẹp lòng Chúa, nhưng cũng không ít lần chiếc lá non chưa sống vâng theo Thần Khí, chưa sống theo sự tự do của con cái Thiên Chúa. Nhìn lại chặng đường đã qua để dâng lên Chúa lời tạ ơn, nhìn lại để từ đó bước vững vàng hơn; từ đó, chiếc lá non tìm được sự bình an, quân bình, nhẫn nại, tìm được niềm vui trong sự tự do của của con cái Thiên Chúa, khi để cho Thần Khí tác động; biết sống một tình yêu như Chúa đã yêu, là sẵn sàng đi bước trước để minh chứng cho tình yêu, bởi tình yêu đi bước trước là một tình yêu quảng đại. Qua đó, chiếc lá non đang góp phần mình đẩy lui bóng tối của sự xấu, xây dựng trời mới đất mới, đưa lời chân lý đến với muôn người, nhờ đó con người gặp được Thiên Chúa, Đấng cho muôn người được sống và sống dồi dào. Bước theo Chúa trong đời tu không phải là đi trên con đường mới, không dấu vết hay bảng chỉ đường, nhưng là bước theo lối cũ nhiều người đã từng đi qua. Với chiếc lá non, ngoài việc bước theo dấu chân của cha anh, còn là học sống cùng và sống với những người anh em đang đồng hành với mình. Như cậy, chiếc lá non an tâm tiến về phía trước trong niềm hi vọng, để khi hành trình kết thúc, để khi đến ngày phải lìa cành, trở về lòng đất mẹ, chiếc lá non có thể tự hào cất lên những lời của vị tông đồ Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong trận đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (Tm 4,7).

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com